Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
21:23 (GMT +7)

Mỗi khi viết trái tim tôi cuộn sóng

VNTN - Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là lịch sử của những chiến công vĩ đại chiến đấu chống ngoại xâm. Tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông đã làm nên sức mạnh kỳ diệu đánh thắng những kẻ thù hùng mạnh. Thế hệ của tôi nhiều đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong đó có những đồng đội đã nằm lại trên biển. Là người lính đã từng cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, khi Biển Đông trở thành “điểm nóng”, thật khó diễn tả cảm xúc khi tôi viết về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong quá trình công tác, tôi cũng có may mắn được tới nhiều hòn đảo như Cô Tô, Cát Bà, Quan Lạn, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc… Mỗi hòn đảo có một vẻ đẹp hùng vĩ, quyến rũ riêng. Điều tôi đặc biệt ấn tượng là những hòn đảo đó đều ghi đậm dấu tích các thế hệ cha ông khai phá mở cõi và liên tục đấu tranh gìn giữ chủ quyền. Trên thềm lục địa, biển đảo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập không gian sinh tồn, hình thành văn hóa biển, thiết lập quan hệ giao thương với quốc tế và xác lập chủ quyền, an ninh quốc gia. Với một hệ sinh thái biển đặc sắc, Việt Nam tự hào là một điểm đến kỳ thú đối với bạn bè năm châu.

Tôi đã viết khá nhiều bài thơ, ký sự, phóng sự, truyện ngắn về đề tài biển đảo. Nhiều năm đã qua, tôi luôn ám ảnh với máu xương đồng đội. Tháng 2/1979, Trung Quốc đưa 60 vạn quân tiến công 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Trong những trận chiến ác liệt, nhiều cán bộ chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh. Một người lính bị trúng đạn và nấc lên trút hơi thở cuối cùng giữa vòng tay đồng đội: “Mẹ ơi… Con…”. Tiếng gọi mẹ của người lính ấy thôi thúc tôi viết nhiều hơn và hình tượng người Mẹ đi vào trang viết. Người mẹ không chỉ bằng xương bằng thịt “mang nặng đẻ đau” tảo tần, nhân hậu mà còn bất khuất kiên cường trên hình hài Tổ quốc.

Trước việc hai quần đảo Hoàng Sa và Gạc Ma bị xâm phạm, tôi nghĩ: “Tổ quốc nên hình hài từ máu/ Góc biển chưa liền, bờ cõi có lành không? Và vì vậy các thế hệ người Việt Nam phải có trách nhiệm trước sự toàn vẹn của chủ quyền lãnh thổ quốc gia:

“Tổ quốc khúc tráng ca mẹ/ Năm nắng mười mưa lam lũ tảo tần/ Manh áo mẹ ba ngàn cây số biển/ Bốn ngàn năm con mẹ vẫn hành quân”.

(Tổ quốc khúc tráng ca mẹ)

Năm 1988, Trung Quốc đơn phương tấn công đánh chiếm đảo Gạc Ma. 64 chiến sĩ đã ngã xuống dưới làn đạn kẻ thù. Qua các phương tiện truyền thông, tôi xúc động trước hình ảnh người mẹ có con hy sinh trên đảo Gạc Ma cùng các chiến sĩ Hải quân thả vòng hoa trên biển và nói thay tình mẹ:

“Biển rộng nhường này con của mẹ nằm đâu/ Mấy mươi năm sao không về với mẹ/ Chiều kết hoa tang mây trắng ngợp trên đầu./ Mẹ cô đơn bên sóng úa rầu rầu/ Muối biển không mặn bằng nước mắt…”.

(Tìm con trên sóng Trường Sa)

Khi Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò khai thác tại thềm lục địa, tôi cũng như mọi người Việt Nam khác thể hiện bản lĩnh, chính kiến của mình:

“Tổ quốc thời chúng ta đang sống/ Tấc đất nào cũng hồn cốt cha ông/ Biển dậy sóng, triệu trái tim cuộn sóng/ Lấp lánh hùng thiêng con Lạc cháu Hồng”.

(Tổ quốc phía tim mình)

Ngày nay, dù chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình và phát triển, nhưng biển đảo vẫn canh cánh mối hiểm họa xâm lăng của các thế lực ngoại bang. Nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền đang đặt ra yêu cầu mới vô cùng cấp thiết. Giữa giông gió trùng khơi, những người lính nơi đảo xa đang ngày đêm gìn giữ từng tấc biển. Tôi viết không chỉ cho mình mà muốn bày tỏ cùng mọi người:

Hồn cốt mấy nghìn năm làm nên Đất nước/ Câu hát ru khắc khoải nỗi vuông tròn./ Từng tấc biển đau lại dội vào lòng Mẹ / Nếu Tổ quốc cần xin hãy điểm danh con…!

(Câu thơ con viết về Tổ quốc).

Chính bởi tình yêu với biển đảo, dù chưa tới Trường Sa, tôi vẫn hình dung cuộc sống sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ nơi đảo xa:

“Viết lên báng súng câu thơ/ Lời yêu nảy lộc non tơ bên đời/ Linh thiêng từng tấc biển trời/ Đảo như hạt thóc quê ngời ngợi trăng”.

(Lính trẻ chiều Trường Sa)

Không chỉ những người lính, còn hàng vạn bà con ngư dân ngày đêm bám biển vươn khơi khẳng định chủ quyền lãnh hải:

“Ngư dân biển/ Da dẻ màu đồng/ Rót mình vào mưa cháy/ Nhấp nhánh mùa cá bạc./Lưới lật biển lên”.

(Mùa biển)

Một số tác phẩm văn xuôi khác tôi viết về đề tài này cũng phần nào nói lên được trách nhiệm và tình cảm của tôi với biển đảo quê hương. Lần nào viết về biển đảo, trái tim tôi cũng như có ngọn sóng dội về và tôi gửi gắm lòng mình vào từng con chữ hướng đến khơi xa.

Là người sáng tác văn học tôi cho rằng mình luôn cần suy nghĩ và hành động với trách nhiệm của lý trí, tiếp tục cùng các tác giả khác cất lên tiếng nói bằng những tác phẩm có chất lượng, góp phần cùng cả nước thể hiện bản lĩnh, phát huy trí tuệ, sử dụng nhiều giải pháp thích hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

PHAN THÁI (Chi hội Văn xuôi)

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tết ở Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 2 năm trước

Yêu biển đảo qua lời thơ, câu hát

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Đảo Sơn Ca… rì rào sóng vỗ

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Các anh mang mùa xuân đến cho quê hương

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Gửi những “thiên sứ bảo vệ hòa bình”

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước

Yêu từ trong tâm tưởng đến hành động

Hướng về biển đảo quê hương 3 năm trước