Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
07:39 (GMT +7)

Một sợi dây

VNTN - Trên các con đường quanh thị trấn Goderville những người dân quê và vợ họ đang đến thị trấn vì hôm nay là ngày họp chợ. Những người đàn ông bước những bước chậm rãi, toàn thân chúi tới trước theo mỗi bước đi của đôi chân vòng kiềng, đôi chân bị biến dạng bởi công việc nặng nhọc, bởi trọng lượng ấn trên cái cày đồng thời vai trái rướn lên chuyển động cơ thể, bởi việc thu hoạch lúa mì làm cho hai đầu gối dạng ra để tạo thế, bởi sự lao động nặng nhọc và chậm chạp ở miền quê. Những chiếc áo bờ lu của họ, màu xanh, “được hồ cứng” sáng lên như được đánh bóng, được trang trí với một hình mẫu màu trắng ở cổ và hai cổ tay áo, phồng lên trên những tấm thân gầy, giống như những quả bóng sẵn sàng bốc họ bay lên. Từ chúng đôi bàn chân thò ra ngoài.

Một số người dắt theo một con bò hay bê bằng một sợi dây thừng, và vợ của họ đi phía sau con vật, quất hông nó bằng một nhánh lá để thúc nó đi tới. Họ đeo những chiếc rổ lớn trên cánh tay, trong những chiếc rổ đó, ở vài người là những con gà, và ở những người khác, là những con vịt thò đầu ra. Họ đi những bước nhanh nhảu, sinh động hơn chồng họ. Những thân người thẳng đuột của họ được quấn một chiếc khăn san nhỏ hẹp ghim nơi bộ ngực lép kẹp, đầu họ bịt một manh vải trắng sát với mái tóc và trên đó là một chiếc nón.

Rồi một chiếc xe ngựa chạy nước kiệu ngang qua lắc lư một cách lạ lùng, hai người đàn ông ngồi bên nhau và một người đàn bà ở sau xe, người đàn bà vịn cả hai bên thành xe để làm giảm xóc.

Ở quảng trường công cộng của Goderville là một đám đông vừa người vừa gia súc trộn lẫn với nhau. Những cái sừng bò, những chiếc mũ cao có băng vải dài của những nông dân giàu và khăn trùm đầu của những bà nông dân nổi bật lên trong đám đông. Tiếng ồn ào, những giọng nói the thé tạo nên một sự ầm ĩ hoang dã và liên tục, mà đôi khi bị lấn át bởi tràng cười của một ông nhà quê nào đó to phổi hay là tiếng rống dài của một con bò bị cột vào tường nhà.

Tất cả cảnh quan đó phảng phất mùi chuồng trại, mùi sữa, phân, cỏ khô và mồ hôi, tạo nên một mùi khó chịu, của người và thú, đặc trưng của người dân đồng ruộng.

Ông Hauchecome người làng Braute vừa đến Goderville, và ông đang đi về phía quảng trường công cộng thì thấy trên đất một sợi dây nhỏ. Ông Hauchecome, có tính tiết kiệm của một người dân Norman đích thực, nghĩ rằng vật gì dùng được thì nên nhặt lên, và ông cúi xuống một cách đau đớn, vì ông bị thấp khớp. Ông nhặt sợi dây thừng mỏng trên đất và khi bắt đầu cẩn thận cuộn lại thì ông thấy ông Malandain, người làm yên ngựa, đứng trên ngạch cửa nhà ông ta nhìn ông. Lâu nay họ cùng kinh doanh về yên cương, và họ không thân thiện, cả hai đều ghét nhau. Ông Hauchecome cảm thấy xấu hổ khi bị đối thủ bắt gặp ông đang nhặt một sợi dây thừng trên đất. Ông nhanh chóng giấu “của bắt được” dưới áo bờ lu, rồi cất vào túi quần; giả bộ vẫn đang tìm trên đất một vật gì mà ông không tìm được, rồi ông đi về phía chợ, đầu chúi hẳn tới trước vì cơn đau.

Chẳng mấy chốc ông lạc trong đám đông chuyển động chậm chạp và ồn ào với những cuộc trả giá dài dòng. Những người nông dân trả giá, bỏ đi và trở lại, lúng túng, luôn luôn sợ bị lừa, không dám quyết định, cứ nhìn vào mắt người bán, cố tìm hiểu mưu mẹo của người này và khuyết điểm của con vật.

Những người đàn bà, đã đặt những cái rổ của họ xuống dưới chân, lấy ra những gà, vịt đặt trên đất, chân chúng được cột lại, mắt sợ hãi và mào đỏ tươi.

Họ nghe những lời trả giá, nói lên giá bán của họ bằng một giọng khô khốc và vẻ mặt thản nhiên, hay có thể, bất chợt đồng ý với sự trả giá của khách, bèn la to với người khách đang chầm chậm bỏ đi: “Được rồi, ông Authirne, bán nó cho ông với giá đó”.

Quảng trường thưa dần, và hồi chuông cầu kinh Đức Bà vang lên lúc giữa trưa, những ai còn nấn ná quá lâu tản về các cửa hàng của họ.

Gian phòng lớn của tiệm Jourdain thì đầy người đang ăn, trong khi đó cái sân lớn của tiệm đầy các loại xe, xe đẩy, xe hai bánh một ngựa kéo, xe ngựa bốn bánh, xe kéo, vàng màu đất, đã được sửa chữa dặm vá, chổng hai càng xe lên trời giống như hai cánh tay hay là hai càng tựa trên đất và thùng xe nghểnh lên trời.

Đối diện với những thực khách ngồi ở bàn ăn là một bếp lửa to đùng, lửa cháy phừng phừng, tỏa sức nóng hực lên lưng dãy người ở bên phải. Ba cái xiên nướng thịt đang quay trên đó là những con gà, chim bồ câu và đùi cừu, một mùi thơm phức của thịt bò nướng và nước thịt nhểu trên làn da nâu bốc lên từ lò, càng làm tăng không khí vui vẻ và làm mọi người ứa nước bọt.

Tất cả những người nông dân có tiền đều ăn ở quán của ông Jourdain, là chủ quán trọ, người mua bán ngựa, một kẻ bất hảo có tiền.

Những đĩa thức ăn được đưa ra và ăn hết, những bình rượu táo màu vàng cũng được uống sạch. Mọi người kể chuyện làm ăn của mình, chuyện mua bán. Họ kháo nhau về mùa màng. Thời tiết thì thích hợp cho cây cỏ nhưng không tốt cho mùa lúa mì.

Đột ngột có tiếng trống vang lên ngoài sân trước gian nhà. Mọi người đứng dậy, ngoại trừ vài người thản nhiên, còn thì chạy ra cửa lớn hay đến các cửa sổ, miệng họ vẫn còn thức ăn và khăn ăn còn cầm trong tay.

Sau khi người thông tin thôi đánh trống anh ta nói to bằng giọng khác thường:

“Xin thông báo đến cư dân Goderville, và tất cả những ai có mặt ở chợ, rằng sáng nay một cái ví da màu đen có năm trăm quan và một số giấy tờ bị mất trên đường đến Benzeville, trong khoảng từ chín đến mười giờ. Ai nhặt được yêu cầu đến trả lại tại văn phòng ông xã trưởng hay trả cho ông Fortune Houlbreque người làng Manneville; khoản hậu tạ là hai mươi quan.”

Thế rồi người thông tin bỏ đi. Tiếng trống trầm trầm và giọng của người đó lại vang lên ở xa xa.

Mọi người bắt đầu nói về sự kiện này, bàn về việc ông Houlbreque có tìm lại được hay không tìm lại được cái ví của ông ta.

Bữa ăn kết thúc. Mọi người đang uống nốt chỗ cà phê của họ thì viên cảnh sát trưởng xuất hiện nơi ngạch cửa.

Ông ta lên tiếng hỏi:

“Có ông Hauchecome người làng Breaute ở đây không?”

Ông Hauchecome ngồi ở cuối bàn, đáp:

“Có tôi đây.”

Viên cảnh sát nói tiếp:

“Ông Hauchecome, ông có vui lòng đi cùng tôi đến văn phòng ông xã trưởng? Ông xã muốn nói chuyện với ông.”

Người nông dân ngạc nhiên và lo lắng, uống một ngụm hết cả ly rượu nhỏ của ông, đứng dậy, và thậm chí lưng còn còng hơn cả buổi sáng, đi rất khó khăn cứ mỗi bước mỗi dừng, miệng lặp lại: “Tôi đây, tôi đây.”

Ông xã trưởng đang ngồi trong chiếc ghế bành đợi ông. Ông là người được nhà nước giao quyền quản trị trong vùng, là một người bệ vệ, nghiêm nghị với cách nói đại ngôn.

“Ông Hauchecome,” ông ta nói, “có người thấy ông sáng nay trên đường đến Benzeville đã nhặt cái bóp bị mất của ông Houlbreque ở Manneville.”

Người nông dân sửng sốt nhìn ông xã trưởng, lòng hoảng sợ bởi sự nghi ngờ bỗng dưng đặt vào ông mà không hiểu tại sao.

“Tôi à? Tôi à? Tôi nhặt cái bóp à?”

“Phải, chính ông.”

“Lấy danh dự mà nói, tôi chưa hề nghe nói đến cái bóp đó.”

“Nhưng có người thấy ông.”

“Tôi bị người ta thấy? Ai thấy tôi?”

“Ông Malandain, người làm yên ngựa.”

Ông già nhớ lại, hiểu ra và đỏ mặt lên vì giận.

“À, ông ta thấy tôi, cái gã thô kệch đó thấy tôi nhặt lên sợi dây thừng này, ông xã ạ.” Và cho tay vào túi, ông lôi ra sợi dây thừng nhỏ.

Nhưng ông xã trưởng hoài nghi, lắc đầu.

“Ông không làm tôi tin được, ông Hauchecome, rằng ông Malandain là một người đáng tin, lại nhầm lẫn sợi dây thừng với cái ví.”

Ông nông dân tức giận, đưa bàn tay lên vỗ vào hông để xác quyết lời nói của mình, lập lại:

“Tuy nhiên, có Thượng đế chứng thực, sự thực thiêng liêng, thưa ông xã trưởng. Tôi chân thành lập lại điều ấy nhân danh sự cứu rỗi linh hồn tôi.”

Ông xã trưởng nói:

“Sau khi nhặt được vật đó ông đứng yên như một cái cột, tìm kiếm hồi lâu xem có đồng tiền nào rơi trên đất không.”

Ông già lặng người vì phẫn nộ và lo lắng:

“Sao mà ai đó lại có thể nói những lời dối trá làm mất thanh danh của một người trung thực như thế. Sao mà ai đó…”

Những lời phản kháng của ông không có ích gì; không ai tin ông. Ông được cho đối chất với ông Malandain, ông này xác nhận lại những lời khai của ông ta. Hai người xỉ vả nhau cả một giờ. Ông Hauchecome được lục soát theo yêu cầu của chính ông, nhưng không có gì được tìm thấy trên người ông.

Cuối cùng ông xã trưởng, rất lúng túng, thả ông với lời cảnh báo là ông ta sẽ tham khảo ý kiến của ủy viên công tố và sẽ có những mệnh lệnh tiếp theo.

Tin tức lan rộng. Khi rời văn phòng ông xã trưởng, ông già bị vây quanh hỏi han bằng những lời tò mò bỡn cợt. Ông kể chuyện sợi dây. Không ai tin ông. Họ cười nhạo ông.

Ông đi lang thang, gặp bạn bè, bắt đầu câu chuyện phản kháng vô tận, chìa những cái túi lộn từ trong ra ngoài để chứng minh là ông không có gì.

Họ nói:

“Ông già bất hảo, thôi đi đi!”

Ông giận, cáu tiết, nóng nảy và đau khổ vì không được ai tin, không biết phải làm gì và cứ lặp đi lặp lại lời nói một mình.

Đêm xuống. Ông phải đi. Ông đi cùng ba người hàng xóm, chỉ cho họ nơi ông đã nhặt sợi dây, dọc đường về ông cứ kể câu chuyện của ông.

Ông rẽ vào làng Breaute để kể chuyện mình với mọi người. Ông chỉ gặp được sự ngờ vực.

Chuyện này làm ông mệt suốt đêm.

Ngày hôm sau vào khoảng một giờ chiều thì Marius Paumelle, một người làm thuê cho ông nông dân Breton ở Ymanville, đem trả lại cái ví và các thứ trong ví cho ông Houlbreque ở Manneville.

Anh này nói rằng đã nhặt được cái ví trên đường, nhưng vì không biết chữ nên anh đã mang nó về nhà đưa cho chủ.

Tin tức lan đi trong xóm. Ông Hauchecome được báo tin. Ông tức khắc đi khắp khu vực và bắt đầu kể lại câu chuyện của ông với vẻ cực kỳ vui sướng. Ông đã thắng.

Ông kể chuyện của ông suốt ngày, kể nó trên đường với những người đi ngang qua, trong quán rượu với những người đang uống ở đó và với những người từ nhà thờ ra vào ngày chủ nhật hôm sau. Ông chặn những người lạ để kể về nó. Bây giờ ông đã bình tĩnh, nhưng tuy vậy ông vẫn băn khoăn mà không biết vì sao. Người ta có vẻ đùa cợt trong khi họ nghe. Họ có vẻ không tin ông. Ông cảm thấy có những lời bình luận sau lưng ông.

Vào ngày thứ ba của tuần kế tiếp ông đi chợ Goderville, chỉ bởi nhu cầu muốn nói về trường hợp của mình.

Malandain, đứng ở cửa nhà ông ta, cười khi thấy ông đi qua. Tại sao vậy?

Ông đến gặp một người nông dân quê ở Crequetot, ông này không để cho ông kể hết câu chuyện, mà cho ông một quả thụi vào bụng, nói thẳng vào mặt ông:

“Ông là đồ đại bất hảo.”

Rồi ông này quay lưng đi.

Ông Hauchecome bối rối, tại sao ông lại bị gọi là đồ đại bất hảo?

Khi ngồi vào bàn ở quán Jourdain ông bắt đầu giải thích “vụ việc”.

Một người mua bán ngựa quê ở Mornvilliers nói với ông:

“Thôi, thôi, ông già lừa đảo, trò đó cũ rồi. Tôi biết tất cả chuyện sợi dây thừng của ông.”

Ông Hauchecome lắp bắp:

“Nhưng cái ví đã được tìm thấy rồi.”

Người kia nói:

“Im đi bố già, có một cái ví được tìm thấy và một câu chuyện được tường thuật. Bố lẩn thẩn rồi.”

Người nông dân nghẹn lời. Ông đã hiểu. Người ta cho rằng ông đã nhờ một kẻ đồng lõa, một kẻ tòng phạm trả lại cái ví.

Ông cố cãi. Cả bàn cười ồ.

Ông không thể nào ăn xong bữa ăn và bỏ đi trong những tiếng cười chế nhạo.

Ông về nhà trong sự xấu hổ, căm phẫn, nghẹn ngào vì tức giận và ngượng ngập, càng buồn nản hơn khi họ cho với tính ranh mãnh của người Norman ông có khả năng làm chuyện đó mà lại cho rằng đó là một đức tính tốt. Ông mơ hồ cảm thấy sự vô tội của ông không thể chứng minh, trong khi sự lừa đảo thì ai cũng biết. Ông đau khổ tận tâm can vì sự nghi ngờ bất công.

Ông lại ngày ngày kể lại câu chuyện của ông, mỗi lần lại thêm vào những lý do mới, phản kháng mạnh mẽ hơn, thề thốt trịnh trọng hơn với những điều mà ông tưởng tượng và chuẩn bị trong những giờ cô độc, tâm trí ông đắm chìm trong câu chuyện về sợi dây. Những lời bào chữa của ông càng phức tạp hơn, những lời tranh cãi càng mong manh hơn thì ông càng ít được tin hơn.

“Đó là những lý do dối trá,” họ nói sau lưng ông.

Ông dốc hết tâm trí vào câu chuyện và vắt kiệt sức mình với những nỗ lực vô ích. Ông kiệt sức ngay trước mắt họ.

Những người thích đùa bây giờ bảo ông kể chuyện sợi dây để giải trí, giống như họ bảo một người lính đã tham dự một chiến dịch kể lại những trận đánh của anh ta. Tâm trí ông bắt đầu suy sụp dần.

Đến cuối tháng mười hai thì ông ngã bệnh.

Ông chết vào những ngày đầu tháng giêng, và trong cơn mê sảng hấp hối ông cứ nói rằng ông trong sạch, cứ lặp đi lặp lại:

“Một sợi dây, một sợi dây… nó đây, thưa ông xã trưởng.”.

Truyện ngắn. Guy de Maupassant (Pháp)

Võ Hoàng Minh (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xổ số

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Chùm truyện cực ngắn Murakami Haruki

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kẻ không có khả năng bảo vệ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Ngày mà Alfred tự tìm kiếm mình trên Google

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Ông bà nội tôi

Văn học nước ngoài 2 tháng trước

Bertha

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Truyện kể trong ngày của mẹ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước