Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
00:58 (GMT +7)

Nghi lễ sinh đẻ và nuôi dạy con cái của người Nùng Phàn Slình

Theo Kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở tháng 7/2019, dân số toàn tỉnh Thái Nguyên là 1.286.751 người, các dân tộc khác là 384.379 người. Dân số toàn huyện Đồng Hỷ là 90.709 người, trong đó dân tộc Nùng có 17.178 người chiếm 18,93% dân số. Hiện nay, người Nùng sinh sống chủ yếu ở xã Hoà Bình, Tân Long, Văn Hán và Văn Lăng của huyện Đồng Hỷ, thuộc nhóm Nùng Phàn Slình. Họ vẫn giữ được một số nghi lễ vòng đời người mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có nghi lễ sinh đẻ và nuôi dạy con cái.

Nghi lễ sinh đẻ và nuôi dạy con cái của người Nùng Phàn Slình
Em bé Nùng Phàn Slình

Theo quan niệm của người Nùng Phàn Slình, gia đình hạnh phúc, nhiều lộc là gia đình có nhiều con cháu, đặc biệt là con trai, cháu trai. Xuất phát từ quan niệm, con cái là do Mẹ Hoa (Mể Va) phân chia. Khi người phụ nữ mang thai họ kiêng làm việc nặng nhọc vì dễ gây ảnh hưởng tới thai nhi. Họ cần vui vẻ, ăn nói dịu dàng, tránh cãi nhau và xa lánh những cảnh tượng hãi hùng để tâm hồn được thư thái. Họ không được ăn ốc vì sợ con sẽ chảy dãi và chậm nói, không được bước qua dây chạc trâu, thiếu cày vì sợ rằng thời gian mang thai sẽ lâu như những con vật ấy. Đứa trẻ sẽ sinh già tháng và sẽ có nhiều điều không tốt, bị tràng hoa quấn cổ, luôn há mồm… Họ cũng không dám ăn cơm cháy vì sợ dính ruột trong quá trình mang thai. Trong gia đình các thành viên không đóng đinh vào cột nhà cũng như không được thay đổi giường, vì sợ động sẽ bị sẩy thai hoặc gây đẻ non thiếu tháng.

Người phụ nữ mang thai cũng không được hái các loại quả đặc biệt như: quả chanh vì sợ bị rám, quả ổi vì sợ bị nứt và bị sâu, không được hái lá trầu không, hái rau răm, hái rau thơm vì nếu không các loài này sẽ lụi… Ngoài ra, họ cũng phải kiêng không được đi đám ma hay nhìn đám ma vì sợ lạnh về nhà dễ bị sảy thai, không được trèo cây vì thai sẽ bị thêm tháng. Bản thân người cha cũng phải kiêng như: không được chọc tiết lợn vì sau này con sẽ ngủ ngáy; không được cắt tiết gà, vịt; không được đập rắn vì sợ con sinh ra sẽ bị thè lưỡi; không đi viếng đám ma, không được khiêng quan tài; không được làm ông mối trong các đám cưới. Gia đình không làm nhà mới, không trang trí, mua đồ dùng mới, không di chuyển, không sắp xếp lại đồ đạc trong nhà vì theo quan niệm của họ nếu làm những điều đó cũng sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong bụng. Gia đình cũng không được mang cây mới đốn vào trong nhà vì có thể gây tang tóc trong gia đình.

Trước đây phụ nữ Nùng Phàn Slình thường sinh nở tại nhà. Khi đứa bé ra đời, người mẹ hoặc bà đỡ dùng dao sắc cắt rốn cho đứa trẻ sơ sinh. Đoạn cuống rốn ấy, bà nội sẽ cho vào một ống tre và đặt vào một hốc cây to trong rừng. Trên đường đi phải đi thẳng không được nhìn dọc nhìn ngang để tránh đứa trẻ sau này mắt híp, mắt lác… Còn việc để nhau thai vào hốc cây theo quan niệm là đứa trẻ sau này lớn lên học hành thông minh, giỏi giang hơn người, có người che chở giúp đỡ.

Nghi lễ sinh đẻ và nuôi dạy con cái của người Nùng Phàn Slình
Một bản của người Nùng Phàn Slình

Sau khi sinh xong, sản phụ được ăn cơm nếp, thịt gà mái tơ nấu canh gừng nghệ với rượu nếp cái để có nhiều sữa cho con bú, nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Sản phụ phải ở cữ trong buồng của mình trong khoảng một tháng đầu vì sợ tam sát. Theo quan niệm của đồng bào, nếu sinh đẻ vào: mùa xuân kị tháng Giêng, tháng Năm; tháng Chín kị hướng đông; mùa hạ kị tháng Hai, tháng Sáu; tháng Mười kị hướng Nam; mùa thu kị tháng Ba, tháng Bảy; tháng Mười Một hướng bắc; mùa đông kị tháng Tư, tháng Tám; tháng Mười Hai ở hướng tây. Tức là đẻ vào tháng nào thì không được đi những hướng đấy, nếu không, về sản phụ sẽ bị đau bụng và sốt rét.

Khi trong nhà có đứa trẻ ra đời, người Nùng Phàn Slình thường treo trước cửa chính nhà mình một cành lá cây sâm trâu (nhả đẹt) ở bên trái (nếu sinh con gái), hoặc ở bên phải (nếu sinh con trai) hoặc cắm ở cầu thang để báo cho người lạ biết, không được vào nhà. Mục đích chính là ngăn những người nặng vía, đần độn, người có tư cách không tốt và phụ nữ lên nhà vì hồn vía của người đầu tiên lên nhà sẽ có ảnh hưởng đến hồn vía và sức khỏe của đứa trẻ. Có một số gia đình còn để con dao nhọn ở đầu giường sản phụ để trừ tà ma quỷ quái quấy nhiễu đứa trẻ. Trong tháng cữ, người nhà cũng không được mang các vật lạ vào buồng sản phụ vì sợ bé bị vía, sài… Cả hai mẹ con được tắm rửa bằng lá thơm như: cây ngũ hồng bì, lá mắt trâu, lá chạc ba, cây tổ quạ…

Mẹ và các em bé Nùng Phàn Slình
Mẹ và các em bé Nùng Phàn Slình

Sau khi đứa trẻ sinh ra được khoảng 3 ngày (slam nâu), gia đình sẽ làm lễ nhỏ báo với tổ tiên và mời bên ngoại đến chia vui, ăn mừng hai bên có cháu nội cháu ngoại. Nếu sinh con trai thì con rể sẽ mang gà trống, nếu sinh con gái thì mang gà mái đến báo cho bố mẹ vợ biết.

Khi được một tháng gia đình làm lễ khai bươn (treo nôi) cho đứa trẻ. Trong lễ này gia đình mời đại diện rộng hơn, đông hơn, gồm cả họ nội và họ ngoại. Nếu là con cháu đầu lòng là con trai thì lễ này sẽ được tổ chức to và gia đình bên ngoại có trách nhiệm làm bàn mụ, đan nôi tre, làm địu, lợn quay, gà trống, xôi đỏ mang đến mừng cháu ngoại.

Gia đình ông bà anh em bên ngoại chuẩn bị lễ vật mang đến gia đình nhà chồng con gái gồm: 01 chiếc bàn mụ (ăn va) đan bằng tre, hình chữ nhật có kích thước 40cm x 35cm. Theo tập quán chính người bác ruột của đứa trẻ mới sinh (anh trai ruột của mẹ đứa trẻ) là người có trách nhiệm làm chiếc bàn mụ này.

Bà ngoại cũng tự tay làm một chiếc địu (ăn đa) tặng cho cháu ngoại. Mặt địu làm bằng vải hoa hoặc thổ cẩm với ba màu chủ đạo là đen, đỏ và xanh. Mặt địu không thêu hoa văn mà chỉ là những đường chỉ dọc và ngang. Đây là món quà không thể thiếu được trong buổi lễ an va.

Cùng với chiếc bàn mụ, chiếc địu bên ngoại còn mang sang một chiếc nôi đan bằng tre. Chiếc nôi này có dạng hình chữ nhật, dài khoảng 1,2m để cho đứa trẻ dùng từ lúc sinh cho đến 3 - 4 tuổi. Ngoài ra, họ còn mang theo hai bát cơm nếp, hai con gà (một trống, một mái), một con lợn quay (30 - 40kg), bánh giầy…

Đoàn người từ bên ngoại sang gồm có ông bà ngoại cùng với anh, chị em của mẹ đứa trẻ mới sinh vào lúc chiều tối. Ông bác đeo chiếc bàn mụ (ăn va) trước ngực là người đi đầu tiên dẫn đường. Có điều đặc biệt là từ lúc bắt đầu khởi hành tuyệt nhiên ông không được nói một lời nào cho đến khi vào đến nhà đứa trẻ đặt chiếc bàn mụ trước cửa buồng trước cửa buồng sản phụ. Sau đó ông mới được đi lên phía trên nói chuyện với mọi người tới dự lễ. Họ quan niệm rằng nếu trên đường đi ông bác nói chuyện với đoàn cùng đi thì ma quỷ (phí slơng) trên đường sẽ đi theo nhập vào chiếc bàn mụ và nghịch ngợm làm hại đứa trẻ mới sinh cơ thể còn non nớt (quày đách).

Thầy cúng cho nghi lễ đầy tháng có thể là thầy Tào, thầy Mo. Ngay phía dưới bàn thờ Bà Mụ (Mể Va) gia chủ bày đồ lễ để thầy cúng mời tổ tiên chứng nhận.

Trong ngày cúng mụ, nếu có điều kiện, gia đình có thể mời bà Then, thầy Mo đến cúng cầu cho trẻ (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Trong ngày cúng mụ, nếu có điều kiện, gia đình có thể mời bà Then, thầy Mo đến cúng cầu cho trẻ (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Bàn thờ Bà Mụ có một con gà mái (quan niệm Bà Mụ là nữ nên phải dùng gà mái), hai bát xôi đỏ, bánh giầy và hai cánh hoa làm bằng giấy bản. Nếu là con trai thì ngoài cùng của bông hoa dán màu đỏ, nếu là con gái thì màu xanh hoặc trắng. Sau khi đã tẩy uế sạch sẽ, thầy cúng thay mặt gia đình mời thần thánh, tổ tiên, Bà Mụ về nhận lễ vật và nhận cháu. Từ đây, trong gia đình luôn luôn có sự hiện diện và bảo trợ của Bà Mụ đối với hồn vía của đứa trẻ sơ sinh. Trong quá trình lớn lên nếu nó hay khóc đêm, hay ốm đau bệnh tật thì gia đình lại đặt gà lên bàn Mụ xin Bà giúp tìm vía về.

Trong buổi lễ khai bươn này có điều đặc biệt là con gà mái cúng cho Bà Mụ thì bố mẹ đứa trẻ ăn hết không được chia cho ai. Sản phụ được ăn phần đùi, phần ngực, người bố ăn phần đầu, cổ, cánh và chân kèm theo 2 hai bát xôi. Đồng bào cho rằng các điều đó thể hiện từ nay trở đi trách nhiệm trước tổ tiên của người cha người mẹ là phải cùng nhau nuôi dưỡng đứa bé lớn lên thành người có ích cho cộng đồng và xã hội.

Sau buổi lễ đầy tháng đó, sản phụ và đứa trẻ sẽ được về nhà ngoại chơi một ngày. Người Nùng Phàn Slình gọi là pây khái bươn (giống như đi đổ phong long của người Kinh). Trước khi về bên ngoại sẽ nấu xôi và luộc khoảng 5 quả trứng hoặc bắt cho một con gà nhỏ (cày tắc 8 lạng - 1 kg) làm quà cho cháu ngoại mang về.

Trên đường về, nếu đứa trẻ là con trai người mẹ sẽ xuống suối bắt mấy con cá, con cua với ngụ ý là sau này lớn lên con trai sẽ là người đàn ông chăm chỉ làm ăn. Nếu là con gái người mẹ sẽ hái một ít rau rừng và nhặt mấy cành củi khô mang về với ngụ ý là sau này con gái lớn lên sẽ là người phụ nữ chăm chỉ, biết chăm sóc gia đình. Hoặc nếu trên đường về qua chợ, mẹ sẽ mua một cuộn chỉ và một cây kim nếu là con gái, một quyển vở và một cây bút nếu là con trai đặt lên bàn Mụ. Đây là những nét đẹp trong văn hóa tộc người thể hiện mong ước của người cha người mẹ đối với những đứa con do mình sinh ra.

Với người Nùng Phàn Slình việc chăm sóc và dạy dỗ con cái là nhiệm vụ chung của các thành viên trong gia đình. Ông bà chăm sóc dạy bảo con cháu của mình về phong tục tập quán của dân tộc. Bố thường dạy con trai biết làm những công việc nặng nhọc dành cho nam giới, mẹ thường dạy con gái nấu nướng, thêu thùa, nấu ăn... Đầu tiên là học nói, quan sát rồi dắt tay chỉ việc. Họ thường nói tiếng dân tộc và tiếng Kinh song song với nhau. Đây là phương pháp dạy truyền khẩu, thực hành, rất phù hợp với trình độ dân trí của dân tộc, có hiệu quả cao và con cái khi lớn lên chịu ảnh hưởng bởi sự giáo dục của bố mẹ rất nhiều.

Có thể nói nghi lễ sinh đẻ và nuôi dạy con cái của người Nùng Phàn Slình bản thân nó thể hiện sâu sắc tâm lí tộc người. Hơn nữa chính những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cũng được biểu hiện qua những hoạt động của nghi lễ và cách nuôi dạy con cái đó. 

Đàm Thị Tấm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy