Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
07:51 (GMT +7)

Lũng Luông kỉ niệm

VNTN- Tôi sinh ra và lớn lên ở Thái Nguyên, đầy ắp những kỉ niệm của tuổi thơ về ngôi trường làng có con đường đê nhỏ và dòng sông hiền hoà đưa tôi đến trường, đặc biệt là lớp học vách đất ngày bé, nền cập kênh đỡ không vững những chiếc bàn, chiếc ghế và cả khoảng sân chơi xùm xoà đầy những cỏ dại, cỏ may.

Tuổi thơ đã qua và tôi không còn thấy được những lớp học đơn sơ như vậy cho đến ngày tôi theo chị nhà giáo ở Hà Nội và nhóm thiện nguyện của chị, cùng đi đến những ngôi trường ở những miền đất xa xôi, hẻo lánh của Tổ quốc.

Tác giả cùng với các em học sinh trường Tiểu học Lũng Luông chơi ô ăn quan

Có một kỉ niệm để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, đó là ngày chúng tôi đến với ngôi trường Lũng Luông của Thái Nguyên quê mình. Nhà giáo của Thành phố Hà Nội ấy, đã không ngại dẫn chúng tôi băng rừng, vượt suối, đến để chia sẻ với các thầy cô, đau đáu tìm cách làm vơi bớt khó khăn cho trẻ em và đồng bào vùng cao, làm đường nước cho trường học và chung tay vào dự án xây cầu Lũng Cóm nơi này. Chị là Nguyễn Thị Thanh Huyền, sinh năm 1975, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Một sớm tháng Tư năm 2015, chúng tôi băng qua những con đường có khóm mua bắt đầu nở tím; qua dãy núi đá vôi chạy dài; qua dốc nối dốc cao vút thì ngôi trường trên đỉnh núi hiện ra: Trường Tiểu học Lũng Luông, xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, và không xa phía bên kia thung sâu là bản Lũng Cóm cùng địa bàn xã.

Xã Thượng Nung chỉ cách thành phố Thái Nguyên 35 km, là nơi có những bản người Mông nằm sâu trong núi. Ngôi trường Lũng Luông cách trung tâm xã 5 km với những con đường khó đi. Phương tiện của các cô giáo biến thành con ngựa sắt phi thường. Những má phanh xe máy, mỗi tuần các cô phải đi kiểm tra một lần mới đảm bảo an toàn mỗi khi lên và xuống dốc.

Tất cả khó khăn như chẳng là gì khi tôi trông thấy nụ cười của họ. Các lớp học và phòng ở của giáo viên được ghép bằng tre gỗ, mái thì lợp tấm xi măng, chái nhà quây phên nứa, đơn sơ nhưng gần gũi, đời thường. Những người thầy - họ mong các em được học hành đầy đủ, được ăn những bữa ăn ngon hơn, có áo mặc ấm hơn mỗi ngày và chỉ mong những chiếc xe máy, xe đạp của họ an toàn dây phanh, săm lốp là được.

Là người Hà Nội, nhưng khi ấy chị Thanh Huyền biết rành rẽ về Lũng Luông hơn chúng tôi. Chị cho biết về địa điểm mà chúng tôi đến làm thiện nguyện: Trường Tiểu học Lũng Luông trước kia là một điểm trường của Tiểu học Thượng Nung. Trường được thành lập năm 1999, ngày đầu chỉ có lớp 1 với 15 học sinh học trong gian nhà mái lá người dân dựng lên. Mùa mưa, gió to, cả tường cả mái lớp học bay tơi tả, tuần nào cũng phải sửa.

Năm 2002, xẻ được cây gỗ to trên rừng, bà con dựng cho “cái chữ” 3 gian nhà, lợp mái cọ. Đến năm học 2005, nhờ ngân sách Nhà nước, mái lá được thay bằng tấm lợp. Người góp công, người góp gỗ, mỗi năm ngôi trường cũng thêm vững hơn, đến nay đã dựng thêm được 2 gian nhà, một gian để học, một gian vừa là văn phòng, vừa là nhà nội trú cho giáo viên. Hè năm 2011, Quân khu I quyên góp vật liệu, bộ đội và nhân dân cùng “cõng” lên, ghép gỗ đổ nền, dựng thêm được một nhà văn hóa vững chắc…

Chị trưởng nhóm tình nguyện viên Thanh Huyền

Cùng các đoàn tình nguyện tới Tiểu học Lũng Luông nhiều lần từ cuối năm 2013, chị đã đến từng hộ dân, tiếp xúc, trò chuyện và theo dõi cuộc sống của người dân, và cứ trăn trở về cách giúp lũ trẻ ở đây. Năm 2014, chị có mấy lần nghỉ lại, ăn ở cùng với các cô giáo và lũ trẻ mà chị đỡ đầu. Thấy các thầy cô và người dân ở đây rất khổ vì thiếu nước sinh hoạt, các thầy cô giáo sáng nào cũng dậy từ 5 giờ sáng để đi gánh nước ở con dốc rất cao, bọn trẻ cũng vậy. Khi trao đổi với chính quyền huyện cũng như người dân thì tất cả đều nói không có cách gì vì ở đây cao quá không thể khoan giếng được.

Chị đã suy nghĩ, bàn bạc với trưởng bản cũng như các thầy cô giáo trên trường quyết tâm làm đường nước cho trường. Được sự giúp đỡ của các thầy cô giáo và phụ huynh, công trình nước được khởi công và thành công ngoài mong đợi, niềm vui được vỡ òa khi các cô báo về đào được trúng mạch nước ngầm và công trình nho nhỏ đã thành công, mang nước sạch phục vụ sinh hoạt của các thầy cô giáo và gần 200 học sinh cũng như những người dân trong bản.

Những lời chị nói khiến tôi xúc động. Tôi lặng lẽ ngồi cùng chị bên bàn học của các em, cảm nhận những con chữ hiện lên trên bảng. Từ nơi này, những nguồn nước trong, nước ngọt, những bài học, bài hát cứ ngân nga như những bài ca, chiến thắng khó khăn, nghèo đói. Những em bé nhút nhát, chẳng chịu nói, cho đến khi tôi rủ ra sân chơi chóc chuyền, ô quan mới thỏ thẻ đôi câu. Có những em bé chẳng chịu cười, cho đến khi tôi nắm bàn tay còn lem những đất, mới khoe ra chiếc răng sữa vừa gãy! Từ nơi bếp ăn nấu thơm hương những món ăn dân dã, bình dị: món canh rau ngót rừng, món măng nứa tép xào... Bữa ăn ngọt ngào mãi tình người nơi đây.

Chị Huyền kể thêm cho tôi nghe về chuyện làm cầu vào bản Lũng Cóm.

Khi lên nghiệm thu công trình nước, tiện đường chị lên thăm bản. Đây là một bản người Mông có khoảng hơn 100 nhân khẩu nằm lọt giữa các ngọn núi tại xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai. Muốn vào bản phải đi qua con suối, mùa khô thì lội đến đầu gối người lớn, còn mùa mưa lũ thì ngập quá đầu người. Năm học trước, một học sinh bản Lũng Cóm đã bị nước cuốn trôi trước mắt người cha khi đang lội qua suối thì lũ ống về đột ngột. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nhất là trẻ em phải chịu nhiều thiệt thòi, vất vả. Chị tận mắt chứng kiến cảnh trẻ nhỏ lội qua suối, bám vào vách đá cheo leo để leo lên bản, mồ hôi nhỏ giọt trước mỗi bước chân suốt cả tiếng đồng hồ. Có đứa trẻ nằm ngủ ngon lành trên nền đất bên bếp lửa…

Từ đó, chị bắt đầu ấp ủ ý tưởng xây một cây cầu nhỏ, mặc dù chị hiểu đó không phải là việc dễ làm. Cây cầu sẽ nối bản với con đường tới trường và ra thị xã, xoá đi cái nút thắt lâu nay vẫn góp phần cách ly dân bản, và nó sẽ đứng đó 10 năm, 20 năm, có thể lâu hơn thế. Chính quyền địa phương chưa có nguồn lực để xây cầu trong tương lai gần. Người dân cần sự hỗ trợ từ bên ngoài và chị bắt đầu khởi động dự án xây cầu từ số dư của công trình nước sạch Lũng Luông.

Chị nấu ăn, bán hàng... để có thêm nguốn thu, rồi với sự chung tay, chung sức của bạn bè cũng như mọi nguồn ủng hộ đổ về từ khắp nơi,… ước mơ đã trở thành hiện thực. Số tiền góp quỹ xây cầu từ nguồn bán đồ ăn cũng như mọi nguồn ủng hộ được gần 276 triệu đồng. Chị chuyển cho Công ty Tư vấn Kiến trúc Xây dựng Thái Nguyên để xây cầu là 250.000.000 đồng, số dư còn lại gần 26 triệu đồng chị dùng để giúp bà con vay để chăn nuôi dê.

Cây cầu vào bản Lũng Cóm đã xây xong

Tôi thực sự cảm phục với việc làm và tình cảm của chị dành cho mảnh đất này. Tôi cũng thấy mình thật may mắn khi được tham gia “Chương trình học bổng Ước Mơ và dự án xây cầu Lũng Cóm” của chị năm ấy.

Đến với Thượng Nung, một ngày thôi cũng trở thành kỉ niệm đẹp. Đâu cứ phải những gì lớn lao hơn thế. Một bữa ăn trưa cùng các cô giáo; một nụ cười răng sún trẻ thơ, vui khi có bút đẹp, được xỏ đôi dép có nơ, được mặc áo mới; một chặng đường dốc nối dốc trên xe của người dân, một vạt nắng, một khóm mua tím ven đường; thấy được con suối Lũng Cóm đã hiền hòa chảy dưới chân cầu, không có bạn trẻ nào phải ướt sũng sợ hãi bám nhau lần mò qua suối và bình yên trở về nhà với giấc ngủ say tròn bên mẹ cha... và những cảm xúc ngày đó vẫn luôn ngự trị sâu thẳm trong tim tôi.

Lũng Luông bây giờ đã rất đẹp và khang trang. Còn trong trái tim tôi, có một nơi luôn ấm áp vì kỉ niệm đẹp ngày ấy.

 Trần Thị Nhung

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Phúc Lộc – làng quê êm đềm tuổi thơ tôi

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Mảnh đất cuộc đời tôi

Tôi và Thái Nguyên 11 tháng trước