Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:52 (GMT +7)

Người Việt du lịch: những hành trình mỏi mệt

VNTN - Đời sống xã hội nâng cao, du lịch trở thành nhu cầu không thể thiếu của mọi người. Đã qua rồi cái thuở người Việt ngoan ngoãn quanh quẩn chốn làng quê, không bước chân quá lũy tre làng. Ngày nay, chuyện xuân thu nhị kỳ cả gia đình “xách ba lô lên và đi” đã trở nên phổ biến, bất kể ở thành thị hay nông thôn, người “nhà nước” hay tự do, người có thu nhập cao hay điều kiện còn hạn chế. Mặc dầu vậy, tập quán du lịch của người Việt vẫn giữ một số nét đặc thù, mang dấu ấn tâm lý của một thời xưa cũ. Hệ quả là, sau chuyến đi tốn kém, du khách vui vẻ, thoải mái thì ít mà mệt mỏi, rệu rã thì nhiều, chuyến nghỉ dưỡng có khi trở thành cuộc hành xác. Vì sao có sự vô lý như vậy?


1. Hành trang du lịch “từ cái đũa đến cái tăm”

Đối với hầu hết mọi người, một chuyến tham quan dù ngắn hay dài đều được coi là sự kiện quan trọng đủ để có một sự chuẩn bị chu đáo. Điều này một phần bắt nguồn từ tâm lý “con nhà nghèo”, quanh năm chẳng được đi đâu, nay mới có cơ hội thỏa sức, “bung lụa”. Các bà, các mẹ vốn cẩn thận, lo “sảy nhà ra thất nghiệp”, lại luôn dè chừng với sự đắt đỏ, chặt chém ở khu du lịch nên thực hiện bài toán tiết kiệm bằng cách tự cung tự cấp càng nhiều càng tốt. Nào đường, nào sữa, nào mì gói, muối vừng cho đến rượu bình nước lọ, xà phòng, mắc áo đều tha lôi đi hết. Ai gàn thì họ thanh minh: Xe chở chứ mình có chở đâu mà lo! Thế nhưng, khi lên xe, đồ vây chật ních, đến nơi thì gồng gánh tha lôi như đoàn người tị nạn. Rồi mấy ngày nghỉ dưỡng trong khách sạn hạng sang cũng bớt phần thoải mái với lũ thùng to lọ nhỏ lôi thôi lếch thếch. Trước khi về, lại mất cả buổi xếp đồ, đóng thùng, nhầm của người này, lẫn của người khác. Thật phiền phức đủ đường.

Chu đáo là tốt, song cầu kỳ quá khiến chuyến đi đáng ra phải nhẹ nhàng, thư thái bỗng trở nên lỉnh kỉnh, nặng nề như một đợt tản cư. Và ai dám chắc, sự khuân vác quá tải ấy không phải là mồi đóm làm bùng nên những cãi vã mất vui khi những chàng “sa tăng” quá mệt mỏi?

Tay xách nách mang trong những chuyến đi đã thành thói quen của người Việt

2. Coi chuyến đi như cuộc phô diễn thời trang

Chị H trước chuyến nghỉ mát Sầm Sơn 3 ngày đã kịp may… 7 bộ váy mới. Đó là không kể quần áo, phụ kiện cũ mang theo. Đây không phải là trường hợp cá biệt, thậm chí rất phổ biến. Nhiều chị em coi mấy ngày nghỉ mát là một cơ hội “ăn ngon, mặc đẹp”. Ăn ngon chưa biết thế nào chứ mặc đẹp phải xếp lên hàng đầu. Váy vóc, son phấn, nước hoa, những đôi giày cao gót chiếm trọn không gian của mấy cái va ly vừa cồng kềnh (mà chưa chắc đã dùng đến) và thiếu phù hợp. Váy áo diêm dúa, đầu tư tóc tai, trang sức là những sự chuẩn bị không cần thiết, thậm chí gây phiền phức cho khổ chủ.

Chị Đ, người đã từng có bài học xương máu khi mặc váy xòe đến Cù Lao Chàm kể. Lúc xuống thuyền đi thăm bãi san hô, anh ngư dân dễ dàng đỡ từng người từ cầu cảng xuống, trừ chị (sau chị phải dùng một chiếc khăn để buộc váy trong tiếng cười của cả đoàn). Một người bạn khác thì mếu máo, lếch lếch cuối đoàn khi đi khám phá rừng trên đảo với một đôi giày gót nhọn. Tí nữa thì các cô nàng sẽ phải bỏ cuộc giữa chừng nếu không có anh dẫn đường người địa phương chấp nhận đi đất trong cái nắng 40 độ để “hy sinh” đôi dép tổ ong cho khách. Anh Nguyễn Văn Sinh, Công ty du lịch Rồng đất Việt Travel - một hướng dẫn viên du lịch lâu năm chia sẻ: “Trước chuyến đi, chúng tôi thường gợi ý du khách lựa chọn trang phục gọn nhẹ, thuận tiện, song nhiều chị em vẫn thích mặc đẹp để… chụp ảnh”. Vậy là, để có những tấm hình “ảo”, đôi khi khách phải chịu sự khó chịu “thật”.

Báo chí nước ngoài khái quát, điều làm cho người Việt Nam xấu xí hơn trong mắt bạn bè quốc tế là thói quen mặc đồ ngủ đến nơi công cộng, song ngược lại, việc quá lòe loẹt, màu mè trong những chuyến du lịch cũng khiến chúng ta mệt mỏi, mất thoải mái và đôi khi ảnh hưởng đến những người xung quanh.

3. Ứng xử với những đứa trẻ

Mang con đi cùng là mong muốn của mọi bậc phụ huynh nhưng nếu không biết cách quản lý, chăm sóc chúng, e rằng cuộc du lịch cũng bớt phần trọn vẹn. Một chuyến đi xa khiến lịch sinh hoạt đảo lộn, không thể chăm sóc trẻ như khi ở nhà. Vì vậy, đừng quá cầu toàn, cầu kỳ thời gian biểu, định mức ăn uống cho bọn trẻ. Chị X dắt con gái 5 tuổi đi tham quan mà lúc nào cũng lẽo đẽo phích nước, sữa bột, vitamin để uống bất cứ đang ngồi xích lô hay trên xe điện. Chị Y ăn cơm cùng đoàn trong nhà hàng mà để con trèo lên lòng, bò ra mâm, chẳng chuyện trò với ai, chỉ lo bón và bón. Nhiều người còn phải chạy quanh phòng đuổi theo con, ép nó tới mức nôn trớ, rồi đánh chửi hò hét inh tai… Những hình ảnh đó không hiếm thấy, bởi tập quán chăm con của phụ nữ Việt Nam là vậy. Song, có lẽ ta cũng nên thay đổi, như những người mẹ Tây, vào nhà hàng, thanh lịch thưởng thức ly cà phê, trò chuyện với bạn bè để em bé tự do với thế giới riêng của nó.

Khách nước ngoài tham quan cố đô Huế   Ảnh: Q.K

4. Chụp ảnh tự sướng mọi lúc mọi nơi

Một trong những sự khác biệt trong văn hóa du lịch của người phương Đông và phương Tây là cách chụp ảnh. Nếu như người phương Tây thường chụp cảnh làm kỷ niệm thì dân ta lại hứng thú với việc chụp chính mình. Chụp hình, khoe ảnh là niềm vui, song việc quá đam mê và lệ thuộc khiến nó mang đến nhiều phiền phức. Quan sát trên bãi biển thấy khá nhiều bạn trẻ đi tắm mà chẳng dám xuống nước, cứ trên bờ chụp choẹt, thèm lắm cùng chỉ dám lõm bõm ven bờ bởi sợ ướt máy. Cả nhà đi cùng nhau mà cứ phải cắt cử luân phiên người này xuống tắm, người kia ôm túi, chụp ảnh, chắc hẳn, sự thoải mái tự do cũng chẳng thể nào trọn vẹn.

5. Khuân chợ về nhà

Đi chợ, mua quà, săn lùng đặc sản là nội dung không bao giờ thiếu trong bất cứ tour du lịch nào. Vốn coi trọng cộng đồng, người Việt có tập quán đẹp là khi đi xa về, kiểu gì cũng có tý quà cho họ hàng, làng xóm. Chính vì thế, chuyện đi chợ du lịch không chỉ là niềm vui mà còn là nhiệm vụ. Chỉ có điều, nếu không kiềm chế, bạ đâu mua đó, cái gì cũng thấy đẹp, thấy rẻ, thấy độc để rồi khuân cả chợ lên xe ô tô thì sự phiền phức sẽ không chỉ đến với mình ta. Cái xe vốn đã chật cứng từ lúc đi, nay chật gấp đôi, gấp ba với mắm muối tương cà, nghêu sò ốc hến, dừa dứa mít na,… Tâm lý ham rẻ khiến khách du lịch mua đồ vô tội vạ mà không kiểm chứng được giá cả, chất lượng sản phẩm nên rẻ hóa đắt, đồ mang về không dùng được, lợi chẳng thấy đâu lại vác bực vào người.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lan, giảng viên bộ môn Du lịch trường Đại học Khoa học Thái Nguyên cho biết, bên cạnh những thói quen kể trên, khách du lịch Việt còn hay tự làm mệt chính mình bởi tâm lý người tiêu dùng thuần túy, đã mất công đi, bỏ tiền mua tour thì phải khai thác bằng hết. Đi quá nhiều địa điểm, tận dụng tối đa thời gian khiến du khách mệt mỏi, trẻ em đổ bệnh trên đường.

Thiết nghĩ, giá trị của chuyến du lịch không chỉ là điểm đến mà còn là hành trình từ khi xuất phát tới lúc về nhà với biết bao cảnh sắc và phong vị văn hóa. Khi “tham bát bỏ mâm”, chúng ta sẽ đánh mất giá trị quý báu ấy mà vẫn nghĩ rằng, mình đang được lợi. Mùa du lịch vẫn còn dài, mong rằng mỗi người sẽ tự tìm ra cho mình sự lựa chọn đúng đắn để có những chuyến du lịch lý thú, vui trọn vẹn mà không mệt mỏi.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy