Một đêm duy nhất – Rabindranath Tagore (Ấn Độ)
VNTN - Tôi học cùng trường với Surabala. Chúng tôi thường chơi trò “cô dâu chú rể” với nhau. Mỗi khi tôi đến nhà Surabala mẹ của nàng rất quý tôi. Coi hai chúng tôi là một đôi, bà thường lẩm bẩm: “Chúng sinh ra để dành cho nhau!”. Tôi còn nhỏ nhưng tôi đã hiểu ý của bà. Cái cảm giác mình có uy quyền đặc biệt đối với Surabala cứ bám chặt lấy tâm trí tôi. Tôi trở nên tự đắc với cảm giác rằng tôi đang điều khiển nàng. Nàng ngoan ngoãn tuân theo mọi mệnh lệnh của tôi và chịu đựng mọi hình phạt của tôi. Nàng kiêu hãnh trước hàng xóm vì nhan sắc của nàng, nhưng sắc đẹp chẳng có nghĩa gì đối với con mắt tuổi trẻ tàn nhẫn của tôi: tôi chỉ biết rằng Surabala sinh ra để ý thức về uy quyền của tôi đối với nàng - quỷ tha ma bắt cái cách cư xử thiếu suy nghĩ của tôi đi.
Cha tôi là địa chủ ở Chaudhuris. Ông hy vọng rằng khi tôi lớn lên ông sẽ huấn luyện tôi trở thành một nhà quản lý địa điền. Nhưng tôi không thích ý tưởng ấy chút nào. Tham vọng của tôi cao vời như tham vọng của Nilratan, con trai người hàng xóm của chúng tôi, gã trai đã trốn đến Calcutta để học và trở thành một chánh văn phòng rồi quan chức hàng đầu của một quận. Cho dù tôi không đạt được vị trí đó, tôi đã xác định tôi sẽ phấn đấu để đạt được một vị trí quan trọng tại tòa án. Tôi đã thấy cha tôi luôn kính nể những quan chức của ngành luật pháp như thế nào. Từ khi còn bé nhiều lần tôi đã thấy người ta cúng tiến những quan chức ấy nào là cá thịt, hoa quả, tiền bạc; vậy nên tôi dành một sự ưu tiên đặc biệt trong trái tim cho những viên chức ngành tòa án, cho dù là những người chạy công văn, giấy tờ. Họ là những đấng đáng tôn kính nhất trong những vị thần của Bengal, là những phiên bản thu nhỏ của hàng triệu vị thần của xứ này. Trên con đường theo đuổi tiền tài và danh vọng, người ta đặt sự tin cậy vào những viên chức ấy nhiều hơn là vào thần Ganesh (Thần may mắn) - vậy nên tất cả mọi tặng vật mà thần Ganesh trước đây nhận được giờ đổ cả vào túi của những nhân viên ngành tòa án.
Được tấm gương của Nilratan khích lệ, tôi nắm lấy cơ hội đến Calcutta. Ban đầu tôi ở nhờ nhà người quen; sau đó cha tôi bắt đầu chu cấp học phí cho tôi. Chuyện học hành của tôi diễn ra khá suôn sẻ.
Ngoài việc học, tôi tham gia các cuộc hội họp của những người làm cách mạng. Không nghi ngờ gì, việc tôi phục vụ đất nước là điều cần thiết. Nhưng tôi không biết làm thế nào để giành được một vai quan trọng, và tôi không có ai để làm gương cả. Tuy nhiên, tôi không thiếu nhiệt huyết. Chúng tôi là những đứa con trai xuất thân từ nông thôn, và không được học để chê bai, dè bỉu tất thảy mọi thứ như những gã trai thông minh ở Calcutta; vậy nên lòng nhiệt tình của chúng tôi không gì lay chuyển nổi. Những người lãnh đạo tại các buổi hội họp đọc diễn văn, còn chúng tôi thì lang thang hết nhà này đến nhà khác giữa tiết trời nóng nực, chịu đựng cái đói, để quyên góp tiền cho sự nghiệp chung; chúng tôi đứng bên đường phát truyền đơn; chúng tôi sắp xếp bàn ghế chuẩn bị cho các buổi họp. Chúng tôi sẵn sàng xắn tay áo lên đánh nhau chỉ vì một lời xúc phạm nhẹ nhất nhằm vào những nhà lãnh đạo của mình. Nhưng đối với những thằng con trai khôn ngoan người Calcutta, tất cả những việc đó đơn giản chỉ chứng tỏ bản chất ngây thơ đặc nông dân của chúng tôi mà thôi.
Đáng lẽ tôi đã học để trở thành chánh văn phòng của tòa án; nhưng hóa ra tôi đang chuẩn bị để trở thành lãnh tụ Mazzini hoặc Garibaldi. Trong khi đó cha tôi và cha của Surabala nhất trí rằng tôi nên cưới nàng. Tôi đi Calcutta từ khi tôi mười lăm tuổi, khi ấy Surabala mới tám tuổi. Bây giờ tôi đã mười tám tuổi. Theo quan điểm của cha tôi tuổi thích hợp cho hôn nhân đối với tôi đang trôi qua. Nhưng tôi đã thề sẽ không bao giờ kết hôn. Thay vì kết hôn tôi sẽ hiến dâng cuộc đời mình cho đất nước. Tôi đã nói với cha tôi rằng tôi sẽ không kết hôn cho đến khi tôi hoàn tất việc học hành.
Hai hoặc ba tháng sau khi tôi tuyên bố như vậy, tôi được tin Surabala đã kết hôn với luật sư Ramlochan Babu. Tôi bận đi quyên góp cho đất nước Ấn Độ đang bị nô dịch hóa, vậy nên tôi không coi cái tin đó là quan trọng.
Tôi vào đại học và chuẩn bị thi hết năm thứ hai thì được tin cha tôi qua đời. Tôi không phải là người duy nhất trong gia đình - tôi còn có mẹ và hai em gái. Vậy nên tôi thôi học để đi tìm việc làm. Khó khăn lắm tôi mới xin được chân giảng dạy tại một trường cấp hai của một thị trấn nhỏ thuộc quận Naukhali. Tôi tự nhủ, vậy là mình đã tìm được một công việc thích hợp. Sự hướng dẫn và khích lệ của tôi sẽ giúp cho mỗi học sinh trở thành một nhà lãnh đạo của đất nước Ấn Độ mới.
Tôi bắt đầu công việc. Tôi nhận ra rằng kỳ thi sắp tới ở trường đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn một đất nước Ấn Độ mới. Trong vài tháng lòng nhiệt tình của tôi đã nhạt phai. Tôi trở thành một con người ù lì, thường ngáp vặt mỗi khi ở nhà; chẳng khác gì một con trâu cúi đầu kéo cầy, thỉnh thoảng lại bị quất roi, ngoan ngoãn lật đất; đêm về hài lòng với những mớ cỏ khô nhét đầy bụng; không có nghị lực hay sự nghiệp gì hết.
Vì nguy cơ hỏa hoạn, nhà trường cần một giáo viên sống ngay tại trường. Tôi chưa có gia đình, vậy nên nhiệm vụ này được đổ lên đầu tôi. Tôi sống trong một căn phòng liền kề với dãy nhà lớn lợp rạ được dùng làm lớp học. Ngôi trường đó khá biệt lập, nó ở gần một cái hồ lớn. Xung quanh hồ có những cây cau, những cây dừa và những cây đậu san hô; có hai cây neem già to - đứng cạnh nhau gần trường học - tỏa bóng ra xung quanh.
Có một điều mà tôi chưa đề cập đến và là điều mà trong một thời gian dài tôi đã nghĩ là không đáng đề cập tới. Vị luật sư của vùng này, Ramlochan Ray, sống khá gần trường của chúng tôi và tôi biết vợ của anh ta - người bạn thuở ấu thơ của tôi, Surabala - sống ở đó với chồng.
Tôi quen Ramlochan. Tôi không chắc liệu anh ta có biết tôi là bạn thời thơ ấu của Surabala hay không, và khi chúng tôi gặp nhau tôi nghĩ rằng không nhất thiết phải đề cập đến điều đó. Tôi không nghĩ Surabala đã từng có liên quan đến cuộc sống của tôi.
Một hôm, vào ngày nghỉ, tôi đến nhà Ramlochan tán gẫu. Tôi không nhớ hôm đó chúng tôi đã nói chuyện gì - có lẽ là về số phận hiện thời của đất nước Ấn Độ. Không phải là anh ta thông thạo hoặc quan tâm đến chủ đề đó, mà vì đó là một cách để chúng tôi giết thời gian. Khi chúng tôi nói chuyện, tôi nghe thấy ở phòng bên có tiếng trang sức kêu leng keng, tiếng sột soạt của lụa, tiếng bước chân khe khẽ; không khó để đoán ra rằng một đôi mắt tò mò đang quan sát tôi qua ô cửa sổ khép hờ. Bỗng nhiên tôi nhớ đến đôi mắt ấy - đôi mắt to đầy tin cậy, mộc mạc và tràn ngập sự tôn thờ thơ ngây: đôi con ngươi đen, đôi hàng mi đen, và cái nhìn lúc nào cũng êm dịu. Tim tôi như bị bóp nghẹt, và một niềm đau dâng lên trong tôi.
Tôi trở về căn lều của mình, nhưng nỗi đau vẫn chưa nguôi. Đọc sách hay viết lách cũng không thể giúp tôi quên được nỗi đau; nó tựa như một tảng đá đè nặng lên ngực tôi, chèn ép mạch máu của tôi. Tối đến tôi bình tâm hơn chút ít và tự hỏi mình tại sao tôi lại rơi vào tâm trạng đau đớn như thế. Tiếng nói sâu thẳm từ trong tim tôi trả lời: “Mi đang tự hỏi tại sao mi lại để mất Surabala của mi.”
Tôi đáp: “Nhưng mình đã tự nguyện từ bỏ cô ấy kia mà. Mình không thể để cô ấy chờ đợi mình mãi được.”
Tiếng nói ở trong tim lại cất lên: “Mi đáng lẽ đã có được cô ấy nếu mi muốn, nhưng bây giờ dù mi có làm gì chăng nữa thì mi cũng không có được quyền gặp gỡ cô ấy. Dù hồi còn nhỏ mi gần gũi với cô ấy đến mức nào, dù giờ đây mi nghe thấy tiếng vòng tay leng keng của cô ấy thường xuyên đến mức nào hoặc luôn cảm thấy mùi hương từ tóc cô ấy, thì cũng luôn có một bức tường ngăn cách hai người.”
“Không sao,” tôi nói, “ Surabala có là gì đối với mình đâu nhỉ?”
Tiếng nói bên trong tôi đáp: “Surabala giờ đây không phải là của mi, nhưng hãy thử nghĩ xem cô ấy có thể đã là gì đối với mi!”
Đó là sự thật. Surabala có thể đã là của tôi. Nàng có thể trở đã trở thành người thân yêu nhất của tôi, người bạn đời của tôi; nàng có thể đã là người chia sẻ vui buồn với tôi trong cuộc sống; nhưng giờ đây nàng đã xa xôi quá, đã là của người khác rồi, và việc gặp nàng bây giờ là một việc bất chính. Nói chuyện với nàng giờ đây là tội lỗi, thậm chí chỉ nghĩ về nàng thôi cũng là tội lỗi. Và cái gã Ramlochan, trước kia chẳng là ai cả, bỗng nhiên xuất hiện. Chỉ cần niệm vài câu thần chú là anh ta đã cuốn Surabala bay xa khỏi tất cả mọi người khác trên đời này.
Không phải tôi sắp đưa ra những quy tắc đạo đức mới cho xã hội; tôi không mong phá vỡ những quy tắc hay dẹp bỏ những giới hạn. Tôi chỉ đang diễn đạt những cảm xúc chân thực của mình. Tất cả những cảm xúc đó nảy sinh trong tâm trí của một con người liệu có hợp lý không? Tôi có thể dứt ra khỏi niềm tin rằng Surabala, người ngự trị phía sau đền đài của Ramlochan, là của tôi hơn là của anh ta. Tôi thừa nhận cảm xúc này cực kỳ vô lý và không thích hợp, nhưng không hẳn là không tự nhiên.
Tôi không thể tập trung vào công việc được. Buổi trưa khi các học sinh chăm chú đọc sách, khi mà mọi thứ ở bên ngoài dường như trở nên lung linh, và làn gió dịu nhẹ, ấm áp mang tới mùi hương của hoa neem, tôi cảm thấy khao khát - khao khát điều gì tôi không rõ - nhưng tôi có thể nói điều này: tôi không muốn dành phần còn lại của cuộc đời sửa ngữ pháp cho những niềm hy vọng tương lai của Ấn Độ. Tôi ghét phải ngồi một mình trong căn phòng rộng sau giờ lên lớp, tuy nhiên tôi không thể chịu đựng nổi bất cứ ai đến gặp mình. Buổi tối tôi nghe tiếng lá trầu và lá dừa bên hồ xào xạc một cách vô nghĩa, và ngẫm nghĩ về cuộc đời. Đời đúng là một mớ rối rắm! Không ai nghĩ đến việc làm điều thích hợp vào lúc thích hợp; thay vì thế những mong ước sai lầm và bồn chồn cứ đến không đúng lúc. Mi, dù vô dụng, cũng có thể đã trở thành chồng của Surabala và sống những tháng ngày mãn nguyện. Mi muốn trở thành Garibaldi, nhưng hãy xem rồi mi đã trở thành gì nào - một giáo viên quèn ở trường làng! Và luật sư Ramlochan Ray, tại sao anh ta lại nhất thiết phải trở thành chồng của Surabala? Nàng chẳng là gì đối với anh ta hết, ngay từ ngày cưới: anh ta cưới nàng mà không cho nàng một giây suy nghĩ, và trở thành một luật sư của nhà nước kiếm được rất khá, cảm ơn! Anh ta la mắng nàng nếu như sữa anh ta uống có mùi khói, còn khi nào anh ta vui vẻ anh ta đặt mua vài món đồ trang sức cho nàng. Anh ta béo tốt, mặc áo khoác dài, hoàn toàn hài lòng với cuộc sống, chưa bao giờ ngồi suốt buổi tối ngồi bên hồ nhìn lên những vì sao và luyến tiếc quá khứ.
Dịp ấy Ramlochan phải đi xa để lo cho một vụ án quan trọng. Surabala chắc hẳn cô đơn trong ngôi nhà của nàng y như tôi cảm thấy cô đơn trong căn phòng của tôi vậy.
Tôi nhớ hôm đó là thứ hai. Từ lúc bình minh bầu trời đã đầy mây. Khoảng mười giờ những hạt mưa bắt đầu rơi lộp độp. Nhìn lên trời ông hiệu trưởng ra lệnh đóng cửa trường học sớm. Những đám mây đen khổng lồ giăng khắp bầu trời suốt cả ngày, như thể đang chuẩn bị cho một điều gì đó rất khủng khiếp. Ngày hôm sau trời mưa xối xả từ trưa, và giông tố nổi lên. Càng về đêm trời càng mưa to hơn và gió thổi mỗi lúc một dữ dội. Thoạt đầu gió thổi từ hướng đông, nhưng rồi đổi hướng, thổi theo hướng bắc đông bắc.
Đêm hôm đó tôi có cố ngủ cũng không ngủ nổi. Tôi nhớ ra Surabala đang phải ở nhà một mình. Chỗ tôi ở vững chắc hơn ngôi nhà của nàng. Đã vài lần tôi nghĩ tới việc đến đưa nàng sang chỗ tôi - tôi có thể ở cả đêm ở ngoài bờ hồ. Nhưng tôi không đủ can đảm để làm việc đó.
Khoảng một giờ, một rưỡi sáng lũ kéo về nghe rõ mồn một - một cơn sóng thủy triều từ biển kéo đến. Tôi rời khỏi phòng và đi ra ngoài. Tôi đi tới nhà của Surabala. Tôi lội trong nước, lội qua những chỗ nước ngập đến đầu gối. Tôi leo lên bờ hồ, nhưng con sóng thứ hai đã xô vào bờ. Có một đoạn bờ hồ cao khoảng hơn hai mét. Khi tôi trèo lên đó, tôi thấy một người nào đó cũng đang trèo lên từ phía bên kia. Tôi biết chắc chắn người đó là ai; và tôi biết rõ nàng cũng biết tôi là ai.
Chúng tôi đứng mỗi người một chỗ trên bờ hồ tựa như một cái đảo dài gần ba mét giữa mênh mông nước. Lúc đó cứ như thể đã đến thời điểm tận thế - không có một vì sao nào trên bầu trời, mọi ngọn đèn trên trái đất đều tắt lịm. Có nói điều gì đó vào lúc ấy cũng chẳng có hại gì, nhưng không một lời nào được nói ra. Tôi thậm chí không hỏi nàng có khỏe không, và nàng cũng không hỏi tôi câu đó. Chúng tôi cứ đứng đó nhìn đăm đăm vào bóng tối. Dưới chân chúng tôi những con nước đáng sợ, đen ngòm, sâu thẳm đang gầm gào, trào dâng.
Surabala đã bỏ thế giới để đến với tôi. Nàng không có ai khác ngoài tôi. Surabala yêu dấu của tuổi thơ tôi đã trôi dạt đến cuộc đời tôi từ sự sống xa xưa, từ bóng tối bí ẩn xa xăm nào đó; nàng đã đi vào ánh mặt trời và ánh trăng của cái thế giới đông đúc này để đến bên tôi. Bây giờ, sau nhiều năm, nàng đã bỏ lại ánh sáng và những đám đông để ở bên tôi trong bóng tối định mệnh, hoang vắng, đáng sợ này. Như một bông hoa bắt đầu nở, nàng bị ném đến gần tôi trong dòng chảy của sự sống, dòng chảy của cái chết. Nếu thêm một con sóng nữa ập đến thì chúng tôi sẽ rụng khỏi những cái cuống riêng rẽ, mong manh của sự sống và trở thành một. Nhưng tốt hơn là con sóng đó không đến. Tốt hơn là Surabala nên sống hạnh phúc với chồng nàng, với gia đình, với những đứa con của nàng. Chỉ một đêm, một đêm thôi đứng bên bờ định mệnh này được nếm niềm vui vĩnh hằng cũng đủ với tôi rồi.
Đêm sắp tàn. Gió đã dịu, nước đã rút. Surabala, không nói một lời, lặng lẽ trở về nhà, còn tôi thì lầm lũi trở về phòng mình. Tôi nghĩ: mình đã không trở thành một ông quan huyện; mình đã không trở thành một viên chức của tòa án; mình đã không trở thành Garibaldi; mình trở thành một thầy giáo ở một ngôi trường tồi tàn. Trong toàn bộ cuộc đời mình, chỉ một lần duy nhất - một đêm ngắn ngủi - mình chạm được tới sự Vĩnh Hằng. Chỉ trong một đêm đó thôi, một đêm trong tất cả ngày và đêm trên đời này, sự tồn tại không mấy quan trọng của mình đã được mãn nguyện.
Nguyễn Bích Lan dịch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...