Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
18:48 (GMT +7)

“Màu” của thép gang trong những ca khúc về Gang Thép

VNTN- Mỗi ca khúc đều chứa đựng những nét riêng, những tâm tư nhiệt huyết của tác giả dành cho Gang Thép. Chính điều đó đã khiến mỗi mùa hội diễn văn nghệ của Công ty luôn có một màu sắc đặc biệt, nó tỏa ra: “Lấp lánh, lấp lánh những ánh thép…” như câu hát của nhạc sĩ Lê Tú Anh. Anh chị em trong giới văn nghệ Gang Thép vẫn hay gọi đó là “Màu của thép gang” trong những mùa hội diễn…

Một tiết mục trong Hội diễn nghệ thuật quần chúng Công ty Gang Thép năm 1998

Khi lời ca lấp lánh ánh thép

Những năm trước khi cổ phần hóa, cứ đến dịp cuối năm Công ty Gang Thép Thái Nguyên lại tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng để chào mừng ngày truyền thống (29/11/1963).

Mùa hội diễn, các đội nghệ thuật từ khắp các nhà máy, xưởng, mỏ trong Công ty nô nức mang về Nhà Văn hóa những chương trình văn nghệ đặc sắc. Đấy là những màn hát múa, những ca khúc được viết riêng về công việc, nghề nghiệp, được coi như ca khúc truyền thống của đơn vị mình.

Thời đó Xưởng Gang tự hào với ca khúc: “Hát bên dòng lửa thép gang” sáng tác của nhạc sĩ Vũ Thanh: “Ra thép ra gang, ôi phút hào hùng lửa sáng hào quang, tôi hát ca lên những người công nhân vững chắc như gang kiên cường như thép, ôi đẹp sao dáng đứng anh bao tự hào…”.

Xưởng Luyện Thép với: “Đẹp tuyệt ngàn hoa thép đang tung bay, như pháo hoa sáng tươi… Ầm ầm thép ta ra đi, xua tan khó khăn đói nghèo đón tương lai về…” (Bài ca công nhân luyện thép - Đàm Thanh). Và: “Rực rỡ ánh lửa lò tỏa sáng lúc trời đêm, để có những xe hàng mang thép đến muôn nơi… Dù bao gian lao khó khăn, có chúng tôi…”. (Hành khúc công nhân Luyện thép - Hoài Nam).

Xưởng Luyện Cốc với “Bài ca khói trắng” sáng tác của nhạc sĩ Trương Vĩnh: “Trong khói trắng thấy mưa bom đầy ắp, làm sục sôi bao nhiệt huyết trào dâng… Dù đạn réo bom rơi lửa lò vẫn sáng ngời...”. Bài hát sau này được thế hệ trẻ nhà máy dàn dựng lại làm ca khúc truyền thống, anh chị em trong đội lúc hát lên vẫn nói đùa với nhau: “Bây giờ hát bài này là bị bên môi trường phạt đấy, vì trong bài hát có câu: “Khói trắng ơi, sớm sớm chiều bay cuồn cuộn, nở như hoa giữa bao la mây trời…”. Nói vui là thế chứ những ngày đầu xây dựng khu Gang Thép Thái Nguyên, khi ống khói lò Cốc (được cho là ống khói cao nhất khu Gang Thép, theo các công nhân thế hệ đầu tiên kể, nó có chiều cao tới 98 m) tỏa lên trên bầu trời, làn khói mang theo niềm tự hào, ấm no hy vọng, hẳn tác giả bài hát phải cảm xúc nhường nào mới viết ra được ca khúc ấy. 

Không chỉ những đơn vị chính trực tiếp sản xuất ra gang, ra thép như Xưởng Gang, Xưởng Cán, Xưởng Cốc… mới có những bài hát truyền thống, ngay cả những đơn vị thành viên phục vụ cho gang thép ra lò cũng tự hào hát lên những ca khúc riêng của đơn vị mình. Xí nghiệp Năng lượng có bài hát của Bùi Duy Tài (nguyên Bí thư Đảng ủy xí nghiệp); Nhà máy Vật liệu chịu lửa với ca khúc truyền thống “Sắc vàng” của Trần Giáp...

Màu vàng cam của ánh lửa, sắc đỏ của thép gang ra lò luôn được tái hiện trên sân khấu

Và còn nhiều lắm những ca khúc, những tác giả chuyên hoặc không chuyên viết cho các đơn vị Gang Thép, đã đi vào đời sống tinh thần của bao thế hệ cán bộ công nhân viên nơi đây. Mỗi ca khúc đều chứa đựng tâm tư nhiệt huyết của tác giả dành cho Gang Thép. Chính điều đó đã khiến mỗi mùa hội diễn văn nghệ của Gang Thép luôn có một màu sắc đặc biệt, nó tỏa ra: “Lấp lánh, lấp lánh những ánh thép…” như câu hát của nhạc sĩ Lê Tú Anh, anh chị em trong giới văn nghệ Gang Thép vẫn hay gọi đó là “Màu của thép gang” trong những mùa hội diễn.

Những kỷ niệm không quên

Những mùa hội diễn ấy có biết bao nhiêu ca khúc, của bao tác giả, mà không ít trong đó là sáng tác tự biên của các cán bộ, công nhân, đã thầm lặng cống hiến những giá trị tinh thần cho Gang Thép. Để mãi sau này, khi một chút dư âm đọng lại chợt vang lên, mới khiến người yêu văn nghệ Gang Thép xúc động không quên.

Là người con lớn lên trong “cái nôi” văn nghệ Gang Thép, cuối năm 2003, tôi có vào Xí nghiệp Vận tải Đường sắt dựng một chương trình văn nghệ. Các anh chị em trong đội văn nghệ muốn dàn dựng lại 2 bài hát của một công nhân lái tàu có tên là Nguyễn Huấn. Một bài được viết từ cuối những năm bảy mươi, ghi lại khí thế hào hùng của tuổi trẻ Gang Thép: “Rời những công trường, rời những phố phường rời những quê hương, chúng tôi sát vai cầm súng lên đường, tạm biệt quê hương Gang Thép, đất trời biên cương như thúc giục lòng người… Nhịp máy reo trong đêm như lòng chúng tôi kiên trung, con tàu lướt than quặng trôi về…” (Hành khúc tuổi trẻ đường sắt). Bài thứ hai cũng về ngành nghề, về những người thợ của đơn vị: “Bài ca người lái tàu”.

NSƯT Nguyễn Huấn và bản nhạc được tác giả bài viết kí âm lại từ năm 2003

Cả hai bài hát đều thất lạc quá lâu, tác giả thì đã chuyển về Hà Nội, không còn bản nhạc, không có gì để kiểm chứng lại trường độ, cao độ, tiết tấu ngoài những gì các anh chị trong đội văn nghệ còn nhớ được. Khả năng xướng âm của mọi người thì có hạn, nên phải mất rất nhiều thời gian nghe họ hát, tôi mới kí âm lại thành hai bản nhạc hoàn chỉnh và dàn dựng lại để tham gia hội diễn văn nghệ Công ty năm ấy… Năm 2019, tình cờ trong một buổi hội nghị của Hội Văn học nghệ thuật TP. Thái Nguyên, tôi được gặp anh Nguyễn Huấn. Nhắc lại việc đã từng vã mồ hôi để kí âm lại hai ca khúc của anh, chúng tôi cùng hồ hởi ôn lại chuyện xưa.

Hóa ra anh đa tài quá. Từng là thợ lái tàu trên những cung đường Gang Thép, anh trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng của Công ty. Những năm tám mươi anh rời Gang Thép về Hà Nội học Đại học Sân khấu Điện ảnh, rồi về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh làm đủ các mảng: diễn viên sân khấu truyền thanh, diễn viên phim, đạo diễn, viết kịch bản (sau này anh là Nghệ sĩ ưu tú). Ngoài làm báo anh còn viết cả thơ.

Khi về hưu, anh hay trở lại Gang Thép. Một mình buồn, thi thoảng anh lại gọi điện rủ tôi lên chỗ anh Điền “xoăn” (cây ghi ta một thời Gang Thép, anh mới mất đầu năm 2023) để nhâm nhi chén rượu ôn lại những chuyện xưa. Chúng tôi hay nhắc về hai ca khúc “để đời” của anh viết về Đường sắt Gang Thép, đến giờ hai bản nhạc ấy vẫn được lưu trữ tại Văn phòng Xí nghiệp Đường Sắt.

Còn một người nữa cũng để lại nhiều dấu ấn trong phong trào văn nghệ Gang Thép, đó là nhạc sĩ Vĩnh Hải (1943 - 2006). Trước đây ông công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 3 (đóng ở Hải Phòng). Năm 1993 ông nghỉ hưu, chuyển về Khu Gang Thép sinh sống. 

Nhạc sĩ Vĩnh Hải và bút tích một số bản nhạc về Gang Thép của ông

Dấu ấn mà ông để lại cho phong trào văn hóa văn nghệ Gang Thép là phương pháp dàn dựng tổng thể, đạo diễn bài bản một chương trình văn nghệ: Viết ca khúc, sắp xếp liên kết các tiết mục để chương trình mang màu sắc riêng của từng đơn vị một cách chuyên nghiệp. Từ giữa những năm chín mươi, những chương trình văn nghệ của các xưởng, mỏ, nhà máy trong Công ty thường xây dựng trên cái “gu” ấy, có một phần không nhỏ ảnh hưởng của ông.

Nhạc sĩ Vĩnh Hải hồi đầu mới về Gang Thép thường bảo: “Cát-xê không đơn thuần là giá tiền, mà đó là giá trị nghệ thuật của anh…”.

Tôi nhớ mãi cái dáng thấp mập, ánh mắt như cười khi tranh luận về màu sắc riêng trong những ca khúc viết về Gang Thép, nhớ những lần ông đèo tôi vào Mỏ Sắt Trại Cau trên chiếc xe máy Simson để dàn dựng chương trình văn nghệ. Hồi ấy nghèo mà thật vui. Từ những ngày tháng này mà các ca khúc ông viết đa phần nói về các mỏ, như Mỏ sắt Trại Cau, Mỏ than Làng Cẩm, Mỏ than Núi Hồng, với các ca khúc: “Tự hào Mỏ sắt Trại Cau”, “Như lá”, “Gang Thép một tình yêu”. Và nổi bật nhất là ca khúc: “Âm vang hầm lò”, ý thơ của nhà thơ Nguyễn Khoái: “Dưới hầm lò chẳng thấy gì đâu, chỉ thấy có ngọn đèn trên đầu di động, dưới hầm lò chẳng thấy gì đâu, chỉ thấy gió lùa...”.

Ngôn ngữ của âm nhạc thật tuyệt vời, sâu lắng, kích hoạt cảm xúc từ trong tiềm thức, nó làm nốt những gì mà câu chữ bất lực không thể diễn đạt tới. Và khi ấy, chúng tôi chỉ nghe thôi đã như thấy: “Tiếng bước chân vang vọng trong hầm lò, tiếng ầm ì của dòng gang sôi chảy, tiếng lanh canh đùng đục của những dây thép cán ra lò…”.

Mãi cháy sáng ngọn lửa Thép Gang

Sau khi Công ty Gang Thép cổ phần hóa, một số nhà máy, xưởng, mỏ tách ra, không nằm trong sự quản lí của Công ty như: Vật liệu chịu lửa; Cán thép Gia Sàng v.v.. Các đơn vị này cũng không còn dịp để tham gia hội diễn, để thể hiện những tiết mục, những ca khúc đầy màu sắc riêng của đơn vị mình, điều đó khiến cho những hội diễn sau cổ phần có một chút thiếu vắng, chông chênh…

Những người có tâm huyết với phong trào văn hóa, văn nghệ của Gang Thép, đã không còn được nghe những khúc ca rực màu lửa đỏ của thép, hừng lên sắc vàng của gạch chịu lửa vừa rời lò nung nghìn độ… Và trăn trở, nuối tiếc những đêm vào ca rộn rã: “Ầm ầm tiếng máy reo vang, ầm ầm tiếng xe lăn! Lấp lánh ánh mắt, lấp lánh những ánh thép…”; hoài niệm về những dải lụa đỏ tung bay rực rỡ, tượng trưng cho dòng thép tuôn trào, trong những màn hát múa của nhạc sĩ Lê Tú Anh viết riêng cho Cán thép Gia Sàng…

Trao đổi với anh Dương Tuấn Dũng, nguyên Trưởng ban Văn hóa thể thao, Nhà Văn hóa công nhân Gang Thép về chất lượng những tiết mục, ca khúc của hội diễn, anh cho biết: Nhà Văn hóa sau khi Công ty cổ phần hoá thì lực lượng chuyên môn (tư vấn nghệ thuật) rất mỏng, việc liên hệ, kết nối giữa các đội nghệ thuật với các chuyên viên để dàn dựng, tư vấn cho chương trình văn nghệ bị hạn chế. Việc khuyến khích sáng tác, tổng hợp, bảo lưu những ca khúc viết về Gang thép là không có. Mỗi khi có hội diễn, các đơn vị cơ sở sẽ tự xây dựng chương trình, tự sưu tầm, tự sáng tác hoặc đặt bài hát riêng (nếu đơn vị nào có điều kiện). Đó cũng là một nguyên nhân khiến “màu sắc” trong ca khúc phai nhạt.

Theo anh Đào Quốc Hùng, Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty, về công tác văn hóa văn nghệ, Công ty vẫn tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng 5 năm một lần, ngoài ra, hàng năm Công ty vẫn duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ theo hướng hiện đại, để phù hợp với tình hình sản xuất và nhiệm vụ chính trị. Một số hoạt động được lồng ghép dưới dạng sân khấu hóa, điển hình như chương trình hội thi tuyên truyền nghị quyết của Đảng năm 2021, được tổ chức từ cấp cơ sở đến Công ty, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Vào cuối năm 2023 này, kỉ niệm tròn 60 năm ngày truyền thống, Công ty đã lên kế hoạch tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng. Còn khí thế sôi nổi và kết quả hội diễn của các đơn vị đạt được đến đâu, là do sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo cơ sở.

Anh Bùi Cường, Đội trưởng Đội văn nghệ xung kích Nhà máy Luyện Gang, một hạt nhân văn nghệ trong Công ty tâm sự: Đã lâu rồi chưa tổ chức hội diễn toàn Công ty, nếu tổ chức chúng tôi sẽ rất phấn khởi tập luyện và tham gia. Cũng mong muốn được Nhà máy quan tâm, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để đội văn nghệ đạt kết quả tốt...

Hội thi Báo cáo viên, Tuyên truyền viên giỏi năm 2021 được lồng ghép dưới dạng sân khấu hóa 

Khán giả và những người tâm huyết với phong trào văn hóa văn nghệ Gang Thép vẫn tin tưởng, vẫn hy vọng, mong chờ để được hòa mình vào cái không khí của những đêm hội diễn sôi nổi, để cảm nhận trọn vẹn lại cái “màu” của thép gang, như câu hát của Duy Quang: “Rồi sẽ mãi mãi cháy sáng ngọn lửa, lửa truyền thống sáng ánh đuốc tự hào, lửa trái tim hôm nay mang bao nhiệt tình, lửa thép gang sẽ mãi mãi rực hồng…”.

 Trần Giáp 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy