Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
02:36 (GMT +7)

Nghề thầy tào

VNTN - Trong cộng đồng người Tày  Nùng nói riêng và một số dân tộc ít người khác thì thầy tào được coi là người có uy thế nhất trong các hoạt động liên quan tới đời sống sinh hoạt thuộc về tâm linh. Uy thế vì thầy tào là những người được coi là toàn tài, toàn đức, hơn nữa là người có khả năng kết nối, chia cắt giữa linh hồn người đã khuất với các cõi, có bùa pháp trừ khử ma tà. Thầy tào còn là người am hiểu kinh dịch, đặc biệt là phải thông thạo chữ nho, chữ nôm. Mặt khác, thầy tào phải là người công tâm, chịu khó, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghề. Không có trường lớp nào dạy làm nghề thầy tào cả. Thường thì các thầy tào xuất thân từ các gia đình, dòng họ theo kiểu cha truyền, con nối hoặc một người nào có cơ duyên thì xin đi làm đệ tử cho một thầy nào đó đã có đẳng cấp cao để học; và nhất thiết người hành nghề thầy tào phải được hội đồng thầy tào một vùng nào đó công nhận bằng một nghi lễ cấp sắc thì mới được xã hội chấp nhận.

Công việc chính của thầy tào là chủ trì hành lễ trong các đám tang, bắt đầu từ việc phát tang, khâm liệm, lễ tạ ơn, lễ đưa linh, chôn cất, cho đến khi mồ yên mả đẹp. Sau đó, thầy tào còn phải có trách nhiệm với tang gia cho đến lễ mãn tang (giỗ một trăm ngày, giỗ một năm, lễ đoạn tang). Thông thường, một đám tang ngày xưa phải kéo dài từ hai đến ba ngày đêm thì mới xong hết các quy trình, công đoạn, có những công đoạn phải hao tổn sức khỏe, trí lực rất nhiều như phá ngục, qua sông lửa, cắt âm dương, cắt trùng tang… Những công đoạn cao trào như thế không phải thầy nào cũng dám làm và làm được, nhất là đối với những thầy mới vào nghề hoặc có phẩm hàm thấp. Đã có trường hợp thầy đang làm phép cắt âm dương thì ngã kềnh ra, ngất lịm, phải cầu cứu thầy cao tay hơn làm tiếp, hoặc những người chết vào ngày trùng tang - ngày đại xấu mà cắt không thành, khiến cho gia tang đó cứ đều đều mỗi năm một người chết. Thầy cao tay phải là thầy sau khi làm xong đám, trong vòng bốn mươi ngày, con cháu, người nhà gia tang không bao giờ mộng mị hay nằm mơ thấy người vừa chết. 

Theo khảo sát tại các xã phía bắc của huyện Định Hóa (Thái Nguyên) và phía nam huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) thì hiện nay số lượng thầy tào đang hành nghề chính thức không giảm mà còn có chiều hướng tăng so với trước đây, trung bình mỗi xã có từ một đến hai người, có xã như Lam Vĩ tới bốn người. Tăng vì nhu cầu của xã hội vẫn còn, dân số ngày càng đông hơn, vì lợi lộc khá cao, vì danh giá vẻ vang, đặc biệt là vì cái nghề như nghiệp chướng trời ban, không theo thì tuyệt diệt cả họ (theo quan niệm). Phần lớn các thầy tào đều giữ được uy tín, phẩm giá, làm an lòng các gia tang, thường xuyên được mời hành lễ. Có nơi, như ở xã Đông Viên (huyện Chợ Đồn) có cách tổ chức rất hay là thành lập tổ thầy tào nằm trong Ban tổ chức tang lễ của địa phương. Tổ thầy tào này có từ thời còn mô hình sản xuất Hợp tác xã nông nghiệp, gọi là tào Hợp tác. Các thầy tào, bao gồm một ông thầy chính, một số thầy phụ cùng đội kèn trống, khi hành lễ thì được hưởng công điểm. Sau này, mô hình HTX nông nghiệp không còn nhưng tổ thầy tào (tào Hợp tác) vẫn còn, uy tín rất cao. Không còn công điểm mà hưởng thù lao theo công sức, mức  phải chi trả của gia chủ không quá cao. Đội tào Hợp tác này đã tự trang bị bộ trang âm xách tay, tự di chuyển bằng xe máy riêng, tang chủ không phải đưa đón. 

Phá ngục và cắt âm dương là hai công đoạn tổn hao năng lượng nhất của các thầy tào.

Nhưng cũng có không ít thầy tào bị xã hội bài xích, chê bai, thường đó là những thầy tay nghề non, cơ hội, hay tự khoe khoang, say rượu. Đã có một số thầy được gán mác “thầy say”. Say ở đây là say rượu, chứ không phải say nghề. Thường thì trong nhà đám, thầy tào cùng đội kèn trống là đối tượng được tôn trọng nhất, được chăm sóc chu đáo nhất. Trong khi các con cháu tang gia phải kiêng thịt, kiêng rượu thì mâm cỗ dành cho các thầy phải thật đầy đủ, tươm tất, trong đó có rượu. Đôi ba thầy vốn đã ham rượu, lại được mời mọc, cung phụng nên thường quá chén. Quá chén thành ra lơ mơ, đã lơ mơ rồi thì lầm lẫn quy trình, lầm lẫn lời ca, líu giọng ngọng lời, nhiều lần lặp lại thành ra mất tín nhiệm. Ông Y ở Bình Trung vốn là một thầy Pụt, mới nâng hàm lên thầy tào là một trong những “thầy say” như thế. Một lần, trong lúc đang ngà ngà say, có người ở xã bên đến đón thầy đi làm đám bằng xe máy. Đường vào bản phải đi qua một cây cầu treo dài, lắc lư. Lái xe sợ không an toàn nên cho thầy đi bộ qua cầu, còn mình phi đến nhà đám trước để thông báo cho tang gia làm nghi thức tiếp thầy. Qua khỏi cầu, phần vì lơ mơ rượu, phần vì không được chỉ dẫn rõ ràng, thầy liền rẽ ngay vào một ngôi nhà sàn khi đó đang có vài người hàn huyên. Tưởng đó là nhà đám, thầy lên cầu thang, đi thẳng đến bàn thờ lầm rầm khấn vái, trình bày lý do. Cả nhà ngơ ngác. Và rồi họ cũng hiểu ra, liền ý tứ kéo thầy lại mời chè nước, chữa ngượng cho thầy.  

Một thầy nọ, khi đang làm cho một đám ở xã Y.N., đến đoạn yểm bùa pháp cắt âm dương (một công đoạn bắt buộc phải có và hao tổn nhiều năng lượng) thì lăn đùng ra, ngất xỉu. Cả nhà lại phải xúm vào cấp cứu cho ông thầy nồng nặc mùi rượu và sau đó phải tìm thầy khác thay thế. Thường thì những trường hợp như thế, ông thầy ngất xỉu kia (chứ không phải tang gia) phải bồi hoàn (đúng hơn là nộp phạt) cho ông thầy kia một khoản tiền từ 3-5 triệu vì phải ứng cứu khẩn cấp.

Trong giới thầy tào ở vùng phía nam huyện Chợ Đồn vẫn lan truyền một câu chuyện dù đã xảy ra từ rất lâu, từ thời còn chế độ thực dân. Ở xã B.T. có một thầy tào nổi tiếng là có pháp thuật cao tay, giỏi yểm bùa, thôi miên, ảo thuật, nhiều phen làm cho cánh thầy tào ở Tuyên Quang sang đánh lẻ (xâm phạm địa bàn) bẽ mặt. Dạng như, khi thầy đang hành lễ thì cảm thấy đau bụng, buồn đi ngoài, nhưng ngồi mãi không đi được; cầm chén rượu uống thì chén rượu có màu đỏ như máu; thậm chí khi người nhà đưa lễ tạ (gồm thủ lợn, chân giò, xôi thịt…) thì dọc đường, người đưa lễ nhìn thấy nhung nhúc rắn rết bò ra từ gánh đồ mà hoảng sợ vứt bỏ… Thế mà một hôm ông đã phải chết còng queo bất đắc tại nhà một người quen ở Định Biên thượng (Định Hóa) sau khi đã huênh hoang, khoác lác tài bùa pháp và chọc tức một số thầy tào ở đó.

Bên cạnh những thầy uyên thâm, đâu đó vẫn còn những thầy nửa mùa, học lỏm, không viết, không đọc nổi các văn bản tào truyền thống, chủ yếu lấy danh cha truyền con nối để hành nghề, mượn màn hương khói để che giấu sự kém cỏi. Nhưng tại sao vẫn có người mời? Có lẽ là do số người hành nghề thầy tào không nhiều, mà số người chết có lúc dồn dập, liên tục, thầy giỏi bận cả thì người ta phải tìm đến thầy kém. Khi một người nằm xuống, kiểu gì cũng phải có thầy tào, có đội kèn trống đưa tiễn linh hồn về cõi tiên, đưa thân xác về với đất. Đó là quan niệm của đồng bào Tày - Nùng ở những vùng này - xưa đã thế và nay vẫn vậy.

Theo ông Ma Văn Tài, một thầy tào có phẩm cấp khá cao ở xã Lam Vĩ thì quy trình một đám tang hiện nay ở vùng phía bắc huyện Định Hóa, các vùng khác thuộc huyện Chợ Đồn, Ba Bể… cơ bản vẫn như ngày xưa. Thời gian các đám tang thường được rút ngắn hơn, nhưng các công đoạn vẫn phải đầy đủ. Rút ngắn bởi lẽ những việc như viết sớ, viết trướng, vẽ bùa, ghi danh con cháu đã được “công nghệ hóa” bằng hình thức photocopy, không phải viết tay từng tờ (vẫn là chữ Nho) như trước; một số hủ tục rườm rà được lược bỏ; việc tế lễ được gộp chung lại, không tế riêng biệt theo từng con, cháu, dâu, rể, họ nội, họ ngoại, thông gia các bên, bằng hữu… nữa mà thường là gộp chung thành các đoàn của con cháu, họ nội, họ ngoại, thông gia; mặt khác, phương tiện đưa đón thầy cũng nhanh hơn (bằng ô tô hoặc xe máy). Hầu hết các thôn bản đều có các quy ước về thời gian tổ chức đám ma, theo đó các nhà đám đều phải dừng việc cúng tế trước mười một giờ đêm để tránh ảnh hưởng đến nhà khác. 

Sau mỗi đám tang, gia chủ thường phải tạ ơn thầy bằng một lễ gồm: một thủ, một giò, 5 kg thịt vai, đôi gà (một sống, một chín), đôi vịt (một sống, một chín), xôi, rượu và từ hai đến ba triệu đồng tiền mặt. Đấy là đối với thầy tào, còn đối với đội kèn trống, gia chủ cũng phải trả một khoản gần tương đương như thế. Với người Tày là vậy, người Sán Chỉ họ còn lấy nhiều hơn, riêng tiền mặt đã đến mười triệu. Như vậy, thu nhập từ nghề thầy tào cũng khá cao, chưa kể đến các kỳ tết như rằm tháng bảy, nguyên đán, người nhà các gia đình đang kỳ chịu tang đều phải đến lễ bằng gà sống, rượu, gạo.

Tuy gian nan, vất vả, nhưng có đôi chút thu nhập, đặc biệt là được xã hội trọng vọng - đó là cảm nhận chung của các thầy tào. Làm cái nghề luôn tiếp xúc với người chết, với sự chia lìa, cách biệt đau thương giữa người sống, người chết, sự ngăn cách âm dương, vậy thực sự là có một thế giới riêng của những người chết - những linh hồn hay không, có ông Ngọc Hoàng, ông Diêm Vương, có ma quỷ hay không? Khi được hỏi như vậy thì hầu hết các thầy đều nói là chưa bao giờ nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy một dáng hình cụ thể nào cả, nhưng họ luôn tin có một thế lực nào đó thường xuyên quan sát, theo dõi, thậm chí chấm công họ mỗi khi thắp đèn, đốt hương để vào đám. Chính vì thế, họ luôn tự nhủ đã theo cái nghiệp này điều đầu tiên là phải luôn tự tu tâm tích đức, không làm càn, làm ẩu, sống tốt, đặc biệt là phải làm yên lòng được các tang gia sau mỗi cuộc chia lìa, cách biệt âm dương. Chính họ cũng nói, cũng dẫn chứng không ít những thầy tà tâm đã phải trả giá đắt không những cho chính bản thân mà cả con cháu về sau. 

Thầy Tào - một nghề không ít gian nan.

Triệu Doanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy