Người tình của mẹ
VNTN - Ngoài đường chỉ còn ánh đèn cao áp lặng lẽ sáng. Bà Hân vẫn ngồi bên chiếc hộp gỗ cũ kỹ, bong tróc. Chiếc chìa khóa nhỏ theo tay bà vặn mình. Tách. Chiếc hộp được khóa kín, tiếp tục cất giữ bên trong những kỉ vật, cũng là bí mật. Cất chiếc hộp vào sâu góc tủ, đặt quần áo phủ lên. Bà chập chờn vào giấc ngủ, thấp thoáng hình bóng xưa...
Cao áp vừa tắt cũng là lúc bà Hân thức giấc. Ngoài đường, trời chưa rõ mặt mấy ông bà thể dục buổi sớm. Bà hạ cửa cuốn, bấm công tắc khóa, rồi nhanh nhẹn đẩy xe hàng ra bến. Bến xe cách nhà chừng cây số, đi bộ đẩy xe cũng là túc tắc thể dục, giãn gân giãn cốt, cần gì đống sữa Ensure ở nhà.
Gần 70, đã được liệt vào danh sách “các cụ” trong tổ từ lâu, xong bà Hân vẫn thấy mình còn khỏe chán. Tay thoăn thoắt dọn hàng ra bán, một loáng bà đã bày xong. Thảnh thơi ngồi thư giãn, chốc chốc lại phe phẩy cái quạt lụa con dâu con trai đi du lịch nước ngoài mua về làm quà biếu mẹ. Hồi đầu bà không dùng cứ cất đáy tủ, thấy vậy ông hỏi: “Con nó mua cho sao không dùng?”. Bà thở dài: “Chúng nó mua cái quạt vải mà bằng tiền cái quạt điện. Tôi ở nhà chứ có đi đâu đâu, dùng nó phí ra!”. Ông lắc đầu cười: “Con nó muốn hiếu mà bà cứ khó tính!”.
Ông nói đúng, bà tự ái chúng nó phung phí nên không thèm dùng, chỉ khi ông mất rồi bà mới chịu nghe ông. Thời gian bà dùng cái quạt này tính ra đã ngót ba năm và cũng bằng thời gian bà ra bến xe này bán nước. Nhớ dạo đầu, thằng con trai nhất quyết phản đối, nó bảo: “Mẹ phải cho con chút thể diện chứ!”. Nghe mà tức anh ách. Bà bán nước, công việc lương thiện chứ có ăn cắp, ăn trộm gì mà nó phải xấu hổ. Vợ nó thì dịu giọng hơn: “Mẹ ơi, dù gì con trai mẹ cũng là Giám đốc, để mẹ đi bán nước vất vả tay chân, người ta lại nghĩ chồng con không biết hiếu với mẹ.”. Nó nói thế, chứ chính nó cũng sợ mất sĩ diện. Là giáo viên trường chuyên, lại xuất thân con nhà gia giáo, lúc nào cũng sợ thiên hạ đánh giá. “Vất vả gì. Tôi làm để đỡ buồn tay chân. Anh chị đi tối ngày. Bọn nhỏ thì học dưới Hà Nội, năm bữa, nửa tháng mới về. Trước còn có bố anh chị, chứ giờ...”, nói đến đấy, tự dưng mắt bà ướt nhòe. Con trai con dâu mềm nhũn, chẳng dám phản đối nữa.
Quán nước của bà mở ngay hiên một nhà cạnh bến xe. Nhưng vừa rồi, họ lại bán nhà. May mắn chủ mới vẫn để cho bà bán nước. Đấy là bà nghe chủ cũ trước khi dọn đi bảo thế, chứ bà nào đã gặp mặt chủ mới đâu. Mà nghe bảo, hôm nay chủ mới sẽ dọn về.
Vài chiếc xe dừng bến, khách ùa ra, mấy ông xe ôm ùa vào, mời mọc, tranh khách om sòm. Khách lắc đầu nguầy nguậy, tản ra các quán nước. Một, hai khách vào quán bà. Người gọi trà đá, người cốc nước vối. Như thường lệ, trong khi khách uống nước, bà lại mon men hỏi chuyện, và dù thế nào cũng đưa đẩy đến việc hỏi tin tức một người: “Giờ ông ấy hơn 70 rồi. Ngày còn trẻ, ông ấy cao lênh khênh, người gầy nhẳng ra, nhưng được cái hiền khô, chẳng biết giận ai bao giờ. Quê ông ấy ở làng Ban, là làng có cái đầm sen đẹp nhất vùng; có cây đa cổ thụ gốc rễ cuồn cuộn, nhìn xa cứ tưởng bày trăn quấn quanh gốc cây. Làng có chùa Ông thiêng lắm, sau chùa có giếng nước thần, trai gái yêu nhau chỉ cần vục nước giếng uống là sẽ được nên duyên vợ chồng, còn không thì tình cũng sâu đậm chẳng phai...”. Cứ mỗi lần kể đến đoạn này bà lại rơm rớm nước mắt. Có lẽ, tại uống nước giếng thần nên bà và người ấy mới tình sâu nghĩa nặng đến thế.
Nghe chuyện bà kể, thông tin chính về cái ông lão hơn 70 tuổi ít ỏi quá, lại mấy chục năm rồi ông không trở về quê, biển người mênh mông, biết ai với ai. Người có tuổi được hỏi, không biết chỉ lắc đầu. Đám trẻ được hỏi, không biết nhưng đưa ra một loạt kế sách: “Sao bà không đăng tìm trên báo, đài?”. “Chả cần, bà có cái ảnh nào của ông không, cháu “pốt” lên “phây” nhờ 500 anh em tìm là ra ngay”... Giá mà hồi đó, ông ấy chịu chụp một cái ảnh! Bà rầu rĩ. Chuyện tìm người đàn ông ấy, bà chỉ muốn hỏi dò khách thập phương thôi, chứ chẳng dám công khai tìm kiếm, bà không muốn con cháu biết chuyện.
***
Đêm tân hôn, Hân dụi đầu vào ngực chồng khóc rấm rứt. Hoan đưa tay vuốt mái tóc dài thơm mùi xả, bồ kết lòa xòa rối của vợ. Cơ thể Hân rung lên theo từng tiếng nấc. Hoan ôm vợ, thì thầm: “Đừng khóc nữa, anh thương!”. Lòng Hoan cũng quặn thắt nỗi niềm. Chỉ còn đôi tiếng nữa được nằm bên vợ, trời chưa sáng, anh đã phải lên đường trở lại đơn vị. Hân ôm Hoan chặt hơn, nước mắt ướt rượt bờ ngực chồng.
Nhớ lúc cưới, mọi người chúc mừng bảo vợ tên Hân, chồng tên Hoan, ghép lại thì đúng là “vui” cả đời. Ấy thế mà Hân cứ phải khóc suốt. Sau đêm tân hôn ngắn như cái chớp mắt, Hoan trở lại đơn vị, đằng đẵng những tháng ngày không tin tức. Đêm đêm, trong căn nhà nhỏ, hai người đàn bà một già một trẻ cứ thay nhau trở mình, tiếng thở dài não nề pha tiếng khóc âm ỉ giấu trong cuống họng thỉnh thoảng bật lên thành những tiếng nấc nghẹn ứ. Người mẹ già như ngọn bấc sắp cạn dầu ngày lại ngày ngóng tin con. Người vợ trẻ vò võ đợi chờ như bông hoa chẳng buồn nở cứ trực héo úa, tàn phai.
Bất ngờ, sau hai năm bặt vô âm tín, Hoan sừng sững trước mặt Hân. Thúng rau lang tuột khỏi tay, rơi vung vãi dưới nền đất, Hân mặc kệ. Hai con lợn trong chuồng kêu inh ỏi đòi ăn, Hân mặc kệ. Cô lao đến bên chồng, siết chặt, như chỉ sợ nếu rời tay ra là sẽ mất anh. Cô khóc tu tu như một đứa trẻ, rồi vồn vã mặc đôi bàn tay đen cáu nhựa lang ôm lấy khuôn mặt anh. Hai năm rồi, Hân không được nhìn thấy mặt chồng, giờ cô phải nhìn cho thỏa, cho no. Nghe tiếng lợn kêu eng éc sốt ruột, mẹ già từ trong nhà lụ khụ chống gậy đi ra. Thấy con trai, bà như không tin vào mắt mình, lặng người. Hoan chạy lại bên mẹ. Bà ôm ghì lấy con. Hai dòng nước mắt rỉ ra nơi khóe mắt già nua, trũng sâu. Rồi bà lần sờ khắp tay chân Hoan, luôn miệng: “Ơn giời, mày vẫn còn sống! Vẫn lành lặn con ơi!”.
Hoan trở về lần này chỉ với ba ngày phép ngắn ngủi. Đêm nay ở bên vợ, mai anh lại lên đường. Hân nước mắt ngắn dài, bó gối ngồi nép một góc giường như người mang tội. Hoan nhẹ nhàng kéo vợ lại bên mình, thầm thì: “Không sao mà!”. Mang tiếng hai năm nên vợ nên chồng mà Hân, Hoan chỉ “được” mỗi cái đêm tân hôn; ước mong có người nối dõi của mẹ Hoan thêm xa vời. Chỉ tại Hân, chỉ tại cái “chuyện” đàn bà con gái vớ vẩn. Sao không phải là ngày mai hay trước đó vài ngày, mà lại nhằm đúng hôm nay Hân tới tháng? Cái thứ máu me chết tiệt. Bao nghẹn ngào, tức tưởi ấy Hân chẳng thể nói thành lời, chỉ biết dụi vào ngực chồng rấm rứt khóc như cái đêm tân hôn ngày nào.
Sau một năm ngày Hoan về phép thì mẹ mất, Hoan hay tin nhưng không thể về. Đợt ấy quân ta đang đà tổng tiến công, các trận đánh nối nhau liên tiếp. Rồi tin thắng trận, đất nước thống nhất rộn rã khắp làng trên xóm dưới. Những người lính lần lượt trở về quê nhà trong nỗi niềm mừng vui khôn xiết. Hân sung sướng lắm, nhìn lên ban thờ mẹ chồng mà chắp tay khấn: “Có phải mẹ sống khôn chết thiêng phù hộ độ trì cho vợ chồng con sớm ngày đoàn viên. Để hai chữ hân hoan cuối cùng cũng chịu ứng nghiệm với vợ chồng con!”. Từ giờ, Hân sẽ không phải khóc nữa. Rồi Hân sẽ chỉ cười, cười cho đã những tháng ngày phải xa cách, nhung nhớ. Ba năm thôi mà dài như một đời người vậy!
Nhưng đời người có khi lại ngắn ngủi lắm! Ngày Hoan trở về, không phải là ngày Hân được cười như đã nghĩ, mà vẫn phải rơi lệ. Nước mắt lần này như cộng dồn tất thảy những dòng mặn chát đã chảy suốt ba năm qua để rồi ồ ạt, tức tưởi, đớn đau. Trong trận đánh cuối cùng, anh cùng đồng đội trúng mìn, thi thể chẳng còn nguyên vẹn. Tờ giấy báo tử trong ba lô đồng đội gặp lũ cuốn trôi, nên anh trở về chỉ vỏn vẹn vài dòng chữ ướt nhòe may sót lại trong túi áo đồng đội, trước đêm ra trận cậy nhờ bạn nếu có chuyện gì thay mình chăm sóc Hân. Sau ba năm thờ chồng, Hân đi bước nữa theo di nguyện của chồng.
***
Chủ mới đã dọn về. Là một ông lão trạc 70 nhưng nom vẫn còn khỏe khoắn, tay ông chống ba toong, lại càng thêm phần lịch lãm. Bà Hân như “say” ông lão từ cái nhìn đầu tiên. Chả thế mà bà cứ ngây người, ánh mắt sáng rỡ. Rõ là bà “say nắng” ông lão thật rồi, chứ không phải “như nhiếc” gì hết. Cái sự “say” ấy lộ hẳn ra ngoài. Thì cứ nhìn bà Hân từ hôm chủ mới dọn về trông vui ra mặt, lúc nào cũng thấy nói cười. Giờ mối bận tâm lớn của bà Hân đã chuyển từ ông lão hơn 70 tuổi chẳng biết đương ở phương trời nào sang ông chủ nhà mới rồi. Bà mải vui đến độ quên luôn chuyện hỏi thăm khách thập phương về ông lão hơn 70 tuổi - thói quen suốt ba năm nay.
Mà đâu chỉ có bà Hân say. Ông lão cũng có vẻ say bà Hân như điếu đổ. Thì đó, cả ngày chỉ thấy ông ngồi ngoài hiên chỗ bà bán nước. Gặp lúc bà đông khách, còn thấy ông tay chống gậy tay bê cốc nước, sắp đĩa hướng dương, bày đĩa kẹo lạc, lấy thuốc lá, mang bật lửa cho khách... Còn nữa, bữa trưa nào ông cũng nấu cơm canh đủ cho hai người rồi mời bà Hân ăn cùng. Ông bảo: “Ăn một mình không trôi cơm”. Có lần chả biết ông bà nói chuyện gì mà tự dưng bà Hân vẻ xúc động lắm, nước mắt chảy dài chẳng kìm nén nổi. Ông lão liền lấy khăn mùi xoa đưa bà Hân lau nước mắt. Thế này thì đúng là có chuyện rồi! Dân tình kháo nhau: Tình yêu đâu có phân biệt tuổi tác, 70 chứ 80 vẫn yêu bình thường. Ông nhà bà Hân cũng đã mất được 3 năm rồi, chứ có phải mới gì đâu. Trước ông chồng đầu, bà cũng chỉ thờ có 3 năm thôi mà. Ông lão cũng chẳng thấy vợ con gì. Còn bà Hân tuy con cháu đủ cả, nhưng các cụ vẫn dạy: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, ở tuổi này ông bà càng cần có người bầu bạn, nương tựa!
Cứ thế những lời ì xèo theo gió cuốn đến tai con trai và con dâu bà Hân. Cô con dâu giãy nảy: “Mẹ ơi, mẹ đã mang tiếng hai đời chồng rồi. Giờ lại thêm lần này nữa thì tránh sao thiên hạ không đàm tiếu, gièm pha”. Anh con trai thì giận tím mặt, thẳng tay đẩy cái xe hàng của mẹ vào nhà kho khóa lại, giọng gằn từng tiếng: “Từ giờ không có nước nôi, hàng họ gì hết!”. Rồi quay qua mẹ nói như búa nện, dao đâm: “Mẹ già rồi, đừng làm mấy cái chuyện nhăng nhít ấy nữa. Đừng để con cháu nó phải xấu hổ!”.
Bà Hân tối sầm mặt mũi, loạng choạng như người phải gió. Từ hôm ấy bà nằm liệt giường, miệng cấm khẩu không nói được gì, chỉ hai hàng nước mắt cứ rỉ ra không ngớt. Nhưng lần này, những giọt nước mắt của bà chẳng đủ để làm mềm lòng con trai con dâu. Ngay cả khi biết tin bà Hân bệnh, ông lão đến hỏi thăm chúng cũng cương quyết không cho ông bà gặp nhau. Chúng cay nghiệt coi chuyện của ông bà như một điều gì đó tai tiếng, làm mất danh dự gia đình. Thậm chí chúng còn nghĩ, việc bà ốm liệt giường phải thuê người chăm sóc vẫn còn hơn là bà khỏe mạnh mà mang tiếng một đời!
***
Đỗ xe xịch trước sân, anh con trai bà Hân đóng cửa ô tô cái rầm, mặt mũi đỏ gay, đi nhanh vào nhà. Chị vợ trong xe bước ra sau, mặt cũng căng như dây đàn, miệng lầm bầm. 70 tuổi đầu rồi mà hết chuyện cặp kè với ông lão chủ nhà, giờ lại thêm chuyện “cọc đi tìm trâu”, suốt ba năm tìm kiếm người tình cũ, lão già hơn 70 tuổi nào đó. Số đàn ông trong cuộc đời bà chắc sắp kín bàn tay đến nơi.
- Con hỏi mẹ, rốt cuộc mẹ đối với bố con là gì? Hai đời chồng vẫn chưa đủ với mẹ sao? - Anh con trai đấm thùm thụp vào ngực mình trước bà mẹ già nằm ủ rũ trên giường. Mới hơn tháng mà trông bà Hân đã héo hắt, như người sắp về với tiên tổ. - Hóa ra suốt bao năm qua, sống với bố con mà mẹ vẫn nghĩ tới người đàn ông khác. Bố con vừa nằm đất mẹ đã đi tìm người tình. Tìm không ra thì lại ngả ngay vào một lão già khác. Mẹ là người đàn bà dễ dãi đến thế sao? Mẹ không thấy hổ thẹn với hai người chồng đã mất, với các con các cháu sao?
Bà Hân nằm bẹp rúm trên giường, ngước mắt nhìn con trai vô cùng đau khổ.
- Mẹ không nói à? Mẹ không nói nổi à? - Anh ta gào lên. Rồi như sực nhớ ra, anh lục tìm chiếc hộp gỗ, thứ mà bà vẫn giữ khư khư, không cho con cháu động vào. Tủ đồ của bà Hân bị bới tung, đống quần áo xổ ra, để lộ chiếc hộp gỗ im ỉm khóa kín, như thách thức, như trêu ngươi kẻ đương nóng giận. Chiếc hộp được giơ cao rồi đập mạnh xuống nền đá cứng ngắc, thứ âm thanh ghê rợn như người ta không ngần ngại cầm búa nện vào sọ người. Trong hộp là hai mảnh giấy nhỏ. Một cũ nát, ố vàng, những dòng chữ mờ nhòe. Anh nhận ra đó là mẩu giấy chồng trước của mẹ cậy nhờ bố anh trước ngày ra trận. Mảnh thứ hai mới hơn. Anh mở ra, đó là bút tích của bố: “Bà nó à, giờ biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, tôi mới dám nói ra sự thật này - điều mà tôi đã giấu bà suốt mấy chục năm qua. Bà à, trong trận đánh cuối cùng ấy, Hoan vẫn chưa chết! Bà đừng trách nó sao còn sống mà không trở về với bà. Bà biết là nó yêu thương bà nhiều thế nào mà. Là nó không muốn phải làm gánh nặng cho bà. Bởi trong trận đánh ác liệt đó, nó bị trúng mìn, phải cưa cả hai chân...”.
Anh con trai sững người, chưa kịp định thần thì chị vợ hốt hoảng đi vào, kéo vội chồng ra ngoài sân.
- Cô Thơm bảo ông ấy mất rồi!
- Làm sao mà mất?
- Thấy bảo ông ấy ốm. Gần tháng nay rồi!
- Mất khi nào?
- Mới sáng nay thôi. May mà sáng nay ông lão gọi phở ăn, đến trưa chị hàng phở qua lấy bát mới phát hiện ra. Mà hóa ra ông ấy bị cụt cả hai chân, phải lắp chân giả đấy!
Anh con trai chết sững, vội vàng chạy vào phòng mẹ. Nhưng trên giường, hai mắt bà Hân đã khép, hồn phiêu du nơi nào. Chỉ có điều, khuôn mặt rầu rĩ, đau khổ bà mang suốt hơn một tháng qua giờ bình thản, an nhiên đến lạ lùng.
Truyện ngắn. Nguyễn Bích Hồng
1 đã tặng
1
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
robert hln1****@gmail.com
Cám ơn tác giả, truyện rất xúc động. Thương và tiếc cho các nhân vật quá