Nghĩ chuyện “của người phúc ta”
VNTN - Những ai quan tâm đến chữ nghĩa hẳn đều biết Từ thiện thuộc nhóm từ thuần Hán bao gồm Từ có nghĩa là thương yêu (như trong nhân từ, hiền từ) và Thiện nghĩa là tốt lành. Như vậy, làm từ thiện là làm việc tốt vì lòng thương yêu con người, “thương người như thể thương thân”. Hoạt động này thường được thông qua dưới nhiều hình thức như hiến tặng tiền bạc, vật phẩm, chăm sóc y tế…. Từ thiện có thể là việc làm của cá nhân, của tập thể hoặc của cả một cộng đồng.
Nói thế để khẳng định rằng làm từ thiện trước hết và chủ yếu xuất phát từ tình thương đồng loại, với mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ những người hoạn nạn trong những hoàn cảnh do bão lụt, hỏa hoạn, thiên tai nghiêm trọng, gia cảnh éo le… Dĩ nhiên, với động cơ hoàn toàn trong sáng, người làm từ thiện thường lặng lẽ, không cần đối tượng nhận biết mình tên gì, ở đâu, địa vị xã hội thế nào, từ chối ghi âm ghi hình, từ chối chụp ảnh đăng báo… Nếu là số đông thì khâu trung gian chỉ là chính quyền sở tại và Hội Chữ thập đỏ cung cấp danh sách cụ thể và chính xác.
Trong xã hội ta, người làm từ thiện thường có hoàn cảnh thuận lợi hơn cả về đời sống kinh tế lẫn tinh thần. Tuy vậy, có không hiếm người còn chật vật mưu sinh nhưng vẫn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho những ai còn khó khăn hơn mình và họ không muốn phần đóng góp của mình bị thất thoát, rơi vãi - nhất là trong khi ở đâu đó, người ta còn ăn chặn cả tiền cứu trợ, gạo cứu đói (!). Cho nên, không có gì lạ khi thấy dù là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, người làm từ thiện vẫn muốn tự mình trao tận tay đúng người đúng chỗ chứ không qua bất kỳ khâu trung gian nào.
Tuy vậy, chúng ta cũng phải nói đến một thực tế là, phần lớn hoạt động từ thiện của cộng đồng dân cư thường sôi nổi sau khi có lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc, của Hội Chữ thập đỏ hay của cấp chính quyền nào đó và chủ yếu là “quy ra tiền”. Ngoài ra, cũng đã có không ít các trường hợp được thể hiện bằng vật chất như lương thực, thuốc men, dụng cụ gia đình, nhu vật phẩm thiết yếu… Tiếc rằng từ thiện mà cũng không tránh được bệnh hình thức, đúng như nhà văn Hoàng Minh Tường đã viết ở trang 248 trong tập bút ký “Bạn văn ngoài vùng phủ sóng” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2011 ), nguyên văn như sau: “Tôi đã thấy không ít các đoàn cứu trợ của các cơ quan, đoàn thể. Họ đi từng đoàn dài, xe lớn, xe con lũ lượt, nhiều khi còn trống dong cờ mở, băng rôn đỏ chói. Đến nơi bị thiên tai, làm thủ tục chuyển giao cho lãnh đạo địa phương rồi phát biểu, quay camera, ghi hình, viết lưu niệm…. Sau đó kéo nhau về huyện, về tỉnh dự chiêu đãi, chủ - khách nâng cốc, chúc tụng, cảm ơn. Nhiều khi khách ba chủ nhà bảy. Mang cho nguời hoạn nạn một thì tiền xăng xe, ăn nghỉ nhà nước phải chi gấp ba… Kính chẳng bõ phiền”
Chính vì những chuyện “kính chẳng bõ phiền” mà đã có các ý kiến cho rằng, các cơ quan, tổ chức đoàn thể mà cũng “chơi ngông” như thế thì cũng chẳng nên nặng lời với một vài cá nhân nào đó đã làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, mà nói theo ngôn ngữ thời thượng là để PR.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...