Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
10:08 (GMT +7)

“Một đóa vô thường” lặng lẽ thơm

VNTN - Kỷ niệm 15 năm Trịnh Công Sơn ra đi, người Thái Nguyên tự tổ chức đêm nhạc Trịnh cho mình để tỏ lòng yêu kính Ông và để khẳng định rằng, Ông vẫn đâu đây trong mỗi chúng ta.


Phòng trà Bạn Hữu (tầng 2, Nhà Thi đấu tỉnh Thái Nguyên) tối ấy chật cứng khán giả từ thanh niên tuổi đôi mươi đến những cụ già ngoại bát tuần. Mọi người đã háo hức chờ sự kiện này từ hai tuần nay, khi Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên - nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh hé lộ thông tin trên Facebook: Báo Văn nghệ Thái Nguyên sẽ phối hợp với Công ty TNHH âm thanh ánh sáng Việt Dũng tổ chức một đêm nhạc Trịnh. Nhiều người tiếc vì Phòng trà chỉ đủ sức chứa 150 người; cũng nhiều người tiếc vì họ đang ở xa, nên không có cơ hội tham dự. Biết tin Thái Nguyên tổ chức đêm nhạc này, đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái ông) đã gửi lời cảm ơn Ban Tổ chức và gửi tặng sách cùng tư liệu về nhạc sĩ để trưng bày phục vụ khán giả.

Phải ghi nhận rằng, Ban Tổ chức đã rất công phu khi thực hiện chương trình, từ nội dung (kịch bản) đến hình thức (khu trưng bày chân dung nhạc sĩ và gia đình, sân khấu chính và cả đồng phục của chương trình) đều được cân nhắc, đảm bảo đơn giản mà tinh tế, sang trọng, tao nhã… đúng tinh thần của nhạc Trịnh.

20 giờ, màn dâng hoa tưởng niệm Nhạc sĩ của các sinh viên Khoa Luật - Quản lí Xã hội, trường Đại học Khoa học Thái Nguyên mở đầu đêm nhạc đã khiến cả khán phòng lắng xuống trong niềm rưng rưng nhớ về người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh. Đêm nhạc được chia thành hai phần. Phần một có tên gọi Một cõi Trịnh, với các ca khúc: Diễm xưa, Biển nhớ, Cát bụi, Biển nghìn thu ở lại, Huyền thoại mẹ và Một cõi đi về do các ca sĩ chuyên nghiệp đến từ các Đoàn nghệ thuật Quân khu I và Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên thể hiện, đã đưa khán giả đến một cõi Trịnh lung linh huyền ảo với nhiều sắc màu và cung bậc tình cảm. Với chất giọng trầm ấm, dầy và mượt, ca sĩ Ngọc Trâm, Đoàn Nghệ thuật Quân khu I với Diễm xưa và Một cõi đi về; ca sĩ Tiến Định - Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên với Biển nghìn thu ở lại, ca sĩ Trúc Quỳnh với Cát bụi đã thật sự làm khán giả hài lòng.

Màn dâng hoa của các sinh viên trường Đại học Khoa học Thái Nguyên gây xúc động cho khán giả

Phần hai có tên gọi: Hát từ trái tim với các bài: Ru đời đi nhé, Ngẫu nhiên, Hạ trắng, Nhớ mùa thu Hà Nội, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, do các ca sĩ không chuyên là sinh viên đại học, công chức nhà nước và cán bộ hưu trí thể hiện. Hát bằng cả tấm lòng yêu mến Trịnh Công Sơn, hát từ trái tim nên mỗi nhạc phẩm đều mang đến cho khán giả những cảm xúc khác nhau, khi bồi hồi xao xuyến, lúc nghèn nghẹn rưng rưng… Lấy được nhiều cảm xúc nhất của khán giả là bài Ru đời đi nhé do bạn Bùi Đại, sinh viên Đại học Công nghiệp Thái Nguyên thể hiện rất chân thành, sâu lắng và một niềm thành kính trào dâng qua những ca từ; là bài Ngẫu nhiên - một tiết mục đặc sắc của Thùy Dung và Phương Hoa, hai giảng viên trẻ của trường Đại học Khoa học - thể hiện theo phong cách Acappella (là phong cách hát không cần có nhạc đệm, người hát sẽ dùng giọng của mình để kết hợp, hỗ trợ cho nhau bằng hoà thanh, bè phối để tạo nên nhạc điệu), mang đến cho đêm nhạc một phong cách mới lạ; là bài Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui do chị Đỗ Tuyết Ngân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hát bằng cả tấm lòng với Trịnh đã khiến khán phòng lặng đi rồi lại trào lên niềm hứng khởi. Tình yêu cuộc đời, tình yêu con người được nhân lên qua lời hát của chị. Và đúng là đêm nhạc đã “mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim đến trái tim của người khác", như Trịnh Công Sơn đã từng nói.

Bài Ngẫu hứng, tiết mục đặc sắc của 2 giảng viên

Đại học Khoa học Thái Nguyên

Chị Đỗ Tuyết Ngân, Phó Chủ tịch Hội LHPN

tỉnh đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả

qua bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”

Ca sĩ Tiến Thịnh thể hiện bài Biển nghìn thu ở lại

Ca sĩ  Ngọc Trâm với bài hát Diễm xưa

Một tiết mục cũng được khán giả nhiệt liệt cổ vũ là bài Hạ trắng do bác Huyền Sâm, 66 tuổi, cán bộ hưu trí hiện cư trú tại phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên thể hiện trong một sự nỗ lực tuyệt vời, bởi bác đang phải điều trị bệnh viêm phổi, mang theo cả kim truyền trên cổ tay lên sân khấu. Thế mới thấy, tình yêu nghệ thuật nói chung và với nhạc Trịnh nói riêng đã cho con người sức mạnh vượt lên mọi hoàn cảnh, thật cảm động và trân trọng.

Sau bài hát Hãy yêu nhau đi như một thông điệp mà Ban Tổ chức chương trình muốn gửi đến công chúng, Đêm nhạc Trịnh đã khép lại bằng bài hát Nối vòng tay lớn. Cả khán phòng sôi động trong tiếng nhạc, những bàn tay vỗ vào nhau theo nhịp hát, những gương mặt ngời lên niềm vui bởi sự hài lòng.

Cụ Vũ Thị Vân, 80 tuổi (phường Quang Trung, TP Thái Nguyên) vui vẻ: Tôi thích lắm, chương trình rất hay và ý nghĩa. Cả nhà tôi đi xem đấy, nói rồi cụ chỉ sang cụ ông 83 tuổi ngồi bên đang nở nụ cười mãn nguyện. Nhà giáo hưu trí Vũ Đình Toàn, 78 tuổi (phường Quang Trung) cũng không giấu nổi cảm xúc: “Phải nói rằng, ý tưởng của nhà tổ chức rất tốt, rất có ý nghĩa và mong sẽ được phát huy từ nay về sau để công chúng Thái Nguyên có nhiều cơ hội thưởng thức nghệ thuật như thế này. Một chương trình không lớn, nhưng đã được tổ chức rất công phu, bài bản, thể hiện được lòng tôn kính đối với nhạc sĩ. Tuy nhiên, một số bài do ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện vẫn chưa chạm được vào trái tim người nghe. Nhưng dù sao thì tôi vẫn phải cảm ơn Ban Tổ chức đã cho tôi cơ hội này”.

Những khán giả cao tuổi

Tiến sĩ Lê Ngân, Trưởng khoa Luật  Quản lý, trường Đại học Khoa học thì bày tỏ: “Cám ơn nhà báo Nguyễn Thúy Quỳnh, tổng đạo diễn chương trình cùng Ban Tổ chức đã dành cho chúng tôi những giây phút quý giá của cuộc sống để chúng tôi thêm yêu nhạc Trịnh, yêu những người yêu nhạc Trịnh và yêu cuộc sống của mình”.

 

Gặp gỡ một nhân vật rất quan trọng làm nên thành công của chương trình - anh Việt Dũng, 32 tuổi, Giám đốc Công ty - TNHH âm thanh ánh sáng Việt Dũng sau đêm nhạc, anh chia sẻ: “Chúng tôi rất hài lòng với những gì đã diễn ra. Đây là lần đầu tiên công ty chúng tôi tham gia tổ chức một sự kiện nghệ thuật. Lúc đầu, cũng chỉ là ngẫu hứng khi gặp được ý tưởng của nhà báo Nguyễn Thúy Quỳnh, vậy mà thành công, thật lòng tôi cảm ơn báo Văn nghệ Thái Nguyên, các nhà hảo tâm, bạn bè và đông đảo khán giả đã cùng chúng tôi tổ chức thành công sự kiện này, từ đó mọi người đã biết đến Công ty TNHH âm thanh ánh sáng Việt Dũng, mặc dù vừa chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2016”.

Bên cạnh những cảm giác thoải mái mà Ban Tổ chức đã cố gắng mức cao nhất để làm hài lòng khán giả thì vẫn còn những điều đáng tiếc, đó là văn hóa phòng trà của một bộ phận khán giả chưa cao, tình trạng nói chuyện riêng, cười to trong khi ca sĩ hát đã làm hỏng không gian tĩnh lặng, thanh tao của chương trình. Mặt khác, tình trạng lợi dụng sự kiện để tăng giá gửi xe lên gấp đôi ngày thường đã xảy ra. Việc mỗi xe máy phải trả đến 10 nghìn đồng tại đây đã khiến nhiều khán giả cảm thấy bị thiếu tôn trọng. Điều này tuy nhỏ thôi, nhưng rất không nên tái diễn trong những lần tổ chức các sự kiện khác tiếp theo, nếu có.

Đã nhiều ngày trôi qua, song dư âm về đêm nhạc Trịnh vẫn còn đâu đây, ngọt ngào, lắng đọng. Những người tham dự đêm nhạc đều có chung một mong muốn Thái Nguyên sẽ có nhiều đêm nhạc về các nhạc sĩ tên tuổi khác; trên tinh thần xã hội hóa và phi lợi nhuận như cách thức mà Báo Văn nghệ Thái Nguyên và Công ty Việt Dũng đã thực hiện thành công với đêm nhạc “Một đóa vô thường”.

 

Thu Huyền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy