(Đọc truyện dài thiếu nhi Chuyến phiêu lưu đến xứ sở bên kia Thác Mây Mù của Nguyệt Nguyệt, NXB Văn học, 2015)
Viết cho thiếu nhi là việc thậm khó, bởi nó có những đòi hỏi rất đặc thù. Không chỉ viết bằng sự hồn nhiên trong trẻo tự thân và một trí tưởng tượng bay bổng, một kiểu điều khiển ngôn ngữ duyên dáng, mà quan trọng là người viết còn phải có tâm thế thực sự “bình đẳng” với các em nhỏ. Đấy là chưa nói đến việc làm thế nào để niềm vui khám phá vẫn thăng hoa mà thông điệp vẫn đọng lại. Bởi thế, viết cho thiếu nhi luôn là một thách thức hấp dẫn.
Khi Nguyệt Nguyệt viết Chuyến phiêu lưu đến xứ sở bên kia Thác Mây Mù, tôi không biết cô có quan tâm lắm đến những điều trên không. Chỉ biết rằng, tác giả đã tặng cho các bạn nhỏ một chuyến phiêu lưu kỳ thú, tặng cho người lớn một chuyến trở về tuổi thơ, và trước nhất là tặng cho chính mình một hành trình đầy hạnh phúc. Như tác giả tự bạch ở đầu sách: “Đời người ai chẳng có thời điểm chán nản, bế tắc và muốn buông xuôi mọi thứ, ắt hẳn khi đó bạn sẽ giống như tôi, khao khát bước vào một thế giới tươi đẹp chỉ có an nhiên và hạnh phúc. Hạn chế ở thực tại, tôi chọn cách bước chân vào xứ sở kỳ diệu của riêng mình qua trí tưởng tượng, qua ước mơ và lòng mê say bất tận của tôi, và giờ đây, tôi chia sẻ cùng tất cả các bạn thế giới huyền diệu ấy…”.

Thế giới huyền diệu ấy kể về chuyến phiêu lưu của 3 bạn nhỏ Tròn, Phệ và Tũn. Mẹ của Tròn lâm bệnh nặng, cụ già làng cho em biết chỉ có loại quả cam đỏ thần dược chữa bách bệnh của lão thầy lang ở tận vùng Thác Mây Mù mới có thể cứu được mẹ em. Vậy là ba người bạn ngây ngô ngốc nghếch nhưng tràn đầy tình yêu thương và lòng can đảm đã cùng nhau hăng hái lên đường. Trong hành trình ấy, các bạn phải đối diện với liên tiếp những nguy hiểm bất ngờ như: bị cuốn trôi theo sông mắc vào câu, chống trả mụ trăn khổng lồ, chạy trốn hàng cây ma quái, chiến đấu với phi đội chuồn chuồn tàn ác, thoát hiểm khỏi hang nước đen chết chóc.v.v.. Sau những thử thách li kì bất tận ấy, cuối cùng, phần thưởng xứng đáng đã dành cho những cô bé cậu bé thông minh, gan dạ. Các bạn đã lấy được loại thuốc quý cần tìm và trở về ngôi làng thân yêu của mình. Bé Tròn được ùa vào vòng tay của người mẹ đã khỏe mạnh trở lại. Đặc biệt, kết thúc truyện khá bất ngờ, khi người mẹ kia đã khỏi bệnh mà chưa cần đến thứ biệt dược do đứa con yêu quý mang về. Người đọc sẽ ồ lên, hóa ra thành quả kia là một chuyện, có lẽ nó không quan trọng bằng những trải nghiệm của cuộc hành trình tuyệt vời. Trái cam đỏ kia cũng chính là ám dụ của lòng hiếu nghĩa và tình yêu thương đó thôi. Câu chuyện đọng lại những xúc động và suy ngẫm trong người đọc một cách thật giản dị và tự nhiên.
Đi qua cuốn truyện, một cảm giác rất lạ lẫm và ấn tượng, đó là thế giới ngôn ngữ trong trẻo, lôi cuốn. Không thể không ngạc nhiên thích thú với những chữ rất sống động mà tác giả tung tẩy đan trộn: um xùm, vựng nước, lộn cù mèo, nước mắt nước mũi tèm lem, suy chuyển, veo véo, váng động… Nó đúng là sinh ngữ của trẻ thơ chứ không phải là kiểu ngôn ngữ gán ghép gượng gạo mà nhiều người viết cho thiếu nhi dễ mắc.
Cảm ơn tác giả đã đem đến cuộc hành trình cho các bạn nhỏ, cho cả người lớn. Hi vọng rằng, bạn đọc khi mở trang sẽ có chuyến đi, chuyến trở về vừa kỳ thú vừa ý nghĩa.
Phạm Văn Vũ
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...