Nghệ thuật trình diễn – đơn giản là ngẫu hứng?
VNTN - Vào Việt Nam cách đây gần 20 năm (1997), đến giờ nghệ thuật trình diễn vẫn chưa hề có vị trí đáng kể nào trong các chuyên ngành của Hội Mỹ thuật. Gần đây nhất trước khi Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015 diễn ra, nhiều người đã vui mừng khi thấy tên 2 tác phẩm nghệ thuật trình diễn xuất hiện. Song đến giờ khai mạc thì đã không có mặt.
Tại sao chỉ phát triển… xuống?
Người ta vẫn hay nói về nghệ thuật trình diễn bởi tính mới mẻ lẫn những dị nghị chưa được chấp nhận từ phía người thưởng thức. Nghệ thuật trình diễn - Performance art - ra đời ở châu Á, châu Mỹ khoảng những năm bảy mươi thế kỷ XX, ban đầu được gọi là hội họa hành động, cho phép người nghệ sĩ phá bỏ ranh giới của mọi thể thức từ hội họa, âm nhạc đến sân khấu, phim ảnh để phục vụ cho ý tưởng nghệ thuật có tính tổng hợp.
Ở Việt Nam, khi nghệ thuật trình diễn xuất hiện là một dàn những họa sĩ chuyển hướng từ hội họa giá vẽ sang. Hấp lực của nó có thừa. Đó là sự mới mẻ, sự tương tác, đối thoại, chứ không phải một mình với toan, sơn, mầu, và giá vẽ. Nhiều người cho rằng đây là những họa sĩ không thành công với giá vẽ thì buộc làm quen, học hỏi và phát triển với trình diễn. Tuy vậy, phải khẳng định rằng họ là người tiên phong trong việc tiếp nhận cái mới, chấp nhận sự chỉ trích.
Trong vài năm trở lại đây, số lượng các tác phẩm nghệ thuật trình diễn giảm sút một cách đáng kể. Một phần vì kinh tế suy thoái, trong khi tất cả các chương trình đều là phi lợi nhuận, các họa sĩ không thể bán tranh để theo đuổi đam mê trình diễn. Quy mô biểu diễn càng nhỏ hẹp hơn. Trước đây bất kể chương trình nào ở Nhà sàn đều có mời khán giả, nhưng đến nay tất cả các chương trình đều chủ yếu những người trong nghề biết với nhau. Điều đáng phải nói nhất chính là chất lượng chương trình. Dù có thông điệp, ý tưởng rất cao siêu nhưng quả thật quanh đi quẩn lại cũng là cởi, vẽ, xé, cắt. Những hình thức mới như một tấm lưới nhằm che khuất đi sự cùn mòn về ý tưởng. Sự nhiệt huyết trong cả khán giả và người biểu diễn đều le lói, thậm chí nguội tắt.
Các nghệ sĩ trình diễn tác phẩm “Biểu dương” tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam năm 2015
Những người “phớt lờ” dư luận
Ở Việt Nam sau mỗi cuộc trình diễn của các nghệ sĩ là những ồn ào, và dĩ nhiên ai cũng biết chê nhiều hơn khen. Đồng thời nghệ sĩ cũng xác định tư tưởng rằng chắc chắn người thưởng thức chưa thể hiểu hết những điều họ muốn nói, muốn thể hiện, và việc họ làm là để thỏa nguyện ham mê nghệ thuật. Chưa được định hình chuẩn về khái niệm ngôn ngữ, cách thức... với những yếu tố có tính nguyên tắc của nó: hành vi, phương tiện, tương tác, đột cảm... Điều mọi người tranh luận bàn cãi nhiều đó chính là tên gọi nghệ thuật trình diễn đã thực sự là nghệ thuật hay chưa? Rõ ràng chúng ta đã biết có rất nhiều cuộc trình diễn ở đường phố, người người xúm vào xem và những cái lắc đầu, những lời nhận xét coi đó là hành động ngớ ngẩn của những kẻ khùng. Rất ít trong số đó coi và xác nhận đó là nghệ thuật.
Những cái tên của một giai đoạn rầm rộ như: Trương Tân, Trần Lương, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy, Lại Thị Diệu Hà, Tuấn Mami, Nguyễn Văn Hè, Nguyễn Văn Sơn, Lê Anh Hoài… Hầu hết trong mỗi tiết mục nghệ thuật trình diễn đều mang thông điệp, thậm chí thông điệp lớn.
Họa sĩ Lại Thị Diệu Hà để truyền tải thông điệp về xây dựng và phá hủy, chị sử dụng đạo cụ là lùng nhùng những miếng da lợn và chiếc bàn là nóng bỏng cùng mùi khét lẹt bao trùm. Không gian trở nên đặc hơn, và khán giả bàn tán về cách hành xác không cần thiết của người nghệ sĩ này. Hay như anh em song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải đã từng dùng kim chọc thủng vào tai rồi khâu vòng ra mũi trước mặt mọi người. Tuy nhiên cũng không thiếu những tác phẩm đã làm hài lòng khán giả. Hai nghệ sĩ Lê Nguyên Mạnh mặc bộ comple may bằng vải chăn con công Tàu và Lê Anh Hoài mặc bảo hộ lao động có phát sáng kiểu công nhân vệ sinh. Hai nghệ sỹ xích tay bằng còng số 8 vào nhau đi lại trong khuôn viên triển lãm bắt tay và trò chuyện với quan khách. Cái tên triển lãm Chạy gợi đến việc nghệ sỹ luôn không dừng lại trong nghệ thuật. Nó cũng phản ánh phần nào cuộc sống hôm nay khi mọi người đua nhau “chạy” mọi thứ, trong mọi lĩnh vực… Cảm hứng chủ đạo từ việc tàu hải giám Trung Quốc cắt dây cable thăm dò dầu khí của Việt Nam; thể hiện nỗi đau riêng của người nghệ sĩ trước vận mệnh dân tộc. Hay như trong triển lãm Cut Lê Anh Hoài tạo hình mình giống sợi cáp với những số liệu chằng chịt; nhưng cũng giống như thân phận dân tộc luôn bị dòm ngó, mà thân thể thì chưa hết các vết thương, băng bó. Việc khán giả cầm kéo cắt áo quần của nghệ sĩ là một ẩn dụ, mang chở ý nghĩa lớn.
Có lẽ vì tất cả những yếu tố đó mà nghệ thuật trình diễn vẫn chỉ tồn tại nhỏ lẻ ở một nhóm họa sĩ. Và đương nhiên điều mà những nghệ sĩ này chờ đợi chính là sự cởi mở với nghệ thuật trình diễn. Cởi mở ở đây đi liền với sự chấp nhận chứ chưa mong chờ gì thái độ đón nhận nồng nhiệt. Đương nhiên không riêng gì người Việt Nam mà bất cứ người nước nào khi một loại hình nghệ thuật xuất hiện đầu tiên là thái độ dè dặt, thậm chí là mang ra so sánh với những loại hình cũ. Riêng đối với nghệ thuật trình diễn, vào thời điểm này các nước đã phát triển và đang đi tìm những hình thức mới hơn với một sự cởi mở và người nghệ sĩ hoàn toàn có đất để phô diễn, làm nghề. Lại Thị Diệu Hà tâm sự về những chương trình nghệ thuật trình diễn cô đã có dịp thể hiện ở Nhật Bản: "ở tác phẩm Xin lông, tôi lần lượt đi xin... những sợi lông trên cơ thể (kể cả phần kín) của khán giả. Theo tôi, đó là thông điệp về sự chia sẻ của con người với con người, của nghệ thuật và cuộc sống". Nếu ở Việt Nam điều đó là không bao giờ được chấp nhận.
Và thái độ kì thị của người xem
Thái độ kì thị đã là một phần nguyên nhân khiến nghệ thuật trình diễn không có đất phát triển. Hầu hết họ cho rằng đây là bộ môn dành cho những kẻ lập dị. Chúng ta thấy nghệ thuật trình diễn thường do một hay nhiều nghệ sĩ thể hiện và không có một quy chuẩn nào về biểu diễn, mọi cái gọi là chuẩn đang bị phá vỡ, nó có thể được thể hiện trước công chúng hoặc nhờ vào sự tương tác của công chúng, hay sự kết hợp với âm nhạc, vũ kịch, ca khúc, thậm chí cả sự im lặng. Và để đánh giá thế nào là một chương trình nghệ thuật trình diễn thành công, thật khó. Khó bởi ngoài những cái chuẩn về nghệ thuật bị phá vỡ thì người nghệ sĩ luôn là người muốn thoát ra khỏi những tư duy cổ điển, và người xem lại yêu cầu tính nghệ thuật. Sáng tạo để không bị mất đi yếu tố nghệ thuật, khác người nhưng vẫn phải được người thưởng thức chấp nhận. Tất cả những yếu tố ấy dồn nghệ thuật trình diễn vào thế khó. Có người cho rằng các họa sĩ muốn hướng đến nghệ thuật đương đại, và loại hình này trở thành mảnh đất màu mỡ, ít người biết, ít người hiểu, mà lắm kẻ tò mò.
Thực sự thì ở Việt Nam thói quen thưởng thức nghệ thuật là chưa có, nếu có cũng chỉ ở số ít, họ thường đến các chương trình nghệ thuật, xem triển lãm tranh vì nể nhau, vì tò mò…. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn bôc bạch: "Theo tôi, tiếp thu được các tác phẩm nghệ thuật trình diễn thuộc về công chúng của tương lai. Công chúng hiện nay đến những loại hình nghệ thuật được gọi là cổ điển còn chưa được giáo dục một cách bài bản, cẩn thận thì cũng hết sức khó khăn cho việc thưởng thức các loại hình nghệ thuật mới… Vì vậy, hãy thông cảm nếu gặp phải sự thờ ơ, lãnh đạm của họ".
Lý giải lý do tại sao tác phẩm trình diễn Ngã tư đường không có mặt ở Triển lãm mỹ thuật 5 năm một lần (diễn ra từ 9/12 đến 22/12/2015), họa sĩ Đào Quốc Huy cho rằng: “Nguyên nhân chính là tác phẩm không thích hợp để biểu diễn tại ngã tư đường trong giờ tan tầm, ảnh hưởng đến việc di chuyển. Vốn sẵn tâm lí sợ bị đóng kín nên các nghệ sĩ trình diễn chuyển dần từ xu hướng ồn ào sang đóng kín. Có thể các yếu tố nhạy cảm, sốc, và có phần quái chưa được chấp nhận ở Việt Nam, nhưng cũng cần phải khẳng định rằng khán giả cũng chán ngán vì những yếu tố sốc đó. Cái chính là các nghệ sĩ đang cùn mòn trong tư duy sáng tạo, không có yếu tố sốc họ biết làm gì để kích thích khán giả tò mò đến xem?”
Câu hỏi được đặt ra tiếp theo, rằng “thiếu đất làm nghề, thiếu số đông khán giả của riêng mình, sự thiệt thòi liệu có thể trở thành nỗi ám ảnh của các nghệ sĩ?”. Chắc là không, bởi vào ngày cuối cùng Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, nghệ sĩ Trang Thanh Hiền cùng với các nghệ sỹ Lê Thông, Lê Nguyên Mạnh, Lê Anh Hoài đã cùng nhau xây dựng ý tưởng tác phẩm cũng như các hành vi trình diễn chính. Tác phẩm được diễn ra tại khu vực triển lãm, nơi có khán giả đi xem triển lãm và họ trở thành khán giả của tác phẩm trình diễn “Biểu dương”. Các nghệ sỹ trong bộ dạng của những đứa trẻ ngây thơ, trang phục lòe loẹt, vừa xem triển lãm vừa mô phỏng những điều mà họ thấy trong các tác phẩm (và cả vật không phải là tác phẩm như hộp dụng cụ cứu hỏa). Cảm hứng và sự tương tác đã khiến tác phẩm “Biểu dương” tạo điểm nhấn và ấn tượng đẹp với nhiều người.
Nghệ sĩ Lê Anh Hoài trình diễn “tôi là cột điện”
Đến lúc này nghệ thuật trình diễn vẫn chưa có vị trí trong hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam. Trong rất nhiều nguyên nhân, thì quan trọng hơn cả là ở tự thân nghệ sĩ. Họ đang tự đóng khung, quẩn quanh trong ý tưởng cũ; loay xoay tìm cách biểu diễn phù hợp để kéo khán giả về phía mình, và dễ dàng vượt qua sự kiểm duyệt của những người quản lí.
Kiều Thu Huyền
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...