Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
07:45 (GMT +7)

Ngập úng ở Lòng Thuyền (Kỳ I)

Kỳ I. Cuộc sống nơi vùng trũng

VNTN- Những ngày cuối tháng 6, mưa nhiều trận liên tiếp trút xuống nhấn chìm đường đi và hoa màu của hàng trăm hộ dân thuộc tổ dân phố số 7, 8 phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên và tổ dân phố Hưng Thái, thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ. Theo người dân thì đây đã là trận ngập thứ 3 trong tháng 6 này. Nhiều người đã cả tháng không thể trở về nhà. Điều đáng nói, đây lại là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

                                    1688227140-ngap-ung-o-long-thuyen-1.jpg
Đây là tuyến đường liên xã đã được tôn cao từ cuối năm 2022 xong vẫn rơi vào tình trạng ngập sâu sau những trận mưa kéo dài

Nước không thể rút đi ngay cả khi trời đã tạnh, ngập úng kéo dài trong nhiều ngày, thậm chí cả tuần hoặc chục ngày mỗi đợt. Cuộc sống bị xáo trộn, người dân mệt mỏi, bởi tình trạng này đã lặp đi lặp lại và kéo dài từ khoảng năm 2018 đến nay. Chưa kể họ đã từng đi “kêu” quá nhiều lần, tại nhiều diễn đàn nhưng sự việc chẳng mảy may biến chuyển.

Dường như không thể kìm nén thêm những bức xúc đã nín nhịn bấy lâu nên chỉ chờ tôi vừa kịp mở lời hỏi thăm về nhà cửa, hoa màu, bà Quách Thị Cương, công dân tổ 8, phường Chùa Hang đã nói lớn: Cô nhìn đi, nước mênh mông thế này đã cả tuần nay và cũng không biết bao giờ mới rút được hết. Bị ngâm trong nước lâu thế này cây cối nào chịu được. Gần 90 gốc táo của gia đình tôi trước đây năm nào cũng được thu vài tạ quả, giờ đã chết rũa vì ngâm nước, rồi còn soi bãi lẽ ra thu 4 tạ ngô mỗi năm giờ cũng đành để hoang hoá.

- Khu vực này từ xưa đã có tên là lòng thuyền, chắc hẳn do địa hình ở đây thấp, trũng hơn xung quanh…? Tôi còn chưa kịp nói hết câu, nhưng có vẻ cơn giận của bà chưa nguôi nên giọng bà càng cao hơn:

- Đúng là ở đây thấp hơn các nơi khác nên luôn bị dồn nước về. Nhưng trước đây, dù có mưa to, nước chỉ ứ một, hai ngày rồi cũng rút hết, mà cũng phải 3, 4 năm mới bị một lần, không phải tháng bị đến 2, 3 lần như bây giờ. Đấy, như nhà cái anh Dương lần nọ đi cấp cứu đúng hôm nước ngập, nếu không gặp được cái xe gầm cao liều mình vào chở đi thì chắc gì còn cơ hội sống. Cô phải sống ở đây mới thấm nó khổ đến thế nào.

Đứng bên cạnh, ông Lã Quý Lợi thấy vậy bèn nói: Phóng viên đến tìm hiểu để viết bài chứ có phải cháu nó gây ra tình trạng ngập úng đâu mà bà lớn tiếng thế.

- Thì tôi bức xúc quá chả biết nói với ai nên xả ra thế thôi chứ không có ý gì đâu. Thông cảm cho tôi cô nhé!

Phản ứng của bà Cương cũng là dễ hiểu. Phải đứng nhìn tài sản bị chìm trong nước, có ai là không tiếc công, xót của, chưa kể những hệ luỵ về môi trường để lại. Ông Lợi cũng cho biết, nhà ông nước vào, đang ngập đến trên đầu gối. Mỗi lần nước bị ứ như hiện tại phải kéo dài khoảng bảy đến chục ngày. Đến khi nước rút, tường nhà ẩm mốc, đủ loại xác giun, dế, côn trùng chết trong nhà, ngoài sân, hôi thối đến lợm giọng. Cả mấy tuần nay, 2 vợ chồng ông phải ra ở nhờ nhà người con trai út.

Ngập liên miên, không còn cách nào khác, người dân tìm mọi cách xoay sở để giảm thiểu thiệt hại. Như gia đình anh chị Tư, chị Ngân có mảnh ruộng rõ bằng phẳng, trước đây năm nào cũng trồng ngô thu về vài tạ, tha hồ chăn nuôi. Thế nhưng từ khi nước ngập triền miên, vợ chồng họ đã phải thuê máy móc múc thành rãnh to, sâu hoẳm như cái mương ở giữa ruộng để lấy đất đắp sang 2 bên, tạo thành 2 luống đất cao.

Chấp nhận ruộng bị xẻ ra làm đôi, để tiếp tục trồng ngô bai - oxit, giống ngô có sức chống chịu tốt, cây cao. Mục đích của việc làm này là mong luống đất cao sẽ giúp những cái bắp ngô thò được lên trên mặt nước không bị hỏng nữa. Bao công, bao của cải tạo bãi là vậy những cuối cùng nước cứ dềnh lên, vẫn cứ mất trắng.

Tôi đi sâu hơn vào trong con ngõ số 3 của tổ 8, nước ngập tới đầu gối, tới ngang đùi, rồi tới bụng. Tiếp đó, tôi được người dân cảnh báo không thể đi vào sâu hơn nữa kẻo cái chiều cao một mét năm mấy của tôi sẽ chỉ còn hở cái chỏm đầu. Men theo con đường bê tông mới đổ được một nửa (theo chiều dọc), dễ cao hơn đường cũ tới nửa mét, tôi rẽ vào nhà ông Nguyễn Văn Cường nơi đang phát ra tiếng chó sủa, tiếng lợn kêu thống thiết.

                                    1688226899Ngap ung o Long Thuyen 2.jpg
Quang cảnh tại nhà ông Nguyễn Văn Cường

Cảnh tượng trong sân nhà ông Cường vô cùng hỗn độn, góc này nhốt đàn chó 5 con, góc kia nhốt 4 con lợn tháu. Ngay cạnh bộ bàn ghế uống nước kê ở chính giữa cửa nhà, ông quây tạm một góc nhốt con lợn nái sắp đẻ. Đủ các loại mùi do chúng phóng uế đậm đặc trong nhà, ngoài sân.

Toàn bộ khu vực chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông Cường đã ngập sâu trong nước. Đàn gà hoảng loạn bay lên ngọn cây cao. Ông Cường tay cầm cái chổi xuể khua khua cho đàn chó bớt sủa, rồi bần thần nhìn con nước một cách bất lực bằng đôi mắt hốc hác do nhiều ngày thiếu ngủ.

Ông bộc bạch: Mấy hôm nay, đêm nào tôi cũng phải thức canh vì sợ nước lên cao nữa là sân nhà cũng không còn an toàn. Cứ mưa liền vài ngày là bị. Nước cũ không thoát đi đâu được lại tiếp trận mưa khác. Nhưng đáng sợ nhất là chất thải chăn nuôi ở chuồng trại không cách gì ngăn nó lan tràn ra ngoài được. Ngập úng không lối thoát mãi như thế này khổ không sao tả hết.

Vừa ra khỏi nhà ông Cường, tôi gặp được anh Nguyễn Trọng Tú, Tổ phó tổ dân phố số 8 khi anh đang vào thăm bà Nguyễn Thị Châm, là hộ nghèo, đơn thân ở tổ. Anh Tú cho biết: Hôm trước Tổ đã hỗ trợ cho bà ít mỳ tôm để ăn đỡ trong những ngày nước ngập không đi lại được.

                                    1688226929Ngap ung o Long Thuyen 3.jpg
Ngôi nhà và góc tránh ngập úng duy nhất của bà Nguyễn Thị Châm

Bì bõm lội theo anh Tú, tôi đến được nhà của bà Châm. Trong nhà, vài đồ dùng thiết yếu được bà cho vào bao tải, kê lên cao. Nước trong nhà đã cao hơn đầu gối, chỉ có một góc đã được đổ đất cao, đủ chỗ cho bà kê rổ bát, ấm nước và vài tấm phản cũ kỹ làm giường. Đó cũng là nơi ngủ của bà và 2 chú chó trong những ngày nước ngập.

Anh Tú thông tin, nhiều lần nước dềnh lên trong đêm rất nguy hiểm nên cứ hễ thấy thời tiết có chiều hướng xấu, cán bộ các xóm, tổ trong khu vực thường xuyên bị ngập lại gọi loa, nhắn tin lên nhóm thông báo và kêu gọi người dân cảnh giác và sẵn sàng các phương án phòng tránh nước lên. Cùng với đó là bố trí người giúp đỡ các gia đình chỉ có người già, gia đình neo đơn hay có người ốm đau, bệnh tật.

Cùng chung tình cảnh bị nước vào nhà, chị Lê Thị Toan bất lực nhìn hàng gạch chỉ mới xếp ban sáng ở cửa để ngăn rác chảy từ vườn bãi vào nhà giờ bị vô hiệu do đã ngập tủm trong nước. 2 chiếc giường được tôn cao bằng đủ các loại đá ong, gạch vỡ. Chiếc máy lọc nước được buộc vào cửa sổ. Hai chiếc tràng kỷ dài được xếp chồng lên nhau tạo độ cao lấy chỗ cất chiếc quạt điện và làm nơi tránh nước cho chú chó nhà nuôi. Mấy con gà đang ấp trứng cũng được chị đưa lên áp mái bếp. Nằm trong ổ, chỉ cần chúng ngỏng đầu lên là chạm vào mái bờ - rô – xi - măng. Toàn bộ ruộng ngô, vườn trồng cây hồng xiêm đều bị nước nhấn chìm, chị nhẩm đếm, nước ngập đận này đã là ngày thứ 8.

                                    1688226967Ngap ung o Long Thuyen 4.jpg
Chị Lê Thị Toan cả ngày lo kê dọn đồ đạc

Còn ông Nguyễn Thành Nguyên cũng lo đến mất ăn, mất ngủ, khấn trời cho nước rút, nếu không mấy cây vú sữa ông mới mua về trồng (trị giá hơn 30 triệu đồng/cây) có thể bị xoá sổ sau trận ngập này. Ông Nguyên sốt ruột: Cây to, nhưng có cây tôi mới mua trồng được vài tháng, tình trạng này, chỉ cần nước ngâm thêm cho 2 ngày nữa xong gặp trời nắng gắt là cả trăm triệu của tôi đi tong.

Do tình trạng ngập úng dài ngày đã tái diễn nhiều năm trở lại đây, nên nhiều người cũng đã tìm mọi biện pháp để đối phó, từ việc thiết kế gác xép, tôn nền nhà, đến liên hệ địa chỉ có thể “tá túc” bất cứ lúc nào.

Hay như hơn 20 hộ dân ở một nhánh đường của tổ 8, cuối năm 2022 được sự đồng ý của chính quyền, họ đã bảo nhau đóng góp mỗi hộ từ 11 - 15 triệu đồng để tôn cao nền đường lên 50 - 70 cm (tuỳ chỗ). Tuy nhiên ngay cả khi đường đã được tôn cao hơn đến thế đường ngập vẫn hoàn ngập.

Dù đã bắc ván, kê gạch làm cầu, song nước trận mưa sau chồng lên nước trận mưa trước khiến gia đình chị Hoàng Thị Hải Yến và anh Nguyễn Văn Phương, tổ dân phố Hưng Thái, thị trấn Hoá Thượng sau 5 ngày có mưa đã không thể ra khỏi nhà. Đứng từ trên thềm nói với ra, chị Yến cho biết: Hiện cả nhà không thể ra ngoài vì nước ở sân đã ngập sâu đến bụng. Nhiều ngày nay, mọi sinh hoạt trong nhà đều khó khăn vì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Mỗi nhà mỗi cảnh, song nhìn chung việc cuộc sống bị ảnh hưởng, tài sản bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau là điều không thể tránh khỏi với hầu hết các hộ dân ở 2 tổ dân phố 7, 8 phường Chùa Hang và tổ dân phố Hưng Thái, thị trấn Hoá Thượng.

Ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng Tổ dân phố số 8 cho biết: Tổ 8 có hơn 300 hộ thì đến một nửa số hộ bị nước úng làm chia cắt giao thông, tập trung ở các ngõ số 3, số 5, số 7 và số 9. Khoảng 20 hộ đã phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn. Chăn nuôi trang trại thì tổ không có nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ, vài con lợn, dăm ba chục con gà, con vịt, con ngan thì hầu như nhà nào cũng có. Thiệt hại kinh tế đã đành nhưng cái chúng tôi lo hơn nữa là tình trạng ô nhiễm môi trường. Nước úng đã hoà lẫn tất cả nước thải ở cống rãnh, chất thải chăn nuôi với nhau. Ai lội xuống chân tay cũng lở loét vì nước bẩn. Toàn bộ giếng khơi của bà con đều phải bỏ. Ngay cả nước máy chúng tôi cũng không biết có an toàn không khi mà nguồn cấp nước cũng ngập.

                                    1688226995Ngap ung o Long Thuyen 5.jpg
Chị Vũ Hải Yến, tổ 8, phường Chùa Hang thường xuyên phải lội nước sâu khi muốn di chuyển từ nhà đi làm trong những ngày có mưa to và nhiều ngày sau đó

Tôi hỏi về thống kê thiệt hại hoa màu và tài sản, cả ông Minh và bà con đều lắc đầu bảo “không đếm. Đếm làm gì khi rơi vào nhà ai nhà ấy chịu. Chưa bao giờ bà con được hỗ trợ sản lượng, thiệt hại hay bất cứ điều gì”…

Ghi nhận tại đây những ngày nước ngập sâu chúng tôi nhận thấy, chính quyền địa phương đã cho đặt các biển, căng dây cảnh báo không cho người dân đi qua các khu vực ngập sâu nhằm hạn chế mức độ rủi ro xảy ra. Đại diện Phường cũng cho biết: Phường đã tổ chức lực lượng xung kích hỗ trợ 15 hộ dân đưa người và tài sản lên vị trí cao. Đồng thời, tuyên truyền nhân dân khu vực ngập úng về tình hình thời tiết, nước trên nguồn dồn về để nhân dân chủ động kê kích tài sản lên cao.

Mong muốn của người dân ở tổ dân phố số 7, 8 phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên và tổ dân phố Hưng Thái, thị trấn Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ trước đây cũng như hiện nay là các cấp chính quyền TP. Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ và Ban Quản lý Dự án DanKo sớm có giải pháp giải quyết tình trạng này. Tránh để kiến nghị của người dân cứ trình lên rồi… vẫn thế.

(Còn nữa)

Sa Mộc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những “người lái đò” đặc biệt

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Người đàn bà mang nợ những trần ai

Xem tin nổi bật 4 tuần trước

Phùng Quán, người đặc biệt nhà số 4

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Tự khúc Na Rang

Xem tin nổi bật 4 tháng trước