Một góc nhìn về mô hình Trung tâm hành chính tập trung cấp tỉnh
VNTN - Là xu hướng tương đối phổ biến trên thế giới, nhiều công trình Trung tâm hành chính tập trung (TTHCTT) đã đạt tới giá trị biểu tượng về thẩm mỹ văn hóa và thể hiện sức mạnh công nghệ xây dựng. Tiến gần nhất với công dân là tiêu chí của thiết kế TTHCTT khi được đầu tư xây dựng.
Khái niệm TTHCTT cấp tỉnh là nơi tập trung diện tích làm việc cho toàn bộ hoặc một phần lớn cơ quan đầu não quản lý cấp tỉnh, đôi khi còn bao gồm cả nơi làm việc của khối Đảng - Đoàn thể trong một công trình hoặc trong một khu vực. Tại nhiều nước phát triển, TTHCTT còn là không gian công cộng, không gian mở để người dân được tiếp cận dễ dàng.
Ở nước ta, trước năm 2011, các cơ quan hành chính cấp tỉnh thường được xây dựng trong khu đất tại trung tâm lịch sử của tỉnh lỵ và được đặt tại một vị trí có ý nghĩa quan trọng của đô thị. Đặc điểm của loại hình này là các cơ quan hành chính gắn kết với hoạt động của đô thị nhưng ở các địa điểm rời rạc, chiếm đất nhiều, sự liên kết - liên thông hạn chế, ảnh hưởng đến việc hiện đại hóa hành chính công. Đến 2011 nhiều tỉnh đã hình thành Trung tâm hành chính cấp tỉnh bao gồm: Trụ sở UBND tỉnh, Tỉnh ủy, các đơn vị sự nghiệp, các sở ban ngành. Tuy nhiên cho đến giai đoạn này, chủ yếu phương án đầu tư được xây dựng phân tán, có khuôn viên riêng, được liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông đô thị, ví dụ: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Quảng Nam.... Mô hình xây dựng này tiện liên hệ với nhau giữa các cơ quan hành chính của tỉnh nhưng cũng tạo ra những trục đô thị “tối đèn”, tạo “Trục hành chính đô thị”; ít đóng góp cho việc kết nối trong hoạt động của chính quyền; chưa thực sự tạo sự thân thiện của người dân, ít đóng góp cho bộ mặt đô thị, đặc biệt là về ban đêm.
Một phương án nghiên cứu chỉnh trang khu vực hành chính tỉnh Thái Nguyên
Nhằm tăng cường công tác quản lý hiện đại hóa công sở, nâng cao năng lực hành chính công, Thủ tướng Chính phủ đề ra chỉ thị số 1073/CT-TTg ngày 5/7/2011 về việc xây dựng các khu hành chính cấp tỉnh theo hướng tập trung. Trong đó nhấn mạnh khái niệm khoa học trong tổ chức, đảm bảo sự kết nối giữa chính quyền và công dân, đặc biệt phải tùy theo điều kiện của địa phương về nguồn vốn xây dựng. Từ đó nhiều trung tâm hành chính cấp tỉnh được triển khai với mức độ khác nhau, trong đó được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng có các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Lai Châu, Lào Cai, Bình Dương, Đà Nẵng, Lâm Đồng... Nhiều địa phương khác như: Hải Dương, Cao Bằng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Bình Định, Gia Lai... cũng đã có dự án được phê duyệt đang xúc tiến các bước tiếp theo.
Như vậy, việc xây dựng TTHCTT là một xu hướng tất yếu phải hướng đến nhằm hiện đại hóa nền hành chính công. Qua thực tiễn TTHCTT đã được triển khai, cái được và cái chưa được, có ý kiến trái chiều, thậm chí còn là đề tài “nóng” ở nhiều kỳ họp Quốc hội. Vấn đề “nóng” được đề cập là về quy mô “tập trung”, về quy mô vốn, về định mức sử dụng diện tích, về vị trí địa điểm, về hình thức phương án kiến trúc, về vận hành, quản lý trung tâm...
Quy mô vốn phụ thuộc quy mô công trình, một số TTHCTT đã được đầu tư và đưa vào sử dụng trong thời gian qua như: tỉnh Lai Châu (đất 25ha, 34.000m2 sàn, kinh phí 600 tỷ), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đất 20ha, 90.000m2 sàn, kinh phí 1.500 tỷ), tỉnh Lâm Đồng (đất 35ha, 56.774m2 sàn, 950 tỷ), Bình Dương (đất 20,6ha; 243.000m2 sàn; kinh phí 4.600 tỷ); Đà Nẵng (đất 2,3ha; 65.234m2 sàn; kinh phí 1.900 tỷ); một số đồ án TTHCTT chuẩn bị đầu tư như: Hải Dương (đất 19.15ha, 87.998m2 sàn); Cao Bằng (đất 3,41ha; 68,825m2 sàn; kinh phí 1.178tỷ); Long An (đất 28,2ha; 70.000m2 sàn; kinh phí 1.400tỷ)... Như vậy về vốn đầu tư cho TTHCTT của một tỉnh dao động từ 600 tỷ đến 5.000 tỷ; qui mô đất xây dựng dao động từ 2,3ha đến 35ha. Về chức năng sử dụng có thể bao gồm Khối Đảng, HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội và khối quản lý nhà nước các tổ chức trực thuộc hoặc chỉ bao gồm khối quản lý nhà nước, khối HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội...
Các công trình TTHCTT có trường hợp gắn với Trung tâm đô thị hiện hữu (Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hải Dương... ), có trường hợp gắn với trung tâm đô thị mới của tỉnh (Bà Rịa Vũng Tàu, Nha Trang, Bình Dương...). Nhiều TTHCTT sau khi được đầu tư đã góp phần quan trọng vào việc tạo diện mạo cho đô thị tỉnh lỵ, góp phần tốt vào việc hiện đại hóa nền hành chính công. Khi đi vào hoạt động các cơ quan hành chính làm việc hiệu quả hơn, sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính được thuận tiện, chi phí vận hành, bảo trì tài sản trụ sở cũng được tập trung và tiết kiệm, người dân đã được hưởng sự thuận tiện, dễ dàng khi tiếp cận cải cách hành chính với khái niệm “một cửa liên thông” kết nối giữa người dân, tổ chức với các cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, mô hình này cũng có một số vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu khi triển khai.
TTHCTT đều có vốn đầu tư rất lớn, từ vài trăm lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Đây là vấn đề phải tính toán kỹ độ “nén” của TTHCTT. Việc chuyển nhượng các công trình trụ sở cũ để bổ sung vốn đầu tư cho TTHC theo chủ trương thực tế chưa được triển khai hiệu quả trong thực tiễn. Việc lựa chọn TTHCTT xây dựng tại trung tâm lịch sử, hay trung tâm của khu đô thị mới cần phải tính toán để hoạt động của TTHCTT góp phần vào hoạt động “sống” của đô thị. Nhiều TTHCTT đã xây dựng tạo ra những trục hành chính quá lớn, xa cách cộng đồng như ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, hay thiếu không gian xanh, quảng trường... tạo môi trường nhân văn, thân thiện như ở Đà Nẵng.
Xét về quy mô, các TTHC đều có diện tích sàn xây dựng lớn vượt tiêu chuẩn so với định mức, tiêu chuẩn quy định... Điều này chưa hẳn đã phù hợp với chủ trương tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính của nhà nước. Hình thức kiến trúc ở hầu hết các công trình TTHCTT mang phong cách kiến trúc hiện đại, sử dụng vật liệu mới. Nhiều ý kiến cho rằng Trung tâm hành chính tạo ra sự đồ sộ, cách biệt, gây cảm giác xa lạ, khó tiếp cận. Tính thân thiện, cởi mở, gần dân phải là đặc trưng của hình thái kiến trúc công sở. Các TTHCTT đã tạo ra quỹ diện tích làm việc tiết kiệm, giảm được diện tích phụ. Tuy vậy, lại thiếu không gian để tái tạo lại sức lao động tri thức, khiến trụ sở thành “cái kho chứa người” khô khan, đơn điệu. Về quản lý điều hành, TTHCTT là công trình kiến trúc hiện đại, phức tạp, sử dụng công nghệ cao..., vì thế việc quản lý sử dụng hiệu quả, phòng chống cháy nổ, công tác an ninh, bảo vệ... cũng như bảo trì công trình đòi hỏi tổ chức quản lý chuyên nghiệp khác với công tác quản lý trụ sở thông thường.
Và góc nhìn về mô hình ở Thái Nguyên
Qua thực tiễn, mô hình TTHCTT của Thái Nguyên sẽ như thế nào? Được xác định “là Trung tâm vùng trung du miền núi Bắc bộ”, “nằm trong vùng thủ đô, trong tứ giác tăng trưởng của phía Bắc...”. Vì vậy về lâu dài việc nghiên cứu xây dựng một TTHCTT của tỉnh là một việc quan trọng. Theo quyết định 802/QĐ-TTg phê duyệt 1996, thành phố Thái Nguyên được giới hạn bởi dòng sông Cầu và đường vòng tránh thành phố Thái Nguyên khu trung tâm hành chính được xác định khu vực hiện hữu. Theo quyết định 278/QĐ-TTg phê duyệt 2005 Thành phố Thái Nguyên phát triển về hướng Tây, quy hoạch khu Đô thị mới phía Tây thành phố bao gồm cả TTHCTT đã được lập. Đến 2014, theo quyết định 1536/QĐ-TTg, thành phố Thái Nguyên với tiêu chí xây dựng thành phố “2 bên dòng sông”. Khung đô thị thay đổi; trung tâm hành chính có cơ hội trở lại vị trí lịch sử vì điểm trung tâm của thành phố về địa lý được xác định tại vị trí trung tâm đô thị hiện hữu, đồng thời cũng theo quyết định này ta có thêm sự lựa chọn TTHCTT nơi có quỹ đất rộng rãi, thỏa đáng.
Tại vị trí khu vực thành phố hiện hữu TTHCTT sẽ ở vị trí trung tâm đô thị gắn với trung tâm năng động và gần dân, xen kẽ các hoạt động đô thị, tham gia vào hoạt động “sống” của đô thị. Yếu điểm khu khu vực này là phải “nén” đô thị và cần tìm một địa điểm phù hợp để nâng cao hiệu quả khai thác giá trị đất đô thị.
Tại khu vực đô thị mới phía Tây khi xây dựng dễ tạo dựng bộ mặt mới đô thị, nhưng cũng hạn chế sự kết nối với khu đô thị hiện hữu, vỡ khung hình của thị xã Núi Cốc hình thành trong tương lai, khu bảo tồn chè “Thái - Tân Cương”. Mặt khác khu vực này không phải vị trí trung tâm của đô thị thành phố Thái Nguyên theo quy hoạch điều chỉnh “Thành phố hai bên bờ sông Cầu”. Khu vực phía Đông của sông Cầu không được thuận lợi về vị trí, bị ảnh hưởng của hành lang thoát lũ và cấu tạo địa chất khu vực.
Như vậy qua phân tích, sự lựa chọn đầu tư TTHCTT nên chăng ở khu Trung tâm hiện hữu của thành phố Thái Nguyên?
Tại vị trí này, cũng có nhiều giải pháp lựa chọn. Ngoài khu vực đang hiện có, có giải pháp xây dựng xem xét tại khu vực sân vận động thành phố, với diện tích 4,5ha không phải giải phóng mặt bằng; gần với trụ sở khối Đảng, có cơ hội dành một khu vực cho khu TTHCTT của thành phố Thái Nguyên. Đồng thời dành toàn bộ tuyến Đội Cấn cho thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế dịch vụ, tạo dựng bộ mặt cho đô thị Thái Nguyên phát triển. Xem xét đưa Nhà Thiếu nhi sang khu khác để tạo quảng trường hành chính; dành không gian làm nơi ghi dấu ấn Bác Hồ về thăm Thái Nguyên 1963; có kế hoạch xây dựng sân vận động chính nằm trong khu liên hợp thể thao cấp vùng, thiết lập các sân vận động vệ tinh của tỉnh. Nên tách khối Đảng, quản lý nhà nước, đoàn thể, cho phù hợp thực tế Thái Nguyên vì khu vực Trụ sở Tỉnh ủy đã có và đang dần hoàn thiện. Một số đơn vị không nhất thiết phải đưa vào hoạt động tại TTHCTT như: Ban quản lý khu công nghiệp, Tỉnh Đoàn..., như vậy cũng phù hợp với qui mô vốn (sẽ giảm được vốn đầu tư).
Kiến Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...