Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
22:15 (GMT +7)

Mùi Tết

Tết đọng lại trong tôi cái mùi xưa cũ bâng khuâng vốn có của nó. Như một phần ký ức không phai trong nỗi quê dằng dặc. Tết ta được tính từ ngày Ba mươi tháng Chạp, giàu nghèo chi thì mâm cỗ tất niên cũng được bày biện thành tâm, trước để dâng cúng tổ tiên sau cho con cháu thụ lộc mang trong nó hàm nghĩa biết ơn và khát mong đoàn tụ. Ai xa quê, xa nhà mà chẳng xôn xao mong được trở về nơi mình từng ngậm ngùi hay háo hức cất bước ra đi để được thắp lên bàn thờ tổ tiên nén nhang thơm và quây quần bên mâm cơm sum vầy chiều Ba mươi.

Nao nao trong mùi nhang thơm là cảm giác đầy đặn nhất của tôi khi Tết về. Mùi nhang ngàn ngạt tỏa ra từ những vòng khói mỏng manh màu lam nhạt rưng rưng gợi nhắc về bao năm tháng cũ khi nhiều người thân của ta đang có mặt trên đời. Ông bà nội, ngoại. Cha, mẹ. Những người thân thích. Chiến tranh. Hòa bình. Bữa đói. Bữa no. Dường như tất cả vẫn còn vẹn nguyên trong tâm tưởng mình, ngỡ như hết sức mơ hồ mà rất sắc nét. Quá khứ đang hiện dần lên trong làn hương phảng phất thơm thao cho hai cõi âm - dương dường như không còn cách biệt nữa. Cái cách dùng từ của cổ nhân còn lưu lại quá chuẩn xác và cũng thật nhân văn “Mời ông bà về ăn Tết”. Nghĩa sâu, sự sống là bất tận, cái chết không hề giống bước dừng lại của một đời người. Họ tiếp tục tồn tại ở một không gian khác, một hình vóc khác, một tâm thức khác để còn có dịp đối thoại với người thân trong những dịp Tết như thế này.

Mùi Tết quả thật là một vấn víu không dễ dứt bỏ đối với tôi. Nhớ lắm ánh lửa bập bùng ở một góc sân đêm trừ tịch có nồi bánh chưng, bánh tét sôi sùng sục. Chao ơi, làm sao quên được mùi lửa ấm áp, mùi khói cay cay len qua từng sợi rét sắc mảnh và chẳng gì hấp dẫn hơn mùi bánh đang chín dần tỏa ra khắp sân. Mùi nếp, mùi đỗ xanh, mùi thịt mỡ, mùi lá dong hòa trộn nhuần nhụy vào nhau trong mùi bánh chưng, bánh tét chín. Chút nữa quên, nước luộc bánh cơ hồ cũng có mùi riêng của nó, khó tả lắm nhưng mà nhớ, mà thương. Hay ta cứ gọi nó là mùi ký ức nhỉ.

Bọn con nít chúng tôi háo hức chờ bánh chín để được nhận phần quà trước thềm năm mới là mấy chiếc bánh út ít cha gói riêng cho. Có đứa mới chín, mười giờ đêm mắt đã díp lại nhưng tôi hầu như chưa năm nào đi ngủ trước thời khắc sang canh. Giao thừa đang nhích lại gần hơn và như một hẹn hò không xê xích, tiếng pháo nổ râm ran đì đùng làng trên xóm dưới. Mùi pháo Tết khen khét hăng hăng tỏa ra khắp nơi. Những tràng pháo mang áo giấy màu hồng luôn thấp thoáng trong tâm hồn tôi. Có thể nói, đó là hình ảnh khó dứt bỏ nhất trong hoài niệm tuổi thơ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày Tết cổ truyền của ta thiếu vắng tiếng pháo. Mùi pháo Tết gắn liền với những thời khắc khó quên của đêm Ba mươi, của sáng mồng Một. Rất khó quên, thực lòng tôi muốn nói vậy.

Gian bếp của mẹ trong ba ngày Tết chật chội nồi niêu xoong chảo và náo nức mùi thơm của các món ăn. Tôi nhớ ánh lửa viền sáng chân dung mẹ. Cái đường viền thanh mảnh như một nét chì hồng bắt đầu từ búi tóc tròn đầy, chảy qua đôi vai hơi gầy xuống đôi tay áo, rồi dáng lưng thon của mẹ. Những món ăn ngon được mẹ làm ra từ đây, trên chiếc kiềng ba chân vững chãi. Thịt lợn kho tàu có mùi thơm ngọt. Thịt lợn bọc lá ổi nướng có mùi thơm cay. Chân giò nấu măng nấm có mùi thơm ngậy. Gà luộc khi vớt ra có mùi thơm ấm. Hành muối có mùi thơm hăng. Dưa cải có mùi thơm mặn…

Mùi Tết, cứ vậy hòa lẫn vào nhau, như một sự bổ sung tưng bừng, hoàn hảo làm rung động thần kinh khứu giác, vị giác chúng tôi. Không có mẹ thì mọi cái Tết rất dễ trở nên vô nghĩa hay nhạt nhẽo. Mẹ là một nửa cái Tết của tôi… Thế mà, khi tôi mười hai tuổi, chiến tranh đã cướp mất Người; trong muôn vàn chiêm bao sau đó tôi vẫn còn thấy quang gánh của mẹ, thấy ánh lửa viền dáng hình mẹ giữa gian bếp có mái lá đen bóng màu bồ hóng…

Không thể không nhắc tới mùi trà thơm thao trong những ngày đầu xuân. Trước Tết, bố tôi thường chuẩn bị mấy lạng trà ngon để thưởng thức và tiếp bạn. Bố cười bảo với mẹ: “Nước mình, chẳng có đâu trà ngon như Thái Nguyên. Đúng là đệ nhất danh trà em ạ”. Bộ ấm chén pha trà màu da lươn là vật quý của bố. Ông tự tay mình lau rửa chứ chưa bao giờ giao cho chúng tôi làm việc đó vì sợ bọn trẻ đểnh đoảng lỡ tay làm sứt vỡ. Cái cách pha trà của ông cũng chậm rãi, tỉ mỉ lắm. Từ khâu tráng ấm, bỏ trà, làm lông, đổ nước, rót ra chén… bố thực hiện như một nghi thức không thành văn của đạo lễ. Chao ơi, cái cách thưởng trà như thế sao nỡ gọi là uống được. Mùi trà thoang thoảng quấn quýt buổi sáng trong gian nhà ba gian hai chái lợp lá tro tôi làm sao quên được. Nâng chén trà ấm nóng trên tay, mắt bố hướng ra những bông mai nở vàng rực trước mảnh sân rêu vương hồng xác pháo cất giọng khe khẽ: Mộc xuất thiên chi do hữu bản/ Thủy lưu vạn phái tố tòng nguyên (Nghĩa là: Cây nẩy ngàn cành nhờ có gốc/ Muôn vàn dòng nước đều phải có nguồn).

Tết đi qua đời người bằng sự biết ơn quá vãng, bằng khao khát yên bình, yêu thương và đoàn tụ. Bây giờ, nghe tin xung đột, chiến tranh xảy ra tàn khốc ở nơi này nơi nọ, chắc ai cũng cầu mong cho thế giới hòa bình. Chúng tôi thuộc thế hệ đi qua chiến tranh; những cái Tết thời bom rơi đạn réo tôi chưa muốn kể lại nhưng cũng chả dễ quên được. Chỉ muốn nhắc lại những gì yêu dấu, đẹp đẽ nhất của Tết quê hương với lòng mong mỏi an lành sẽ đến với mọi nhà, mọi người. Khởi niên mở cửa chúc nhau, chẳng có câu nào hay hơn câu chúc bình an cả. Đất trời bình an. Sông núi bình an. Cỏ cây bình an. Con người bình an. Mùa xuân bình an. Bốn mùa bình an. Bình an cùng nhau đi trong Tết Việt giàu âm sắc, hương vị.

Còn bao nhiêu mùi Tết tôi chưa viết được ra đây. Đào, mai, hồng, cúc, thược dược, vạn thọ…, mỗi loài hoa có một mùi hương riêng. Mùi gió lạnh se sắt, mùi mưa bụi lây phây. Mùi nắng non rụt rè trên bờ cỏ dại vừa nhú mầm non tơ. Mùi của những dòng sông ôm lấy cánh đồng, mùi của những rặng núi nhấp nhô ẩn hiện trong mây trắng. Mùi trẻ thơ. Mùi thanh xuân. Mùi thơm có trong những bức tranh Tết rực rỡ sắc màu hay mấy câu đối đỏ thắm mừng xuân. Mùi nào là của hiện tại, cái đang diễn ra và mùi nào là của quá khứ, cái chỉ còn thấp thoáng trong hồi quang ký ức. Chỉ muốn nói rằng, Tết truyền thống ôm trong nó những ân tình rất sâu nặng và điều đó cắt nghĩa vì sao những đề xuất bỏ Tết ta không nhận được nhiều đồng thuận. Với tôi, Tết là đất nước, Tết là quê hương, Tết là gia đình…

Tôi nghĩ rằng, thời hiện đại cách mừng xuân đón Tết mặc nhiên sẽ có những đổi thay mới mẻ nhưng giá trị văn hóa cốt lõi của nó khó biến thái được. Dấu vết quá khứ lẫn sâu vào những ngày Tết cổ truyền như sự bảo lưu rất khó dứt bỏ. Đơn giản như chuyện ẩm thực, ngày thường với ngày Tết bây giờ ngỡ chẳng có gì khác biệt mấy nhưng ta vẫn nhận ra được sự không giống nhau, đó là mùi Tết.

Nguyễn Hữu Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Giếng nguồn

Văn xuôi 1 tuần trước

Ứớc mơ tuyết phủ

Văn xuôi 2 tuần trước

Mía

Văn xuôi 2 tuần trước

Đùm quà của mẹ

Văn xuôi 2 tuần trước

Hà Nội - trái tim hồng

Văn xuôi 2 tuần trước

Yêu thương những tảo tần

Văn xuôi 2 tuần trước