Một chuyển thể điện ảnh ngoạn mục
VNTN - Năm 1987, tiểu thuyết “Hồng cao lương gia tộc” của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Mạc Ngôn được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thành phim truyện điện ảnh “Cao lương đỏ”. Tác phẩm đã đoạt nhiều giải thưởng lớn, trong đó có những giải thưởng cao quý như Giải Gấu vàng tại Liên hoan Phim quốc tế Berlin, Liên hoan Phim Sydney... giúp điện ảnh Trung Quốc bước ra thế giới.
Bộ phim lấy miền quê Cao Mật, miền nam Trung Hoa, với những cánh đồng cao lương đỏ khổng lồ, bạt ngàn làm không gian. Thời gian vào thập niên 20 - 30 của thế kỷ XX. Phim xoay quanh nhân vật Cửu Nhi, một cô gái trẻ, xinh đẹp bị người bố do nợ nần nhiều đem gả cho chủ một xưởng sản xuất rượu. Ngày ngồi trên kiệu về nhà chồng, Cửu Nhi để mắt đến Dư Chiêm Ngao, một chàng trai khỏe mạnh trong đám phu kiệu. Đám rước kiệu bị cướp chặn đường và chính Dư Chiêm Ngao đã dũng cảm cứu cô khỏi tên cướp.
Ngày trở về nhà theo tục lại mặt. Khi qua cánh đồng cao lương cô bị Dư Chiêm Ngao rình bắt. Hoảng sợ chống lại, nhưng khi nhận ra kẻ bắt cóc là Dư Chiêm Ngao, cô đã lặng lẽ làm theo mọi hành động của anh. Sau ngày ấy, Cửu Nhi mang thai.
Cảnh trong phim “Cao lương đỏ”
Chồng Cửu Nhi chết một cách bí ẩn. Chủ chết, người làm trong xưởng rượu chán chường định bỏ đi, nhưng Cửu Nhi đã khuyên nhủ mọi người ở lại cùng gánh vác công việc.
Dư Chiêm Ngao tìm đến, ngang nhiên công bố mối quan hệ giữa anh và Cửu Nhi khiến cô bực tức đuổi anh ra khỏi nhà. Sau đó, anh biết chuyện Cửu Nhi bị tên thổ phỉ bắt cóc tống tiền và đã được Lôi Hồng lo liệu chuộc trở về. Anh tìm định giết tên thổ phỉ vì nghĩ hắn đã cưỡng hiếp Cửu Nhi nhưng được biết không có chuyện đó. Dư Chiêm Ngao về xưởng, tức giận đái vào các hũ rượu. Không ngờ lại làm rượu ngon hơn. Cũng lúc này, Lôi Hồng lặng lẽ bỏ đi. Từ đó rượu càng nổi tiếng với cái tên là “Cao Hồng”.
Nhật tấn công vào Cao Mật. Chúng giết Lôi Hồng - người Cửu Nhi rất tôn kính. Cô đã cùng mọi người quyết trả thù. Trong khi mang cơm đến cho những người phục kích bọn Nhật trong cánh đồng cao lương đỏ, Cửu Nhi đã bị quân Nhật bắn chết. Sau đó là cuộc chiến giữa bọn Nhật và người dân Cao Mật. Cuối cùng chỉ còn lại Dư Chiêm Ngao và con trai của anh với Cửu Nhi sống sót.
Cốt truyện không li kì nhưng phim đã hấp dẫn người xem từ đầu đến cuối. Với lối kể bằng đại từ ngôi thứ nhất (cháu kể về ông bà), theo lối dẫn chuyện vừa trực tiếp vừa gián tiếp, “Cao lương đỏ” đã tạo ra những chuyển đoạn, cắt đoạn rất linh hoạt.
Quay lại với tiểu thuyết “Hồng cao lương gia tộc”. Về tự sự, nhiều nhà lí luận cho rằng bằng lối viết phân mảnh rời rạc, cắt ghép trong cấu trúc của cốt truyện… “Hồng cao lương gia tộc” rất gần với thủ pháp dòng ý thức của văn chương hiện đại, hậu hiện đại. Mạc Ngôn không tái tạo một hiện thực đã qua trong ý nghĩa thông thường mà tái tạo một hiện thực mang màu sắc huyền thoại. Chính vì vậy, hiện thực trong “Hồng cao lương gia tộc” phảng phất tinh thần lãng mạn và gây chút mộng ảo trong người đọc. Vì thế mà nội dung nói về chiến tranh nhưng phần nào không khí truyện trở nên tĩnh tại, nhẹ nhàng hơn. Với kiểu tự sự như vậy khi chuyển sang lãnh địa điện ảnh thường gặp khó khăn. Nhưng Trương Nghệ Mưu cùng các nhà biên kịch đã vượt qua cái rào cản giữa văn học và điện ảnh ấy một cách ngoạn mục.
Các trường đoạn trong phim tỏ ra rất mạch lạc, khi ẩn khi hiện, khi kĩ lưỡng, khi lướt qua tạo ra sự đồng sáng tạo của người xem. Trong phim, hình ảnh cánh đồng cao lương đỏ từ nhiều góc máy, là không gian cho nhiều đại cảnh đã trở thành thủ pháp điện ảnh làm nền cho các kí ức được phục hiện. Những cánh đồng cao lương không chỉ là “chứng nhân” của lịch sử mà còn là nội dung các cảnh phim. Ví như cảnh Dư Chiêm Ngao lôi Cửu Nhi vào rừng cao lương để “hành sự”. Lúc Dư Chiêm Ngao cuống quýt đạp đổ cả một vùng cao lương đỏ rạp xuống để “làm giường” cũng là lúc những cơn gió quần thảo vô cùng dữ dội, cánh đồng cao lương quằn quại, ngả nghiêng trong gió. Những cơn gió ấy đã nói thay cơn sóng tình cuồng nộ, bất chấp của Dư Chiêm Ngao và cả Cửu Nhi (tuy kín đáo hơn).
Về lời thoại, cũng giống như nhiều phim điện ảnh xuất sắc khác, “Cao lương đỏ” rất kiệm lời. Một trong những thành công lớn của Trương Nghệ Mưu là để các diễn viên diễn xuất bằng nét mặt, ánh mắt, cử chỉ… Người xem từng được chứng kiến ánh mắt, nét mặt, từ cái nhìn ánh lên vẻ si mê thầm kín của Cửu Nhi (Củng Lợi sắm vai) khi ngắm nhìn tấm lưng trần vạm vỡ của Dư Chiêm Ngao; từ nét mặt giả vờ nghiêm khắc, giận dữ, cố tình che lấp tình cảm bên trong của cô khi Dư Chiêm Ngao xuất hiện ở xưởng rượu… Không một lời thoại nhưng khán giả vẫn cảm nhận được đầy đủ tâm lí thật của nhân vật. Ta luôn gặp lối diễn xuất như vậy rải rác trong nhiều cảnh phim.
Một thành công nữa của “Cao lương đỏ” là việc sử dụng tông màu chủ đạo trong phim. Theo các nhà sản xuất thì màu đỏ là loại màu làm khó cho các đạo diễn. Tuy nhiên, trong “Cao lương đỏ”, gam màu đem lại những tình cảm thẩm mỹ sâu đậm nhất cho người xem lại chính là màu đỏ: màu đỏ chiếc kiệu, quần áo, khăn, hài cô dâu… Rồi màu đỏ của bông cao lương, con đường, bầu trời, rượu, của máu… Đáng chú ý nhất là màu đỏ ở cuối phim, xác người vùi trong đất, trong thân cao lương cháy thui, cảnh hai cha con Dư Chiêm Ngao còn sống sót, ánh mắt tóe lửa nhìn trời, thì bất ngờ một màu đỏ như máu độc chiếm màn ảnh, tạo ra một hiện cảnh đau thương, đầy bi kịch nhưng cũng vô cùng bất khuất. Màu đỏ như nói hộ những người làm phim về tinh thần quật khởi của người dân Cao Mật, những con người dù phải trải qua bao đau thương nhưng không bao giờ chịu khuất phục trước mọi nghịch cảnh… Đó cũng chính là tư tưởng lớn của các tác giả trong “Cao lương đỏ”.
HỒ THỦY GIANG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...