Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
23:47 (GMT +7)

Luận chuyện “từ chối” Lịch sử

VNTN - Nhiều ngày qua, “mối quan hệ của ông Quang Trung và ông Nguyễn Huệ”, đặc biệt là phần trả lời sai kiến thức lịch sử của các em học sinh ở Hà Nội trong phóng sự của chương trình Chuyển động 24 Giờ, phát sóng ngày 11/7, đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Vấn đề hiểu biết lịch sử của học sinh và câu hỏi “đây là lỗi của ai?” được đặt ra với những tranh luận khá gay gắt.

Phần đông ý kiến cho rằng, để một thế hệ học sinh không biết lịch sử như vậy là lỗi của giáo viên dạy Sử, của chương trình học lịch sử. Thật khó chấp nhận vì từ chương trình Sách giáo khoa Lịch sử lớp 4, đã có 3 bài học về Quang Trung - Nguyễn Huệ với nội dung chính: Nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long; Quang Trung đại phá quân Thanh (nhắc đến việc Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Quang Trung); những chính sách kinh tế - văn hóa của vua Quang Trung… Vậy nhưng tại sao học sinh lại rất “lơ mơ”?

Một thực tế buồn đến…thê thảm khác, theo số liệu thống kê của hai năm gần đây nhất cho thấy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 toàn quốc có 910.831 học sinh đăng ký dự thi, số lượng thí sinh đăng ký thấp nhất trong 4 môn thi tự chọn là môn lịch sử với 104.959, chiếm 11,52%. Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 vừa qua, môn Lịch sử cũng có số lượng thí sinh chọn thi thấp nhất, với 153.688 em đăng ký (chiếm 15,3% trong tổng số gần 960 nghìn thí sinh đăng ký dự thi).

Mọi so sánh sẽ thật khập khiễng, nhưng nó giúp chúng ta nhận diện sự yếu kém đang tồn tại khách quan hơn. Ở Mỹ, giờ học lịch sử được tổ chức khá sinh động, học sinh có không gian sáng tạo, thoải mái thảo luận, trả lời, tự chuẩn bị những bộ trang phục tái hiện từng giai đoạn của lịch sử nước Mỹ và diễn lại một số trận chiến nổi tiếng như Lexington, hay Yorktown… Buổi học khép lại với nghi lễ chào cờ và hát quốc ca Mỹ. Tại Anh, học sinh từ 14 đến 18 tuổi mới chú trọng đến các kỳ thi, còn trước tuổi đó các em học theo chương trình khung quốc gia nhưng không chi tiết, cứng nhắc. Nếu giáo viên quan tâm đến nhân vật, sự kiện lịch sử nào hoặc trường học đó ở địa phương có liên hệ gần gũi với nhân vật, sự kiện thì có thể đưa vào chương trình giảng dạy của mình. Không quy định cứng về thời lượng, phương pháp cho từng chủ đề, giáo viên và học sinh có thể bỏ ra vài tuần chỉ để quan sát những người sống trong một lâu đài gần thị trấn, phân tích và thấu hiểu cuộc sống của họ. Khi học về những người lính trong thế chiến thứ nhất, thầy trò sẽ dành thời gian để phân tích nhật ký, bài thơ, các bức thư tình… của họ.

Phản ứng có phần “điềm tĩnh” hơn sau khi xem phóng sự, nhiều ý kiến đã xem xét từ câu hỏi mà biên tập viên đưa ra: “Ông Quang Trung và ông Nguyễn Huệ có quan hệ như thế nào?”, nó có phần “hiểm hóc”, cố tình đánh lừa học sinh, bản chất câu hỏi đã sai thì câu trả lời cũng sẽ bị sai theo. Nói lỗi này do học sinh, do giáo viên, hay do cách dạy đều đúng nhưng chưa đủ. Khi cho rằng lịch sử chỉ là một môn học, mà quên đi nó còn là thứ để dung dưỡng tâm hồn, lòng yêu quê hương đất nước, thái độ của chúng ta đối với môn lịch sử sẽ khác. Đây là lỗi của nhà quản lý. Dạy học theo phương pháp tiếp cận nội dung như hiện nay là một cách bắt học sinh phải nhớ những thứ khó nhớ, làm khô cứng một thứ lẽ ra rất sinh động. Đây là lỗi của chương trình. Lịch sử là thực thể khách quan, không thay đổi nhưng có nhiều hướng tiếp cận, đối chiếu, vẫn có kiến thức mới, tư liệu mới…, vì thế vị thế cho môn học này có lẽ cần chú trọng hơn từ vai trò “giữ lửa” của giáo viên, đến việc thay đổi nội dung môn học, tăng khả năng sáng tạo, tự tìm tòi cho học sinh…

Làm thế nào để học và thi tốt môn Sử? Câu hỏi này không chỉ của riêng người dạy Sử, học Sử. Vẫn biết rằng việc thay đổi một hệ thống giáo dục môn Lịch sử tồn tại nhiều năm nay không thể nóng vội và làm trong một sớm một chiều. Và việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thực thi đề án nhằm thay đổi cách dạy và học môn học quan trọng này nếu chỉ làm đối phó, không có nghiên cứu thấu đáo từ gốc rễ sâu xa thì tình trạng học sinh từ chối chọn thi môn Lịch sử trong những năm tới vẫn chưa thể giải quyết

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy