Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:47 (GMT +7)

Mùa xuân thứ hai của Schmidt – Heilke Froehling (Đức)

VNTN - Schmidt căm ghét mùa xuân biết bao! Anh yêu sự trật tự, sự hài hòa, sự cân đối và tất cả những gì anh có thể kiểm soát. Mùa thu nào thần kinh của anh cũng bị một cuộc thử thách sức chịu đựng khuất phục, khi những chiếc lá nhiều màu của cây dẻ bay sang vườn cỏ của anh từ vườn nhà hàng xóm và bị mắc kẹt lại ở giữa những cành của những lùm cây được cắt tỉa cẩn thận. Tất cả các buổi sáng, mảnh vườn của anh trông chẳng khác gì một bức tranh đã được bố cục màu sắc chặt chẽ bị một đứa trẻ vảy màu vào bằng một cây cọ vẽ. Vào mùa thu, khi đứng bên cửa sổ nhìn ra vườn, Schmidt phải nhắm mắt lại để khỏi nổi điên lên.

Trong mùa xuân, điều đó còn tồi tệ hơn khi một sự lộn xộn tràn ngập vườn cỏ của anh. Mặc dù từ hơn mười năm nay anh đã nhổ tận gốc tất cả các loại cỏ dại nhìn thấy được, thì vào mùa xuân cây bồ công anh lại bắt đầu mọc lan rộng. Thỉnh thoảng Lena, vợ của anh, có thể an ủi anh và có thể chia sẻ cảm xúc với anh, rằng chị coi trọng và cảm thông với anh. Điều đó hiếm khi xảy ra, vì Schmidt linh cảm được những gì diễn ra trong đầu Lena. Anh biết Lena nghĩ gì khi tập thơ có bài thơ của Eduard Moerike(1) đã được mở ra đang nằm trên bàn để đầu giường của chị. "Đón xuân"(2), Schmidt đọc một cách mỉa mai và đồng thời sợ hãi. Hoặc là anh phải đọc những vần thơ của nhà thơ nổi loạn Theodor Fontane(3) trong bài thơ “Mùa xuân đến”: Ồ, hãy rũ bỏ giấc mơ nặng nề/ và giấc ngủ đông dài/ Cây táo già dám làm điều đó/ Thì trái tim ơi, cũng dám làm điều đó đi!

Minh họa: Gia Bảy

Tại sao, tại sao Lena liên tục đọc những bài thơ tệ hại này? Schmidt giận dữ tự hỏi.

Anh rất tôn trọng chị và cố gắng chấp nhận việc chị đặc biệt yêu thích những cây hoa giọt tuyết(4) mọc dại, nhưng như thế là quá quắt lắm rồi! Tuy nhiên, anh buộc mình phải làm ngơ. Anh mắc nợ Lena điều đó. Chị là người duy nhất đang sống không coi tình yêu trật tự của anh ta là lập dị và sự tiết kiệm của anh ta là sự keo kiệt.

Schmidt đang nghĩ đến Lena. Suốt hai tháng qua chân tay anh lúc nào cũng lạnh lẽo khi chỉ có một mình anh ở nhà. Lớp da ở đầu các ngón tay của anh trông tái nhợt như thể anh đã ngâm tay lâu vào nước đá. Anh xoa hai bàn tay vào nhau cho nóng lên, nhưng da tay anh vẫn thế. Điều đó như thể mùa đông đã thấm vào anh cùng với ngày Lena phải vào viện. Chỉ trong những giờ phút ngắn ngủi mà anh được phép ở bên giường bệnh của Lena thì cái lạnh mới đỡ hơn. Sau đó anh cầm lấy tay chị, vuốt ve nó và nói thầm với Lena rằng chị cần phải cố lên, rằng anh nhớ chị, rằng anh yêu chị. Anh đã bật khóc. Schimdt tự hỏi tại sao anh đã không nói với chị điều đó thường xuyên hơn. Anh cần chị và sẽ làm tất cả vì chị, gần như trong bất cứ trường hợp nào.

Schmidt hôn tạm biệt chị trước khi cô y tá to béo có đầu mũi nhọn đi vào và nói với anh là Lena cần được nghỉ ngơi và anh không nên ở lại lâu. Tại sao Lena lại bị những lời thì thầm của anh làm phiền khi những máy móc ở bên giường bệnh của chị kêu píp píp, vo vo và chiếc máy thở cũng phát ra tiếng kêu như thế, như thể chị đang nằm ở trong một phòng rộng chứa đầy máy móc.

Ngày nào Schmidt cũng dậy sớm và đợi trời sáng. Sau đó, trên đường tới bệnh viện anh nhìn thấy một cây hoa giọt tuyết nở hoa đầu tiên trong năm ở một luống hoa không được xới cỏ. Ít phút sau, bên giường bệnh của Lena anh nói thầm vào tai chị "Anh đã nhìn thấy một cây hoa giọt tuyết". Làn da ở tai chị cảm nhận được sự ấm áp và sự dịu dàng. Trong giây lát, anh tin đã nhận thấy một cử động thoáng qua, yếu ớt ở hai mí mắt của chị. Đôi mắt chị vẫn nhắm nghiền. Chiếc máy thở tiếp tục bơm đều đặn và nâng lồng ngực chị lên nhịp nhàng. Không nhận thấy có sự biến đổi nào ở những biểu đồ chạy qua ở trên những màn hình. Đoạn, anh nói tiếp: "Sẽ sớm có nhiều cây hoa giọt tuyết nữa nở hoa."

Anh rất muốn hứa với Lena rằng sẽ mang cho chị vài cây hoa giọt tuyết, nhưng việc đó bị bệnh viện cấm, chừng nào chị chưa được phép rời khỏi phòng cấp cứu.

Schmidt khóc khi về đến nhà. Anh không khóc về việc mùa xuân đã đến, không khóc vì nỗi sợ hãi trước việc cây bồ công anh mọc lộn xộn ở trong vườn cỏ của mình. Anh nghĩ đến tập thơ bây giờ không còn nằm trên bàn để đầu giường của Lena và tự hỏi, làm sao anh có thể cứ hình dung mãi ra việc anh ném tập thơ yêu thích của Lena vào đống giấy lộn. Sau đấy anh quyết định ngày nào cũng đọc cho vợ mình nghe những bài thơ có trong tập thơ đó khi anh vào viện thăm chị. Mặc dù không ai biết chị có nghe được anh đọc thơ hay không thì anh vẫn tin chắc một điều: Chị sẽ nghe được những bài thơ do anh đọc và anh sẽ đọc. Anh tìm tập thơ có bìa bọc da để tại giá sách mà anh đã nhặt lại ở đống giấy lộn và đặt sẵn nó vào bên cạnh chiếc mũ của mình trên tủ quần áo.

Ngày hôm sau Schmidt đếm được mười bốn cây hoa giọt tuyết trên đường vào bệnh viện. Mười phút sau anh đọc cho vợ nghe những câu thơ: Ồ, hãy rũ bỏ giấc mơ nặng nề/ và giấc ngủ đông dài/ Cây táo già dám làm điều đó/ Thì trái tim ơi, cũng dám làm điều đó đi! Schmidt không nghĩ đến mùa đông mà nghĩ đến giấc ngủ của Lena.

Anh lại tin là đã phát hiện ra một sự run run ở hai mí mắt của Lena, thậm chí lần này dường như chị còn gập ngón tay trỏ của bàn tay phải lại. Schmidt cầm lấy bàn tay của chị. Đúng là chị đã cử động bàn tay. Chị nắm lấy tay anh, tuy rằng yếu ớt, nhưng chị đã nắm lấy tay anh. Schmidt đứng bật dậy và ấn nút gọi bác sỹ khẩn cấp. Khi các bác sĩ vào anh reo lên:

"Vợ tôi đã cử động mắt và bàn tay."

"Anh đứng lui ra xem nào!"

"Nhưng bây giờ tôi phải ở bên vợ tôi!"

"Chị Lena", Schmidt nghe thấy một người trong số các bác sĩ gọi, "chị Lena, chị nghe thấy tôi nói không?"

Vị bác sĩ đã bực bội nói, nên Schmidt hiểu tại sao Lena đã không trả lời. Nếu anh là Lena anh cũng đã im lặng. Bốn vị bác sỹ và hai y tá cố thuyết phục Schmidt là anh đã lầm.

Cả đêm hôm đó Schmidt nghĩ ngợi và lật giở từng trang tập thơ yêu thích của Lena. Anh biết rằng trước tiên anh muốn đọc cho vợ mình nghe những bài thơ hay nhất. Nhưng những bài thơ nào là hay nhất đây? Khi bên ngoài trời đã tang tảng sáng, Schmidt cảm thấy có một sự thôi thúc. Phải chăng anh cần phải kiểm tra sự nảy nở của hoa bồ công anh hay hoa cúc dại ở trong vườn cỏ của mình? Suốt ngày hôm đó anh nghĩ đến việc đó. Anh buộc mình phải nghĩ đến điều đó. Và nỗi hoảng sợ xuất hiện cùng với dự định của anh. Schmidt ôm lấy ngực trái của mình. Cơn đau lan xuống đến tận cánh tay, đến nỗi anh ta nghĩ liệu mình có bị nhồi máu cơ tim hoặc bị trúng phong hay không. Anh đợi cái chết của mình vài phút. Mồ hôi làm mắt anh ta cay xè. Schmidt cố thở đều. Anh ngồi im chờ đợi.

Ban nãy, trái tim anh đã quá kiệt sức trong việc duy trì nhịp đập. Giờ đây Schmidt đã có thể thở sâu. Anh không còn thấy đau nhói ở cánh tay và ở phần trên của thân thể. Anh từ từ nhổm dậy và nằm vào giường mà không tiếp tục nghĩ đến vườn cỏ nữa.

Buổi chiều, anh kẹp tập thơ của Lena dưới cánh tay đi vào bệnh viện. Anh thoáng lưỡng lự, liệu anh có nên quay lại để kiểm tra vườn cỏ của mình hay không. Nhưng Lena đang đợi.

Nửa tiếng sau, Schmidt đọc cho Lena nghe bài thơ "Mùa xuân" của Reiner Maria Rilke(5): Linh cảm mới đã không tác động nhiều lắm/ Để chúng mình cùng hiểu biết mùa xuân… Khi chúng ta bắt đầu thay đổi/ Thì chợt nhận ra chúng ta đã bị thay đổi hơn rồi(6). Schmidt từ từ lật trang. Khi đó mắt của Lena hơi hé mở. Anh ta cúi xuống gọi "Lena" và hôn tai, má và tay của chị.

Schmidt run run. Anh nghẹn ngào, yết hầu cứ đưa lên đưa xuống.

"Lena, chúng ta có thể trồng hoa ở trong vườn cỏ, hoa giọt tuyết", anh nói thầm vào tai chị và nghĩ điều anh vừa nói thật ngu ngốc, vì sớm nhất là trong năm sau hoa giọt tuyết mới có thể lớn lên ở những luống đất trơ trụi trong vườn cỏ của anh. Lena nhìn anh với đôi mắt mở to. "Hay là những loài hoa khác", anh nói thêm. Sau đó giọng anh lạc hẳn đi. Với anh, sự hồi tỉnh của Lena mới thực sự là một mùa xuân yêu thương, mùa xuân thứ hai của anh trong năm nay

Phạm Đức Hùng dịch từ nguyên bản tiếng Đức.

(1) Nhà thơ trữ tình, nhà văn và dịch giả người Đức (1804 - 1875).

(2) Tên bài thơ của Eduard Moerike mà tác giả vừa nhắc đến.

(3) Nhà thơ và nhà văn Đức (1819 - 1898).

(4) Ở phương Tây, hoa giọt tuyết là biểu tượng của niềm an ủi và hy vọng.

(5) Một nhà thơ Áo viết bằng tiếng Đức (1875 - 1926).

(6) Hai câu đầu và hai câu cuối của bài thơ.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 2 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước