Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
19:19 (GMT +7)

Nền dân chủ Việt Nam trong bản Tuyên ngôn độc lập

VNTN - Giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập cho đến nay vẫn đang được giới học giả trong và ngoài nước nghiên cứu. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả bài viết xin đưa ra một cách nhìn mới về giá trị bản Tuyên ngôn này. Đó là giá trị xác định nền dân chủ của dân tộc Việt Nam khi giành được nền độc lập sau Cách mạng Tháng Tám 1945.

Tiếp thu những giá trị dân chủ chung của thế giới

Cách đây 70 năm, vào ngày 2/9/1945 hơn một triệu nhân dân Việt Nam đã tề tựu tại Quảng trường Ba Đình lịch sử để nghe Bác Hồ thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Bản Tuyên ngôn với lý lẽ đanh thép, lời lẽ hùng hồn đã tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và bạn bè quốc tế rằng nước Việt Nam đã “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam” và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công -  nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tinh thần chung của Bản Tuyên ngôn là khẳng định tính pháp lý của Nhà nước Cách mạng, nền Độc lập -  Tự do của dân tộc và quyết tâm của nhân dân Việt Nam trước sự quay trở lại xâm lược của thực dân Pháp. Với ý nghĩa thiêng liêng đó, Bản Tuyên ngôn đã xác định được về mặt định hướng chính sách những đường nét cơ bản của nền dân chủ Việt Nam mà Nhà nước mới phải xây dựng trong tương lai.

Tuy có sự khác nhau về mô hình văn minh, số phận lịch sử và tố chất dân tộc nhưng phương Tây, đại diện là Mỹ, Pháp và phương Đông, mà ở đây đang xét là Việt Nam đều có chung một hằng số dân chủ. Bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng khái chỉ rõ trước toàn dân Việt Nam và bạn bè quốc tế về sự thi hành những tinh hoa dân chủ phương Tây. Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ tịch đã viết:

“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Như vậy, dân tộc Việt Nam không chối bỏ những giá trị tinh hoa của nền dân chủ phương Tây mà luôn khao khát và ao ước nó. Nhưng các nước thực dân thì như bản Tuyên ngôn độc lập đã vạch mặt là đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Nền dân chủ Việt Nam do đó tuyệt đối không phải là nguyên bản của nền dân chủ phương Tây. Thậm chí, theo Karl Marx thì: “Một dân tộc xâm lược dân tộc khác thì dân tộc đó cũng không có tự do”, tức là không có sự dân chủ của tầng lớp bình dân (sự tự do) tại các nước thực dân phương Tây. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) bôn ba nước ngoài và sống ở các nước Mỹ, Anh, Pháp… hàng chục năm đã biết quá rõ về tình hình “dân chủ” của các nước tư bản qua hàng loạt bài viết của người như “Hành hình kiểu Lin-sơ” (Mỹ), các bài viết của người trên báo Le Paria - “Người Cùng Khổ” (Pháp)...

Do đó, bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định chỉ những giá trị nguyên bản hoặc tiến bộ của nền dân chủ nhân loại thì nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới áp dụng và thực thi. Nước Việt Nam mới quyết không đi theo con đường “dân chủ” giả hiệu của các nước đế quốc thực dân. Nhân dân Việt Nam có nền dân chủ của riêng mình trên cơ sở khách quan của hằng số chung về dân chủ trong nền dân chủ nhân loại, mô hình văn minh, số phận lịch sử và tố chất dân tộc.

Chỉ rõ nền dân chủ của nhân dân Việt Nam

Người dân Việt Nam, từ thân phận là nô lệ của thực dân, là tôi đòi của bè lũ phong kiến, qua vô vàn các cuộc đấu tranh, đổ biết bao nhiêu xương máu mới “rũ bùn đứng dậy sáng loà” trong mùa Thu Cách mạng, trở thành công dân của một nước tự do, độc lập và tiến bộ: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rằng “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”.

Như vậy, nền dân chủ Việt Nam được hiểu theo lẽ đơn giản nhất là: Không vua (bởi có vua thì đã là chế độ chuyên chế, người dân ngay cả quyền sống cũng bị vua định đoạt  “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”) và Không thực dân đế quốc (bởi nếu không độc lập tự do thì người dân bản xứ chỉ tồn tại dưới kiếp ngựa trâu, dân chủ chỉ dành cho các công dân “mẫu quốc”). Bởi thế, trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa” và “Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào… Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân”. Dân chủ ở Việt Nam do vậy chỉ có thể được xây dựng trên nền Độc lập, Tự do và thực chất có Độc lập, Tự do thì mới có Dân chủ tại Việt Nam!

Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp từ ngàn xưa. Trước Cách mạng Tháng Tám, người nông dân Việt Nam chiếm đến 95% dân số và đa phần không có một “mảnh đất cắm dùi”, phải đi ở đợ, làm tá điền cho địa chủ hoặc đi cày thuê cuốc muớn cho các hộ có ruộng đất. Họ là tầng lớp bần nông hoặc bần cố nông. Còn ruộng đất công làng xã (nhưng hiếm lắm) thực chất là của vua, của làng xã và chỉ để phục vụ cho vua, cho hội hè đình đám của chức sắc làng xã và cho chiến tranh. Cuốn sách “Chế độ ruộng đất và một số vấn đề lịch sử Việt Nam” của Giáo sư Trương Hữu Quýnh đã cho thấy rõ ràng thực trạng đau buồn nói trên.

Điều nghịch lý: Người nông dân - giai cấp nuôi sống xã hội với Người nông dân - giai cấp bị bóc lột tàn nhẫn trong xã hội cũ Việt Nam là biểu hiện cho sự mất dân chủ trầm trọng nhất. Từ không có ruộng đất dẫn dến người nông dân không có tiếng nói và quyền lợi ở làng xã, chính quyền. Ngay cả việc ăn uống cũng phải ăn sau và ở “chiếu dưới” so với các cụ tiên chỉ trong làng xã. Trong khi xã hội vẫn tồn tại những kẻ “ngồi mát ăn bát vàng” thì hằng ngày người nông dân chỉ có thể an phận cái dạ dày teo tóp của mình với nồi cơm độn khoai, củ ráy, củ hà.

Bản Tuyên ngôn độc lập cũng đã trực tiếp chỉ rõ các tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật và bè lũ phong kiến tay sai đối với người nông dân Việt Nam ta như sau: “Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu… Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng” và “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương… Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”.

Do vậy vấn đề dân chủ ở Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 chính là vấn đề người nông dân có làm chủ được ruộng đất của mình hay không? Ngoài được làm chủ về chính trị, như tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là Nhà nước của công  nông thì người nông dân Việt Nam lúc đó còn cần phải được làm chủ về mặt kinh tế. Chính vì vậy đã diễn ra các cuộc cải cách ruộng đất rầm rộ của Nhà nước ta ở miền Bắc sau đó là tại miền Nam (khi Đất nước thống nhất vào năm 1975) để thực hiện mục tiêu “Người cày có ruộng”.

Bên cạnh việc làm chủ về chính trị - kinh tế, việc được tham gia các công việc của cộng đồng chính là điểm riêng biệt của nền dân chủ Việt Nam so với phương Tây. Việt Nam dưới ảnh hưởng của các đặc tính nền văn minh phương Đông cộng với truyền thống làm thuỷ lợi và chống ngoại xâm kéo dài càng trở nên điển hình trong hằng số “dân chủ cộng đồng”. Điều này thể hiện rõ nhất qua Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần. Chính vì vậy, Bản Tuyên ngôn độc lập luôn nhắc đến hai từ “đồng bào” và cuối bản Tuyên ngôn là quyết tâm của cả quốc dân đồng bào trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Nghiên cứu vấn đề dân chủ trong Tuyên ngôn độc lập để một lần nữa chúng ta khẳng định chắc chắn rằng, nền dân chủ mà người dân Việt Nam khao khát không phải là nền dân chủ Mỹ hay nền dân chủ phương Tây nào khác, mà là nền dân chủ của chính mình. Nó là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong đó quần chúng nhân dân lao động vừa là đối tượng sáng tạo vừa là đối tượng được hưởng các các quyền dân chủ đó. Và nói theo cách nói của Karl Marx, so với nền dân chủ Athens (nền dân chủ chủ nô) và nền dân chủ Pháp (nền dân chủ của các đại tư sản) thì nền dân chủ xã hội trong tương lai là một “nền dân chủ đáng mơ ước và vĩ đại”.

Nguyễn Văn Toàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy