Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
01:59 (GMT +7)

Ma thuật đằng sau tấm màn

VNTN - Nếu có một ai đó trong số đông chúng ta mang trong mình sự băn khoăn về bộ môn múa rối bóng, thì xin hãy vui lòng nhìn vào cái bóng của chính bản thân trên bức tường trước mặt. Đó chính là nguồn gốc cổ xưa nhất của bộ môn múa rối bóng nói riêng và nghệ thuật múa rối nói chung.

Chuyện là, vào một giờ khắc thiêng liêng của một ngày trọng đại nọ, trong một giây khắc vô cùng bất ngờ, những tổ tiên nguyên thủy của loài người bỗng trở nên kinh ngạc khi bất ngờ nhận ra rằng ánh lửa trước mặt có thể làm hiện cái bóng của họ lên trên vách tường trong hang đá lạnh lẽo tối tăm. Từ chỗ sợ hãi bởi cái giây phút bàng hoàng đầu tiên thuở hồng hoang sơ khai trong hang tối ấy, loài người dần dần trở nên quen thuộc với cái bóng của chính mình. Nhưng trí tưởng tượng, thứ tài năng mà chỉ riêng loài người mới có, đã khiến họ tiến thêm một bước tiếp theo. Đó là việc người tiền sử liên hệ hóa, hình tượng hóa cái bóng của họ thành những nhân vật, sự kiện,… rồi từ đó xâu chuỗi chúng lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh, logic với những lớp lang chương hồi cụ thể.

 

Ngày nay, có các thể loại kịch vẫn còn sử dụng cái bóng của con người trong biểu diễn. Bộ môn múa rối bóng khác ở chỗ, người nghệ sĩ sử dụng con rối thay vì chính cơ thể mình để biểu diễn. Một con rối bóng thường chỉ là vài mảnh giấy hay miếng da thuộc cắt thành hình rồi ghép lại, nhưng lại được điều khiển bằng hệ thống dây và que không khác gì loại rối mà chúng ta vẫn quen thuộc chứng kiến. Các nghệ sỹ đứng giữa một tấm màn lớn và những ngọn đuốc, nến, hay ngày nay là đèn pha. Cái bóng của con rối được người nghệ sỹ điều khiển sẽ di chuyển trên tấm màn để trở thành nhân vật trong vở diễn.

Những ghi chép cho thấy, lịch sử của bộ môn múa rối bóng xuất hiện đầu tiên là ở khu vực Trung Á và Ấn Độ. Sử sách phản ánh một cách cụ thể rằng, các nhà khảo cổ học đã tìm ra những con rối bóng làm từ da thú có niên đại khoảng 1000 năm trước Công nguyên. Từ đó múa rối bóng dần dần lan truyền ra theo hai con đường: đến Trung Quốc ở phía Đông, rồi từ đó đi xuống Đông Nam Á. Và con đường thứ hai là, qua Trung Đông mà lan ra khắp Bắc Phi và Nam Âu. Theo thời gian, những địa phương khác nhau dần hình thành loại hình múa rối bóng của riêng mình. Ở Ấn Độ có Tholu Bommalata, Indonesia có Wayang. Tại Thái Lan thì có Nang Sbek Thom. Riêng với đất nước Trung Quốc có Bì Ảnh Hí, v.v… Từ đó dẫn đến sự phức tạp hóa và đa dạng hóa của múa rối bóng. Con rối không chỉ còn làm từ da thuộc nữa, mà còn là từ vải, giấy dó, gỗ..v.v…

Cũng từ đó, từ chỗ đơn giản thuở ban đầu, cốt truyện cũng từng bước không ngừng được sáng tạo và “nâng cấp” theo chiều hướng tịnh tiến dần trở nên công phu hơn. Thế nên mới có sự kỳ diệu chưa từng thấy, đó là, ngay cả những bộ sử thi đồ sộ như Ramayana cũng đã được nghệ thuật rối bóng đưa lên tấm màn. Sau những gì thô sơ ban đầu thì việc các diễn viên chuyên lồng tiếng và dàn nhạc phụ họa cho vở diễn cũng bắt đầu xuất hiện. Ngay cả về mặt ánh sáng thì những nghệ sỹ múa rối cũng đã sáng tạo ra các thiết bị và thủ thuật điều khiển ánh nến, ánh đuốc,… để làm cho màn ảnh như có thêm một chiều không gian thứ ba.

Tại châu Âu, múa rối đã có lịch sử tồn tại hằng trăm năm, đặc biệt là ở các nước như Đức, Pháp, và Anh. Vào thế kỷ thứ 19, người ta coi múa rối bóng cũng là một bộ môn nghệ thuật cao quý như kịch nói và opera vậy. Bởi thế cho nên mới có chuyện, đại văn hào Johann Wolfgang von Goethe từng góp công xây dựng một nhà hát múa rối bóng ở thành phố Tiefurt thuộc nước Đức. Các nghệ sỹ châu Âu liên tục thể nghiệm với múa rối bóng. Họ không ngừng cố gắng lồng ghép nó với những loại hình nghệ thuật khác như nhạc kịch, xiếc, ảo thuật, v.v… và thậm chí là cả điện ảnh nữa. Về bản chất thì điện ảnh khác múa rối bóng ở điểm, thay vì con rối thì tấm phim lại nằm giữa ánh đèn và tấm màn. Có rất nhiều đạo diễn điện ảnh thuộc thế hệ đầu tiên ở Pháp và Ý trước đó từng xuất thân là những nghệ sỹ múa rối bóng hoặc là người hâm mộ bộ môn nghệ thuật này.

Trong nhiều năm gần đây, múa rối bóng có phần bị “lấn sân” bởi những loại hình giải trí khác. Tuy vậy, không thiếu những người còn “nặng nợ” với bộ môn này. Ở Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia,…vẫn liên tục tổ chức các festival múa rối bóng thường niên. Các đoàn nghệ thuật rối bóng cố gắng quảng bá bộ môn của mình ra với khán giả quốc tế thông qua các hoạt động lưu diễn. Và, kế thừa truyền thống của các nghệ sỹ châu Âu xưa, các nghệ sỹ hiện nay đang mở rộng biên giới của nghệ thuật rối bóng. Vì thế cho nên người ta mới có thể có cơ hội may mắn được thưởng lãm nghệ thuật múa rối bóng xuất hiện trong phim hoạt hình, trên sân khấu opera, v.v…

Quả là không ngờ khi mà chính cái sự đơn giản của múa rối bóng lại là điểm mạnh nhất của bộ môn nghệ thuật “độc nhất vô nhị” trên thế giới này. Thứ nhất, múa rối bóng có thể được biểu diễn ở bất kỳ đâu, chứ không nhất thiết phải yêu cầu là thủy đình như rối nước. Thứ hai, con rối bóng so với các loại rối khác có cấu tạo rất đơn giản, gần như ai cũng có thể tự làm được. Nhưng điểm thứ ba và quan trọng nhất là: rối bóng yêu cầu sự tưởng tượng liên tục, không được phép dừng lại của khán giả. Đành rằng, để thưởng thức bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khán giả cũng phải sử dụng trí tưởng tượng của mình; tuy vậy, lượng thông tin mà khán giả nhận được từ rối bóng ít hơn hẳn so với những bộ môn múa rối khác. Giữa hội họa và điêu khắc cũng tồn tại một sự khác biệt gần giống nhau như thế - người xem chắc chắn sẽ nhìn thấy nhiều điều hơn từ một bức tượng 3D so với bức tranh 2D. Mà múa rối bóng lại là một bộ môn nghệ thuật có tính chất kể chuyện theo tính chất chương hồi. Do vậy, để nhận ra và xâu chuỗi được tất cả những chuyển động, sự kiện rời rạc đang diễn ra trên tấm màn rối bóng thành một câu chuyện có hệ thống lớp lang bài bản, thì có nghĩa là khán giả buộc phải dùng nhiều hơn đến trí tưởng tượng của mình để “lấp đầy” các chỗ trống.

Bao giờ cũng thế, đã thành lệ định, mỗi buổi trình diễn múa rối bóng đều nhất nhất có hai tấn trò diễn ra song song. Đó là một câu chuyện hiện lên trên tấm màn, và một câu chuyện khác nằm trong đầu khán giả bởi sự liên tưởng của chính họ. Thậm chí còn có thể có nhiều câu chuyện khác nhau hơn nữa, vì không khán giả nào có trí tưởng tượng giống khán giả nào hết cả. Cái độc đáo của nghệ thuật múa rối bóng không chỉ là để khán giả so sánh giữa thực tại bên ngoài với suy nghĩ nội tại, mà còn khuyến khích họ chiêm nghiệm về sự khác nhau đó để tìm ra những điều sâu kín nhất trong chính bản thể của họ. Mặt khác, chính yêu cầu về tưởng tượng của nghệ thuật múa rối bóng lại khiến người xem tập trung hơn vào tác phẩm đang xuất hiện trên tấm màn trước mặt họ. Với trẻ em, đối tượng khán giả chính của nghệ thuật múa rối bóng mà xem, trí tượng tưởng đến với các em rất dễ dàng, nhưng với múa rối bóng bộ não bé bỏng của các em phải hoạt động một cách hết công suất. Kể cả những em hiếu động nhất cũng sẽ trở nên tập trung không khác gì người lớn từ đầu đến cuối vở diễn. Người nghệ sỹ của nghệ thuật múa rối bóng vì thế mà trở nên rất hãnh diện về sức sáng tạo và công năng lao động của mình. Và thế là, họ sung sướng và tự hào khi nhận ra rằng, hiếm có một bộ môn nghệ thuật nào mà lại tạo ra sự gần gũi giữa người xem và nghệ sỹ, giống như tâm hồn của tất cả mọi người đều rung động cùng một lúc vậy. Nghệ sỹ và khán giả, hai bên đã trở thành bạn bè, thành tri âm tri kỷ và người đồng hành đầy thân thiện trong những giây phút ngắn ngủi của vở diễn.

Chiêm ngẫm cho kỹ thì chúng ta sẽ nhận thấy nhiều điểm tương đồng tương giao giữa múa rối bóng với các loại hình rối truyền thống khác của người Việt. Chúng ta đã, đang sở hữu một nền nghệ thuật múa rối có lịch sử lâu đời và đa sắc với cái duyên rất riêng có bởi sự đậm đà bản sắc dân tộc. Trải qua cả nghìn năm phát triển, nền nghệ thuật nước nhà đang thừa hưởng “của để dành” mà cha ông để lại với hai hình thức múa rối cạn và rối nước; trong mỗi loại hình nghệ thuật ấy lại chia ra làm nhiều bộ môn khác nhau, tiêu biểu như: rối tay, rối que, rối máy,v.v… Nghệ thuật múa rối bóng tồn tại được nhờ đi vào cộng đồng để trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, các cá nhân trong cộng đồng tìm đến nghệ thuật múa rối bóng không chỉ để nhằm thỏa mãn tính giải trí thuần túy thô mộc, mà còn để bày tỏ tâm tư tình cảm và nguyện vọng của bản thân trước cuộc sống tương tự như múa rối nước truyền thống của người Việt Nam vậy. Vì thế, chúng ta có thể đưa múa rối bóng về Việt Nam để khán giả có cơ hội thưởng thức loại hình nghệ thuật này? Thông qua các dịp giao lưu với một số đoàn biểu diễn nghệ thuật của nước ngoài, đơn cử như Liên hoan múa rối Quốc tế lần thứ 5 vừa được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 năm 2018 vừa qua, các nghệ sĩ của chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội cọ xát và học hỏi. Phát triển bộ môn múa rối bóng mang phong vị riêng có của Việt Nam, tại sao không?

Lê Công Vũ (Biên dịch và tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy