Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
20:19 (GMT +7)

Người đàn bà vẽ màu hoa nắng

Trở lại xã Phú Đô, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay nhanh chóng của một miền đất bán sơn địa thuộc vùng sâu vùng xa của huyện Phú Lương. Những nương chè xanh ngút ngàn nối nhau uốn lượn vắt ngang rừng như chiếc khăn hoa lý. Nắng rắc lên núi đồi muôn cánh tơ vàng óng ánh. Nhiều luống chè biếc nõn bên những ngôi nhà tươi màu sơn mới tạo nên một khung cảnh thật huyền diệu. Chị Nguyễn Thị Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 giới thiệu về vùng chè và khẳng định: “Sản xuất chè sạch, chè an toàn là hướng đi làng nghề và hợp tác xã đã xác lập. OCOP chính là giải pháp nâng cao giá trị cây chè, ngoài trà tôm nõn, chúng tôi đang phấn đấu để có thêm nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn đó”.

Hoa rừng cài trăng bên cửa

Trong các loại cây trồng trên địa bàn xã Phú Đô, cây chè đã tồn tại 50 năm. Vài năm trở lại đây, cây chè phát triển mạnh và hiện đã và đang trở thành loại cây trồng mũi nhọn của xã với diện tích trên 500 ha. Một trong những điểm sáng về sản xuất, chế biến và kinh doanh chè của xã Phú Đô là Hợp tác xã Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ Saemaul Phú Nam 1 (gọi tắt là HTX Phú Nam 1).

Chị Nguyễn Thị Hoàng (ngoài cùng bên trái) tại Ngày hội văn hóa trà của xã Phú Đô 2022

Hợp tác xã của làng nghề này thành lập năm 2017 và được tài trợ trong khuôn khổ “Dự án Làng thí điểm nông thôn mới Saemaul Phú Nam 1”. Đây cũng là dự án duy nhất được triển khai trên địa bàn huyện Phú Lương sau những vòng tuyển chọn khắt khe của nhà tài trợ. Mục tiêu của dự án là giúp những khu vực dân cư khó khăn phát triển sản xuất bền vững, nhưng phải có những con người đủ khả năng tiếp nhận quản lý dự án. Phú Nam 1 đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, bởi có người tâm huyết như chị Nguyễn Thị Hoàng. Hiện nay xóm Phú Nam 1 đã sáp nhập với xóm Mới và mang tên xóm Phú Nam Mới, nhưng làng nghề và hợp tác xã vẫn tiếp tục hoạt động theo mô hình thiết lập của dự án.

Trưa muộn, các hộ gia đình vẫn mải miết thu hái, cắt cành và chăm bón chuẩn bị cho vụ chè mới. Tiếp chuyện chúng tôi, một số bà con Phú Nam 1 cho biết ông Nguyễn Văn Trân, bố chị Nguyễn Thị Hoàng, là một trong những người đầu tiên đưa cây chè về trồng trên đất Phú Nam. Năm 1975, gia đình ông cùng một số bà con từ huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội) lên xây dựng kinh tế mới. Toàn bộ xóm Phú Nam 1 ngày đó là đồi rừng hoang vu. Sau khi vỡ đất dựng nhà tạm, trồng ngô, sắn, thấy diện tích có thể trồng lúa rất ít, ông đã khảo sát và cùng mọi người bàn bạc thống nhất lựa chọn cây trồng, vật nuôi. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ tạo điều kiện của nhà nước và nông trường huyện, năm 1976, những cây chè từ lô hạt giống đầu tiên đã nảy mầm, đó là giống chè trung du thuần chủng chưa hề lai tạo. Tuy nhiên diện tích trồng thử nghiệm để học hỏi kinh nghiệm còn rất khiêm tốn…

Chị Nguyễn Thị Hoàng sinh năm 1962, cùng bố mẹ lên Phú Nam “khai sơn lập địa”, năm 13 tuổi và đang học lớp 6. Tảo tần bươn chải mưu sinh trên vùng đất khó, vừa làm việc vừa học, chị đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị kinh doanh, đảm nhiệm nhiều vị trí công tác và là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Đô trước khi nghỉ chế độ.

Ở cái tuổi không còn trẻ để mơ mộng, gương mặt chị Hoàng vẫn ánh lên nét xuân sắc khi kể về những năm tháng đầu đời gian nan mở đất. Chị không nhắc đến khó khăn của gia đình, chỉ nói đến đến sự chung tay, cưu mang chia ngọt sẻ bùi của những người dân xa quê đến miền đất mới. Đồi núi hoang vu cằn cỗi. Không đường, không điện, không có đủ mọi vật dụng sinh hoạt tối thiểu, tài sản giá trị nhất của bà con xóm nhỏ này là tình người, tình đời. Những loại cây ngắn ngày như ngô, sắn, khoai lang cùng hạt thóc ít ỏi nuôi sống con người. Cây trồng lâu niên đơm hoa kết trái, cây chè sau một vài năm trồng thử cũng bắt đầu sinh sôi khắp đồi nương và gắn bó với người dân.

Những năm đầu tuy còn ít tuổi, chị nửa ngày đi học, nửa ngày giúp bố mẹ nhiều việc, không chỉ là chăn trâu cắt cỏ, mà còn cả việc đào rãnh trồng chè, phát bãi làm nương… Đất rộng người thưa, rừng kề bên cửa. Những bông hoa dại của đại ngàn xanh vấn vít đêm trăng. Tiếng vượn hót, chim kêu lọt qua mái gianh rơi vào cánh võng. Tuổi thơ của chị như dòng nước chảy ra từ rừng, mát lành, trong vắt.

Mấy chục năm qua, cùng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác, cây chè thực sự là cây “xóa đói giảm nghèo”. Gia đình chị và bà con nơi đây chắt chiu, góp nhặt từng đồng tiền nhỏ sau thu hái nuôi con ăn học, cải tạo nhà cửa và sắm sanh từng món vật dụng cần thiết phục vụ sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, do chưa biết lựa chọn giống chè và đầu tư về kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến, chè cho giá trị kinh tế thấp, nên số hộ trồng và diện tích chè không nhiều.

Mặt khác, cây chè trung du dần thoái hóa, cùng với tập quán canh tác manh mún nhỏ lẻ, tự sản tự tiêu, sự thiếu ăn thiếu mặc không còn nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng.

Cho những mùa hương bay lên

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi và được sự quan tâm về nhiều mặt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, từ loại cây xóa đói giảm nghèo, hiện nay chè đã trở thành loại cây làm giàu trên chính đồng đất vùng quê mới của bà con. Thu nhập của người dân được nâng lên, đời sống vật chất tinh thần tiếp tục được cải thiện.

Diện tích chè thực hiện cấp mã số vùng trồng của HTX

Khác với nhiều vùng trồng chè, diện tích chè của Phú Nam 1 phần lớn bao quanh những nếp nhà còn tươi màu sơn, uốn lượn bên các sườn đồi, một số trải dài trên các chân ruộng, nhiều vườn chè được trồng cạnh vườn thanh long, hoặc xen các loại cây ăn quả như nhãn, bưởi.

Tìm hiểu thực tế tôi được biết làng nghề hiện có 60 hộ gia đình thì tất cả đều trồng chè. Chè là cây trồng chủ lực với diện tích đang cho thu hoạch là 47 ha, trong đó có 15 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng bình quân đạt 12 tấn chè búp tươi/ năm. Giống chè được trồng ở đây là: Thúy Ngọc, chè lai F1, Trung du, nhiều nhất là Tri 777. Các loại chè này có ưu điểm là khi trồng cho tỷ lệ sống cao. Khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng khá tốt với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng địa phương. Cây sinh trưởng khỏe, mật độ búp dày và mập, thích hợp cho chế biến chè đặc sản.

Phú Nam 1 đã có không gian trưng bày và chế biến trà khang trang

Toàn bộ diện tích chè đã được trang bị giàn tưới tự động. Mô hình sản xuất chè theo phương thức hộ gia đình, hợp tác xã hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón, quảng bá thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và quản lý toàn bộ mẫu mã bao bì, tem truy xuất nguồn gốc.

5 năm qua Phú Nam 1 đã được đầu tư 14 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích trồng chè, xây dựng giàn phun nước tưới, nhà văn hóa xóm, phòng làm việc của hợp tác xã, hệ thống cân điện tử và máy hút chân không. Trong đó khu chế biến chè tập trung của hợp tác xã cũng đã được hoàn thiện và tiếp nhận sản phẩm của bà con xã viên. Khu nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm chè trị giá 2,6 tỷ đồng đã mở cửa đón các đoàn khách trong nước và quốc tế cùng mọi người tới tham quan, thưởng trà.

Không hẳn mọi việc trong phát triển cây chè và sản xuất sản phẩm trà của Phú Nam 1 diễn ra luôn thuận lợi. Chất lượng trà phải gắn liền với đảm bảo an toàn và giữ chữ tín với khách hàng trong từng sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Hoàng đã rất vất vả vận động bà con thay đổi tập quán canh tác và ứng dụng khoa học kĩ thuật. Các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chỉ sử dụng của nhà cung cấp có uy tín và thực hiện nghiêm túc theo qui định. Lẽ dĩ nhiên ban đầu không phải ai cũng nhiệt tình hưởng ứng.

Cây chè có nhiều sâu bệnh như cháy lá, phồng lá, thối búp, rầy xanh và bọ xít, muỗi… Trước đây bà con can thiệp bằng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật hoá học mua trên thị trường. Chị đã tuyên truyền bà con chuyển sang sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học, kiên quyết không dùng thuốc diệt cỏ. Các loại chế phẩm sinh học có chứa các vi sinh vật có lợi, giúp kiểm soát nấm bệnh, phòng trừ bệnh cháy lá, phồng lá một cách hiệu quả, cây sinh trưởng tốt, lá xanh dày, búp to, hương thơm. Tuy các chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh giá không cao, nhưng loại thuốc cũ chỉ phun hai lần trong chu kì thu hái, chế phẩm sinh học nhẹ hơn phải duy trì bốn lần, dẫn tới giá thành sản phẩm cao, trong khi giá bán chưa được nâng lên. Bằng tâm huyết với cây chè và nhiều biện pháp kéo khách hàng đến với làng nghề của chị, bà con đã hăng hái tham gia và nay tất cả các sản phẩm của Phú Nam 1 tiêu thụ trên thị trường đều là sản phẩm sạch.

Chị Hoàng cho biết: Dự án Saemaul Hàn Quốc đã giúp đỡ rất nhiều để làng nghề phát triển toàn diện về đời sống, kinh tế xã hội. Hiện thành viên của hợp tác xã có 1 cán bộ là phó chủ tịch ủy ban xã, 1 kỹ sư nông nghiệp của xã, 1 cán bộ của phòng nông nghiệp huyện. Saemaul Phú Nam 1 đang sản xuất các loại chè: Phú Nam Trà đinh, Trà Tôm nõn đặc biệt, Trà Tôm nõn đặc sản, Kim Ngọc trà, Trà Móc câu đặc biệt, Trà móc câu đặc sản, Trà xanh đặc sản và vừa cho ra sản phẩm mới Hồng Phước trà. Hợp tác xã đảm nhận hướng dẫn các hộ gia đình trồng chè tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến, đảm bảo sản xuất chè sạch, an toàn. Loại phân hữu cơ được hợp tác xã cung ứng cho tất cả các hộ… Thời gian tới, bên cạnh việc tăng diện tích trồng chè mới, hợp tác xã tập trung vận động và hướng dẫn các hộ xã viên lựa chọn giống chè chất lượng cao, mở rộng diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước sản xuất chè hữu cơ.

Một trong những biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm trà là hợp tác xã vận động bà con thực hiện và phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng mã số vùng trồng, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Năm 2021, sản phẩm trà Tôm nõn của hợp tác xã đã đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao.

Để có thể nâng cao sản lượng thu mua, tiêu thụ chè cho bà con nông dân, hợp tác xã đã tích cực quảng bá, giới thiệu sản sản phẩm Phú Nam 1 bằng nhiều hình thức. Không chỉ tham gia hội chợ, lễ hội, lễ vinh danh làng nghề của huyện và tỉnh, hợp tác xã còn mang chè tham gia hội chợ tại Phú Xuyên, Vân Từ (Hà Nội) và sang cả hội chợ tại Quảng Châu (Trung Quốc) bán giới thiệu, tìm kiếm khách hàng...

Tuy nhiên do cây chè mới phát triển mạnh những năm gần đây, việc tiêu thụ sản phẩm của Saemaul Phú Nam 1 chưa hẳn đã hết khó khăn. Phần lớn sản lượng chè vẫn tiêu thụ qua các kênh nhỏ lẻ, phân tán, chưa có những đầu mối tiêu thụ và các hợp đồng lớn với bạn hàng. Từ ngày nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm trà và khu chế biến sản phẩm tập trung đi vào hoạt động, sản phẩm trà Saemaul Phú Nam 1 và cây chè trên vùng đất này được nhiều người biết tới hơn và có thêm cơ hội phát triển.

Nhấp li trà thơm đượm, màu vàng xanh, thoảng nhẹ mùi cốm, uống xong có vị ngọt lắng sâu trong vị giác không thua kém bất cứ một loại chè nơi nào khác, tôi tin những ai đã thưởng thức hương vị trà Saemaul Phú Nam 1 sẽ thực sự ấn tượng.

Thu hái chè vụ đông 2022 của làng nghề Phú Nam 1

Ngắm nhìn những nương chè ngời ngợi màu xanh nõn ánh lên như ngọc, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động và vui mừng trước thành quả bước đầu người dân đã cần cù tạo dựng.

Tất bật, bận rộn trước bộn bề công việc, chị Nguyễn Thị Hoàng vẫn dành thời gian đưa chúng tôi đi thăm làng nghề và chia sẻ: “Ngoài việc mở rộng diện tích trồng chè hữu cơ, hợp tác xã tiếp tục cùng bà con lựa chọn giống chè để chế biến nhiều loại sản phẩm trà cao cấp, đạt tiêu chuẩn OCOP gửi tới khách hàng”.

Vượt qua nhiều khó khăn phát triển cây chè và các sản phẩm trà để chăm lo cuộc sống cho bà con nông dân là điều chị Nguyễn Thị Hoàng luôn nỗ lực. Phương án mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh khi tới đây hợp tác xã thu hút đông đảo xã viên địa bàn vừa sáp nhập cũng đã được xây dựng.

Trước nhà văn hóa liền kề con đường hoa, chúng tôi có thể bao quát được cả một khu vực khá rộng. Dường như trên những nương chè tươi non, cả bốn mùa sắc xuân luôn ngập tràn. Tôi tin bằng sự nhiệt huyết của chị Nguyễn Thị Hoàng và sự tần tảo của bà con, Phú Nam 1 sẽ ngày càng tươi mới hơn và đẹp như bức tranh mang màu hoa nắng. Màu hoa nắng ấy được vẽ từ những người con bình dị, thuần phác của làng.

Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Không khóc ở Đài Loan

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Trái tim bồ đề

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Thái Nguyên lưu luyến trong tôi

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Người bản Dao thay áo cho rừng

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước

Văng vẳng tiếng còi tàu

Cuộc thi Ký sự - Phóng sự (2021-2023) 11 tháng trước