ĐƯA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIX VÀO CUỘC SỐNG
Mong đường để “khai thông” kinh tế
VNTN - Bình Sơn là xã miền núi duy nhất của thành phố Sông Công và cũng là xã nằm cách xa trung tâm, khó khăn nhất của Thành phố. Nằm ở bên kia bờ sông Công, trước đây, để ra được trung tâm Thị xã (nay là thành phố Sông Công) hoặc ra thành phố Thái Nguyên, người dân đều phải qua cầu treo, qua đò hoặc lội sông. Vì vậy, dù đã hơn 20 năm kể từ khi sáp nhập về thị xã Sông Công (tháng 4/1999), nhưng đến nay, nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội của Bình Sơn vẫn còn chậm, chưa theo kịp các xã, phường khác. Mặc dù có khá nhiều tiềm năng, song một trong những “rào cản” lớn nhất vẫn là giao thông kết nối với các đô thị ở bên kia bờ sông.
Tiềm năng lớn
Ông Dương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Toàn xã hiện có 2.326 hộ, với 9.034 nhân khẩu, diện tích tự nhiên 28,2km2, trong đó đất nông nghiệp 2.355ha nên có tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp. Trên 90% số hộ trong xã làm nông nghiệp, nguồn thu chủ yếu từ cây lúa, cây chè kết hợp với chăn nuôi, trồng rừng. Nhờ đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, lại được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, cộng với tinh thần đoàn kết, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, nên những năm gần đây, kinh tế - xã hội của địa phương đã có nhiều khởi sắc, chuyển biến rõ rệt. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,98%, giảm 2,58% so với năm 2018; thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng.
Nói về những thế mạnh của địa phương, ông Hải cho biết: Bình Sơn có những tiềm năng mà nhiều xã, phường khác không có. Đó là thế mạnh về cây chè, chăn nuôi và du lịch sinh thái.
Chè Bình Sơn được đánh giá là chất lượng tốt, hương vị thơm, ngon không thua kém gì chè Tân Cương của TP. Thái Nguyên, có lẽ vì điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng của Bình Sơn và Tân Cương tương đương nhau, chỉ khác là mỗi địa phương nằm ở một bên bờ sông. Diện tích chè của xã Bình Sơn hiện nay là 305ha, năng suất đạt 14 tạ chè búp khô/sào/lứa. Xã có 3 làng nghề chè truyền thống, mà tên tuổi đã trở nên quen thuộc với các hộ kinh doanh mặt hàng này: Khe Lim, Bình Định, Tiền Tiến.
Người dân mong đoạn đường qua xóm Bến Đò, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên dẫn lên cầu Bình Sơn sớm được đầu tư, cải tạo
Nằm trên địa bàn xã, có Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, đơn vị thuộc Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (khi thành lập tháng 4/1960 có tên là Trại Nhân giống ngựa Bá Vân, xã Bình Sơn). Trung tâm có chức năng nghiên cứu chọn lọc, nhân thuần, lai tạo, giữ giống gốc các giống vật nuôi; nghiên cứu chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi, thử nghiệm gây trồng, bảo quản và sử dụng các loại cây thức ăn gia súc; tư vấn dịch vụ khoa học công nghệ chăn nuôi... Các kết quả nghiên cứu khoa học của Trung tâm thường được chuyển giao, áp dụng sớm nhất cho nhân dân tại địa phương, nhờ đó, giúp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế. Mới đây, Trung tâm còn phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) chăm sóc, huấn luyện hơn 100 cá thể ngựa nhằm phục vụ cho công tác huấn luyện của Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh, đáp ứng công tác nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động trong thời gian tới.
Ông Dương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn: Nguyện vọng của nhân dân xã Bình Sơn là lãnh đạo các cấp, các địa phương sớm quan tâm đầu tư, sửa chữa tuyến đường dẫn lên cầu Bình Sơn, vừa giúp cho việc khai thác cây cầu đạt hiệu quả, vừa giúp nhân dân phát triển kinh tế, đặc biệt là giúp Bình Sơn khai thác được thế mạnh về cây chè, chăn nuôi và phát triển du lịch trong tương lai. Hơn nữa, cũng mong muốn lãnh đạo xã Thịnh Đức chỉ đạo mở rộng đoạn đường dẫn ở sát đầu cầu phía Thịnh Đức, hiện đang là 3,5m, ô tô không tránh nhau được; trong khi phía đầu cầu bên Bình Sơn rộng 7 m…
Hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn) là một thắng cảnh đẹp của tỉnh Thái Nguyên, với diện tích mặt nước 84ha, 45 đảo và bán đảo lớn nhỏ, là tiềm năng du lịch rất lớn, nhưng vẫn được ví như “nàng tiên ngủ trong rừng”. Lãnh đạo xã Bình Sơn cho hay: Mới đây, việc đầu tư, khai thác du lịch sinh thái ở hồ Ghềnh Chè đã được Công ty Cổ phần Toàn cầu (Tập đoàn TMS, Hà Nội) quan tâm, đến tìm hiểu và đã được UBND tỉnh ký biên bản ghi nhớ hợp tác (gồm Dự án Sân golf và Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Ghềnh Chè). Theo nghiên cứu của TMS, đây là khu vực có nhiều giá trị về văn hóa - lịch sử và cảnh quan. Vì thế, nhà đầu tư muốn xây dựng ở đây sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí; du lịch thám hiểm, mạo hiểm, leo núi; du lịch trải nghiệm cuộc sống làng văn hóa chè và du lịch sinh thái bảo vệ rừng. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Dự án trên 3 nghìn tỷ đồng.
Tháng 9/2019, xã Bình Sơn được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận là Xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nơi đây có Căng Bá Vân do thực dân Pháp xây dựng năm 1942 để giam cầm những người chống đối, trong đó phần lớn là các chiến sĩ cách mạng. Chi bộ Căng được thành lập, thực hiện phương châm “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, móc nối hoạt động với Xứ ủy Bắc Kỳ và gây dựng cơ sở cách mạng ra các vùng lân cận. Năm 1994, Di tích Căng Bá Vân được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia.
Những thuận lợi trên đang tạo đà cho phát triển du lịch ở Bình Sơn. Trên thực tế, đã có khá nhiều tour du lịch do các doanh nghiệp du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc đưa khách tham quan theo tuyến: từ hồ Đại Lải qua đèo Nhe, theo Đường tỉnh 261 tới Phúc Thuận (Phổ Yên) rồi vào hồ Ghềnh Chè, sau đó sang TP. Thái Nguyên để lên hồ Núi Cốc hoặc các địa điểm du lịch khác.
“Rào cản” lớn
Tiềm năng, thế mạnh đã thấy rõ. Nhưng như cả Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Bình Sơn đều khẳng định: giao thông kết nối với các đô thị lớn ở bên kia bờ sông Công trước nay vẫn là “rào cản” chính khiến kinh tế - xã hội của địa phương không thể “bật” lên được. Đến tận năm 1971, cây cầu treo Bình Sơn mới được xây dựng, còn trước đó, muốn sang sông chỉ có cách lội qua hoặc đi đò. Bến đò Xuân Đãng vì thế đã đi vào câu hát trong bài “Đôi bờ Sông Công” của nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Ai xuôi, ai ngược còn nhớ Thái Nguyên, hương chè Tân Cương, bến đò Xuân Đãng…”. Sau này, để giải quyết khó khăn cho việc đi lại của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đầu tư xây dựng ngầm tràn Bá Vân ngay phía dưới cầu treo. Nhờ ngầm tràn này, ô tô đã có thể đi lại, trừ những ngày mưa to, nước lớn. Rồi đến năm 2012, để phát triển kinh tế - xã hội 2 xã phía Tây là Vinh Sơn và Bình Sơn, thị xã Sông Công khi đó đã đầu tư xây dựng cầu Cứng (ngay gần bến đò Xuân Đãng), khai thông “bế tắc” về giao thông giữa hai bờ tại đoạn sông chảy qua gần khu trung tâm thành phố.
Cầu Bình Sơn xây dựng tại vị trí của cầu treo Bình Sơn trước đây vừa mới đưa vào sử dụng đầu năm 2020.
Với cầu treo, ngầm tràn, cầu Cứng, những tưởng đã giải được bài toán về “rào cản” giao thông cho Bình Sơn, nhưng thực tế không hẳn là như vậy. Lãnh đạo địa phương cho biết: Mật độ giao thương giữa Bình Sơn với thành phố Thái Nguyên luôn cao hơn nhiều so với giữa Bình Sơn và thành phố Sông Công. Do vậy, khi cây cầu treo Bình Sơn xuống cấp đến mức phải ngừng khai thác thì người dân buộc phải đi bằng ngầm tràn, và những lúc trời mưa, nước dâng lên ngầm, họ lại trở về “con đường” lội sông như thuở nào! Cho đến đầu năm 2020, cây cầu Bình Sơn xây bằng bê tông được khánh thành, mặt cầu rộng 3,5m, dài 81,2m, tải trọng 16 tấn thì người dân Bình Sơn mới được hiện thực hóa ước mơ từ bao đời về một cây cầu cứng vượt sông Công sang thành phố Thái Nguyên.
Nhưng mong cầu, rồi lại mong… đường dẫn!
Niềm vui được đi trên cây cầu cứng (không thu phí) đã hiện diện trên khuôn mặt của người dân hai bên bờ sông Công. Nhưng cũng đúng thời điểm hoàn thành cầu, thì cũng là lúc đường dẫn lên cầu phía bên thành phố Thái Nguyên (thuộc địa phận xã Thịnh Đức) bị xuống cấp nghiêm trọng.
Anh Trần Tuấn Anh, xóm Tân Tiến, xã Bình Sơn, chủ hộ kinh doanh thiết bị điện và vật liệu xây dựng cho biết: Gia đình anh có xe tải 2,5 tấn thường xuyên đi lại tuyến đường này để nhập và giao hàng, ngày nào cũng phải đi, về tới 2-3 lần. Đường này bị hỏng đã lâu, mặt đường biến thành những “ổ gà”, “ổ voi” nham nhở, tránh không nổi, đi lại rất khó khăn. Nhất là những hôm trời mưa to, nước mưa đọng lại, ngập bằng trên mặt đường khiến lái xe không còn biết hố nằm ở chỗ nào để mà tránh nữa!
Anh Trần Tuấn Anh (người đứng bên trái) trao đổi với phóng viên về những khó khăn khi qua đoạn đường từ cầu Bình Sơn tới Đường tỉnh 262
Chỉ hơn 1 cây số, nhưng xe tải của anh Tuấn Anh phải đi mất cả tiếng đồng hồ. Đôi khi còn bị sa lầy, chết máy rất vất vả. Đã nhiều lần, anh phải đi vòng xuống xóm Ao Cang (xã Bá Xuyên, TP. Sông Công), theo đường bê tông nội đồng rồi vòng ngược lên Thịnh Đức để ra TP. Thái Nguyên. Đường này tải trọng nhỏ, bị xe tải cỡ lớn đi vào nên giờ cũng hỏng nhiều. Đi lại khó khăn như vậy cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh của gia đình. Chẳng những giá cả hàng hóa bị đội lên, khó cạnh tranh, mà nhiều khi còn bị nhỡ hàng, mất khách.
Niềm vui đã được nhen nhóm khi trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên cho biết: UBND Thành phố đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư, cải tạo đường liên xã xóm Phú, xã Thịnh Đức đi Bình Sơn. Theo thiết kế, toàn tuyến (từ đầu ngầm tràn tới giao cắt với Đường tỉnh 262) dài gần 1,6km; chiều rộng mặt đường 5,5m rải áp phan, có rãnh thoát nước 2 bên, lề đường mỗi bên 1m, tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành là 180 ngày và tổ chức đấu thầu trong quý I/2020. Do tuyến đường này không có kinh phí đền bù, nên toàn bộ phần diện tích 2 bên đường cần mở rộng, cắt cua, nắn thẳng sẽ do địa phương vận động nhân dân tự nguyện hiến đất và tài sản, cây cối. Xã Thịnh Đức đã triển khai và được 100% bà con nhân dân nhất trí, không vướng hộ nào. Tới đây, khi đơn vị thi công đến đâu, người dân sẽ hiến đất ngay đến đó. Mặt khác, theo quy định, công trình có giám sát của cộng đồng, nên lãnh đạo xã chỉ đạo các chi bộ, xóm nơi có tuyến đường đi qua tích cực tham gia giám sát, vừa hỗ trợ, giải quyết những khó khăn vướng mắc cho đơn vị thi công, vừa kiểm soát được chất lượng công trình.
Hy vọng rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và các địa phương, sự đoàn kết, đồng lòng của đông đảo nhân dân, rồi đây, “nút thắt” về giao thông kết nối giữa Bình Sơn với các thành phố: Sông Công, Thái Nguyên và các địa phương trong toàn tỉnh sẽ được tháo gỡ, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hồ Ghềnh Chè, “nàng tiên ngủ trong rừng” sẽ được đánh thức. Hương chè Bình Sơn sẽ ngạt ngào tỏa hương tới mọi miền của Tổ quốc và tiếp tục bay xa hơn, ra thị trường thế giới.
Trần Thép
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...