Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
20:43 (GMT +7)

Nhà văn hóa tổ nhân dân – góc nhìn kiến trúc

VNTN - Nhà văn hóa tổ nhân dân (tổ dân phố) là một thực thể nằm trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động của hệ thống tổ nhân dân. Công trình mang đến nhiều tiện ích, song lại chưa thực sự được quan tâm đầu tư, xây dựng đúng chuẩn về công năng và hình thức. 

Những bất cập hiện hữu  

Thành phố Thái Nguyên hiện có 32 đơn vị hành chính bao gồm 19 phường, 8 xã với diện tích hiện tại là 170km2 cùng với số dân khoảng 31,7 vạn người. Ngày 20/12/2016 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Thành phố Thái Nguyên, để thực hiện quy hoạch này, sắp tới thành phố sẽ điều chỉnh địa giới hành chính bao gồm thêm các đơn vị hành chính gồm các xã: Đồng Bẩm, Linh Sơn, Huống Thượng, Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ), Sơn Cẩm (huyện Phú Lương), Đồng Liên (huyện Phú Bình). Thành phố sẽ có diện tích lên đến 222km2 với 21 phường, 11 xã và số dân khoảng 36,3 vạn người.

Kiến trúc vẫn nghèo nàn, đơn điệu

Nhà văn hóa tổ nhân dân là một thực thể nằm trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở. Toàn thành phố Thái Nguyên hiện tại có 606 tổ nhân dân là cơ cấu hệ thống tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, mặc dù vai trò nhà văn hóa là vô cùng quan trọng trong hoạt động của hệ thống tổ nhân dân, nhưng thực tế cho thấy không phải tổ nhân dân nào cũng có nhà văn hóa. Số nhà văn hóa hiện nay rất thiếu, nhất là nhà văn hóa tại các tổ dân phố thuộc các phường Quang Trung (có 22 nhà văn hóa trên 39 tổ); phường Hoàng Văn Thụ (có 15 nhà/33 tổ); phường Phan Đình Phùng (có 23 nhà/ 40 tổ). Số nhà văn hóa ở các xã còn thiếu khoảng 10%, còn tại các phường tính bình quân thiếu đến  30%.

Về vấn đề quản lý nhà văn hóa, do chưa có một quy chế mẫu, nên việc quản lý nhà văn hóa còn nhiều lúng túng, cụ thể từ công tác bảo trì, bảo hành công trình, đến việc kinh phí thu, chi để bảo đảm hoạt động của nhà văn hóa; lúng túng trong việc xã hội hóa hoạt động, huy động, mức hỗ trợ ngân sách để phục vụ hoạt động của nhà văn hóa.

Về điều kiện hoạt động nhà văn hóa, phần lớn đều thiếu thốn trang thiết bị: cụ thể như bàn ghế họp, thiếu hệ thống âm thanh hoặc có nhưng không đồng bộ. Để hoạt động hiệu quả, việc đầu tư thiết bị rất quan trọng, có lẽ nó còn quan trọng hơn cả hệ thống khẩu hiệu rực rỡ treo dọc khắp các tuyến đường trong tỉnh. Với số lượng lớn nhà văn hóa trên địa bàn, phương án khả thi và phù hợp rất cần sự quan tâm về ngân sách và sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, của doanh nghiệp trên địa bàn.

Về mặt thiết kế nhà văn hóa, thực tế cho thấy, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên thiết kế phần lớn là chưa bài bản; kiến trúc công trình nghèo nàn, đơn điệu. Từ quy hoạch tổng mặt bằng đến thiết kế các hạng mục công trình, dẫn đến sự bất hợp lý, đôi khi lãng phí đất, khi có các nội dung sử dụng theo yêu cầu thực tế thì không đáp ứng được (ví dụ: tổ chức sân bãi thể dục thể thao, chỗ để xe, cây xanh...). Trừ một số công trình có thiết kế và làm theo thiết kế thì phần lớn là do chủ quan lãnh đạo tổ hoặc ban quản trị nhà văn hóa tự thiết kế, nhờ một đơn vị pháp nhân đóng dấu, cấp phép xây dựng. Quá trình xây dựng biến tấu theo ý mình, nên tạo hình ảnh chủ đạo là một nhà cấp 4 có 5 gian, 1 thò, 4 thụt đơn điệu, không mấy hấp dẫn. Nội thất chỉ bố trí một phòng họp, một sân khấu, một kho. Phần lớn nhà văn hóa không có khu WC (nhà vệ sinh). Nếu xác định đây là một công trình văn hóa, thì hình thức kiến trúc cần thực sự quan tâm, nhằm tạo ra những hình ảnh tiêu biểu về kiến trúc mang chất địa phương cao.

Về quỹ đất xây dựng nhà văn hóa tổ nhân dân ở các xã nông thôn thì khá hơn. Diện tích đất cho xây dựng công trình còn tương đối thỏa đáng. Theo thống kê, tại các xã thuộc thành phố Thái Nguyên, diện tích đất dao động từ 600 - 1800 m2. Ở các phường, nhiều tổ dân phố ít có cơ hội để dành một diện tích đất cho xây dựng nhà văn hóa. Ở những tổ dân phố có nhà văn hóa, diện tích dao động chỉ từ 150 m2 đến cao nhất là 700 m2, bình quân 350m2/nhà văn hóa. Vì vậy, rất cần một quy hoạch tốt, một thiết kế tốt để khai thác hiệu quả quỹ đất, phát huy cao nhất công suất, khai thác hiệu quả hoạt động của nhà phục vụ sinh hoạt cộng đồng của dân cư tổ nhân dân.

Giải pháp từ góc nhìn kiến trúc

Vừa qua, Hội KTS Thái Nguyên đã tiến hành khảo sát một số nội dung về thực tiễn sử dụng nhà văn hóa tổ nhân dân trên địa bàn, thấy rằng về mặt công năng, nhà văn hóa tổ nhân dân được coi như một ngôi nhà công cộng. Là nơi tổ chức hội họp, tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước, họp triển khai nhiệm vụ chính sách kinh tế - xã hội của địa phương. Sinh hoạt tại nhà văn hóa thực sự đã tạo cầu nối giữa chính quyền và nhân dân; nhà văn hóa còn là nơi phổ biến kiến thức xã hội, khoa học kỹ thuật... của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội...; nơi tổ chức ngày bầu cử các cấp tại địa phương, nơi giao lưu giữa các tổ chức: Phụ nữ, các CLB thơ, Cựu chiến binh... thuộc tổ; nơi tổ chức họp Chi bộ tổ dân phố, họp cấp ủy với nhân dân trong tổ... Nhà văn hóa còn là nơi giao lưu văn hóa, nghệ thuật quần chúng của nhân dân, nơi sinh hoạt của thiếu niên, nhi đồng trong dịp hè…

Qua rất nhiều công năng tiện ích, có thể thấy nhà văn hóa tổ nhân dân cực kỳ quan trọng. Để triển khai các hoạt động trên, qua thực tiễn số liệu khảo sát, lấy ý kiến của lãnh đạo các tổ nhân dân, của cộng đồng đã có đánh giá chung là công suất hoạt động của nhà văn hóa hiện có chỉ đạt xấp xỉ 50%, chủ yếu hoạt động của nhà văn hóa là phục vụ các mục đích trên với thời gian định kỳ, còn lại là đóng cửa, không hoạt động. Trừ một số nhà văn hóa có sân cầu lông, bóng bàn, có sân cỏ nhân tạo, không gian tận dụng phục vụ các hoạt động kinh doanh về văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe. 

Nhà văn hóa "cũ" cả về công năng sử dụng lẫn hình thức

Thực tiễn cho thấy nhiều nhà văn hóa hiện có diện tích dành cho mục đích kinh doanh, làm nơi chăm sóc sức khỏe, tập dưỡng sinh, tập võ... Việc này cũng có mặt tích cực là tạo nguồn thu cho hoạt động nhà văn hóa, tạo sự thu hút và tận dụng cơ sở vật chất khiến hoạt động nhà văn hóa được thường xuyên, liên tục, không có thời gian chết. Về mặt luật pháp, theo quy định về chức năng của nhà văn hóa - khu văn hóa không có nội dung kinh doanh. Với lợi thế của nhà văn hóa thông thường ở vị trí thuận lợi về giao thông, có diện tích đất, nên chăng cho phép lựa chọn hình thức kinh doanh, nếu kinh doanh phục vụ sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp... càng tốt. Tuy nhiên, mọi hoạt động kinh doanh nếu có cũng không được phép làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà văn hóa. Vấn đề này cần đưa vào nội quy của nhà văn hóa để nhân dân kiểm tra.

Việc quy hoạch đất nhà văn hóa tổ nhân dân được xác định là một thực thể quan trọng trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, nên cần đưa vào quy hoạch bắt buộc trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu dân cư khi lập và duyệt đồ án quy hoạch; phải được thể hiện ở cơ cấu sử dụng đất và quy định quản lý trong đồ án quy hoạch khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Chúng ta nên tổng kết mẫu nhà văn hóa tổ nhân dân, đưa ra mẫu đạt được các tiêu chí, mục tiêu hoạt động của công trình. Tuy nhiên, mẫu chỉ nên quy định khung các thành tố cấu hình cơ sở của các nội dung hoạt động phải có ở mức tối đa (họp, sân thể dục thể thao, Câu lạc bộ...) và mức tối thiểu là hội họp. Phương án cụ thể cho từng nhà thì nên tổ chức cuộc thi để chọn phương án, nhằm tạo ra kiến trúc đẹp. Nếu có thể thì nên giao việc này cho hội nghề nghiệp như Hội Kiến trúc sư, Hội Xây dựng lo. Việc đưa ra mẫu nên đi cùng việc có hướng dẫn áp dụng để đảm bảo mỗi nhà văn hóa là một điểm nhấn về kiến trúc trong các khu đô thị và dân cư.

Mẫu quy chế quản lý nhà văn hóa nên nghiên cứu theo hướng mở. Những địa điểm có điều kiện nên có không gian dành cho sinh hoạt thể thao trong nhà, ngoài trời, nếu có điều kiện dành diện tích cho kinh doanh văn hóa, phục vụ và chăm sóc sức khỏe. Nên chăng xem xét việc hỗ trợ phụ cấp hoặc bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cán bộ làm công tác tổ nhân dân. Trách nhiệm quản lý nhà văn hóa thuộc về lãnh đạo tổ nhân dân hoặc ban quản lý do tổ nhân dân lập ra. Khi quyền lợi gắn với trách nhiệm, có lẽ hoạt động của nhà văn hóa sẽ tốt hơn. Cũng nên nghiên cứu việc hỗ trợ cơ sở vật chất, quỹ bảo trì, quỹ đầu tư cơ sở vật chất, quỹ hỗ trợ trang thiết bị để nhà văn hóa có điều kiện hoạt động chất lượng, là điểm thu hút mọi hoạt động của cộng đồng dân cư, đặc biệt thu hút hoạt động về văn hóa ở cấp cơ sở.

Nêu ra một vấn đề đã, đang có và tiếp tục có nhiều điều cần bàn, góc nhìn kiến trúc có thể chưa nói hết nhưng đáng để chúng ta suy nghĩ, quan tâm, cùng nhau hướng đến sự phát triển với mục tiêu chung “xã hội công bằng - dân chủ - văn minh”.

KTS. Nguyễn Văn Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy