Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
10:36 (GMT +7)

Người “giữ lửa” cho bản sắc Sán Chay

VNTN - Chuyển hóa từ nhiệm vụ thành say mê, tâm huyết tái tạo đời sống văn hóa, nghệ thuật độc đáo của dân tộc đang dần mai một. Suốt hai mươi năm qua, Nghệ nhân Ưu tú Hầu Thanh Tĩnh (Tức Tranh, Phú Lương) đã tìm giữ và phát huy điệu nhảy Tắc xình, hát ví Sình ca Sán Chay. Ông tận tâm “nhóm lửa”, rồi nỗ lực tìm cách để ngọn lửa ấy luôn bừng cháy…


9 năm tìm lại điệu Tắc xình

Ngấp nghé tuổi sáu mươi, ông nhanh nhẹn chẳng kém gì trai tráng đôi mươi, dùng smartphone “mượt” như dân công nghệ. Trong căn nhà sàn vừa được sửa sang từ năm trước, chén trà nóng đượm thơm, ông vui vẻ khoe: cũng nhờ khôi phục được điệu nhảy Tắc xình, bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Sán Chay mà xóm Đồng Tâm được chính quyền quan tâm, đầu tư làm đường giao thông thuận tiện, bà con hứng khởi lắm.

18 tuổi lên đường nhập ngũ, sau gần gần 15 năm phục vụ trong môi trường quân đội, ông trở về làng. Năm 1995, ông được bà con ở Đồng Tâm tín nhiệm làm trưởng xóm. Năm ấy xã Tức Tranh tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, Đồng Tâm với 98% dân tộc Sán Chay lại là xóm được quan tâm xây dựng làng văn hóa điểm đầu tiên của xã. Với vai trò của người đứng đầu, trách nhiệm của ông là phải tìm ra nét đặc sắc của dân tộc mình làm nòng cốt xây dựng làng văn hóa. Nửa mừng nửa lo khi được ông nội “chỉ điểm” tìm gặp cụ Vy Văn Cải (xã Phú Đô) - người còn lưu nhớ điệu Tắc xình, ông Tĩnh cùng cha và ông nội đích thân lặn lội tìm đến, mãi lần thứ ba mới gặp được “cao nhân”. Được “thầy” thì lại thiếu “thợ”, phải lùng sục hỏi han nhiều ngày mới tìm được 3, 4 người còn biết nhảy. Nhiều năm bị quên lãng, nên dù nỗ lực cả tháng ròng, cả thầy dạy và người nhảy cũng chỉ nhớ được 5 động tác.

Trực tiếp tham gia học nhảy, niềm ham thích đến trong ông lúc nào chẳng hay, để rồi sau đó ông kiên trì “tầm sư học đạo”, tìm ra đủ 9 động tác của Tắc xình: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương dọn rẫy, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ và chim câu. Năm 2005, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh chính thức xuống đặt vấn đề bảo tồn, phục dựng nét văn hóa độc đáo này. Nhảy Tắc xình đã trở thành niềm tự hào của nhân dân xóm Đồng Tâm nói riêng, của xã Tức Tranh, huyện Phú Lương nói chung.

Mất 9 năm để tìm lại hoàn chỉnh 9 điệu Tắc xình, trong quá trình công tác, từ trưởng xóm, bí thư chi bộ, trưởng Công an xã, rồi Chủ tịch Mặt trận xã…, ông có điều kiện khuấy động phong trào nhảy Tắc xình đến bà con trong xóm, xã. Niềm vui thì đã rõ, nhưng trong ông cũng có những khoảng lặng rất đỗi phiền lòng. Có người không hiểu chuyện đã đồn thổi ông ăn cắp bản quyền Tắc xình, tư lợi cho Đồng Tâm. Một thời gian dài, ông bị thầy truyền nghề “từ mặt”, mang tiếng là kẻ xấu. Nhưng rồi cứ “sống thật không trật với lòng”, ông đề nghị lên Phòng Văn hóa huyện Phú Lương tổ chức mở lớp dạy Tắc xình tại nơi của các thầy, các “thợ” đã truyền dạy điệu nhảy này. Việc làm thiết thực đó đã khiến những lời xì xầm, những định kiến với ông dần lắng xuống. Nhắc chuyện, ông cười hiền: Cũng có lúc áp lực và mệt mỏi vì những lời ác ý, nhưng khi khẳng định được mục đích đúng đắn là phục dựng bản sắc văn hóa dân tộc, nhân dân hiểu và tin tưởng, bản thân dẫu có thiệt thòi cũng thấy nhẹ nhõm.

Tận tâm “giữ lửa”

Tìm lại được điệu Tắc xình, huyện Phú Lương đã “đem chuông đi đấm xứ người”, tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Hà Tây (2005), đất sống cho nghệ thuật truyền thống như được khai mở. Ông Tĩnh đưa ra ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân gian Sán Chay (CLB). Ngoài điệu nhảy Tắc xình, hát ví Sình ca cũng là nghệ thuật đặc sắc được nhân dân lưu giữ. Những bài ví nghe từ thuở bé đọng lại trong tâm trí, cùng những tập ví cổ được ông nội sưu tầm, cất giữ là cả một gia tài. Nghệ nhân Hầu Thanh Tĩnh đã nghiên cứu tự dịch khoảng 400 câu hát ví từ chữ Hán - Nôm sang tiếng phổ thông, và dịch nghĩa. Phát huy ví Sình ca cổ, ông còn tìm tòi viết lời mới ca ngợi Đảng, Bác Hồ, đời sống hiện đại… Được sự ủng hộ từ gia đình, vợ ông hát Sình ca thuộc hàng bậc thầy cũng chung tay cùng ông dạy ví. Con gái công tác ở Đoàn Thanh niên, rồi chuyển sang Hội Phụ nữ xã, vẫn duy trì mở lớp dạy tắc xình tại các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn xã.

Nhảy Tắc xình trong Lễ hội cầu mùa           Ảnh: Kim Oanh 

Nhiệt tâm, say mê với những giá trị truyền thống, nhiều năm nay ông cùng các thành viên CLB tham gia biểu diễn ở những sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh như: Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam; Hội xuân các dân tộc vùng Đông Bắc; nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật của tỉnh, huyện; giao lưu với các tỉnh bạn…, đã góp phần đưa nhảy Tắc xình hiện diện trong đời sống tinh thần nhân dân. Lặng lẽ cống hiến, ông chẳng màng chuyện thiệt hơn khi tự bỏ tiền ra mời thầy dạy cơm nước; huy động thành viên đến tập luyện, giao lưu, ông lo toan kinh phí trà nước, những bữa ăn dân giã thân tình. Năm 2014, khi loại hình nghệ thuật múa Tắc Xình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, ông còn bỏ tiền túi thuê xe, lo ăn cho CLB để mọi người lên huyện dự lễ công bố quyết định...

Năm 2015, ông là 1 trong 9 nghệ nhân của tỉnh Thái Nguyên trong tổng số 600 cá nhân thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch được phong tặng Danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú”. Vui mừng và tự hào, song nỗi trăn trở trong ông cũng ngày càng nhiều hơn, trong bối cảnh người trẻ đang không mặn mà với văn hóa dân tộc. Hiện nay xóm Đồng Tâm có khoảng 100 người biết nhảy Tắc xình, hơn chục người hát ví, nhưng thế hệ trẻ kế cận thì rất ít. Mừng lo xen lẫn, ông đề xuất với lãnh đạo xã huy động, tạo điều kiện tác động đến chính quyền các xóm để mở lớp dạy Tắc xình. Rồi ông mô phỏng lại các động tác, thể hiện trên hình và chữ viết để các cháu nhỏ dễ học. Ý tưởng làm mới Tắc xình, chủ động tìm tòi, thay đổi vũ điệu từ cặp đôi thành cặp tứ, trang phục… khiến điệu nhảy ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn của ông được bà con ủng hộ. Với ví Sình ca, ông táo bạo đưa ra sáng kiến làm nhạc beat, ghi lời cho giới trẻ hát karaoke…

Ý tưởng, sáng kiến thiết thực, song để thực hiện được thì không dễ. Ông bộc bạch: giới trẻ giờ không mấy ai tha thiết nghệ thuật truyền thống, để mở lớp truyền dạy thì phải có kinh phí. Việc này bản thân mình không chủ động được, nên rất khó. Điều cần nhất lúc này là sự chung tay, quan tâm của các cấp ngành cho người có nghề, tạo điều kiện để họ phát huy tài năng và tâm huyết, có vậy mới mong giữ được.

Sự lo lắng đọng lại trong giọng nói trầm thấp và đôi mắt chợt ưu tư, ông sợ một ngày sẽ không còn người nhảy Tắc xình, không ai hát vì Sình ca nữa… Nhưng ông quả quyết, còn sức khỏe là sẽ còn cống hiến. Hiện ông đang hoàn thiện dự thảo ý tưởng tổ chức xây dựng một làng văn hóa bản sắc Sán Chay trên diện tích khoảng 4ha tại xóm Đồng Tâm, thể hiện đầy đủ ở nhà sàn nguyên gốc, tiếng nói dân tộc, các nét văn hóa - nghệ thuật dân gian, đồ dùng và trang phục…, dự kiến sẽ trình xin ý kiến Sở VH, TT&DL tỉnh trong thời gian tới.

Không biết những ý tưởng liệu rồi có thể trở thành hiện thực hay không, nhưng chỉ cần là ý tưởng thôi, cũng đủ cho chúng ta sự trân trọng, tin yêu đối với ông - một người “giữ lửa” văn hóa, nghệ thuật truyền thống bản làng

 

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy