Mùa cấp sắc của người Dao áo dài quê tôi
người Dao bắt đầu vào một mùa riêng - mùa cấp sắc, vào khoảng cuối năm trước đến đầu năm sau. Ở đây mỗi gia đình định tổ chức lễ cấp sắc đều phải dành cả năm có khi vài năm để chuẩn bị rượu, gạo, lợn, gà để có thể mở một lễ, ít ra cũng là từ cấp trung trở lên, nhà nào khá giả thì có thể mở lễ cao.
Những cây rơm đã cao quá nóc nhà cùng chân ruộng khô hanh chờ ngày ngậm nước là lúc gia đình dọn nhà đón thầy, đón khách. Từ đầu năm, bố đã mang lễ đến nhà thầy cúng cùng là người Dao ở thôn Nặm Đăm để xem ngày. Người Trúc Sơn và Nặm Đăm gần như đều là họ hàng. Việc của thôn này cũng là việc của thôn kia - là việc của người Dao áo dài cả. Thầy chọn ngày đẹp để làm lễ cấp sắc cho cậu em trai của tôi.
Ngày trước, nhà nào cũng đông con nên phải làm lễ cấp sắc nhiều lần cho các con trai, nay mỗi nhà chỉ có một hoặc hai con trai nên nhà nào cũng muốn làm tươm tất cho người đàn ông của gia đình. Cả năm qua tôi đã dồn tâm chăm lợn, chăm gà, nấu rượu dành cho ngày cấp sắc của em trai.
Sau lễ cấp sắc, em tôi từ một đứa con trai đã trở thành người đàn ông của gia đình, của bản, nên đây là một lễ thức quan trọng bắt buộc phải có của bất kỳ người con trai Dao nào. Dù một người con trai chết đi nhưng chưa được làm lễ cấp sắc thì người nhà vẫn phải làm lễ cấp sắc cho người đó trong ngày làm ma khô. Nếu không thì sẽ không bao giờ được đoàn tụ với tổ tiên để được đầu thai kiếp khác. Khi chưa được làm lễ cấp sắc thì chưa được góp tiếng nói với gia đình, làng bản. Đối với người Dao, chưa được tham gia các việc trọng thì chưa được coi là đàn ông, sẽ chưa được làm thầy cúng. Thầy cúng là người có vai trò rất lớn trong cộng đồng - là người biết xem ngày tháng tốt, biết tham gia các lễ thức cưới xin, ma chay, việc bản...
Khi được cấp sắc, điều đầu tiên thay đổi là tâm lý. Em trai được thầy dặn dò các việc trong suốt quá trình lễ, những việc phải làm và không được làm khi trở thành đàn ông như: phải sống tốt, đúng mực, giỏi giang, biết kính trên nhường dưới và không được đánh cãi chửi nhau, không được chửi thầy cúng, chửi cha mẹ, không được hủ hoá, không được ăn cắp, ăn trộm... Làm được những việc đó thì mới là người đàn ông tốt của bản.
Thời gian đó, em trai phải ăn chay, kiêng tắm giặt, kiêng nghịch ngợm, kiêng làm việc, kiêng quan hệ vợ chồng để người được chay tịnh. Cùng với em, các thầy cúng cũng phải kiêng. Tôi thương em, em phải ở trên gác, không được xuống nhà, ra sân chơi với các bạn. Em mới có mười tuổi đã được làm lễ, ấy là nhà tôi được năm nay là năm đẹp và cũng khá giả thì mới làm được lễ cho em sớm hơn các nhà khác. Cái thằng em đang sắp trở thành đàn ông kia, nó trốn từ trên gác xuống, qua đường đằng vách sau của nhà để được xem các thầy làm việc, để được chơi với các bạn. Nhưng mới xuống chạm đất, cất lời gọi bạn thì đã có người phát hiện ra, quát nó thế là lại tọt lên gác ngồi bó gối buồn thiu.
Khác với các ngành Dao và khác cả với chính ngành Dao áo dài ở các nơi, người Dao áo dài chúng tôi có một lễ thức đặc biệt trong lễ cấp sắc. Các bước của buổi lễ được tuân thủ chung, nhưng xen với đó là quan niệm về hôn phối được thể hiện rất đậm nét trong buổi lễ. Những hành động thể hiện quan niệm này làm cho buổi lễ trở nên hoạt náo hơn. Trong buổi lễ, người ta dựng lại cảnh con người được sinh ra như thế nào. Bắt đầu từ cảnh một người đàn ông và một người đàn bà ngủ với nhau chung chăn chung gối, ngủ say sưa, đầm ấm trong đêm. Ngày mới được bắt đầu bằng cảnh giả làm gà gáy sáng và gọi hai người dậy. Nhưng hai người nghe thấy gà gọi sáng vẫn chưa dậy ngay mà còn quan hệ thêm, gà gọi chán, trời sáng bảnh mới dậy đi làm việc. Người đàn ông có trách nhiệm làm những việc nặng như đi săn bắn, lấy củi, làm ruộng, kiếm tiền, còn phụ nữ thì làm những việc nhẹ. Cứ thế cho đến một ngày người phụ nữ mang thai và sinh ra đứa con. Người đàn ông đang kiếm củi trên rừng nghe thấy tiếng trống, chiêng đánh mừng đứa con chào đời thì vội vã chạy về, có mang theo những thứ mình kiếm được. Anh ta rất vui sướng khi anh ta được làm bố và sẽ cho người phụ nữ và đứa con ăn những thứ mình có. Hai người vui vẻ chăm sóc đứa con, đuổi ma xấu, ma ác bằng cách gõ chiêng trống, hoá trang để nhảy múa. Người đàn ông sẽ hoá trang thành đầu tóc bù xù, râu ria bờm xờm để dọa ma không cho đến gần làm hại đứa bé.
Điểm đặc biệt gây nên sự hoạt náo của buổi lễ là hình ảnh người đàn ông thực hiện hành động giao phối với người phụ nữ. Và vì anh ta vui quá nên có thể trêu ghẹo, giả thực hiện hành động giao phối ấy với bất kỳ ai có mặt ở đó. Điều này là dấu ấn của thời kỳ quần hôn khi chưa xác định gia đình một vợ một chồng. Từ hành động này, trải qua nhiều năm đã trở thành một hoạt cảnh vui vẻ trong lễ cấp sắc. Dần dần trở thành một quan niệm, gia đình nào nhờ được người vui tính, biết nhảy múa, trêu ghẹo mọi người để buổi lễ thêm vui vẻ thì gia đình đó sẽ được nhiều lộc, nhiều niềm vui cho người được thụ lễ.
Người được nhờ đóng vai người bố sẽ tự hoá trang kín người, kín mặt, chỉ để hở hai con mắt, hoá trang càng kỹ, không để người khác nhận ra càng tốt. Càng ít người trong buổi lễ nhận ra thì anh ta càng được thỏa sức nghịch ngợm, trêu ghẹo mọi người, đặc biệt là trêu ghẹo nữ giới với hành động giao phối để tạo nên những tiếng cười vui vẻ. Trong buổi lễ, dù anh ta có nghịch ngợm đến mức nào cũng không bị trách. Đến khi màn đóng giả người bố đó kết thúc, anh ta được phép bỏ đồ hoá trang thì không được nghịch ngợm nữa.
Trong suốt những ngày làm lễ cấp sắc, người bố chỉ xuất hiện sau lễ thức "hoá" của đứa con. Tức là sau khi đứa con được thần linh cho đầu thai vào bụng người mẹ và sinh ra. Từ đó người bố có trách nhiệm dạy đứa con biết ăn uống, săn bắt, làm ruộng nương và dạy cả hành động giao phối với nữ giới để rồi cũng sẽ sinh ra những đứa con.
Trong lễ cấp sắc tôi nhận ra thế giới quan, nhân sinh quan của dân tộc mình về thế giới, con người và cả những điều cụ thể nhất về cuộc sống. Ngoài những lễ thức mang tính trang nghiêm, có tính giáo huấn chặt chẽ thì lễ thức giảng giải về cách thức con người được sinh ra, sinh sống và trưởng thành là điều đặc biệt riêng có thể hiện quan niệm về tính dục rất công khai, sòng phẳng trong cộng đồng.
Em trai, mười tuổi chưa hiểu gì về hành động giao phối nhưng nhìn người đóng giả bố làm những hành động ấy cũng lăn ra cười. Hôm nay là lễ cấp sắc cho em, rồi em cũng sẽ là người bố như vậy. Những đứa con gái bị người ấy trêu thì xấu hổ chạy toán loạn, lại càng được mẻ cười cho mọi người.
Như thế, năm nay nhà tôi càng được vui. Năm mới đến, đến từ lễ cấp sắc của em trai, đến trong nhà, ngoài bản và đến cả vùng núi cao này.
Chu Thị Minh Huệ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...