Mộng trắng còn bay cuối trời
VNTN - Gần sáu mươi năm trước nhà thơ còn là một đấng thiêng liêng đối với con người. Ngày cắp sách theo học cấp III tại trường thị xã, mỗi lần được bố mẹ cho vài đồng ăn sáng là tôi thường nhịn và dành dụm trong đáy cặp. Mỗi buổi tan trường, tôi bí mật rẽ vào cái quán nhỏ nhưng có tấm biển lớn với dòng chữ đậm nét, đầy kiêu hãnh: HIỆU SÁCH NHÂN DÂN. Tôi vào để tìm mua những tập thơ. Cứ vào khoảng một, hai tháng thì trên giá mới xuất hiện một tập thơ mới. Ngày xưa các tập thơ chỉ xuất bản nhỏ giọt như vậy thôi. Biết thế, nhưng buổi tan trường nào tôi cũng phải rẽ vào hiệu sách ít phút chỉ để ngắm nhìn những cuốn sách tươi mới cùng những cái tên tác giả xanh đỏ ghi trên đầu trang bìa trong một niềm kính trọng vô biên. Hình như đó không phải là những cuốn sách mà là những tinh tú trên khắp bầu trời về đậu trên giá sách tỏa ra một thứ ánh sáng chói lòa. Những tên tuổi như Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Yến Lan, Cầm Giang… với tôi bắt đầu trở nên quen thuộc từ thuở ấy. Nói là quen thuộc chứ thực ra là rất xa vời. Một khoảng cách đến mức tưởng như không bao giờ với tới. Bởi vì khi nghe thày giáo giảng trên lớp, những cái tên tuổi ấy đối với lũ học sinh cấp III chúng tôi thần kỳ đến mức như họ không thể có mặt ở cõi trần gian này. Họ ở đâu đó cao siêu lắm, trên tít tận mấy tầng mây xanh.
Mấy năm học cấp III tôi đã mua được khoảng ba mươi tập thơ ở cái hiệu sách nhỏ ấy. Tôi xếp những tập thơ mỏng tang một cách trang trọng trên giá sách cá nhân rồi đêm đêm khi đã làm xong các loại bài tập thày giáo cho về nhà lại lặng lẽ mang chúng ra đọc trong một nỗi bồi hồi khôn tả. Những ngôn từ, lúc âm thầm lặng lẽ, lúc lung linh vang vọng trong tâm hồn non trẻ của tôi. Ngày ấy tôi yêu thơ đến mê mẩn. Thỉnh thoảng lại làm cháy một cái siêu vì tội vừa đun nước vừa hồi nhớ lại những câu thơ hay trong vẻ mặt ngây ngô đến kỳ dị. Mẹ tôi lo tôi trở thành người lẩn thẩn. Bố thì dứt khoát hướng tôi trở thành một nhà kỹ thuật cơ khí theo nghề của ông. Bố bảo nghề ấy kiếm ra tiền lại giúp ích cho đời. Còn tôi, tuy yêu thơ nhưng chưa bao giờ dám mơ tưởng đến chuyện trở thành nhà thơ. Bởi trong tận đáy lòng, tôi nghĩ các nhà thơ không tồn tại ở cõi dương gian này. Những kẻ trần tục như tôi đâu sinh ra để làm nhà thơ.
Tôi đã trở thành kỹ sư cơ khí như bố mong đợi. Nhưng gần như suốt cả cuộc đời, tôi chỉ thực thi nghề nghiệp để kiếm sống chứ không hề có sự say mê. Dù vậy, tôi cũng đã hành nghề cho đến tận lúc về hưu. Cái nghề cơ khí khô khan nhưng cũng đã nuôi sống gia đình tôi ở mức tương đối khá giả. Tận trong trái tim, tôi vẫn không thể nào quên được những tập thơ cùng những tên tuổi mà ngày còn đi học mình đã từng phải nhịn ăn sáng mới có được. Với tôi, họ vẫn là những vầng sáng không tắt trong tâm hồn.
Nhưng công bằng và thành thực mà nói, nhiều năm tháng trôi qua, trước miếng cơm manh áo, trước công việc nặng nề cùng với bao trách nhiệm phải lo toan, tình yêu thơ của tôi cũng ít nhiều vơi cạn. Nhất là sau này, hình như có rất nhiều người quay lưng lại với thơ. Các tập thơ chịu số phận nằm chung cùng bụi bặm thời gian trên thư viện hoặc lay lắt bên lề cuộc sống. Còn nhớ, vào những năm sau Đổi Mới, phong trào thơ tự xuất bản, thơ tự in bắt đầu xuất hiện như nấm sau mưa. Thơ càng ra lò thì độc giả lại càng ít đi một cách thảm hại. Tương phản với tình trạng tự in thơ, ở cửa nhiều cơ quan, trường học cũng bắt đầu xuất hiện những tấm biển đầy mỉa mai, chua xót: “Ở đây không cần mua sách, nhất là những tập thơ”. Các “Hiệu sách nhân dân” hoành tráng xưa đã mất tăm trên nhiều đường phố. Nhưng, quyết tử thay và ngoan cố thay, hàng ngàn, mà không, có thể là hàng vạn cái tên tác giả lạ hoắc vẫn ung dung ngự trên đầu những trang bìa sách thơ xanh đỏ tím vàng trong nỗi tự hào huyễn tưởng của không ít tác giả. Mỗi tỉnh, hàng ngàn câu lạc bộ thơ ra đời. Xóm nào cũng có ít nhất một vài nhà thơ. Đến nỗi, có nhiều nhà phê bình phải đau đớn thốt lên bằng những lời có phần hoảng hốt: “nhiễu thơ”, “loạn thơ”, “ngộ độc thơ”... Những câu ca dao hiện đại mang vẻ chế nhạo thơ cứ lần lượt ra đời như để răn đe những ai định thiêu thân trong nghiệp thơ phú: “Đêm nằm nghĩ mãi không ra/ Cớ sao thằng ấy lại là nhà thơ”, “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”, “Còn trẻ mỗi người một ngành/ Về hưu tất cả hóa thành nhà thơ”. Thật hài hước và bi ai. Các nhà thơ từ đỉnh cao chót vót bỗng cùng nhau hạ cánh xuống vực sâu.
Xóm tôi cũng có một nhà thơ như thế. Ông vốn là một giáo viên văn về hưu, có lẽ ngày trước còn bận bịu với những trang giáo án nên chưa có thì giờ để mắt đến thơ. Về nghỉ mới vài năm ông đã viết và cho xuất bản tới ngót mười tập thơ. Năng suất như vậy nếu so với cái ngày tôi vào hiệu sách mua thơ gần sáu mươi năm trước thì tốc độ xuất bản của ông sẽ bằng một phần ba tất cả các nhà thơ Việt Nam hồi ấy cộng lại. Nhưng không sao cả. Ông xuất bản bằng chính đồng tiền của mình dành dụm suốt cả đời công tác chứ đâu có bằng tiền thuế của nhân dân. Vợ ông mất, con cái đã phương trưởng, ông dùng tiền túi, thậm chí bán một lô đất không dùng đến để in thơ thì đâu có hại gì cho hòa bình thế giới. So với lòng yêu thơ của tôi từ cái thuở thỉnh thoảng làm cháy một cái siêu đun nước thì lòng yêu thơ của ông còn cao gấp bội phần. Thì ra, lòng yêu thơ của nhân gian từng được thượng đế ban cho trước sau không có gì thay đổi hoặc sa sút. Nó giống như Định luật Bảo toàn năng lượng: “Năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi. Nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác hoặc truyền từ vật này sang vật khác”. Cũng vậy, sự đam mê thơ ngày hôm nay vẫn y nguyên như thuở nào, có điều nó chỉ được chuyển từ người yêu thơ sang người làm thơ mà thôi.
Ông nhà thơ xóm tôi làm thơ như lên đồng. Suốt ngày không rời chiếc bàn kê bên cửa sổ nhìn ra khoảng trời mênh mông trước mặt. Xa xa là cây gạo cổ thụ dựng trên trời xanh, cứ vào tháng ba lại ràn rạt rụng những cánh hoa bầm đỏ. Có lần ông nhà thơ nói với tôi: “Ngôi nhà cũ của thày u tôi cũng có cây gạo mọc sau vườn. Từ thuở nhỏ tôi đã yêu và thương hoa gạo. Đời hoa gạo giống như đời tôi. Mùa xuân về khi cây cối tươi tốt, đua nhau kết hoa thì hoa gạo lại âm thầm rụng xuống như một sự lụi tàn. Tôi cũng vậy, những lúc mọi người vui phới phới tôi lại luôn cảm thấy trong lòng u uẩn một nỗi buồn, một nỗi buồn vô thanh, vô hình, vô ảnh. Vậy mà vẫn cứ buồn không sao cưỡng nổi. Nói sợ ông cười, chứ tháng ba năm nào tôi cũng ra ngồi dưới gốc cây gạo cuối làng mình âm thầm khóc để chia ly với những cánh hoa gạo rụng đấy ông ạ. Hoa gạo là một định mệnh của cuộc đời tôi”.
Tuy chưa bao giờ làm nổi một bài thơ nhưng khá hiểu tâm lý người sáng tác thơ nên tôi hoàn toàn đồng cảm với ông. Nhà thơ mà giống như mọi người thì làm sao có thể sản sinh ra, dù chỉ một câu thơ tuyệt tác.
Cứ vài tháng ông nhà thơ lại lặng lẽ đến nhà tặng tôi một tập thơ mới với một nỗi niềm rưng rưng xen sự lúng túng, bất an. Có lẽ ông cũng linh cảm thấy thời buổi này mang thơ tặng có khi lại làm khổ nhau. Giọng ông run run, không rõ do xúc động hay lo lắng, phiền muộn:
- Ông đọc cũng được, không đọc cũng chẳng sao. Ông cứ đưa nó lên giá sách nhà ông, coi như một kỷ niệm với bạn bè thì tôi cũng đã vui lắm rồi.
Tôi xua tay:
- Ấy chết! Phải đọc chứ bác. Tôi cũng là người yêu thơ mà.
Nhưng mà nói vậy thôi chứ trước bao nhiêu thúc ép của cuộc sống cùng sự lười nhác của tuổi già, nhiều khi cầm tập thơ của ông tôi cũng chỉ lật lật qua loa vài tờ, đọc hú họa một, hai bài rồi nhét lên giá sách với ý nghĩ tự an ủi là sẽ dành thời gian đọc lại vào một dịp khác. Thế nhưng cái lần sau ấy không bao giờ đến. Buồn thế đấy. Một người thời trẻ từng quên ăn, quên ngủ vì thơ như tôi mà bây giờ lại xa lánh thơ đến vậy kể cũng là một tội lỗi khó tha thứ. Nhưng nói cho cùng thì ngày hôm nay, thơ nói chung và thơ của ông nhà thơ xóm tôi nói riêng thực ra cũng vì quá nông cạn, xơ cứng nên không đến được lòng người. Đọc cả trăm bài thơ mà cứ trượt đi trong tâm trí, không đọng lại điều gì đang kể. Vậy, nói tôi đáng trách thì cũng nên được cảm thông phần nào. Nhưng mà thôi, thời buổi này cứ luận mãi về văn chương, thơ phú thì đâu cũng hợp lẽ thường. Thôi thì cũng đành coi việc ông tặng thơ như tặng nhau một kỷ niệm.
Bất ngờ, khi đang hoàn thành tập thơ thứ mười thì ông nhà thơ xóm tôi vĩnh viễn ra đi. Ông đột qụy ngay trên cái bàn chuyên dùng để sáng tác thơ. Lạ thay, lại đúng vào mùa hoa gạo rụng. Mộ ông được đặt ở khu nghĩa địa sát bên cạnh cây gạo cổ thụ cuối làng. Khi đám tang về hết, tôi còn nán lại, đăm chiêu ngồi dưới gốc gạo trong một nỗi buồn khắc khoải. Tôi lặng lẽ nhìn thảm hoa xơ xác, tơi tả dưới gốc gạo xù xì. Có lẽ mải hoàn chỉnh bản thảo cho tập thơ thứ mười nên năm nay ông chưa có dịp ra đây để khóc cho những cánh hoa gạo rụng. Tôi đến để khóc thay ông. Nhìn cây gạo cô đơn, tôi cảm giác hình như từng cánh hoa gạo đang sa xuống mặt đất những giọt nước mắt đỏ ngầu mà khóc ông. Nhà thơ nói đúng, cây gạo chính là định mệnh của đời ông.
Chuyện về ông nhà thơ xóm tôi đến đây có thể đã hoàn toàn kết thúc. Vậy mà không. Hai năm sau, bỗng có một nhân vật thứ ba bất ngờ xuất hiện. Mãi sau này tôi mới biết cô gái ấy tên là Tuyết Trinh, sinh viên năm thứ tư của một trường đại học. Nhân đây, tôi cũng xin nói với bạn đọc rằng, nhân vật Tuyết Trinh hoàn toàn không có dự kiến trong đề cương của thiên truyện ngắn này. Cô xuất hiện rất đường đột và bí ẩn. Ngay cả tôi, với tư cách là tác giả cũng không hề hay biết cô đã bước vào tác phẩm của mình bằng cách nào. Nhưng quả là trong sáng tác vẫn thường xảy những chuyện như thế.
Bây giờ thì Tuyết Trinh, với vẻ mặt vô hồn, thất thần đang bước những bước liêu xiêu vào thư viện tỉnh. Nếu tôi đoán không nhầm thì cô đang thất tình. Cô vào thư viện có lẽ không phải vì cần đọc sách mà như để chạy trốn. Chạy trốn cuộc đời, chạy trốn tình yêu. Tuổi đôi mươi là vậy. Mất người yêu nghĩa là mất đi một báu vật không gì so sánh nổi. Anh ta là nhất thế giới, kể cả những ngôi sao rực rỡ, chói lọi nhất trần gian này cũng không thể sánh cùng. Như thế có nghĩa là, chỉ ngày mai, ngày kia, thậm chí ngay tối nay thôi, cô sẽ gieo mình xuống sông Cầu, dòng sông đã từng phải thắt lòng “đón nhận” những số phận tình yêu của bao lứa đôi dở dang, tuyệt vọng “?”
Tuyết Trinh đi đến bên cái giá lớn của phòng mượn sách, một căn phòng hoe vắng nhưng sách vẫn chất đầy một cách ngạo nghễ quanh bốn bức tường. Tuyết Trinh đưa bàn tay run rảy và nhợt nhạt bới tìm chồng sách. Như bất ngờ, như vô định, cô dõi ánh mắt đờ dại vào bìa một tập thơ, ánh mắt hắt ra một tia sáng nhỏ. Từ xa, nhìn bìa sách tôi nhận ra đó chính là tập thơ của ông nhà thơ xóm tôi, tập thơ thứ tám, thứ chín gì đó, với cái nhan đề là “Hoa gạo”. Cầm tập thơ, cô bé chợt thốt lên bằng một giọng thoảng qua như một hơi thở buồn: “Ôi! Hoa gạo! Loài hoa khổ đau của mình ư?”.
Vẫn bằng ánh mắt vô hồn, Tuyết Trinh hướng vào một trang thơ, cắm cúi đọc. Một lúc, tôi thấy mắt cô nhắm nghiền và… một giọt nước mắt trong suốt rỏ xuống trang sách.
Đến lúc này tôi không thể cưỡng lại sự tò mò, rất muốn biết cô đang đọc bài thơ nào trên trang sách. Tôi nhẹ nhàng đến gần. Vì đang quá chú tâm vào tập thơ nên Tuyết Trinh không biết có người đứng ngay phía sau. Tôi ghé mắt vào trang sách. Thì ra đó là bài thơ “Hoa gạo”, cũng là tên của tập thơ. Bài thơ chỉ vẻn vẹn có hai câu: “Ngàn hoa chết đỏ dưới cây/ Có hay mộng trắng còn bay cuối trời”. Tôi hơi sững người. Bài thơ chỉ vẻn vẹn hai dòng mà làm cho trái tim tôi như ngừng đập. Không hoa mỹ, chẳng triết lý sâu xa nhưng dường như hai câu thơ ngắn ngủi mà như gói trọn cả cái vô thường, nỗi tuyệt vọng cùng niềm khát vọng vô bờ của cõi trần ai. Hoa đi vào cõi chết nhưng những sợi bông gạo trắng muốt, tinh khôi vẫn theo gió bay về phía cuối trời, gieo mầm sống trên những miền đất mới. Lâu nay vốn có quá ít hy vọng ở tài năng của ông nhà thơ cùng xóm nên dù được tặng toàn bộ các tập thơ ông xuất bản nhưng đây là bài thơ tôi mới được đọc lần đầu. Trong hàng trăm bài thơ dưới trung bình hoặc đáng bỏ đi của ông thì hai câu thơ này quả là đã gieo vào trái tim tôi một nỗi xúc động nghẹn ngào. Nhưng tôi biết, ông viết được một câu thơ hay về hoa gạo như thế cũng là điều dễ hiểu. Cả đời ông từng đầm mình, từng rơi bao giọt nước mắt trước những mùa hoa gạo rụng. Hoa gạo là định mệnh của đời ông. Từ tâm hồn cô đơn khổ đau, chắt ra một câu thơ tuyệt mỹ về hoa gạo cũng là chuyện của lẽ thường. Ai đó đã nói, có những người cả đời chỉ duy nhất có một câu thơ hay nhưng cũng đủ để gọi là thi sĩ. Trường hợp này quả chính xác với ông. Tôi hơi ân hận và tự trách mình đã không làm nổi cái việc đãi một vảy vàng trong cái sa khoáng thơ mênh mông của ông.
Cô bé Tuyết Trinh vẫn đờ đẫn trước trang thơ. Cô cũng yêu hoa gạo. Có thể hoa gạo là một loài hoa nồng nàn ký ức trong cô. Cũng giống như ông nhà thơ, hoa gạo là một loài hoa định mệnh của đời cô. Vì vậy, cô không thể không ngậm ngùi trước câu thơ mà hẳn là khi viết tác giả đã ròng ròng “nhỏ máu năm đầu ngón tay” như Nguyễn Du từng nói. Từ đáy mắt phủ một lớp sương u ám của cô chợt ánh lên một nỗi buồn thanh sáng. Hình như một triết gia đã nói một câu rất chí lý: “Mọi bi kịch đều bắc một nhịp cầu trở về với cuộc sống”. Chợt như thức ngộ, Tuyết Trinh run rảy khẽ nâng tập thơ lên bằng những ngón tay trắng xanh, mềm mại. Những giọt nước mắt của cô lại lăn lăn xuống làm trang thơ nhòe ướt. Tôi chợt hiểu, chỉ có nước mắt cô đơn của thi ca mới có thể rửa sạch sự cô đơn, tuyệt vọng trên cõi đời này.
Tuyết Trinh nhẹ nhàng ôm tập thơ vào ngực, lặng lẽ đi về phía cô nhân viên phòng mượn sách.
* * *
Phút gặp gỡ giữa tôi và Tuyết Trinh chỉ ngắn ngủi vậy. Sau đó tôi cũng không gặp lại cô dù chỉ một lần. Nhưng trong hình dung đầy lãng mạn của tôi thì Tuyết Trinh sẽ là một sợi bông gạo trắng muốt bay bay về phía cuối trời.
Truyện ngắn. HỒ THỦY GIANG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...