Thứ tư, ngày 04 tháng 12 năm 2024
00:18 (GMT +7)

Mùa xuân, nghĩ về thơ phổ nhạc

Có vẻ như, những tình khúc mùa xuân chiếm một số lượng đáng kể, nếu không muốn nói là lớn nhất, trong lĩnh vực âm nhạc. Đơn giản thôi, vì mùa xuân là mùa của đất trời, của sự sống, mùa của niềm tin và hy vọng. Trong vô vàn những khúc ca mà phần ca từ là lời thơ, câu hỏi đặt ra là: âm nhạc chắp cánh cho thơ hay thơ làm sang cho nhạc? Tóm lại là giữa nhà thơ và nhạc sĩ, ai mới là người có công đầu, chiếm tỉ trọng lớn hơn trong việc tạo giá trị cho cuộc hôn phối của mối nhân duyên thơ - nhạc đó? Trả lời được thấu đáo câu hỏi này quả thật không đơn giản nhưng bàn luận về nó âu cũng là điều thú vị, nhất là nhân dịp Tết đến, Xuân về, khi mà mỗi ngày lại rộn ràng rất nhiều khúc ca, có cả những bài ca “đi một ngày đàng” cùng những bài ca “đi cùng năm tháng”...

Những ca khúc phổ thơ về mùa xuân là nhiều nhất?

Một bài hát rất nổi tiếng ra đời vào những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước: “Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về/ Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa…”. Đó là bài Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh, phổ thơ Cầm Giang.

Một bài hát luôn được vang lên trên các làn sóng phát thanh và truyền hình mỗi độ xuân về là Cung đàn mùa xuân của Cao Việt Bách, sáng tác dựa trên ý thơ của Lưu Trọng Lư “Em ơi vút lên một tiếng đàn/ Kìa đàn đã so dây, phím đà đã lựa phím...”.

Một bài hát phổ thơ Thanh Hải rất được phổ biến là Một mùa xuân nho nhỏ của Trần Hoàn, với những giai điệu trữ tình, mềm mại, tha thiết và sâu lắng: “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện/Hót chi mà vang lừng/ Từng giọt rơi long lanh/ Tôi đưa tay hứng về…”

Ca khúc Mùa chim én bay của Hoàng Hiệp được phổ từ thơ của Diệp Minh Tuyền cũng là một bài hát được rất nhiều người yêu thích: “Khi gió đồng ngát hương rợp trời chim én lượn/ Cây nảy đầy chồi xanh, mây trắng bay yên lành/ Em chợt đến bên anh dịu dàng như cơn gió nhẹ/ Mà lòng anh để ngỏ cho tình em mơn man…”.

Thậm chí, bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn mà rất nhiều người thuộc: “Anh - người chiến sỹ và chiếc áo năm tháng dãi dầu/ Anh - người chiến sỹ và chiếc áo mưa nắng bạc màu/ Đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím/ Và anh nói tặng em mùa xuân” nhưng lại ít người biết đã được phổ từ bài thơ Mùa xuân của nhà thơ Xô viết nổi tiếng Êlêna Supeman (1908 - 1942)…

Không có thống kê chính xác nhưng có thể hình dung những bài thơ về mùa xuân được phổ nhạc là khá nhiều bởi nó khá phong phú về giọng điệu, từ sôi nổi thiết tha đến suy tư trầm lắng, trong khi viết về các mùa khác thì những giai điệu chủ đạo thường dễ bị mặc định: mùa hạ thì nồng nàn, mùa thu thì cô đơn trống vắng, mùa đông thì lạnh lẽo giá băng…

Thành công đến từ thơ hay nhạc?

Tất nhiên, những bài thơ phổ nhạc thì thơ bao giờ cũng có trước, và cũng dĩ nhiên, nhạc sĩ thường chọn thơ mà phổ nhạc. Thói thường, chẳng ai chọn bài thơ dở mà phổ nhạc bao giờ. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi gần như những nhà thơ trứ danh nào cũng có thơ được phổ nhạc. Từ các nhà thơ tiền chiến: Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính,... đến các nhà thơ cách mạng như Tố Hữu, Chính Hữu, Quang Dũng, Giang Nam, Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm,… và rất nhiều nhà thơ mặc áo lính như Phạm Tiến Duật, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa,… đều có thơ được phổ nhạc thành công cả. Sau này, còn có nhiều tác giả được phổ thơ đến mức kỉ lục như Nguyễn Xuân Hoát, Nguyễn Trọng Tạo…

Rất nhiều bài thơ đã được người đọc thuộc “nằm lòng” trước khi được phổ nhạc. Có thể âm nhạc làm cho thơ trở nên “dễ nhớ” hơn (còn “hay hơn” thì chưa chắc). Có rất nhiều bài thơ mà khi phổ nhạc được giữ nguyên ca từ như Trường sơn Đông, Trường Sơn Tây của Phạm Tiến Duật (nhạc của Hoàng Hiệp): “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn/ Hai đứa ở hai đầu xa thẳm/ Đường ra trận mùa này đẹp lắm/Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây”. Hay như bài Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi (cũng do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc). Tất nhiên, cũng có những khổ thơ bị/ được người phổ nhạc cắt đi (không phải vì nó không hay mà đơn giản chỉ vì nó khó phổ) như đoạn: “Một dãy núi mà hai màu mây/ Bên nắng bên mưa khí trời cũng khác/ Như anh với em, như Nam với Bắc/ Như Đông với Tây một dải rừng già…” (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây - Phạm Tiến Duật). Trường hợp này cũng giống với bài Thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa (nhạc sĩ Thế Dương phổ nhạc lấy tựa đề là Chút thư tình của người lính biển), khổ thơ: “Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn/ Tàu anh buông neo nơi chòm sao xa lắc/ Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc/ Biển một bên và em một bên” là một khổ thơ hay, nhưng khi phổ nhạc đã được/ bị nhạc sĩ lược bỏ…

Những bài thơ được phổ nhạc và phổ nhạc thành công thường/ phải là những bài thơ hay. Vậy nên, tự bài thơ đã được xác lập giá trị. Phổ nhạc hay không phổ nhạc cũng chỉ là một cách, một kênh để người đọc thưởng thức mà thôi. Nói một cách công bằng, có những bài thơ trước khi được phổ nhạc, có rất ít người biết đến. Không phải vì nó không hay nhưng có thể, nó bị chìm đi trong muôn vàn những bài thơ ở một “vương quốc thơ ca” như nước mình. Và khi chỉ có một kênh để chiếm lĩnh và thưởng thức (là thị giác), rất khó cho nó có thể dễ dàng đến với công chúng. Tiêu biểu cho trường hợp này có thể kể đến bài Em ơi, Hà Nội phố của nhà thơ Phan Vũ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Bài thơ được viết vào năm 1972, trong những ngày Hà Nội đang phải hứng chịu những mưa bom bão đạn ác liệt. Nhưng phải đến 14 năm sau đó (năm 1986), mối lương duyên thơ - nhạc mới được giao hòa. Phú Quang đã chọn ra 21 câu trong tổng số 443 câu thơ của Phan Vũ để có một bài hát để đời. Em ơi, Hà Nội phố là một trong những bài hát ấn tượng nhất viết về Hà Nội. Công đầu trong trường hợp này, tất nhiên rồi, phải là của nhạc sĩ Phú Quang.

Tương tự, bài hát Biển, nỗi nhớ và em cũng do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và gặt hái được những thành công vang dội. Bài hát được phổ từ bài thơ Thơ viết ở biển của nhà thơ Hữu Thỉnh. Cũng phải nói ngay, Hữu Thỉnh có quá nhiều bài thơ hay, nhưng trường hợp Thơ viết ở biển được “đầu thai” thành Biển, nỗi nhớ và em có công đầu của nhạc sĩ Phú Quang, tôi tin thế!

Thơ được phổ nhạc, nhà thơ nghĩ gì?

Dĩ nhiên là vui. Nhưng nhiều khi, đó là thái độ cần thiết thể hiện sự trân trọng của những liên tài - nhà thơ và nhạc sĩ. Trong nhiều trường hợp, nhạc sĩ và nhà thơ có một mối thâm giao. Nhạc sĩ hiểu nhà thơ, bị ám ảnh từ những ngôn từ của bài thơ mà nảy sinh cảm xúc và sáng tác. Có những bài thơ, người nhạc sĩ nghe xong đã có thể phổ nhạc, dường như lập tức có được những âm điệu chủ đạo, chỉ còn cần thời gian để trau chuốt, để thẩm định lại chính sản phẩm của mình mà thôi.

Năm 2012, khi nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (Đà Nẵng) vừa đoạt giải thưởng thơ của Hội VHNT Đà Nẵng, đồng thời, 16 ca khúc được phổ từ thơ của anh có tựa đề là “Giấc mơ” cũng được giới thiệu trang trọng trên sóng của nhiều đài phát thanh truyền hình. Thậm chí có cả một đêm thơ - nhạc hoành tráng. Khi được phóng viên hỏi, đại ý: là người có nhiều tác phẩm được phổ nhạc, anh có thật sự hài lòng với những ca khúc ấy? Nhà thơ đã trả lời một cách thẳng thắn: “Vui, vì thơ mình được người ta hát lên, có sức lan tỏa rộng lớn. Còn hài lòng thì chưa hẳn. Tôi vẫn thích đọc nguyên bản thơ mình hơn, vì nó là chính tôi”.

Chia sẻ về điều này một cách rõ hơn, ông nhận định: “Có một số bài sau khi phổ nhạc đã để lại ấn tượng, tác phẩm thơ của mình được người nhạc sĩ sáng tạo một lần nữa lấp lánh hơn. Cũng có bài sau khi phổ nhạc tự nó chết yểu, chưa kịp để ca sĩ hát lên một lần nào!”

Cứ vơ vẩn nghĩ…

Những năm gần đây, trên mạng xã hội rầm rộ “phong trào” khoe thơ được phổ nhạc. Nhiều nhà thơ/ tác giả đăng lên facebook của mình nguyên cả bản nhạc, với lời ghi chú, đại loại: “Xin được cảm ơn nhạc sĩ X đã chắp cánh cho thơ tôi!” Sự mừng vui một cách chân thành, đôi khi thái quá, lại vô tình làm cho người ta phải ngờ vực: Vậy thì rốt cuộc, cái nào chắp cánh cho cái nào, giữa thơ và nhạc? Tôi cứ ngẫm ngợi thế này, không thể phủ nhận, trong nhiều trường hợp, nhạc làm cho thơ thêm thăng hoa, như đã nói. Tuy nhiên, hình như những bài hát thành công nhất, thường được phổ nhạc từ những bài thơ thành công. Còn đa phần, nhạc chỉ là một “dạng thức khác” của bài thơ mà thôi. Thơ dở thì nhạc dở. Thậm chí, thơ càng dở thì càng cần nhờ đến nhạc để “chắp cánh”. Phổ thơ, đôi khi lại là tình trạng “buộc cánh cho lạc đà”. Việc chắp thêm đôi cánh cho thơ bằng nhạc, vì vậy, không phải lúc nào cũng là một sự hoàn mĩ. Cho nên, một nhà thơ dẫu có đến vài chục bài thơ được phổ nhạc, cũng chớ nên nhìn đó mà mừng, mà quá hãnh diện. Quan trọng là bài thơ như thế nào và ai là người phổ nhạc, thế thôi.

Mỗi loại hình nghệ thuật đều sở hữu một công cụ và phương tiện biểu đạt đặc thù. Âm nhạc dùng âm thanh, hội họa dùng màu sắc, văn chương dùng ngôn ngữ. Xét trên bình diện đó, công cụ ngôn ngữ có phần chiếm ưu thế hơn. Ngôn ngữ có khả năng biểu đạt (gợi ra) cả màu sắc và âm thanh. Người xưa nói “thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc” là vì vậy. Phương tiện nghe nhìn có khả năng tác động một cách trực tiếp và sinh động vào các giác quan nên dường như dễ đến được với công chúng hơn. Nhất là trong thời đại công nghiệp, khi mà con người lúc nào cũng thường trực cảm giác vội vã.

Thưởng thức tác phẩm bằng ngôn ngữ văn chương có khoái cảm riêng của nó. Một cô Kiều trong tưởng tượng khi đọc Truyện Kiều sẽ xinh đẹp hơn bất cứ một cô Kiều nào được vẽ lại bằng bàn tay của một họa sĩ, cho dù đó là một họa sĩ tài năng. Lại nữa, không ai vẽ được tâm trạng của con người. Phổ nhạc cho một bài thơ cái khó nhất là biểu đạt tâm trạng. Điều này lí giải vì sao những bài thơ chống Mỹ thường dễ phổ nhạc hơn các bài thơ từ sau Đổi mới. Bởi lẽ, thơ chống Mỹ chỉ có một giọng điệu, một âm hưởng chung. Nó hợp với tâm trạng số đông hơn là tâm trạng con người cá thể. Trong khi những bài thơ sau này thì cảm hứng ngợi ca không còn là chủ đạo, các cung bậc cảm xúc thường phức tạp và tinh tế hơn, nên khó biểu hiện thành công. Cho nên, có khá nhiều bài hát được phổ từ thơ thường đơn điệu, và khá tẻ nhạt.

Vậy nên, nếu là vui thôi, thì được. Bằng không, hãy để thơ tự tỏa sáng cho mình.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy