Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
16:04 (GMT +7)

Ngày Xuân vui hội Xuống đồng

Tờ mờ sáng, tiếng gà gáy sang canh vừa vọng ra từ các bản làng dưới chân núi xa xa, những giọt sương còn vít cong lá cỏ đã thấy thấp thoáng bóng dáng của từng đoàn người về trẩy hội. Cây nêu cao vút với vòng tròn hồng tâm giữa sân hội trên đỉnh Dèo De, xã Phú Đình, huyện Định Hóa như cánh tay vươn cao vẫy chào du khách. Lâu lắm rồi, ở đây mới đông vui đến vậy.

 

Trở lại sau 3 Xuân

Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa Xuân Quý Mão năm nay diễn ra vào hai ngày 9 và 10 tháng Giêng như thường lệ. Nhưng dường như năm nay Lễ hội được người dân mong ngóng và háo hức chờ đợi hơn bởi trước đó đã phải tạm ngưng 3 năm vì dịch bệnh.

Là một trong số những người có mặt tại Đèo De sớm, bà Nguyễn Thị Hơn, xóm Hoa Muồng, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa chậm rãi đi tham quan một vòng 27 trại trong sân hội. Thi cắm trại đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong mỗi lễ hội Lồng Tồng ở ATK Định Hóa. Năm nay, phần thi cắm trại có sự tham gia của 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, 2 nhà trường là THPT Định Hóa, THPT Bình Yên và đặc biệt là có sự tham gia của huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng) và Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần. Gặp bà Hơn tại sân lễ hội, hỏi chuyện, tôi được biết, đi hội cùng bà sáng nay còn có con trai, em dì và chị chồng của bà nữa.

Ngày Xuân vui hội Xuống đồng
Không gian văn hóa ATK Định Hóa gây ấn tượng mạnh với du khách

Bà Hơn hào hứng kể: Hội Lồng Tồng chúng tôi mong lắm, từ nhà đến đây khoảng gần 30 cây số nhưng cả làng tôi gần như không ai là không đi hội. Cả nhà tôi đi lên đây từ chiều qua, khi lễ hội bắt đầu, xem rồi tham gia chơi các trò chơi dân gian, xem văn nghệ, đốt lửa trại đến khuya mới về, sáng nay lại lên sớm. Làm lụng vất vả cả năm, chỉ mong đến ngày Xuân được đi chơi hội.

Không giấu được sự hào hứng của mình, bà Hơn kể thêm: Sáng nay cả nhà tôi dậy sớm, như mọi ngày thì sẽ nấu ăn sáng, nhưng hôm nay ai cũng nóng lòng đi hội, thế là sửa soạn quần áo xong cái là đi luôn, không ai còn nghĩ đến chuyện ăn uống nữa.

Ông trời cũng thật biết chiều lòng người! Không lâu sau mặt trời bắt đầu ló rạng, cảm giác rét buốt giảm dần, vạn vật bừng tỉnh dưới ánh nắng vàng mà dịu nhẹ. Sân lễ hội chẳng mấy chốc đã đầy kín người. Tiếng cười nói, vui đùa, thăm hỏi nhau rộn ràng. Bỗng ở đâu đó vang lên những tràng pháo tay không dứt, kèm theo nhịp điệu quen thuộc của bài múa sạp. Tôi vội đi về nơi có những thanh âm rộn rã ấy.

Đó là “Không gian văn hóa ATK Định Hóa”. Nơi đây đang thu hút sự chú ý của nhiều người. Không gian này cũng là điểm mới trong lễ hội Lồng Tồng năm nay. Bằng sự tâm huyết và am hiểu, các cán bộ làm công tác văn hóa ở huyện đã tạo dựng được một không gian văn hóa ngập tràn sắc xuân và đậm đà bản sắc dân tộc thiểu số vùng ATK.

Tiếng vỗ tay giòn như pháo nổ. Thì ra là du khách đang cổ vũ và tán dương những tiết mục biểu diễn của phường rối Tày Thẩm Rộc. Các màn biểu diễn như: Trâu cày bừa, Hát then, Bắt tắc kè… vừa quen thuộc lại vừa mới mẻ qua hình ảnh các con rối khiến người xem không thể rời mắt. Ở bên cạnh, sức hấp dẫn từ màn giao lưu múa Tắc Xình và nhảy sạp khiến cảm giác lạnh sâu ban sớm chẳng mấy chốc đã tan biến. Cả dòng người hòa vào điệu nhảy trên nền nhạc, không còn khoảng cách, không còn xa lạ, tay nắm tay nhảy múa hân hoan.

Điều đặc biệt trong không gian này không chỉ có thế, bên trong còn được chia làm nhiều khu để trưng bày các hiện vật văn hóa đặc trưng, các sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện Định Hóa. Thú vị hơn, du khách còn được trực tiếp xem và học các nghệ nhân thực hành đan nón, thúng mủng; thêu trang phục và làm đàn tính. Bà Bàn Thị Hồng, dân tộc Dao, người đã theo bà, theo mẹ học thêu từ nhỏ, nay tuy tuổi đã cao nhưng đôi mắt vẫn tinh tường, đôi tay còn khéo léo. Vừa thêu trang phục của người Dao, bà vừa giải thích về ý nghĩa của những họa tiết được thêu trên áo. Nhờ vậy tôi được biết, những đường chỉ thêu sắc màu trên trang phục truyền thống của người Dao tượng trưng cho cái cây trên núi, con chim trên rừng, loài hoa mà người Dao hay trồng trên nương, cả chuồng trại chăn nuôi và con đường lên rẫy. Tất cả biểu thị cho cuộc sống gắn bó với núi đồi của người Dao.

Kế bên, nhiều du khách cũng vô cùng hứng thú với không gian đan nón Tày. Người “giữ hồn” cho không gian này là bà Ma Thị Tâm, xã Thanh Định, huyện Định Hóa. Chị Thu Minh, một sinh viên đang theo học ở Đại học Thái Nguyên cho biết, chị đã có hàng trăm kiểu ảnh đẹp với những chiếc nón Tày khi cùng bạn đi trẩy hội hôm nay. Chị sẽ mua nón Tày về làm quà cho mẹ đồng thời để lưu lại kỷ niệm đẹp về lần đầu tiên được tham gia lễ hội của người Định Hóa.

Lồng Tồng - nghi lễ đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc

Trống hội nổi lên, tất cả tập trung trước sân sấu chính, tiếng vỗ tay không dứt sau từng động tác vừa khỏe khoắn, vừa uyển chuyển của màn múa Lân - Sư - Rồng trên sân khấu. Múa Lân - Sư - Rồng không chỉ là môn nghệ thuật, còn được quan niệm sẽ đem lại điềm lành, may mắn, bình an và tài lộc. Các bài múa đều mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, thuận lợi, làm ăn thuận buồm xuôi gió nên thường không thể thiếu trong những những ngày lễ hội. Bởi vậy mà mỗi khi các diễn viên bước xuống sân khấu tiến gần về phía khán giả, tiếng reo hò lại rộ lên, ai cũng muốn được chạm tay vào chú tễu cho thêm phần may mắn.

Ngày Xuân vui hội Xuống đồng
Đi cầu giữ thăng bằng là trò chơi thu hút nhiều bạn trẻ

Phần lễ chính đã tới. Lễ hội Lồng Tồng là một nghi lễ đặc trưng của đồng bào các dân tộc vùng Việt Bắc trong đó có Định Hóa. Nghi lễ diễn ra trang nghiêm, long trọng và mang đậm nét truyền thống tâm linh, có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Lồng Tồng tiếng Tày có nghĩa là “Xuống đồng”. Đó là khi mùa Xuân đến, đất và trời cùng hòa hợp giao thoa, nhân dân hội tụ ở đình làng để cùng già làng, thầy cúng dâng lễ tạ ân đất trời và cầu mùa, cầu an, cầu phúc, nguyện cầu cho năm mới tốt tươi. Đây cũng là nghi lễ đã ngấm sâu trong đời sống tâm linh nhân dân các dân tộc, đặc biệt là đồng bào Tày, Nùng, Dao và Sán Chay.

Sự sôi động của chương trình nghệ thuật ngay lập tức nhường chỗ cho sự nghiêm trang của các nghi lễ. Ở chính giữa sân khấu là Lễ Cầu mùa của dân tộc Tày. Phía bên phải là Lễ Cầu mùa của dân tộc Sán Chay và bên trái là Lễ Cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu an của dân tộc Dao qua phần tái hiện của đội hành lễ các xã Bình Yên, Tân Thịnh và Phú Đình.

Trong quan niệm về linh nghiệm tâm linh của đồng bào các dân tộc Định Hóa, các đấng anh linh cao nhất là Ngọc Hoàng, Diêm Vương, các vị Thổ địa, Thổ công, Thành Hoàng, những vị thánh nhân, anh hùng hào kiệt. Đây là các vị độ trì phù hộ cho nhân dân có được mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong phần nghi lễ Cầu mùa của dân tộc Tày, nhân dân dâng lên thánh thần gồm cơm xôi, gạo nếp, những món sơn hào và hương nhang thành kính để thầy cúng tế lễ thánh thần, cầu cho một năm mới an lành gặp nhiều may mắn, con người khoẻ mạnh, làng xóm yên vui, mùa màng tốt tươi đơm hoa kết trái.

Ở Lễ Cầu mùa của dân tộc Sán Chay, đồng bào chuẩn bị các lễ vật là các dụng cụ liên quan đến canh tác nông nghiệp được tạc bằng gỗ, kích thước nhỏ như: cày, bừa, quốc, xẻng, trâu và các sản vật nông nghiệp canh tác được trong năm như thóc nếp, thóc tẻ, ngô, khoai, sắn. Hàm ý mong muốn thánh thần đến chứng giám, phù hộ giúp dân làng có thêm mùa cày cấy thuận lợi, bội thu.

Trong Lễ Cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu an của dân tộc Dao, với lễ vật là gói xôi nếp 4 màu tượng trưng cho bốn quý trong năm, có thêm gà luộc, thủ lợn và hai chai rượu thể hiện sự đủ đầy. Thầy cúng giọng lúc lên bổng, xuống trầm với lời chúc phát tài, gia đình hạnh phúc, sum vầy, bình an cho mọi nhà.

Phần nghi lễ cầu mùa trên sân khấu kết thúc, Thầy Tào tán lộc đến du khách, chúc cho mọi người mọi nhà nhiều may mắn, sức khỏe và bình an, một năm sung túc, đủ đầy. Sau khi tiến hành nghi lễ cầu mùa, du khách theo chân Thầy Tào người dân tộc Tày xuống ruộng làm lễ cày tịch điền tại cánh đồng Đèo De. Ở đây đã có con trâu tháu khỏe mạnh chờ sẵn. Khi Thầy Tào dứt lời khấn, trưởng thôn Đèo De, đại diện cho nhân dân sẽ đi những luống cày đầu tiên mở đầu cho vụ cấy hái đầu năm mới.

Gìn giữ nét văn hóa

Trên sân lễ hội lúc này, một phần quan trọng và không thể thiếu trong Lễ hội Lồng Tồng vừa là lễ nhưng cũng mang đậm nét giao duyên, giao lưu nối vòng tay thân ái, đó chính là lễ hội Tung còn.

Ngay tại trung tâm sân lễ hội, một cột còn bằng cây tre mai đã được dựng sẵn. Trên đỉnh cột còn là chiếc vòng hồng tâm mang biểu tượng âm - dương, nhật - nguyệt, vòng hồng tâm làm bằng giấy màu tượng trưng cho đất và trời. Biểu thị cho việc con người khám phá và chinh phục thiên nhiên, vòng Nhật Nguyệt ấy sẽ được xuyên thủng thông thiên bằng quả còn.

Quả còn hình vuông, bề mặt khum khum. Mỗi mặt quả còn dùng 4 miếng vải hình tam giác và vuông với 4 màu xanh, đỏ, tím, vàng khâu các hạt ngũ cốc (thóc, đậu, lạc, vừng...) lại thành quả còn. Hình vuông quả còn tượng trưng cho đất, hình khum khum của mặt quả còn tượng trưng cho trời. Bốn góc quả còn được khâu 4 dải tua 4 màu. Dây quả còn làm bằng sợi bông se lại thật bền, buộc 12 nút tua tượng trưng 12 tháng trong năm hoặc 12 con giáp.

Ngày Xuân vui hội Xuống đồng
Hàng nghìn người dân tham dự lễ hội

Người tung còn xuyên thủng vòng hồng tâm Nhật Nguyệt sẽ là người may mắn nhất và được mệnh danh là người khai còn của lễ hội. Đồng thời còn nhận được giải thưởng là một mâm cỗ ngày Xuân của Ban Tổ chức lễ hội.

Ngay sau lễ hội Tung còn, tại sân lễ hội diễn ra các trò chơi dân gian như: Bịt mắt bắt dê, đi cầu thăng bằng, cờ tướng, bắn nỏ, kéo co, kéo cóc… Tất cả tạo ra một không khí vô cùng đặc biệt, riêng có của ngày Xuân. Các trò chơi còn kéo dài ở khu vực sân lễ hội đến hết ngày mùng 10.

Với những nét đẹp văn hóa và giá trị truyền thống còn được bảo tồn, lưu giữ, lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa không chỉ là điểm hẹn vui vầy của ngày Xuân mà còn là dịp để con người trở về cuội nguồn, để thế hệ hôm nay hiểu, hòa mình và thêm trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của ông cha.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy