Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
02:21 (GMT +7)

Ngẫm chuyện bạo lực học đường

VNTN - Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, mạng xã hội xuất hiện một clip kéo dài gần 3 phút quay lại cảnh hai cô gái trẻ hành hạ một bạn gái khác rất tàn bạo: dùng đầu gối thúc thẳng vào mặt, giật tóc kéo lê giữa đường rồi tát bôm bốp hàng chục cái kèm đá chân, dùng cùi chỏ đánh tới tấp vào người, vào mặt. Một cô gái chìa chân bắt “nạn nhân” phải liếm thì mới… tha mạng. Cảnh tượng cô gái tội nghiệp khóc lóc cúi đầu thực hiện yêu cầu, trong khi đó có khá nhiều người chứng kiến nhưng đều chỉ đứng xem mà không có bất kỳ một sự trợ giúp nào với nạn nhân.

Sự việc khiến người ta liên tưởng đến những vụ bạo lực học đường khác diễn ra trước đó không kém phần kinh hãi như: nữ sinh đánh bạn đến ngất xỉu (Thanh Hóa); nam sinh đánh bạn bằng búa (Tiền Giang); nữ sinh ở Mộc Châu, Sơn La tát bạn hơn 50 cái, hộc máu mũi. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp đã đánh bạn tử vong ngay tại lớp học (Mỹ Tho, Tiền Giang). Nhiều người bày tỏ lo lắng, rằng bạo lực học đường dường như không được kiểm soát mà đang gia tăng với mức độ ngày càng tàn bạo, quyết liệt hơn.

Phân tích nguyên nhân của các hành vi bạo lực này, chuyên gia Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam chỉ ra rằng, xét ở phương diện xã hội, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, dù chương trình cải cách giáo dục thay đổi liên tục nhiều năm qua, nhưng chúng ta vô tình buông lỏng giáo dục đạo đức cho người dân nói chung, cho con trẻ nói riêng. Chính các học sinh - chủ thể của các hành vi bạo lực đã chưa được giáo dục đầy đủ, kém phát triển về phẩm chất đạo đức, nhân cách. Gia đình thiếu sự quan tâm, thả lỏng, buông trôi việc giáo dục đạo đức con cái mình, phó mặc cho nhà trường; có gia đình bố mẹ cãi cọ, mâu thuẫn đánh chửi nhau, vì thế con cái bị ảnh hưởng không khí bạo lực từ chính gia đình mình. Môi trường lớp học, nhà trường đã chưa đủ sức trở thành tấm gương, chưa có sự quan tâm, sát sao từ phía các thầy cô giáo… Mặt khác, phim ảnh, đồ chơi, game bạo lực được trình chiếu tràn lan, bầy bán công khai cũng là những nguyên nhân đáng báo động.

Có ý kiến cho rằng, các bậc phụ huynh hiện nay đang thiếu kỹ năng mềm trong giáo dục con cái, máy móc và đề cao giáo dục kiến thức mà thiếu những bài học về sự sẻ chia, về lòng nhân ái. Chúng ta không tiếc tiền cho con đi học thêm môn chính, tới các trung tâm học năng khiếu đến tận khuya nhưng lại tiếc thời gian uốn nắn con những hành vi nhỏ như lời chào, lời xin lỗi hay lời cảm ơn… Cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào thành tích, danh hiệu của con đã góp phần gây nên sự bất mãn, xơ cứng trong tâm hồn trẻ, dẫn đến việc “giàu có” kiến thức nhưng lại vụng về, thiếu hụt những kỹ năng sống cơ bản nhất. Không ít những trường hợp, chính cha mẹ lại là “bệ đỡ” cho các hành vi bạo lực học đường khi thiếu sự khách quan, bao che, bênh vực cho con cái trước những sai phạm. Chính điều này đã khiến các em nhận thức lệch lạc, việc làm sai trái nhưng dưới sự “tiếp sức” của cha mẹ đã trở thành…chuyện đã rồi, hoặc chuyện chẳng có gì!

Người ta nói nhiều đến các giải pháp khắc phục bạo lực học đường, trong đó hai yếu tố gia đình và nhà trường có ý nghĩa then chốt. Việc tăng cường chăm lo giáo dục đạo đức cho các em thông qua các nội dung học tập và sinh hoạt hàng ngày, hướng suy nghĩ và hành động của các em vào các hành vi mẫu mực lành mạnh, tốt đẹp, có đạo đức, có văn hóa; dạy các em sống có kỷ luật, biết kịp thời lên án mạnh mẽ các hành vi vô kỷ luật, phi đạo đức cả bằng lời nói và hành động cụ thể; nắm bắt tâm lý học trò để uốn nắn, điều chỉnh… là những việc làm cần kíp từ phía nhà trường. Về phía gia đình, các bậc cha mẹ hãy tìm cách làm bạn với con. Quan tâm, hiểu con, hiểu được bạn bè của con, nói chuyện được với con... Làm thế nào để con thoải mái bộc bạch tâm tư, nguyện vọng của mình, từ đó sẽ dễ dàng định hướng, khuyên bảo, đưa đến cho con những suy nghĩ và hành động tích cực.

Thiết nghĩ, tâm hồn trẻ thơ giống như cái cây, cần được chăm sóc thường xuyên, đầy đủ. Dù làm gì thì chúng ta cũng cần quan tâm đến cái gốc, cái cốt lõi. Nền tảng vững chắc nhất chính là tình yêu thương, sự giáo dục, chăm lo ở mỗi mái nhà!

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy