Một trận bom thù
Kính tặng Quân y viện 91, Quân khu I
Giai đoạn 1967 - 1968, giặc Mỹ đẩy mạnh ném bom phá hoại miền Bắc. Quê tôi ở gần cầu đường sắt và cầu đường bộ Đa Phúc nên địch đánh phá rất ác liệt. Đây là hai cây cầu nối Thủ đô với các tỉnh phía Bắc trên con đường huyết mạch từ Việt Nam qua các nước XHCN, nơi hàng hóa viện trợ đổ về. Chúng đánh gần như thành quy luật: sáng thường từ 8 - 9h; chiều 13 - 14h. Dân chúng dựa vào quy luật đó để lao động sản xuất.
Ngày Chủ nhật 21/5/1967, lớp 9D, Trường cấp 3 Lê Hồng Phong - Phổ Yên của chúng tôi (tương đương lớp 11 bây giờ) theo kế hoạch của Đoàn trường đi gánh đất thuê cho nhà máy gạch để lấy tiền gây quỹ Đoàn. Nhà máy nằm ở xã Đông Cao bây giờ - giáp Tảo Địch (Tân Phú) và Thanh Xuyên 5 (Trung Thành). Chúng tôi sẽ làm từ 5h sáng đến 8h thì về.
8h kém, thấy trời nhiều mây mù nên cả chi đoàn hội ý chớp nhoáng và quyết định ở lại làm cố để kiếm thêm ít tiền. Mỗi người sẽ gánh thêm 4 - 5 gánh gì đó. Cả lớp liền quay hết ra chỗ xúc đất, chỉ mình tôi gánh đất vào nhà máy. Tôi vừa đến cạnh băng chuyền thì tiếng còi báo động rú lên. Chỉ kịp quăng gánh đất khỏi vai thì một chiếc F4H (con ma) đã từ phía Hà Bắc (cũ) ào qua. Từ bụng máy bay một quả bom bi mẹ tách ra và tròng trành, tròng trành trên không như cái thuyền ba thang. Gọi là bom mẹ vì trong nó chứa không biết bao nhiêu quả bom con hình quả dứa hay quả trẩu, quả con lại chứa vô vàn viên bi sắt. Khi “con mẹ” tách đôi cái vỏ, những “con” của nó văng ra. Bị kích nổ, bi và mảnh tung ra sát thương cực lớn, mang tính hủy diệt cao.
Phân đoàn thanh niên Thanh Hoa, xã Trung Thành, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) họp mặt chia tay một số thanh niên đi bộ đội, năm 1966. Nhân vật Xuân, hàng trước, thứ 2 từ phải sang.
Tôi chỉ kịp nghĩ “bom bi” và ngẩn người ra. Một tiếng thét bên tai: Muốn chết hả? Trong tích tắc một bàn tay lôi tuột tôi đi và dúi tôi xuống đường hào băng chuyền đất (lúc này, đã cắt điện ngừng chạy). Vừa kịp nằm xuống thì khắp nhà máy bom nổ chát chúa như ngô rang. Tiếng kêu, tiếng khóc dậy trời. Đợt bom vừa ngớt, tôi lại được bàn tay “sắt” lôi tuột đi và lại nghe tiếng quát: chạy vào Tảo Địch, nơi đó có nhiều hầm trú ẩn. Vừa chạy theo anh công nhân - tôi đoán vậy vì anh mặc bộ quần áo bảo hộ màu xanh - vừa ngoảnh lại nhìn chỗ mình đứng trước đây theo bản năng, tôi há hốc mồm kinh hãi. Mái ngói trên đầu thủng to như cái nia, chắc nó vừa hứng trọn một quả “trẩu” sắt!
Tôi mếu máo: Anh ơi các bạn em đâu? Anh nói: không biết, cứ vào xóm đi đã. Vào đấy rồi tìm các bạn em sau. Vào tới xóm tre um tùm rồi, tôi chạy như phát rồ để hỏi tìm bạn bè. Mãi sau mới biết cả lớp đã tập kết sang khu bên, gần đường ô tô. Khi tôi tập tễnh chạy gần tới nơi đã nghe tiếng cái Sâm: chắc chị Nguyệt chết rồi, trong nhà máy bom nổ dầy thế mà. Vừa nhác thấy tôi nó nhào ra ôm chầm lấy và khóc hu hu: Em tưởng chị chết rồi cơ…
Cảnh tượng tang thương hiện ra trước mắt: Xuân người đầy máu, băng kín đầu. Bổn nằm trên băng ca không động đậy. Thầy Hoằng (chủ nhiệm lớp) vừa kịp xuống. Thấy trò khóc như ri, thầy vừa nâng băng ca đưa Bổn lên xe cứu thương xong thì sụp xuống, vì thầy ốm không đi theo lớp được nên giao chúng tôi tự quản. Chúng tôi thấy vậy càng khóc to hơn. Chúng tôi được lệnh về ngay, phòng giặc Mỹ đánh tiếp. Vừa đi được vài bước tôi xây xẩm mặt mày tí ngã. Sâm kêu lên: Chị bị thương vào chân kìa, máu chảy nhiều quá. Thì ra ngoài Xuân và Bổn bị nặng, hầu như đứa nào cũng dính mảnh bom.
Từ nhà máy về tận chợ Thanh Xuyên, cảnh tang thương, đổ nát kinh hoàng. Nhà cháy, người chết… Tất cả những ai còn khỏe hay bị thương nhẹ đều nghiến răng, khẩn trương cứu người, dập đám cháy, thu vén những vương vãi mà lũ khốn kiếp vừa gây ra. Hiệu ảnh ở chợ Thanh Xuyên bị chết nhiều người nhất. Hú vía nếu chúng tôi về đúng giờ quy định thì... không biết sẽ ra sao? Vì dọc đường về mật độ bom dày đặc. Chúng tôi vừa tạm nguôi ngoai, giờ về đến Thanh Xuyên 4, cả lũ lại khóc như mưa. Thật đau xót khi các bạn của chúng tôi Kim Dung và Minh Đức (là hai học sinh Hà Nội sơ tán về đây, học lớp 8C) dù đã kịp xuống hầm song mấy quả bom bi nổ liên tiếp ở cửa hầm đã khiến cả hai bị thương rất nặng. Hai chị em đã được đưa đi Quân y viện 91, lúc đó sơ tán lên một cánh rừng thuộc thành phố Sông Công bây giờ.
Ngay chiều tối, chúng tôi tức tốc lên ngay viện với các bạn. Xuân bị thương vào mắt trái và ngực, tay. Bổn bị vỡ xương hông, đùi. Còn Dung - Đức tình trạng rất nguy kịch. Và thật đau xót, ngay trong đêm ấy, Đức chết trên tay Viết, Dung “đi” trên tay Nhượng - Minh lớp tôi. Đến gần sáng hôm sau (22/5) tôi lại nức nở vì anh công nhân nhà máy gạch tắt thở ngay trước mắt tôi. Chắc anh nhà xa nên đến lúc đó không có một ai bên mình. Mặc dù không quen biết, song tất cả đã như người thân của nhau. Nước mắt cố ghìm lại vì đang trong phòng bệnh không dám khóc to mà nó cứ tuôn như mưa vậy. Chiều tối 22/5, chúng tôi lại một phen òa ra khóc. Người công nhân nhà máy thuốc lá Thăng Long - bố của Dung và Đức - ở Hà Nội lên, vai khoác chiếc ba lô con cóc cũ, rúm ró, ông đứng như trời trồng trước thi thể hai con. Rồi ôm mặt nức nở: Tại tôi, tại tôi cho chúng nó đi sơ tán lên đây nên chúng mới chết!... Chợt một tiếng nói cất lên: Bác ơi! Tại thằng Mỹ... Thì ra đó là chị Nguyệt y tá của khoa, đến từ lúc nào. Chị an ủi mọi người và nói đã làm xong thủ tục để đưa 2 bạn “về”. (Sau này tôi được biết, chị Nguyệt chính là vợ nhà thơ Thế Chính, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên).
Suốt thời gian bạn tôi nằm viện và cả dịp hè năm 67 đó, Viện Quân y 91 như nhà của chúng tôi vậy. Cứ có thời gian rảnh là chúng tôi lại lên thăm Viện. Chúng tôi tự nguyện làm hộ lý để chăm sóc, động viên an ủi bệnh nhân, bộ đội từ khắp các chiến trường về đây chạy chữa. Lòng thương xót, sự khâm phục khiến chúng tôi thân thiết với các thương binh như người ruột thịt. Tình cảm đó góp phần làm vơi bớt đau thương, tạo sức mạnh vươn lên chiến thắng nỗi đau.
Đến nay tôi vẫn thấy hiện lên trước mắt một hình ảnh cảm động: Cô gái băng kín một bên mắt, tay băng treo lên cổ, bên cạnh là một anh thương binh gác cái chân quấn băng trắng xóa lên ghế, ôm đàn ghi ta đệm cho cô gái hát trong một đêm văn nghệ bệnh viện tổ chức. Giai điệu “Bài ca hy vọng” vút lên.... “ước mong những mùa xuân bóng dáng tương lai. Đường ta đi lên xanh thắm mộng đời”. Người hát là Xuân bạn tôi và người đàn là Ái anh thương binh người Hải Phòng. Xa xa tiếng máy bay ầm ì, lửa đạn cao xạ xé rạch màn đêm. Tiếng hát vẫn vút lên bay bổng. Tất cả mọi người ngoài sân bãi cũng như trong phòng bệnh lặng phắc như nín thở... Tôi rưng rưng nước mắt, cảm xúc lẫn lộn: nghẹn ngào và căm thù; yêu thương và khâm phục.
Tôi kể lại câu chuyện này để bạn đọc biết, để con cháu chúng ta hình dung phần nào bộ mặt của chiến tranh. Và hơn bao giờ hết chúng ta hiểu hơn về con người Việt Nam: giản dị - yêu thương và rất đỗi anh hùng. Vì chỉ mới chiều hôm trước, đi học về qua xóm Vàng - Tân Hương, chúng tôi còn tranh giành nhau chí chóe từng chùm hoa dẻ thơm lừng. Lũ học trò vô tư hồn nhiên của chiều thứ Bảy, vậy mà sáng Chủ nhật (21/5/1967) đã trở thành nạn nhân của chiến tranh. Và cũng sau sự kiện 21/5 đó, con trai lớp 9D hầu hết đã trở thành những anh bộ đội Cụ Hồ. Người trở về sau chiến tranh - người đến nay vẫn còn ở tận “trời xa” trên mọi nẻo đường chiến đấu. Còn người con gái hát “Bài ca hy vọng” năm xưa nay đã ở tuổi 70. Sau sự nghiệp “trồng người” chị tiếp tục chăm con cháu với 1/2 ánh sáng cuộc đời và hiện vẫn còn hai viên bi trong cơ thể.
Chúng tôi đã sống như vậy đó bạn ạ.
Thái Nguyên, tháng 2 năm 2022
Hoàng Thị Nguyệt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...