Người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật: Không thể làm ngơ
Tình trạng người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật tại nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua ngày một tăng, tính chất phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng, trở thành mối lo ngại, gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội.
Báo động tình trạng trẻ vị thành niên phạm pháp
Liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật là người dưới 18 tuổi, trong 2 năm 2021 - 2022, lực lượng chức năng của tỉnh đã điều tra, khởi tố 63 vụ/99 bị can; xử lý hành chính 60 vụ/131 đối tượng, số vụ đang xác minh và xử lý khác là 21 vụ.
Trong số các đối tượng vi phạm pháp luật nói trên, không ít em đang khoác trên mình chiếc áo đồng phục học sinh. Thiếu sự quản lý, giám sát của gia đình, lại chơi bời lêu lổng nên các em đã sớm bị sa ngã, phạm tội. Điển hình như V.T.K, sinh năm 2006, là học sinh một trường THPT trên địa bàn TP. Thái Nguyên. Cuối tháng 5/2022, V.T.K đã đặt hàng một chiếc Flycam trên mạng với giá trên 22 triệu đồng. Khi nhận được thông báo hàng đã giao đến nơi, V.T.K rủ bạn là Đ.M.Đ, sinh năm 2008, ở gần nhà, cùng đi lấy với ý định sẽ cướp hàng của người giao. Nhưng khi cả hai thực hiện hành vi cướp tài sản đã bị người giao hàng khống chế, hô hoán người dân bắt giữ, sau đó bàn giao cho cơ quan Công an.
Cũng tại TP. Thái Nguyên, thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc người chưa 18 tuổi vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý. Riêng 2 năm 2021 - 2022, Công an TP. Thái Nguyên phát hiện và tiếp nhận 25 vụ/52 đối tượng vi phạm pháp luật là người chưa thành niên; đã khởi tố 6 vụ/20 bị can, không khởi tố 15 vụ, phạt tiền 23 đối tượng, cảnh cáo 12 đối tượng. Qua phân tích, tội danh chiếm đa số trong các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi là trộm cắp tài sản (chiếm 48%) và cố ý gây thương tích (chiếm 28%).
Dù đã xảy ra 4 tháng song đến nay, dư luận vẫn chưa hết xôn xao mỗi khi nhắc đến vụ em vợ trộm cắp 17 chiếc điện thoại Iphone 14 Pro Max trị giá khoảng 500 triệu đồng của anh rể. Hai thiếu niên gây ra vụ trộm cắp tài sản gây chấn động kể trên là N.T.H, sinh năm 2009 và N.A.T, sinh năm 2007 cùng ở phường Lương Sơn (TP. Sông Công). Đang là học sinh xong N.T.H và N.A.T chỉ thích tụ tập, lêu lổng cùng bạn bè xấu. Để có tiền tiêu xài cùng nhóm bạn, H. đã rủ T. đến nhà anh rể mình ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) lấy trộm 17 chiếc điện thoại Iphone 14 Pro Max. Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan Công an đã khởi tố N.A.T về tội “Trộm cắp tài sản”, đồng thời hoàn thiện hồ sơ đối với N.T.H và gửi về địa phương quản lý, giáo dục.
Liên quan đến tội phạm là người dưới 18 tuổi, 2 năm qua, Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh đã thụ lý 80 vụ/116 bị cáo, xét xử 78 vụ/114 vụ. Đáng chú ý là các vụ án do trẻ vị thành niên gây ra có tính chất phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Có thể kể đến ngày 13/2/2023, Tòa án nhân dân TP. Sông Công đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự 4 bị cáo về tội cướp tài sản liên quan đến vụ cướp tài sản xảy ra trên địa bàn phường Bách Quang, TP. Sông Công, ngày 27/7/2022. Trong số 4 đối tượng, có Đ.Đ.M, sinh năm 2006, xã Điềm Thụy (Phú Bình).
Trước đó, khoảng 1 giờ ngày 27/7/2022, Đ.Đ.M nghe lời rủ rê của nhóm thanh niên đi từ Khu công nghiệp Điềm Thụy đến ngã tư Khu công nghiệp Sông Công 1, sử dụng xe máy, đem theo mặt nạ và dao bầu. Gặp anh Trần Văn B. điều khiển xe máy chở một người phía sau, nhóm đối tượng đã chặn đầu, làm đổ xe của anh B. xuống đường. Sau đó, M. cùng 3 thanh niên đã đánh anh B, khiến anh hoảng sợ bỏ xe chạy. Thấy vậy, Đ.Đ.M. cùng cả nhóm đã mang “chiến lợi phẩm” là chiếc xe máy của anh B. về TP. Thái Nguyên, mang đi cầm cố được trên 4 triệu đồng cùng nhau tiêu xài. Căn cứ các tình tiết và hành vi của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt nghiêm minh. Riêng Đ.Đ.M. sinh năm 2006, tính đến ngày phạm tội chưa đủ 16 tuổi, nhận mức án 3 năm 6 tháng tù.
Nhiều nguyên nhân trẻ hoá tội phạm
Qua điều tra và xét xử các vụ án, lực lượng chức năng đánh giá, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm. Đồng chí Nguyễn Ích Yên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết: Người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Ở độ tuổi này, các em phát triển nhanh về thể chất nhưng tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn. Việc thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc khiến các em dễ dàng thực hiện những hành vi có tính chất bột phát, không có sự điều khiển của lý trí, dẫn đến hành vi phạm tội.
Ngoài lý do các em đang trong độ tuổi trưởng thành, ham chơi, đua đòi, thiếu hiểu biết và dễ bị kích động thì nguyên nhân sâu xa nhất là các em thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, quản lý của gia đình. Không ít trường hợp thiếu niên vi phạm pháp luật có hoàn cảnh gia đình éo le như bố mẹ ly hôn, phạm pháp hình sự, rượu chè, cờ bạc, bị bạo lực gia đình khiến các em ít được quan tâm, dạy bảo. Đa số các đối tượng vi phạm pháp luật đều bỏ học sớm, không được gia đình chăm lo, giáo dục, nên nhiều em dính vào ma túy, thực hiện các hành vi đánh bạc, trộm cắp, cướp giật tài sản, gây mất trật tự xã hội.
Trường hợp của V.T.Đ, hộ khẩu tổ 4, phường Túc Duyên và T.Q.H, hộ khẩu tổ 19, phường Phan Đình Phùng là một ví dụ. Cuối năm 2022, cả hai bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Thái Nguyên khởi tố về tội “Trộm cắp tài sản” khi mới bước sang tuổi 16 chưa lâu. Do ham chơi, tụ tập bạn bè lêu lổng, cần tiền tiêu xài nên V.T.Đ. và T.Q.H. đã cùng hai đồng phạm gây ra 9 vụ trộm cắp tài sản là xe máy trên địa bàn thành phố.
Trước đó, tháng 8/2022, V.T.Đ cùng một nhóm đối tượng thanh thiếu niên tiếp tục có hành vi gây rối trật tự công cộng trên địa bàn phường Túc Duyên. Chưa hết, trong đầu năm 2022, V.T.Đ. cũng tham gia cùng 3 người (hai học sinh, sinh năm 2006 và 2007 của trường THCS và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) gây ra 8 vụ trộm cắp chim cảnh tại TP. Thái Nguyên.
Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình V.T.Đ. chúng tôi được biết, bố mẹ em không chung sống đã lâu, Đ. ở cùng bố còn em trai ở cùng ông nội. Bố Đ. là anh V.T.T, làm nghề sửa chữa xe máy ở gần nhà, suốt ngày bận rộn với công việc. Khi chúng tôi trò chuyện, bố của V.T.Đ rầu rĩ, thể hiện sự bất lực, anh nói: Tôi suốt ngày lo kiếm tiền nuôi hai anh em nó, không có thời gian quản lý, giáo dục con. Đợt trước, khi cơ quan Công an thông báo nó cùng nhóm bạn đi trộm cắp chim cảnh, chỉ bị xử phạt hành chính, tôi đã nhắc nhở rồi nói đi làm phụ cùng bố để kiếm thêm thu nhập nhưng nó không nghe mà suốt ngày lông bông tụ tập với nhóm bạn xấu...
Bên cạnh sự quản lý chưa sát sao của gia đình thì sự tác động mạnh mẽ của văn hóa phẩm độc hại, nhất là sự ảnh hưởng từ lối sống, cách hành xử bạo lực đăng tải tràn lan, thiếu kiểm soát trên mạng internet cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ hoá tội phạm. Thực tế cho thấy, rất nhiều thanh, thiếu niên không biết được việc làm sai trái của mình có thể bị pháp luật xử lý. Nhiều em bị dụ dỗ phạm tội hay gián tiếp phạm tội mà không biết mình đã vi phạm pháp luật. Điều này một phần do nhận thức của một số thanh, thiếu niên về các quy định pháp luật còn hạn chế, một phần lớn do định hướng của gia đình, nhà trường, xã hội đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên chưa đạt được hiệu quả.
Cần sự chung tay từ cộng đồng xã hội
Vụ việc đáng tiếc xảy ra vào tháng 1 năm 2023 trên địa bàn huyện Định Hoá vừa qua khiến nhiều người chưa hết day dứt. L.V.H, sinh năm 2005, là học sinh một trường THPT đến nhà M.V.T, sinh năm 2007, tại xã Trung Hội (Định Hóa). Sau đó, H. và T. đã chuốc rượu để cho hai bạn nữ cùng sinh năm 2007 có mặt ở đó bị say để quan hệ tình dục. Ngày 3/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Định Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với L.V.H và M.V.T về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Chắc chắn tới đây, các em sẽ phải nhận những bản án thích đáng cho tội lỗi mà mình gây ra. Tuy nhiên, vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục con cái và học sinh để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc kể trên.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý, người dưới 18 tuổi ở độ tuổi tâm sinh lý chưa ổn định, nhân cách chưa hoàn thiện, nhận thức về các vấn đề xã hội còn hạn chế, thậm chí sai lệch. Trẻ vị thành niên cũng thường nông nổi, hiếu thắng, liều lĩnh trước tác động của ngoại cảnh và có đặc tính tò mò, bắt chước. Bởi vậy, các em dễ bị kích thích, khó tự kiềm chế bản thân khi có các yếu tố của ngoại cảnh tác động, dẫn đến manh động và có các hành vi bạo lực để đối phó, chống trả sự tác động. Rõ ràng, tuổi vị thành niên là lứa tuổi đang phát triển, hoàn thiện cả thể chất và tinh thần nên không thể tránh được những nổi loạn, dẫn tới không kiểm soát được hành vi của mình và phạm tội.
Để giảm thiểu tình trạng trẻ vị thành niên phạm pháp, ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, thì vấn đề giáo dục nhân cách, chăm lo đời sống tinh thần, tình cảm cho các em rất cần sự cộng đồng trách nhiệm của cả xã hội. Trong đó, vấn đề tiên quyết là từ mỗi gia đình cho đến nhà trường và xã hội trong việc định hướng tư tưởng, quản lý, giáo dục con em mình. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên cũng cần được các ngành chức năng và các nhà trường phối hợp cùng gia đình thực hiện chặt chẽ hơn nữa…
Số liệu từ Công an tỉnh, giai đoạn 2021 - 2022, tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh là 142 vụ/270 đối tượng (tăng 34 vụ/83 đối tượng so với giai đoạn 2019 - 2020). Tội danh chiếm đa số trong các vụ việc liên quan đến trẻ vị thành niên là trộm cắp tài sản (44 vụ/64 đối tượng) và cố ý gây thương tích (36 vụ/90 đối tượng).
Theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm. Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành quy định: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 18 năm tù; trường hợp áp dụng tù có thời hạn thì hình phạt với người dưới 18 tuổi sẽ không quá mức hình phạt so với người đã thành niên.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...