Mái trường của tôi
- Ai như “Lọ lem thế kỷ 20”… thì phải!
- Ai bảo thế, “Nâu sồng” của lớp mình đấy chứ!
...
Cái tên “huyền thoại” về tôi cách đây già nửa thế kỷ cứ râm ran, đan xen cùng những ánh mắt vui mừng và ngạc nhiên của các anh các chị cùng khoá 1970 – 1973 với tôi, trong ngôi trường cấp III Định Hoá ngày nào… Nghĩ đến cái biệt hiệu “Lọ lem” và “Nâu sồng” theo tôi suốt mười năm học phổ thông, tôi cố kìm lại nơi đáy mắt, không để cho giọt lệ ứa ra, nhưng sống mũi lại cứ cay xè, như muốn lần tìm về ký ức ngày xưa ấy.
Những năm 1965 - 1968, cả huyện Định Hoá mới có 3 trường cấp II, chúng tôi phải đốt đuốc, đầu đội mũ rơm, đi xuyên rừng bốn - năm cây số mới đến được trường cấp II Bình Thành để học. Lớp học sơ tán trong rừng, bàn học chỉ là bốn đoạn tre chôn xuống đất, mặt bàn là phên nứa được đan nong mốt, mấy đoạn tre vầu ghép lại mà thành ghế ngồi. Tuy nhiên việc học hành thời chúng tôi không phức tạp như bây giờ. Ngay từ cấp I, sách giáo khoa đều được chuyền tay từ các anh chị nhiều khoá trước, nên cũng đỡ tốn kém. Tất cả các môn học đều ghi chung trong một quyển vở giấy giang Hoàng Văn Thụ, màu đục như giấy bao xi măng. Trường học ngày ấy làm gì có phòng thực hành, nên chủ yếu là học lý thuyết. Thầy cô đọc cẩn thận cho chép, có lẽ vì thế nên đến bây giờ chữ viết của thế hệ chúng tôi vẫn rõ nét và ít khi sai lỗi chính tả. Buổi tối, có lúc vừa thắp được ngọn đèn dầu lên thì… xoẹt một cái, thằng “Thần sấm, Con ma” rít lên, kẻng báo động. Thế là cả xóm lại chìm vào bóng tối, nín thở, nghe đài về tình hình giặc Mỹ đã oanh tạc vùng nào, thiệt hại bao nhiêu.
Ở lứa tuổi chúng tôi ngày ấy, chưa phổ cập độ tuổi đi học, nên bạn bè trong một lớp chênh nhau tới 4 - 5 tuổi là chuyện thường. Kỷ niệm về tôi, có lẽ gây ấn tượng nhất với bạn bè cùng lớp: một cô bé đen nhẻm, còi cọc nhất lớp trong bộ “quần chân què, áo nâu sồng có sống lưng” rộng thùng thình, đứng đầu hàng mỗi khi chào cờ đầu tuần hoặc trong những giờ thể dục.
Ngày ấy, phương tiện đi lại đâu có được như bây giờ, đến như các bác lãnh đạo huyện đi họp tỉnh cũng phải xếp hàng mua vé đi xe ca, có khi không mua được vé còn phải vẫy xe tải để đi nhờ ấy chứ. Nhà tôi cách trường cấp III của huyện 15 cây số, nhà lại nghèo, không có nổi lấy một chiếc xe đạp cà tàng để đi học. Cùng lớp với tôi, các chị lớn tuổi đều ở nhà sản xuất, vài năm sau đã có con bồng con bế. Chỉ có mình tôi theo học tiếp. Hàng ngày, tôi được mẹ đánh thức dậy từ 1 giờ sáng, có khi ăn vội vàng củ sắn nướng từ tối hôm trước, rồi “ba chân bốn cẳng” ôm túi sách vừa đi vừa chạy đến trường.
Con đường từ nhà lên huyện lúc bấy giờ chỉ rộng hơn đường làng có tí xíu, nên mỗi khi có ô tô đi qua xã là lũ trẻ chúng tôi lại chạy thục mạng ra ngắm nghía reo hò, như thấy một vật thể lạ. Phương tiện chủ đạo để chở hàng hoá chỉ là những chiếc xe trâu lộc cà lộc cộc mò mẫm đi trong đêm. Đường đất, thỉnh thoảng lại có những hòn đá mồ côi và những “ổ gà” vô duyên cứ nằm chình ình ngang lối đi. Những lúc vô tình vấp phải, ngón chân lại toé máu, tôi chỉ biết xuýt xoa rồi ngắt vội ngọn cây cỏ hôi ven đường, nhai để đắp vào cho cầm máu. Chắc mọi người sẽ nghĩ là tôi bịa, có 15 cây số thì làm sao phải đi từ 1 giờ sáng… Nhưng đó lại là sự thật 100%. Từ nhà đến trường phải qua con dốc Yên Thông khá dài, hai bên đường cây cối um tùm, tối om, ven đồi lại có những tảng đá to tướng, tròn vo, trông chẳng khác gì những ngôi mộ đá. Ngày ấy tôi rất mê nghe “Truyện cảnh giác” trên đài, nên hãi ơi là hãi. Đi đến chân dốc, tôi ngồi nấp sau tấm bảng tin, đợi khi nào có chiếc xe trâu chở hàng đi qua, mới nín thở, rón rén đi theo. Hơn nữa, để tránh giờ cao điểm máy bay địch oanh tạc nên giờ vào học cũng sớm hơn.
Những khi trời đông giá rét cắt da cắt thịt, chỉ với bộ quần áo phong phanh, qua khỏi bên kia con dốc mà mồ hôi vẫn túa ra như tắm vì sợ. Nhưng rồi cái rét lại không tha, cứ lùa vào da thịt tôi mà cứa, cũng may trước khi đi ngủ, mẹ tôi thường lùi vào bếp than củi một hòn đá nhỏ, rồi gói lại cẩn thận, cất trong túi áo, là người bạn thân thiết đồng hành để tiếp sức cho tôi đến trường qua những mùa đông. Tạm biệt mười năm đèn sách ở trường phổ thông, tôi trở thành cô giáo sinh trường Sư phạm 10+3 Bắc Thái. Cái biệt hiệu “Lọ lem” vẫn đeo đẳng theo tôi suốt chặng đường dài trước khi khởi nghiệp. Ngôi trường Sư phạm ngày ấy nằm trên một khoảng đồi thấp của huyện Đồng Hỷ, cách Quán Ba trăm chừng nửa cây số. Cơ sở vật chất của nhà trường đều rất đơn sơ, từ phòng Giáo vụ đến chỗ ở của các thầy cô và giáo sinh đều là mái tranh vách đất, do công sức lao động của tập thể nhà trường mà nên. Những bữa cơm đạm bạc độn hạt Bo Bo, chan canh rau muống, nấu trong chảo vạc to đùng, đã đúc kết lại thành quan niệm “Ăn như Sư, ở như Phạm”. Nhưng chúng tôi vẫn vui và vô cùng tự hào về ngôi trường Sư phạm thân yêu. Ai cũng mong chóng đến ngày ra trường, tình nguyện đi bất cứ nơi đâu, khi Tổ quốc cần.
…Mới đó, mà đã 50 năm có lẻ, sau bao nhiêu năm bộn bề lo toan cùng công việc và sự nghiệp, mỗi người theo đuổi để hoàn thiện ước mơ của mình, ngày họp lớp gặp lại, chúng tôi đã là những Cựu Giáo chức, ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, giọng nói không còn trong trẻo như xưa, dáng đi cũng chậm dần theo năm tháng, đôi mắt ẩn sâu sau những cặp kính dày cộp, chúng tôi lần từng ký ức nho nhỏ để nhận ra nhau qua từng giọng nói và nụ cười. Mỗi lần có dịp ghé thăm trường cũ, trong tôi lại ùa về những kỷ niệm không thể nào quên. Con đường mòn xưa theo tôi từ nhà tôi đến trường giờ đã được thay thế bằng đường liên xã, liên huyện rộng lớn, rải asphalt. Xã tôi có đủ ba trường của ba cấp học. Từ trường Mầm non đến THCS đều là nhà hai tầng khang trang, thân thiện. Nhìn các em học sinh mặc đồng phục đến trường tôi lại chạnh lòng nhớ đến bộ “đồng phục tự có” của mình ngày nào, mỗi khi đứt cúc được xoắn lại bằng sợi cỏ may và lấy dây sắn rừng để “thắt lưng buộc bụng”.
Đứng trước cổng trường THPT, tôi cứ bồi hồi nhớ về quá khứ. Giờ các em đến trường bằng xe máy, xe đạp điện; được học trong những phòng học hiện đại, có máy lạnh, quạt trần, có phòng học tiếng, phòng thực hành riêng cho từng bộ môn, có những giờ trải nghiệm ngoại khoá. Hành trang của các em đến trường là chiếc ba lô chứa đủ các loại sách vở, dụng cụ học tập và sách nâng cao. Điều kiện học hành như vậy, ở thế hệ chúng tôi có mơ cũng không thấy được.
Trở về nơi đứng chân của Trường Sư phạm 10+3 Bắc Thái ngày nào, tôi không sao tìm lại được vị trí lớp học của mình ngày ấy nữa, tất cả đã thay đổi. Nay Trường được chuyển ra gần trung tâm Thành phố hơn, có một diện mạo mới và mang tên Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Thăm lại trường xưa, gặp lại các thầy cô và bạn cũ, ngậm ngùi tưởng nhớ đến những người đã khuất, trong tâm trí chúng tôi vẫn nguyên vẹn giọng truyền giảng ấm áp thân thương của các thầy cô giáo cũ thân yêu. Các thầy cô dưới thời bao cấp, cũng khó khăn, thiếu thốn trăm bề, lương không đủ sống, nhưng lại vô cùng tâm huyết, bám lớp bám trường, cần mẫn, yêu thương dạy dỗ để chúng tôi nên người. Cho dù sinh viên ngày nay được học trong điều kiện tốt hơn thế hệ chúng tôi gấp nhiều lần, nhưng các em không thể có được những kỷ niệm sâu lắng như vậy.
Thái Nguyên trong tôi luôn là kỷ niệm đẹp, sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời. Mỗi lần họp lớp, chúng tôi lại chia sẻ những câu chuyện cũ về mái trường ngày ấy và giữ lại thêm những kỷ niệm khó quên về quê hương Thái Nguyên mến yêu.
Nguyễn Thị Gái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...