Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
14:55 (GMT +7)

MV là đại sứ ngoại giao – Tại sao không?

VNTN - Ngoại giao văn hóa trong đó có âm nhạc - ca khúc Việt, đã là một “sức mạnh mềm” để quảng bá khá hiệu quả hình ảnh Việt Nam ra bạn bè thế giới. Giới Vpop hiện nay đang có xu hướng đưa văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam vào các MV của mình, đạt nhiều thành công khi có mặt trong các Top trending âm nhạc số khu vực và quốc tế.

Tại sao không? Khi các MV này trở thành những sứ giả ngoại giao văn hóa, đưa hình ảnh Việt Nam lan tỏa rộng ra toàn cầu?  

Những năm gần đây, trong vai trò sứ giả của hòa bình, âm nhạc đã làm nên sự kết nối tuyệt vời giữa Việt Nam và các nước trong khu vực cũng như bạn bè quốc tế. Đặc biệt nhiều MV với xu hướng thuần Việt mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt, làm hình ảnh mình họa cho câu chuyện được kể bằng chất nhạc hiện đại đang được cổ vũ, lan tỏa trên không gian mạng, đưa hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài thế giới ngày càng nhiều, được xem như góp vào thành công chung của ngoại giao quốc gia.

Xu hướng MV thuần hình ảnh Việt

Vpop đã chuyển xu hướng đưa thiên nhiên, các danh lam cẩm tú, đẹp như tranh như thơ và những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc Việt dọc theo chiều dài đất nước vào bối cảnh MV để vừa đáp lại sự kỳ vọng của công chúng, vừa để “khoe” Việt Nam như một xu hướng tích cực.

Mới nhất tháng 6/2020, MV “Mời anh về Tây Bắc” của Sèn Hoàng Mỹ Lam, ca sĩ người dân tộc Nùng, với 8 ca khúc mới do những nhạc sĩ trẻ khai thác âm hưởng dân gian miền núi, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Bắc, đã được đón nhận và nhanh chóng lan tỏa rộng rãi.

Trước đó, nhiều ca sĩ đã chọn bối cảnh Việt để làm MV như Tân Nhàn hay các ca sĩ trẻ như Hoàng Thùy Linh với MV “Bánh trôi nước”; “Việt Nam, đi, yêu và hôn” của Phạm Hồng Phước; MV “Đồng xanh” của Vy Oanh; “Cuộc chiến” của Hà Anh Tuấn; “Đi về phía mặt trời”, “Đưa nhau đi trốn” của Đen ft Linh Cáo; “Lạc trôi” của Sơn Tùng MTP; “Đi để trở về - 2” của Soobin Hoàng Sơn.

Ca sĩ Quang Vinh trong “Điều buồn tênh”, Rocker Nguyễn trong “Quá khứ còn lại gì”, Bích Phương với “Gửi anh xa nhớ”, Phạm Phương Thảo với “Chàng vinh quy”, Đức Phúc với MV “Hết thương cạn nhớ”, ca sĩ dòng nhạc bán cổ điển Phạm Thu Hà với sáng tác của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh “Vũ điệu bình minh”, ca sĩ Thu Hằng, giới thiệu MV “Nhà em ở lưng đồi”…, gây ấn tượng với những thước phim về cảnh đẹp của đất nước khắp ba miền.

Và điều đáng khích lệ là các MV này đều khá thành công, mang lại số lượt xem - nghe đạt có số “triệu view” trở lên, chưa kể còn được các kênh âm nhạc số quốc tế lan tỏa mang đến công chúng nước ngoài.

Và những MV giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt

Vpop đã đổi chiều, “người Việt dùng hàng Việt”, lựa chọn những chất liệu dân gian, văn học, lịch sử để đưa vào MV của mình, gây được sức hút, thậm chí tạo thành một trào lưu trong giới trẻ. Đặc biệt có sức lan tỏa hình ảnh Việt Nam rộng hơn bởi thành công của những MV này.

 

Hình ảnh thiếu nữa dân tộc trong MV “Mời anh về Tây Bắc” của Sèn Hoàng Mỹ Lam

Ca sĩ Hoàng Thùy Linh với MV "Để Mị nói cho mà nghe", không chỉ mang đậm âm hưởng vùng đất Tây Bắc từ ý tưởng, hình ảnh cho đến giai điệu, độc đáo nhất trong MV đã có cả một tích hợp “Vũ trụ văn học Việt Nam”, tạo một cú choáng sốc thú vị cho công chúng.

Mới được “2 ngày tuổi” MV đã thu hút 4,5 triệu lượt xem. Trước đó, cô cũng đã thành công với MV thuần Việt ấn tượng là “Bánh trôi nước”, lấy từ bài thơ của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, được ghi hình trọn nét đẹp của Ninh Bình, khéo léo lồng ghép thêm những hình ảnh rất Việt Nam như điện thờ, đền đài, miếu mạo, áo yếm...

Tiếp theo cô có MV "Tứ phủ", đậm chất văn hóa Việt, vừa có tính lịch sử vừa cộng hưởng tinh hoa của tín ngưỡng thờ Mẫu, thuộc hàng “Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại” được UNESCO phong danh. MV chạm mốc 1 triệu view trên kênh Youtube chỉ chưa đầy 18 tiếng sau khi phát hành.

Điểm lại, các chàng trai “365 daband” với MV “Bống bống bang bang”, sáng tác của Only C, nằm trong album OST của phim điện ảnh “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, đạt gần 450 triệu lượt người xem trên Youtube nhiều nhất trong lịch sử Vpop.

MV “Thủy Thần” của Bùi Hoàng Nam Đức Anh, lấy cảm hứng từ câu chuyện thần thoại “Sơn Tinh Thủy Tinh”. Rồi ca khúc “Kiều” của Bá Hưng, cảm hứng “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.

Jaykii cũng lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” trong MV “Sao em nỡ”, mang đến những khuôn hình lộng lẫy, nên thơ của Ninh Bình và Hà Nội, những vùng đất là chứng tích bề dày văn hóa lịch sử của Bắc Bộ. Ca khúc “Chí Phèo”, được Bùi Công Nam sáng tác từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nam Cao. Chi Pu gây ấn tượng mạnh với "Anh ơi ở lại" khi sử dụng câu chuyện cổ tích "Tấm Cám" làm nội dung MV.

Trong bộ 3 ca khúc "Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau", "Bùa yêu", "Chị ngả em nâng" của bộ đôi Tiên Cookie và Bích Phương, đậm chất Việt với những đoạn beat drop hiện đại, hòa quyện dòng chảy của âm nhạc hiện đại Tropical house, Future bass, Chill, và không quên quảng bá nét đẹp văn hóa Việt như áo dài, trầu têm cánh phượng, hầu đồng, điệu múa cổ của người Chăm Pa, trò chơi ô ăn quan...

Gần đây Chi Pu MV "Cung đàn vỡ đôi", kết hợp khéo léo chất liệu cải lương và Đờn ca tài tử Nam bộ, kết hợp nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Chỉ sau một ngày ra mắt, MV đã đạt hơn 1,6 triệu lượt xem, nằm vị trí thứ 4 trong tốp thịnh hành của YouTube Việt Nam, đạt Top 1 trending Youtube cùng nhiều thành tích như: 20 Trending trên toàn cầu, 34 Trending Hàn Quốc...

Tương tự, MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy ra mắt hồi tháng 5/2020, khai thác câu chuyện lịch sử về mối tình giữa Nam Phương Hoàng hậu với nhà vua Bảo Đại của Triều Nguyễn. MV nghiên cứu lịch sử kỹ lưỡng làm nổi bật vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, hiện đã đạt hơn 24 triệu lượt xem, từng đứng đầu tốp thịnh hành của YouTube Việt Nam.

MV “Kẻ cắp gặp bà già” của Hoàng Thùy Linh, được lấy cảm hứng từ các tranh dân gian như: Đám cưới chuột, Ngưu Lang - Chức Nữ, Thúy Kiều - Kim Trọng, Mẫu Thượng Ngàn… Chỉ sau chưa đầy 24 giờ ra mắt, đã có gần 2 triệu lượt xem, đứng vị trí thứ 8 của YouTube top Trending…

Cần sự quan tâm

Điểm chung của các MV theo xu hướng mang nghệ thuật dân tộc truyền thống, lịch sử, văn học, danh lam thắng cảnh Việt Nam vào tác phẩm, không chỉ thổi vào đó không khí đương đại, mà còn là một sự kết hợp khéo léo giữa dân tộc và hiện đại. Đây cũng là cách các nghệ sĩ Việt thể hiện tình yêu nước của mình, và làm đại sứ ngoại giao văn hóa tự nguyện.

Thông qua sự thành công của MV trên các top trending âm nhạc số, với hàng chục triệu thậm chí lên tới hàng trăm triệu lượt xem nghe, đứng trong các top trending âm nhạc khu vực và quốc tế, có thể xem như là một kênh truyền bá hình ảnh Việt Nam hữu hiệu, không riêng gì cho giới trẻ Việt mà còn lan tỏa ra cộng đồng người Việt ở nước ngoài, những người bạn quốc tế tìm hiểu về đất nước Việt Nam, một điểm đến trong hành trình du lịch.

Nhưng cho dù thành tích của các MV này với sự lan tỏa “đỉnh” trong cộng đồng mạng âm nhạc quốc tế, vẫn chỉ là sự tự phát của cá nhân, thực hiện theo sở thích, theo xu hướng, mà chưa có một định vị rõ ràng là làm MV để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến thế giới.

Bản thân các ca sĩ Việt vẫn làm MV theo trào lưu, thấy “ăn khách” thì làm, mà chưa thật sự có ý thức mỗi MV của mình là một sứ giả “ngoại giao văn hóa”, đại diện, mang hình ảnh đất nước đến bạn bè quốc tế, nên trong MV có đôi khi chiều theo thẩm mỹ của công chúng mà không chăm chút chuẩn trong các hình ảnh, nhất là về văn hóa nghệ thuật truyền thống - di sản…, có thể sẽ dẫn đến những hiểu biết sai lạc về văn hóa Việt Nam.

Ở một góc nhìn khác cho thấy những MV “thuần Việt” này, vẫn chỉ là sự tự phát cá nhân, chưa có được sự quan tâm hỗ trợ đúng mức về phía Nhà nước từ các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà ngoại giao văn hóa.

 

Jaykii trong MV “Sao em nỡ” lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”

Cũng phải nhìn nhận thực tế, thì các MV này đối với giới quản lý âm nhạc Việt Nam chỉ xếp vào loại âm nhạc giải trí, mang tính trào lưu, giá trị nghệ thuật không cao, nên gần như không có sự khuyến khích hay động viên, hoặc hỗ trợ để tạo thành một “dòng” sản phẩm âm nhạc có tính bền vững, lâu dài.

Nhà nước chưa có những dự án bồi dưỡng hay bổ trợ kiến thức về văn hóa Việt đến các ca sĩ, các nhà sản xuất MV, hoặc có những “đơn đặt hàng” thiết thực theo các chủ đề trong những sự kiện giao lưu văn hóa Việt Nam với quốc tế. Ví dụ như các Festival Huế, Hạ Long, pháo hoa Đà Nẵng…, hay các di sản văn hóa Việt được UNESCO phong danh...

Thiết nghĩ, khi Vpop với những sản phẩm MV mang hình ảnh Việt Nam đất nước con người, văn hóa, nghệ thuật truyền thống…, có độ lan tỏa rộng trên mạng, thì về phía Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ, sử dụng MV trong các kênh chính thống như các trang web văn hóa nghệ thuật, web về du lịch quảng bá Việt Nam, hay hiện diện trên các trang thông tin của các Đại sứ quán, Lãnh sự quán ở các nước… để các MV này thêm sứ mạng “đại sứ ngoại giao văn hóa” thật hữu ích và hữu hiệu. Làm được như vậy chắc chắc các MV sẽ là những sứ giả đẹp mang hình ảnh Việt Nam đất nước con người lan tỏa đến bè bạn toàn cầu như một đại sứ ngoại giao văn hóa.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy