Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
00:22 (GMT +7)

Ngày cha về

VNTN - Sáng, trời lất phất mưa phùn. Gần trưa, trời nắng gắt. Chiều, trời trở gió, hanh hao chút heo may. Tối, gió mùa đông bắc tràn về, giật tung các cánh cửa khép hờ ra rồi lại tự đóng vào sầm sập.

Ngày cha về, có đủ bốn mùa cho những năm tháng cách xa. Bốn mùa không được Hòa Bình Yên Vui như mơ ước của cha. Hay đó chỉ là sự khác biệt thời tiết giữa các địa phương khác nhau?

Trong tư duy về thời gian của một đứa trẻ lên sáu hay một cô giáo ba mươi sáu tuổi - là chị - có nhõn hai ngày: ngày cha chưa đi, ngày cha chưa về. Rốt cuộc, giờ thì cũng đã có thêm khái niệm: ngày cha về. Chênh chao nhiều cảm xúc quá!

Ngày cha chưa đi.

Chị út ít, lại là gái, gái rượu, nên được cưng chiều hết mức. Nhà chăn được mấy con gà ri, lấy lý do nọ, lý do kia, thi thoảng cha lại thịt một con, cốt để bồi dưỡng cho đứa con gái còi cọc. Lần nào, chị cũng háo hức ngồi xem, từ khi cha nhúng nước sôi con gà, cho đến khi nó được chặt ra cho vào nồi, phần ngon, nạc xào nghệ, phần xương xẩu để nấu canh gừng. Công đoạn gần cuối, bao giờ cha cũng bảo gái yêu đi lấy cho cha cái lẹm nứa gài trên vách bếp, để làm lòng, rồi muối, rồi bát. Chị xun xoe, cứ được sai gì là thích lắm, nhảy chân sáo đi tìm. Có lần, mải vui quá, chiếc lẹm nứa làm chị đứt tay. Cha quáng quàng bỏ gà đấy, đi vê miếng thuốc lào dịt vào vết đứt, xé mảnh áo cũ nhưng sạch buộc lại cho chị rồi gắt bảo làm gì cũng phải cẩn thận chứ. Nhìn ánh mắt cha, chị tưởng đâu tim cha rỉ máu chứ không phải đầu ngón tay chị sứt tí ti.

Yêu thương là thế.

Căn nhà ba gian lợp rơm lúc nào cũng ấm cúng, rộn tiếng cha cười và lời mẹ nói, tiếng đùa vui của bốn anh em, dù thiếu thốn trăm bề.

Tháng Năm, cả nhà hối hả chuẩn bị cho vụ mùa. Mạ gieo được hơn năm mươi ngày mới cấy. Trước ngày nhổ mạ, cha bỏ cả buổi chẻ lạt. Lạt bó mạ cần nhiều. Tám sào ruộng cứ khoảng tám bung mới đủ. Mỗi bung là bốn mươi chiếc mạ nên cha cần chẻ hơn ba trăm chiếc lạt nhỏ bó mạ, gần hai mươi chiếc lạt dài để xâu thành bung mà gánh ra ruộng. Cha khéo lắm nên khi chẻ lạt chả lãi, lỗ bao giờ.

Tháng Mười, khi vụ gặt xong, cũng là lúc cha đã bó hết các đon rơm để ở ruộng phơi cho khô chờ ngày gánh về. Mẹ, các anh, và chị, ai cũng muốn góp sức của mình, để có một mái nhà dày dặn trước bão giông. Gần sáu tuổi, chị đòi theo cha đi gánh rơm, bằng chiếc đòn xóc hai đầu, bốn đon là kịch. Chiều chị, cha bó đon nhỏ, bó thấp xuống để chị gánh thì rơm không quệt đất. Cho chị theo ra đồng chơi là chính, chứ năm chuyến của chị, không bằng cha rốn một lần. Đòn xóc mà các anh gánh cũng chỉ lỡ cỡ mươi đon. Cha cứ phải đôi ba chục đon, gánh bằng chiếc đòn xóc một đầu, đầu kia để nguyên, chặt vuông mấu, đục lỗ, luồn then ngang để dồn cho gánh được nhiều, đầu này mới để nhọn còn xiên rơm vào.

Ngày nhà thay mái lợp bao giờ cũng được chị trông mong nhiều nhất. Trước đó một ngày, cha sẽ ra rặng tre sau nhà, lựa cây bánh tẻ, lành lặn, không sầu, không cộc, để chẻ lạt, sau mọi người đến hộ còn dùng buộc rơm vào rui, mè. Chẻ sớm hơn một ngày thì cha không thích, vì lạt sẽ héo, giảm độ mềm. Lạt không mềm thì buộc không chặt. Chính ngày mới chẻ thì lại không kịp những việc còn lại. Đấy là lần thứ hai trong năm cha chẻ nhiều lạt.

Với ngọn tre, cha sẽ dùng khoảng dăm gióng, nướng cơm lam phần chị. Các anh lớn rồi nên chỉ được ké ít thôi. Ăn cơm lam chấm muối vừng thì ngon nhất trần đời rồi. Chẻ lớp ngoài cháy cháy đi, còn lại cơm với lớp màng trắng đục của cây tre bánh tẻ thơm ngậy mê hồn. Ăn chán cơm lam rồi, chị sẽ chạy lăng xăng khắp chỗ. Khi thì trèo lên đống rơm cũ, đã mủn một nửa, vừa được hất từ trên mái xuống trước cửa nhà. Khi thì lăn vào đống rơm mới mẹ chuẩn bị xóc vào đầu sào để đẩy lên mái, thay cho rơm cũ. Chị chả thấy rơm nhặm, chả thấy rơm ngứa gì cả, chỉ thấy thật êm, chỉ thấy bồng bềnh.

Có lần, cả nhà mải miết việc ai người nấy làm, chị một mình chơi trò bác sĩ. Chả hiểu khi chuẩn bị tiêm cho bệnh nhân, lùi lùi thế nào mà bác sĩ hẫng chân ngã ngửa từ trên chiếc bàn uống nước, đã được khiêng ra góc vườn, cao hơn mét, đập gáy xuống đất. Nhanh như một con sóc, cha nhảy phắt từ mái nhà xuống đỡ chị lên, bế, xoa dầu rồi nựng chị. Chắc hôm ấy làm bác sĩ nên chị đau nhẹ thôi. Tí là khỏi. Thế mà mặt cha tái mét, đau như thể cha bị ngã mạnh chứ không phải chị.

Cha nhờ thêm vài người nữa hộ, nên thường chỉ đẫy một buổi sáng là lợp lại xong cả hai mái. Buổi chiều, không ai hộ nữa, cả nhà sẽ quét sạch những sợi rơm vương luồn xuống rui mè, cùng nhau bỏ những tấm vải mưa che đồ đạc ra, dọn dẹp trong nhà, mắc lại màn rồi trải lại giường chiếu. Một mái nhà mới dày dặn mang theo sự ấm cúng cho cả nhà. Cha khi nào cũng giành phần việc nhiều hơn.

Trách nhiệm là thế.

Nhà chị cách nhà bà ngoại hơn hai cây số. Cậu suốt ngày say xỉn. Cha cần mẫn làm mọi việc trong nhà, để vợ và con không vất vả, mà cứ ngay ngáy lo cho cậu, cho bà. Năm ấy, gần tháng Chạp, trời hanh, rét cắt da cắt thịt. Phía trên xóm nhà bà ngoại bùng lên ngọn lửa rất to vào lúc mười một giờ đêm. Cả nhà ra hóng lên mà xót xa, cha lẩm bẩm: “Chết rồi, chắc thằng dở đốt nhà mẹ nó ạ”. Rồi vẫn động tác nhanh thoăn thoắt, cha xách chiếc xe đạp Thống Nhất ra và lao vào bóng đêm. Mẹ te tái chạy gọi với đòi theo. Cha gắt vướng chân khó đi. Ở yên đấy, tôi khác lo. Theo chả được, mẹ gào khóc đòi chạy bộ lên, chị bé nhất, đang sốt bỏng như hòn than, níu mẹ lại bảo còn con. Trên kia là mẹ già, chưa biết thế nào. Dưới này là con nhỏ đang ốm. Biết phân thân làm sao. Mẹ đành ở. Cả nhà nín thở không ngủ. Không biết bà ngoại lập cập thế có kịp chạy ra? Cậu say thế chắc gì ý thức được lửa cháy? Mợ với các em thì thế nào? Một giờ đồng hồ dài như thế kỷ. Ngọn lửa đã được dập tắt từ lâu. Cha phóng về hổn hển: “May cho nhà bà ngoại, thằng dở hôm nay nó không say. Rủi cho nhà chú Hùng, cháy bằng hết rồi có kịp chạy được gì ra đâu. Nguyên bức tường đổ vào chú ấy, chửa chắc đã qua khỏi. Tôi về báo để mẹ nó đỡ lo, đi ngủ đi. Mai sáng ngày mẹ con cắp nhau lên mà hỏi thăm gia đình chú ấy sau. Giờ tôi lại đạp lên, còn giúp đưa chú ấy đi viện và lo liệu việc nữa”. Chú Hùng là hàng xóm của bà ngoại.

Tình nghĩa là thế.

Thế mà rồi cha đi, một mạch không về.

Ngày cha chưa về.

Đứa sáu, đứa tám, đứa mười, đứa mười hai, đã giúp được mẹ mấy việc gì đâu. Hết lớp sáu, bé tí, anh Hòa nghỉ học, phụ mẹ cày cấy. Anh vác cái cày chật vật. Bắp cày trên vai, diệp cày với lưỡi cày chỉ chực va vào gióng chân hay mắt cá chân. Đã vậy thì chớ, cái đỏng đảnh ở đầu bắp cày lại còn lủng la lủng lẳng, càng khó đi. Vác cái bừa cũng thế, không cẩn thận lúc nhấc bước, răng bừa chọc vào chân. Nao mẹ vác cày đi từ tinh mơ sáng thì anh vác bừa theo sau. Rồi khi mẹ thả cày để bừa là anh vác cày về trước, mẹ bừa xong, vác bừa rồi rong trâu về sau. Bởi thế nên khi vác cày hay bừa, anh Hòa luôn bớt được cái khoắm với dây thừng loằng ngoằng, đỡ lủng lẳng, đỡ nặng bao nhiêu.

Tám sào ruộng chia thành mười thửa, chon von ngang đồi vài thửa, dưới bằng vài thửa, thửa to nhất hai sào, thửa bé nhất vài thước, lắm bờ. Năm nào làm bờ, các anh cũng chán mệt. Mẹ cứ kiên nhẫn thủng thẳng “Làm ruộng thì phải be bờ/ Làm thân con gái phải se lông mày”. Mấy anh em lại bảo nhau thôi cố. Xong bờ thì gánh phân trâu trợt vai. Đầu cơ nghiệp không có, đi chăn rẽ được con trâu để cày bừa, lãi mỗi tí phân. Gánh hết phân rồi anh em thay phiên nhau cùng mẹ đi cắt phân xanh, băm nhỏ ra để bỏ vào ruộng lúa đã hồi lại, đang xanh lên. Cả năm chỉ cấy mỗi vụ mùa, toàn cấy lúa muộn. Chiêm thì chịu vì chả bắt nước được. Tháng Mười thì lúa được gặt. Thóc phơi khô chưa kịp quạt sạch thì chủ nợ đã đến tận sân bắt cân ngay để trả. Thành ra, cái quạt hòm chả phải làm việc mấy, mới nguyên. Vay một tạ từ Chạp năm ngoái, đến tháng Mười năm sau trả tạ tám. Lân đạm không sẵn, thuốc phun cũng không, có lúa núi cũng chả tốt kịp cho vừa. Qua Chạp lại vay tiếp. Có bận, mẹ năn nỉ cô Hương béo: “Em thư thư cho chị”. Cô chắp tay sau đít, đứng đầu sân, nguýt dài: “Thư với từ gì hả chị? Để con em bốc trấu mà ăn à? Năm nào xoẳn năm ấy đi. Hết chị lại sang em cân cho”. Ô! Bà chủ cho cả làng vay thóc ăn lại lo con mình ăn trấu.

Còn tí thóc, mẹ con ăn dè. Ăn dè thì chẳng đủ no. Trong lúc đợi rơm khô, mẹ với anh Hòa lại ngược núi đi mót sắn. Người ta gánh bằng dậu. Mẹ nhất định không, đôi quang sảo dài không hợp với đường núi nên khiến mẹ ngã dúi dụi, nhất là những hôm trời mưa, trơn trượt. Cả mấy mẹ con có ra sức mót thì sắn cũng chỉ đủ một gánh. Anh Hòa chẳng về không, chặt hai cây chuối rừng, dùng cành cây xiên hai phía đầu, đuôi cho gọn, khỏi cần dây buộc, thành bó rồi vác về. Đến con lợn con mà nhà cũng chả đủ tiền mua giống nên chăn rẽ như trâu. Gọi là cám lợn nhưng cám được có tí còn rặt là chuối thái mỏng, băm nhỏ thôi, không thì củ, thân, lá mon hoặc ráy. Rau lang cũng chả biết trồng mà băm ra chăn. Thôi thì đến Tết cũng có miếng thịt mà gói bánh chưng cho con ăn, tí mỡ rán để đấy ăn dần.

Ăn độn thì mới dôi ra ít gạo. Chứ cứ nấu tinh gạo không thì chả mấy ngày lại cắp thúng sang nhà cô Hương béo. Độn rồi, chán ngấy sắn đến tận cổ, chị kêu mấy lần. Đến bữa, chả có gì ăn thì chị vẫn phải xúc. Anh Yên ngọng líu bảo: “Thao thao… mày bảo tán,… mà mày lại còn ăn”. Chị dỗi anh mất mấy ngày.

Cái đận ấy, dễ có đến năm năm, cả nhà mới hết cảnh vay thóc nặng lãi. Ấy là khi anh Hòa, anh Bình lớn hơn chút, biết vào Khe Rạc, lấy măng nứa, luộc chín, xâu vào lạt, ép chặt rồi gánh bằng đôi sọt nứa về bán. Nghìn năm xâu. Sau hai ngày lấy măng, luộc, xâu, nén, gánh về, mỗi gánh cũng được khoảng vài chục nghìn, còn thấy đồng ra, đồng vào. Hết mùa măng nứa thì mùa nào thức ấy. Anh Hòa nghỉ hẳn học, anh Bình vừa đi học, vừa phụ thêm. Khi thì đi gánh sấu, khi thì đi gánh trám, lúc lại lấy lá dong, lúc khác gánh nhựa trám, không thì gù hương. Những đôi vai của tuổi bẻ gãy sừng trâu, chẳng ngại gì mà không đặt lên. Anh Yên bé hơn, lại yếu, nên sáng đi học, chiều thả trâu ra đồng chăn với đám bạn.

Vụ mùa đầu tiên vắng cha, mẹ tự chẻ lạt buộc mạ. Mẹ chẻ khéo chẳng kém gì cha. Chẳng qua những bận trước, cha làm rồi thì mẹ làm việc khác.

Lần đầu nhà thay mái lợp vắng cha, sau gần năm cha đi rồi bặt vô âm tín, chị vẫn được ăn cơm lam mẹ nướng. Mẹ nhờ các bác, các chú trong xóm tới giúp. Bữa cơm trưa dọn ra mời khách, có rượu, có thịt, có rau. Quá trưa một tí, chú Thoan ở nán lại cà kê dăm ba câu chuyện. Cô Thoan sang tận nhà, liếc xéo, bắt về ngay, không quên nguýt mẹ một cái thật dài: “Tốt đẹp gì cái loại chồng bỏ sống mà đi”. Mẹ đứng chết lặng. Bất ngờ. Sau này, mẹ thường xuyên bị những ánh mắt vô cớ kiểu cô Thoan của các bà, các cô trong xóm. Không bất ngờ nữa nhưng mẹ im lặng. Chẳng phải bởi im lặng là đồng ý đâu. Mẹ dĩ hòa vi quý, muốn yên ổn mà làm nuôi con, thế thôi. Đôi co mà làm gì. Hở ra một câu gì là cơ hội để các bà, các cô sấn sổ vào. Rồi sẽ vẫn thế. Năm sau và vài năm sau nữa, nhà thay mái lợp, mấy mẹ con tự xoay, ổn. Các bác, các chú hàng xóm vẫn qua lại nhà chị nhiều hơn, khi mượn cái này, khi hỏi cái kia, khi chả việc gì. Mẹ tránh hết. Thi thoảng, có toán thợ xẻ, thợ đấu, rồi thợ mộc, hoặc thợ bật bông, tới xóm làm, biết chuyện, cũng buông lời chòng ghẹo. Họ còn đọc thơ:

“Xóm Hoa lắm đất trồng hành

Lắm cô gái đẹp để dành cho anh”.

Mẹ bơ. Sau chán. Vẫn là toán thợ ấy, cười mỉa:

“Xóm Hoa lắm đất trồng hành

Lắm cô gái đẹp để dành… muối dưa”.

Người ta nói mẹ thế nào mẹ cũng kệ. Nhưng động đến con mẹ là mẹ không im lặng.

Chắc tại ở với ba anh nhiều hơn ở với mẹ nên chị mạnh mẽ, quyết đoán như con trai, hầu như không có chút tính nữ nào. Chuyện quăng cặp sách choảng nhau với lũ con trai để bảo vệ mấy bạn liễu yếu bị bắt nạt là bình thường. Lớp năm, ngồi bên dưới bàn chị là một thằng ngỗ nghịch của lớp. Và đương nhiên, chị thường xuyên bị nó chọc phá, vẩy mực đầy áo, chọc thước kẻ tím lưng, phá bĩnh đủ trò, cứng rắn như chị cũng phải nhẫn nhục nhịn nó. Nhịn mãi không được, chị về mách anh Hòa. Anh bèn đưa chị quả đấm đúc bằng chì hay thiếc gì đó, có các lỗ đút ngón tay vào, dặn: “Khi nào nó bắt nạt thì dơ ra dọa nó nhé”. Chắc anh Hòa nghĩ chị chỉ dọa thôi. Không ngờ hôm đó, thằng ngồi sau vừa chọc mạnh thước vào lưng, chị quay lại phản ứng ngay, nó ngoác mồm cười ha hả:

“Lốc ca lốc cốc

Ai như lão Đốc

Bỏ nhà theo gái

Ái ài ái ai”

Thế này thì không được rồi. Nếu chỉ là vẩy mực, chọc thước,… đằng này, lại động đến cha. Ngay lập tức, chị rút quả đấm sắt nhằm thẳng mặt nó, tương một phát. Phúc cho nó và cả cho chị, cú đấm sượt qua mắt, làm rách phía đuôi mắt. Thằng bé ôm mắt đau đớn, máu chảy đầy tay. Chị vội vã giấu hung khí vào ngăn bàn, tái xanh tái xám. Thằng kia lên phòng y tế băng mắt và học tiếp. Giờ ra chơi, nó đi kêu gọi đồng bọn. Sau đó, ngay trong tiết học cuối, những thằng đầu gấu của các lớp tập trung đầy cửa sổ, cửa chính lớp chị để uy hiếp tinh thần. Chúng còn đeo mặt nạ giấy, nhìn chị cười nhe nhởn, truyền tai nhau kế hoạch trả thù. Chị cảm nhận rõ sự lẻ loi, sự yếu ớt không thể phản kháng. Cuối cùng, tan học, sự trừng phạt bắt đầu diễn ra. Quãng đường đi bộ từ cổng trường đến đường cái khoảng năm trăm mét, chị bị một lũ có lẽ hơn chục đứa vừa đi sau vừa đẩy ngã, ném đá và những thứ chúng nhặt được bên đường vào người. Chúng hò reo phấn khích, chị cam chịu cố bước thật nhanh. Những lần bị xô ngã, quay lại phía sau, thấy rất đông học sinh đi sau khoảng hai mươi mét, không một hành động can ngăn. Chị nhớ mãi ánh mắt của lũ bạn, truyền đi một thông điệp: “Đáng đời, con gái mà dám đánh nhau”.

Về nhà, sau buổi ấy, chị nhất định không đi học. Mẹ gặng hỏi mãi chị mới chịu kể sự tình. Rồi chị nức nở: “Không phải cha bỏ nhà theo gái, đúng không mẹ? Chỉ là cha đi làm ăn xa chưa về”. Mẹ gật đầu, rồi quay đi gạt nước mắt. Sáng hôm sau, mẹ đến trường, gặp cô giáo và cả lớp nói gì đó. Kể từ đấy, chị bình yên, đám kia bị nhà trường kỷ luật.

Cha đi sau sinh nhật chị một ngày. Là mẹ vẫn kể với mọi người những ngày cha mới đi, rằng cha đi sau ngày giỗ bà nội. Và chị nhớ mẹ vẫn bảo ngày bà nội mất, đúng Rằm tháng Chạp, mẹ vật vã khóc và sinh non chị. Chứ ngày ấy làm gì có sinh nhật trong ký ức của chị. Mẹ đến lạ, bao thứ âu lo, mà tuyệt không quên ngày sinh của bất cứ đứa con nào, cả ngày cha đi nữa. Nó là vết hằn trong tim mẹ. Lâu dần, chị thấy mẹ ít nhắc tới cha hơn, và rồi không nhắc nữa.

 

Cha bảo với mẹ: “Chắc tôi phải tha hương, mới thay đổi được số phận và cuộc đời. Tôi đi. Khi nào kiếm được nhiều tiền, tôi về, cho vợ con đỡ khổ”. Năm chín mươi của thế kỷ trước, khi điện lưới chưa có, thì thư từ là thứ gì đó rất xa xỉ với làng quê của chị. Một năm, hai năm, rồi nhiều năm, không một lá thư, không một lời nhắn gửi. Mẹ chị, bốn anh em chị, vẫn cần sống, cần ăn, lớn lên, cần đi học. Anh Hòa tha thiết muốn tới trường nhưng khi thấy mẹ vất quá, còn ba em nữa, Yên, Vui đều nhỏ và yếu, hay ốm vặt, thì anh nhất định nghỉ học dù mẹ có nói thế nào.

Năm thứ hai nhà thay mái lợp vắng cha, anh Hòa đã là thợ lợp cừ khôi. Trước đó, anh là nhân lực chính gánh rơm bằng chiếc đòn xóc một đầu mà trước kia là của riêng cha.

Năm thứ sáu kể từ khi cha đi, mẹ ốm liệt giường, suy nhược cơ thể, tưởng không qua được. Đó là hậu quả của những ngày sinh không được kiêng cữ, không có gì để ăn, lại làm việc quá sức: cày bừa, cấy hái, mót sắn, lấy củi, làm thuê, làm mướn,… kiếm tiền đong gạo nuôi con. Rồi ông trời cũng đoái hoài xót thương, mẹ được sống. Nhưng kéo theo là những ngày triền miên bệnh viện. Lớp sáu, sáng chị đi học, chiều chị nướng bòng hoặc nướng gừng bọc trong miếng vải chườm tay tiêm cho mẹ, những vết tiêm chai cứng bắp tay, khiến mẹ không giơ nổi tay để chải đầu hay tự tắm rửa. Chị khóc ròng cắc cớ: “Sao cha không về hả mẹ?”. Hun hút buồn trong đôi mắt của mẹ. Chị hỏi mẹ, rồi mẹ biết hỏi ai?

Thế mà rồi cũng có tin tức của cha. Không biết nên buồn hay nên vui nữa. Chị cứ nhớ như in câu chuyện mà bác Hoan hàng xóm kể với mấy mẹ con chị sau một chuyến đi làm từ cửa khẩu Tà Lùng về: “Tôi gặp chú Đốc trên ấy. Tha hương mà gặp đồng hương thì mừng phải biết. Nhìn chú ấy khỏe mạnh. Hỏi sao chú vô tâm, bao năm không liên lạc gì về nhà. Vợ đẹp, con khôn, bỏ bẵng thế. Im lặng một lúc chú mới kể những ngày đầu lên miền biên ải ấy. Chắc do ngã nước, chú ấy ốm quặt ốm quẹo đến vài năm không làm được gì. Chú ấy ăn nhờ ở đậu nhà cô giáo Tày quá lứa. Chú ấy sống được là nhờ cô ấy cưu mang, thuốc thang, chạy chữa khắp nơi. Ân tình, ân nghĩa, chú được tác hợp với cô giáo Tày. Cô ấy không còn khả năng có con. Chú bảo “Nhẽ em chết rồi. May giời cho sống, bạc với vợ con thì đã bạc rồi, giờ em lại bạc với người đã cứu mạng sống mình nữa thì thậm tệ quá thể. Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông. Em chẳng còn mặt mũi nào. Từ ngày đi, em chưa bao giờ có được giấc ngủ ngon. Qua anh, biết vợ con vẫn khỏe, dù khổ trăm bề, em cũng yên tâm. Anh cho em gửi lời… mà thôi anh đừng nói gì cả nhé”. Vội lên xe nên tôi chả nói chuyện thêm được nhiều. Tôi bảo ghi cho tôi cái số điện thoại, nhà có chuyện gì còn biết lối mà gọi. Đây, cô cầm lấy, ngộ nhỡ cần”.

Không khí trong nhà trầm hẳn mất mấy ngày. Rồi cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn thôi.

Sau những ngày lấy măng, gánh sấu, nhựa trám, … anh Hòa làm thợ xẻ. Hai mươi tuổi, anh cất được ngôi nhà gỗ ba gian, cột không đủ toàn gỗ nghiến mà xen cả gỗ lý, nhưng chắc chắn, lợp ngói. Từ đấy, rơm vẫn được gánh về nhưng không phải để thay mái lợp mỗi năm mà được xếp đống vào cho trâu ăn những ngày mưa phùn, gió bấc, chị đỡ phải ra đồng chăn. Chị hơn anh Yên, được chăn trâu nhà mình, không phải chăn rẽ trâu nhà người ta để lấy sức kéo rồi trả thóc cho họ. Con trâu mà mấy mẹ con com cóp bao năm mới dồn tiền mua được.

Anh Yên ngọng líu, ngọng lô, khi nào cũng thiệt thòi nhất nhà. Ở nhà mới được non năm thì anh mất, vì đuối nước. Mẹ mở hòm lấy mẩu giấy đã bạc màu đưa cho anh Bình bảo ra Bưu điện văn hóa xã mà gọi điện. Cho đến khi anh Yên mồ yên mả đẹp, mẹ vẫn hướng mắt ra phía đường đầu ngõ. Không có bóng dáng của ai cả. Chị lại khóc ròng: “Sao cha không về hả mẹ? Một người vợ, với bốn đứa con, không bằng một người đàn bà xa lạ sao?”. Lại hun hút buồn trong đôi mắt của mẹ. Chị hỏi mẹ, rồi mẹ biết hỏi ai?

Anh Hòa lấy vợ rồi đến anh Bình, và chị lấy chồng. Mẹ lo chu toàn mọi việc, rồi có cháu nội, cháu ngoại.

Đủ các kiểu bệnh viện từ trung ương tới địa phương và nhiều bác sĩ giỏi cũng chỉ giữ được mẹ ở với các anh và chị thêm hai mươi năm kể từ ngày mẹ đổ bệnh. Ngày mẹ về theo tiên tổ, điện thoại thông minh đã phổ biến lắm rồi, gọi là có thể nhìn thấy hình ảnh. Anh Bình lại là người bấm máy, cha vẫn không về. Chị ngất rồi tỉnh, tỉnh rồi ngất. Nỗi đau này, ai thấu không?

***

Các cụ vẫn bảo “Cóc chết ba năm quay đầu về núi”. Cha đi chẵn ba mươi năm mới quay về. Không tính được lãi, lỗ cuộc đời như khi căn để chẻ lạt bó mạ hay buộc mái nhà.

Đi đón cha, có đủ trai, gái, rể, dâu. Suốt cả chặng đường dài, sáu đứa con nhìn cha rồi nhìn nhau lặng lẽ. Vô ngôn. Mỗi người, đắm chìm với miền ký ức của riêng mình. Hơn ba trăm cây số, thấm gì so với ba mươi năm cuộc đời, của nhiều con người. Khổ cực, tủi hờn, buồn, vui, oán hận,… đã qua hết rồi.

Cả xóm dễ có đến hơn trăm người, ra đón cha từ đầu ngõ. Người ta cũng giận lắm, cái con người ruồng rẫy quê hương, ba mươi năm không một lần ghé lại. Nhưng khi con người ấy quay về, thì vẫn đón. Chẳng cố giữ người sẽ ra đi, nhưng sẽ sẵn sàng đón người trở về.

Rẽ đám đông, chị nhao vào chỗ mộ mẹ, nhạt nhòa màu sơn trắng, vừa sang cát chưa nổi một năm. Huyệt song song bên cạnh, được xây cất gọn gàng, chỉ đợi quách về là hạ xuống. Hỏa thiêu, đào sâu, chôn chặt, đặt cạnh mẹ, đó là ước nguyện cuối cùng của cha. Chặng đường dài từ Bảo Lạc, qua thành phố Cao Bằng, rồi Bắc Cạn, tới An Lạc Viên và trở về nhà, chị không khóc. Chẳng phải bởi đã khóc hết nước mắt từ lâu, cũng chẳng phải bởi vô cảm, chỉ là nước mắt không chảy thôi. Kể cả lúc di quan, khi nhìn người đàn bà ấy quằn quại khóc, ngất rồi tỉnh, tỉnh rồi ngất, chị vẫn không một giọt nước mắt rơi. Và chị vẫn kiên định, dứt khoát không đồng ý cho người đàn bà ấy theo về chịu tang.

Chị chỉ kịp nấc lên bốn tiếng “Mẹ ơi. Cha về”, rồi ngất lịm.

Truyện ngắn. Trịnh Hiên

Thái Nguyên, ngày 28 tháng 8 năm 2020

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước