Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
16:10 (GMT +7)

Mong một ngày đặt chân đến Trường Sa

VNTN - Việt Nam là một quốc gia biển. Từ thuở hồng hoang, chúng ta đã là một quốc gia biển rồi! Truyền thuyết Mẹ Âu Cơ, Cha Lạc Long Quân như một lời nhắc nhớ về cội nguồn là vậy.

Khi tổ tiên chúng ta mới chỉ là những tộc người bản địa, có lẽ còn chưa có cả chữ viết, mới chỉ có tiếng Việt, thì trong các truyền thuyết đã nhắc đến chủ quyền biển đảo, với “Hạ Long”, “Bái Tử Long”, “Bạch Long Vĩ”... gắn liền với tinh thần bảo vệ Tổ quốc, chống quân xâm lăng từ biển tiến vào.

“... Mẹ Rồng theo lời Ngọc Hoàng, dẫn cả đàn rồng con xuống hạ giới để giúp dân lành trừ họa xâm lăng từ biển, mẹ Rồng cùng cả đàn con phun châu, nhả ngọc, tự hóa thân thành muôn vàn đảo đá nhỏ, tạo nên bức tường thành, làm phên dậu sừng sững giữa biển khơi, chặn bước và đánh tan quân xâm lược, danh tiếng ấy còn để lại những địa danh đến bây giờ, nơi Mẹ Rồng hạ cánh cho ta vịnh Hạ Long, các con rồng hóa thân dựng phên lũy - còn đó Bái Tử Long, đuôi rồng quẫy mừng chiến thắng, biển sục sôi bọt trắng đến bây giờ - Bạch Long Vĩ...”.

Từ xa xưa, các đời chúa Nguyễn vẫn luôn kế tiếp nhau khẳng định mình là quốc gia biển, bằng cách cắt cử các đội hùng binh, thay nhau vươn ra cắm bia, dựng nên cánh cung phên lũy phía đông, đông nam Mẹ Biển, để chúng ta có những Trường Sa, Hoàng Sa ngày hôm nay...

 

Trường Sa giờ là huyện đảo, có ngư dân, có tiếng gà gáy gọi sớm trưa, tiếng chuông chùa thong thả, an lành, tiếng trẻ thơ nô đùa, tiếng thầy cô sáng lên trong từng tiết học,... như muôn vàn làng quê yên bình khác nơi đất liền. Để có được bấy nhiêu, biết bao người nằm xuống, hóa thân thành những cột mốc chủ quyền giữa lòng Mẹ Biển, thêm những Bái Tử Long sừng sững giữa thời hiện đại, viết tiếp những trang truyền thuyết giữ nước ngày xưa.

Kẻ thù từ biển hôm nay, gian hiểm hơn tổ tiên chúng ngày xưa rất nhiều, thơn thớt, xoen xoét “hữu hảo” đấy, mà trở mặt dao búa ngay được! Giữa hòa bình, lớp lớp cháu con vẫn kế tiếp nhau hành quân cắm đảo, giữ từng tấc chủ quyền mà cha ông trao cho. Bao nhiêu ngòi bút cùng hướng ra biển, bao trái tim đập cùng nhịp tim của Mẹ Biển, đau từng nỗi hận trào máu của Mẹ nơi đảo xa. Những ngày Giàn khoan HD 981 lù lù một đống, cắm cái vòi bạch tuộc tham lam, nhơ nhớp xuống lòng Mẹ Biển, tôi đã viết:

“... Quỷ hiện nguyên hình bâu tới đây/ Biển Đông nổi hận, quặn đêm ngày/ Hung hăng quẫy nước khoe tàu chiến/ Lồng lộn đâm trời diễu máy bay/ Leo lẻo răng môi chung ý tưởng/ Lăm le dao búa lật bàn tay/ Bạch Đằng sóng đỏ loang về đó:/ Nhắn lũ ngông cuồng chương đắng cay!”

(SÓNG ĐỎ)

Cũng trong những ngày tháng Mẹ Biển trào nước mắt ấy, trong một buổi phát thanh Quân đội nhân dân của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi tình cờ nghe được câu chuyện về chuyến vượt biển ra đảo thăm chồng của một người vợ. Hai người cưới nhau đã mấy năm chưa gặp lại, kể từ ngày anh làm lính biển. Khi người vợ trên ca nô vào đảo, người chồng hay tin cũng xuống ca nô, ngược ra tàu đón vợ. Tàu chỉ tiếp tế, chuyển hàng hóa rồi phải tiếp tục nhổ neo sang đảo khác, vậy là hai người chẳng gặp được nhau. Tôi ứa nước mắt khi viết:

“... Tàu buông neo giữa mịt mờ/ xuồng em rẽ nước nhắm bờ đảo xanh/ Lặng thầm đằng đẵng tháng năm/ bữa nay đạp sóng ra thăm đảo - chồng/ Sóng gào/ cuồn cuộn nhớ mong/ mà sao chẳng thấy anh trong lệ nhòa/ ..../ Cạn chiều, lạc sóng tìm nhau/ biển rung.../ trắng khúc bạc đầu/ tình ca!”

(TÌNH CA LÍNH BIỂN)

Khi hay tin những người con Việt phải nằm lại biển khơi trong bão tố cùng với những nhà giàn thế hệ cũ, đơn sơ không chịu nổi bão tố, để rồi những nhà giàn thế hệ mới được mọc lên vững chãi hơn ngay trên nền nhà cũ, những người lính lại chắc tay súng trên nhà giàn, tôi viết:

“... Giữa trùng dương/ sóng.../ mặn mòi/ Vẫn lung linh/ dẫn biển trời/ vào đêm/ …./ Cắm chân tận đáy biển sâu/ Vai trần/ Vươn.../ Gánh hai đầu Biển Đông.”

(LÍNH NHÀ GIÀN)

Hoà chung nhịp bước chân hành quân ra biển, dẫu giữa những khoảng bình yên giữa các cơn giông tố, tôi viết:

"... Lưng tựa Trường Sơn, hướng Biển Đông/ Ngàn năm một khí phách Tiên Rồng/ Cát vàng tổ quốc vươn khơi biển/ Máu đỏ hùng binh thấm lạch dòng/ Sóng quặn thầm tử muôn mộ gió/ Đất bầm uất nghẹn những hầm chông/ Vững lòng kết khối khi thù tới/ Hào sảng ngân chung nhịp trống đồng.”

(KHÍ PHÁCH DIÊN HỒNG)

Còn nhiều, nhiều lắm những cung bậc tình cảm, theo mỗi khắc thời gian, trái tim tôi luôn hướng về biển đảo, nơi đó còn có biết bao nhiêu những người con Việt, họ là những đồng đội thế hệ sau của tôi, đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời. Nhìn những bức ảnh chụp các chiến sĩ mũ áo chỉnh tề, mặt sạm đen như tạc bằng đồng, dưới cái nắng nóng như lửa đổ, ánh mắt hiền từ mà cương nghị... tôi như thấy lại mình trong đó, những ngày xưa khi còn trong quân ngũ. Có giấc mơ, tôi thấy mình được ra đảo, giữa ầm ào sóng bủa,… tỉnh dậy mà tiếc mãi. Giá một ngày nào, ước mơ ấy trở thành hiện thực, tôi được ra tận nơi địa đầu, phần máu thịt tận cùng phía đông của Tổ quốc…!

NGUYỄN MINH TRỌNG (Chi hội Thơ)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tết ở Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 2 năm trước

Yêu biển đảo qua lời thơ, câu hát

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Đảo Sơn Ca… rì rào sóng vỗ

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Các anh mang mùa xuân đến cho quê hương

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Gửi những “thiên sứ bảo vệ hòa bình”

Hướng về biển đảo quê hương 4 năm trước

Yêu từ trong tâm tưởng đến hành động

Hướng về biển đảo quê hương 4 năm trước