Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
10:20 (GMT +7)

Nhà thờ – không gian âm nhạc của người da đen

VNTN - Âm nhạc đã từ lâu là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tôn giáo của người da đen. Tổ tiên của họ, những người thổ dân châu Phi đầu tiên theo đạo Thiên Chúa giáo, đã hòa nhập lời ca của dân tộc mình với các tác phẩm âm nhạc Công giáo để để tạo ra những bài hát có một không hai.

 

Có những nhà thờ ở Mỹ không khác gì một sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp

Người da đen bị bắt làm nô lệ lại đem những bài hát này đến Mỹ để khi mà họ phải oằn mình dưới làn roi vọt của chủ nô, người da đen có thể tìm thấy một chút hy vọng nào đó về tương lai của mình ngay chính trong âm nhạc. Dần dần người da đen tại Mỹ cũng tìm được sự tự do của mình, và tiếng hát của họ cũng tiến những bước rời khỏi khuôn khổ nhà thờ để tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả đại chúng.

Đấy là lịch sử của âm nhạc người da đen tại Mỹ trong những năm đầu thế kỷ XX. Những trường phái âm nhạc bây giờ được coi là cổ điển như blues và jazz đều có gốc gác trong giai đoạn đó cùng với lứa nghệ sỹ da đen nổi tiếng đầu tiên. Tuy vậy, thời kỳ phong phú nhất trong đời sống âm nhạc tôn giáo của người da đen chỉ bắt đầu vào khoảng thập niên 1940 của thế kỷ trước.

 

Khán giả có thể nghe thấy âm hưởng của nhà thờ trong chất giọng của Whitney Houston

kể cả khi cô hát Ballad hay R&B đi nữa

Trước đó các cha xứ vẫn còn giữ tâm lý bảo thủ và từ chối hoàn toàn việc đưa những thể loại âm nhạc nổi tiếng đương thời (nhạc Jazz) vào trong nhà thờ. Phải nhờ đến lời những nhà thần học kiêm nghệ sỹ có tư tưởng cách mạng như Michael Praetorius thì tâm lý này với được thay đổi. Với họ, âm nhạc là một biểu hiện khác của Kinh Thánh; và cũng giống như Kinh Thánh có nhiều bộ, nhiều bản khác nhau, họ cũng muốn sử dụng tất cả các nhạc cụ và phong cách âm nhạc khác nhau trong nghi lễ nhà thờ.

Một lý do khác mà nhạc jazz, blues và sau này là cả hip-hop nữa tìm được đường vào nhà thờ là vì tính năng cộng đồng của công trình này. Sau cuộc Nội chiến Mỹ, người da đen tuy được giải phóng nhưng vẫn phải chịu sự kỳ thị nặng nề. Họ không được đi đến hay sử dụng những công trình, dịch vụ do người da trắng làm chủ như công viên, nhà hát, nhà hàng… Với sự cô lập như vậy, sự lựa chọn duy nhất để cộng đồng người da đen lấy làm nơi tụ họp là nhà thờ. Chính vì vậy mà các nhà thờ của người da đen bao giờ cũng có tính “đại chúng”, “trần tục”, gần gũi với giới trẻ và nền văn hóa trẻ nhiều hơn là nhà thờ của người da trắng.

Tiện nói về giới thanh thiếu niên, nhà thờ là nơi mà nhiều nhạc sỹ, ca sỹ da đen chập chững những bước đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Một cậu bé, cô bé hơn mười tuổi nếu có tài năng âm nhạc thì sẽ được tuyển vào ban nhạc hay dàn đồng ca của nhà thờ. Qua việc luyện tập và biểu diễn, các nghệ sỹ tí hon đó sẽ được giáo dục về âm nhạc theo một cách bài bản để có thể nuôi dưỡng tài năng trời sinh của các em. Nhiều em lớn lên sẽ trở thành những nghệ sỹ nổi danh trong và ngoài nước Mỹ. Hai trong số những cái tên được nhiều người nhắc đến là ca sỹ Whitney Houston và John Legend. Câu chuyện của họ cũng là câu chuyện chung của nhiều tài năng âm nhạc người da đen: Xuất thân là con nhà nòi, được biểu diễn tại nhà thờ từ năm bảy tuổi, và rồi trở nên nổi tiếng trước năm 30 tuổi.

Ngược lại, nhiều nhạc sỹ người da đen khi về hưu lại trở thành người phụ trách mảng âm nhạc tại nhà thờ nơi quê hương mình. Chúng ta có thể kể ra một số cái tên như: Thomas Dorsey, Della Fitzgerald và Louis Armstrong, những người đều được coi là các bậc thầy khi họ còn sống. Các nhạc sỹ này đã mạo hiểm đưa các ca sỹ chính thống quen thuộc của họ vào nhà thờ để biểu diễn. Đơn cử như việc Thomas Dorsey đưa danh ca Mahalia Jackson, khi đó còn là một ca sỹ ở hộp đêm, đến với nhà thờ Pilgrim Baptist Church nơi ông quản lý đã gây nên một scandal lớn khi đó. Mahalia đã dùng tài năng thiên phú của mình để dẹp đi mọi dư luận, và rồi sau đó trở thành nghệ sỹ người da đen được yêu quý nhất nước Mỹ nhiều thập niên sau.

 

Louis Armstrong, huyền thoại của nền nhạc Jazz Mỹ, cũng là người đã làm thay đổi bộ mặt âm nhạc của nhà thờ

Sự phát triển của âm nhạc nhà thờ của người da đen lên đến đỉnh cao trong giai đoạn này vào năm 1965, khi mà nhà thờ Thánh Peter được xây dựng xong tại New York và trở thành nhà thờ đầu tiên mà những bài Vespers theo phong cách Jazz được biểu diễn. Cùng năm đó, nhà soạn nhạc Duke Ellington đã có một buổi biểu diễn nhạc Kinh Thánh đầu tiên tại Đại thánh đường San Francisco.

Buổi biểu diễn nói trên đã thu hút hơn 2.500 khán giả trực tiếp và còn nhiều triệu người hơn nữa theo dõi qua sóng truyền hình, mặc cho một vụ ám sát Duke Ellington do những kẻ phân biệt chủng tộc suýt nữa gây ra. Với người da đen, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên, hai sự kiện này như đánh dấu mốc cho một thời đại mới mà người da đen dần dần rũ bỏ được những sự kỳ thị, phân biệt đối xử và giành được những quyền lợi chính đáng của mình.

***

Gần bốn mươi năm qua là một nốt nhạc buồn với nền âm nhạc nhà thờ của người da đen. Số những ca sỹ, nhạc sỹ được rèn luyện trong nhà thờ giảm dần, một phần là vì số lượng các trường đào tạo âm nhạc chính thống tăng lên, phần vì TV và mạng Internet tạo môi trường để các nghệ sỹ trẻ vừa học tập, vừa biểu diễn. Nhạc blues và jazz trở nên ít được ưa chuộng hơn lại giáng một đòn khác vào âm nhạc nhà thờ, cũng như việc người Mỹ nói chung ít sùng đạo hơn so với ông cha họ. Thực tế cho thấy, ngày nay để đưa một thanh niên da đen đến nhà thờ là rất khó, nhưng đưa họ đến một buổi live show hip-hop là rất đơn giản.

Có một khía cạnh xã hội khác liên quan đến sự đi xuống của âm nhạc nhà thờ của người da đen. Sau những cuộc đấu tranh khốc liệt vào khoảng thập niên 1960, phong trào đòi quyền bình đẳng đã giành được nhiều thắng lợi và cải thiện cuộc sống của người da đen trông thấy. Tuy vậy, các thế lực phân biệt chủng tộc không từ một thủ đoạn nào, từ cô lập kinh tế đến ám sát, để làm những thắng lợi trên trở nên vô nghĩa. Kết quả là đến khoảng thập niên 1980, cộng đồng người da đen lại một lần nữa bị trói buộc bởi sự kỳ thị, nghèo đói, áp bức… Âm nhạc Kinh Thánh với thông điệp tích cực trong bối cảnh đen tối như thế khó mà tìm được khán giả.

Sự nghèo khổ và bất công đã tạo nên một tâm lý tiêu cực trong giới trẻ da đen. Họ hiểu rằng chỉ có bạo lực và tội phạm mới có thể tạo cho họ tiền bạc và quyền lực trong một xã hội do người da trắng nắm giữ. Trong âm nhạc, sự biến chuyển này là nguyên nhân khiến cho hip - hop dần dần rũ bỏ gốc gác Jamaica của mình mà trở nên “thành thị” hơn. Phong cách Gangster Rap, với nội dung nói nhiều đến tội phạm và ma túy, là kết quả trực tiếp nhất. Gangster Rap và hip-hop nói chung, vì khả năng minh họa thực tế tốt hơn, đã thay thế âm nhạc nhà thờ trong tâm lý của giới trẻ da đen.

Thế nhưng cũng có những trường hợp mà hip-hop lại được đưa vào nhà thờ thành công. Vẫn có những nghệ sỹ đứng ở giữa “hai thế giới”, vừa phát hành đĩa vừa biểu diễn tại nhà thờ. Họ khiến cho việc biểu diễn âm nhạc tại nhà thờ thay đổi. Thay vì chỉ gói gọn trong dàn đồng ca, đội kèn và đàn piano, hiện nay nhiều nhà thờ được trang bị dàn âm thanh hiện đại bậc nhất có thể đáp ứng mọi nhu cầu âm nhạc của người đi lễ. Không khí các buổi làm lễ vì thế cũng thay đổi đi.

Sau phần nghi lễ trang nghiêm, những người theo đạo có cơ hội được thả lỏng và nhập vào sự cuồng nhiệt của đám đông trong tiếng nhạc. Điều này có thể thấy rõ nhất tại những nhà thờ như Live Church tại Orlando được xây dựng bởi vợ chồng ca sỹ Tye & Shantae Tribbett, hay nhà thờ Jubilee Christian Center, nơi mà rapper M.C Hammer lừng danh một thời nay đảm nhận trọng trách của vị cha xứ.

Thậm chí có những người đi xa hơn nữa và đưa tinh thần Kinh thánh trực tiếp vào tác phẩm của mình như rapper Lecrae, Andy Mineo, KB, Trip Lee… Thế hệ những nghệ sỹ hip-hop này tiếp tục sử dụng hip-hop như một “mắt kính” để phóng to bất công mà người da đen phải chịu trong xã hội đương thời, nhưng lại vì mong muốn hướng mọi người đến các giá trị nhân văn của Thiên Chúa giáo. Ở điểm này thì họ giống với các thế hệ đàn anh chơi nhạc jazz tại nhà thờ, cho dù hai phong cách âm nhạc có hoàn toàn khác nhau. Đấy cũng là minh chứng cho lý tưởng rằng nghệ thuật khi thực sự đi từ cuộc sống thì có thể chạm thật sự vào tâm hồn con người mặc cho xu hướng, “khẩu vị” âm nhạc của người đó.

Các nhà thờ của người da đen đang tìm cách tiếp cận gần hơn với những con chiên của mình. Sau nhiều năm bị bỏ bê, các chương trình từ thiện, tình nguyện, quỹ hỗ trợ,… do xứ đạo tổ chức lại được diễn ra trở lại. Tầng lớp cha xứ và những người yêu đạo đặc biệt quan tâm đến giới trẻ lẫn việc giáo dục, bao bọc, che chở cho các em. Trong bối cảnh xã hội Mỹ liên tục biến động, những cử chỉ này đã giúp tạo dựng lại niềm tin của con chiên trẻ vào nhà thờ. Âm nhạc Kinh thánh vì thế cũng chịu tác động tốt, dễ dàng thu hút thêm những tài năng ít tuổi đến với nhà thờ.

***

Cũng như âm nhạc, tôn giáo có khả năng phản ánh hiện thực. Và cũng như tôn giáo, âm nhạc có khả năng chạm đến tâm hồn con người. Sự kết hợp giữa âm nhạc và tôn giáo là điều hiển nhiên, nhưng cuộc sống thay đổi liên tục như thế nào thì sự kết hợp trên cũng biến động nhiều như thế. Nhà thờ và âm nhạc nhà thờ của người da đen tiếp tục phản ánh thực tế cuộc sống của họ, tuy còn có quá nhiều sự khó khăn và bất công, nhưng chưa lúc nào mất đi tinh thần nhân đạo, hóm hỉnh, và lạc quan cả.

Lê Công Hội (tổng hợp)

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy