Thứ ba, ngày 17 tháng 12 năm 2024
05:40 (GMT +7)

“Lũ về” trong lũ về

“Lũ về” là một trong 54 tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Thái Nguyên năm 2024. Tuy không phải là tác phẩm đoạt giải, nhưng “Lũ về” lại khiến người xem vỡ òa cảm xúc, để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi khán giả…

Cơn bão số 3 Yagi đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản cho nhiều địa phương ở miền Bắc, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Được chứng kiến bao nỗi gian truân nhưng ấm áp tình người trong lúc hoạn nạn đã cho họa sĩ Nguyễn Quang Minh nhiều cảm xúc mạnh mẽ, ý tưởng dần hình thành và tác phẩm “Lũ về” được ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

“Lũ về” trong lũ về

Thái Nguyên chủ động ứng phó cơn bão số 3 (Yagi)

“Lũ về”  là tác phẩm hội họa, được sáng tác với trường phái truyền thống, thể hiện bằng chất liệu sơn dầu vẽ lên vải toan với kích thước 60cm x 100cm. Tác phẩm được xây dựng trên một bố cục ngang, lối tạo hình mảng miếng, đơn giản nhưng bút pháp đầy đặn, lớp lang. Với “Lũ về” tác giả đã dùng phương pháp một điểm tụ để tạo không gian ba chiều cho tác phẩm, khi nhìn vào ta cảm nhận được chiều sâu hun hút của phối cảnh dựa trên cấu trúc dãy nhà cửa, dòng nước và cây cầu...

Về không gian, tác giả lấy bối cảnh khu vực Cầu Bến Tượng ở góc độ toàn cảnh, hậu cảnh là dãy núi, cây cầu, trung cảnh là dãy phố, dòng nước lũ và cận cảnh là hình ảnh cậu bé đang đứng trên mái nhà. Tác phẩm “Lũ về” đã khắc họa lại cảnh thiên tai ập về thành phố Thái Nguyên trong bối cảnh nhiều khu vực dân cư đã bị cô lập, mực nước trên sông Cầu cao hơn mức báo động khẩn cấp và gây ra nhiều thiệt hại về tài sản.

“Lũ về” trong lũ về
Tác phẩm “Lũ về”  của họa sĩ Nguyễn Quang Minh

Sự xuất hiện duy nhất của con người trong “Lũ về” chính là hình ảnh cậu bé đã được tác giả vẽ khá kỹ lưỡng. Ta như thấy được các khối hình thể, từ nếp gấp quần áo, vết bùn đất, thậm chí cảm nhận được cả những lọn tóc lấm lem. Cậu bé chính chính là điểm nhấn cho tác phẩm, được bố trí ngay khu vực tiền cảnh nên đã thu hút thị giác của người xem.

Với “Lũ về”, ta có thể thấy được sự tàn phá và sức mạnh của thiên tai, những quầng xoáy nước cuồn cuộn nhấp nhô nhấn chìm mọi thứ.

Dòng lũ được vẽ với bút pháp mạnh mẽ, dứt khoát và có chiều hướng tả chi tiết. Có thể với mong muốn miêu tả dòng nước lũ được ấn tượng và sinh động nhất, tác giả đã sử dụng kỹ thuật “tạo chất” để đạt được ý đồ của mình. Các thủ pháp đã được ứng dụng trên bề mặt vải toan với nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo ra hiệu ứng về “chất”.  Có chỗ được vẽ bằng bút, có chỗ lại được vẽ bằng chiếc bay nghiền màu, nhiều mảng màu được đắp nổi.... Dưới tác động của ánh sáng, những vị trí có độ nhám, độ xơ, nổi ganh bút khác nhau đã cho người xem cảm nhận chân thực nhất về dòng lũ cuồn cuộn đang kéo theo đầy bùn, phù sa đặc quánh.

Bên cạnh những "kể lể" chi tiết thì trái ngược lại, tác giả đã chủ động buông bỏ những nhóm phụ và không sa đà vào tả, thậm chí dìm sáng để tránh thu hút ánh mắt người xem tập trung vào đó.

Hình ảnh dòng lũ sục sôi dường như đã bị ngưng lại phía dưới chân cậu bé. Tiếp nối tinh thần này, người xem nhận thấy dòng nước lũ chuyển động bao nhiêu thì hình ảnh cậu bé lại tĩnh bấy nhiêu cho thấy ý đồ của tác giả sử dụng khái niệm “dùng tĩnh chế động”. Lúc này, nhân vật cậu bé đã khiến người xem mường tượng ra một nhân vật hiên ngang, dũng cảm.

“Lũ về” không đơn thuần miêu tả cảnh thiên tai lũ lụt mà toát lên một tinh thần quả cảm, một ý chí thép, một dự báo với xã hội... Có thể nói, tinh thần này đã “nâng cánh” cho tác phẩm “Lũ về” và giá trị thẩm mỹ cũng lấp lánh ở những thông điệp ấy.

 “Lũ về” mang nhiều tính ẩn dụ, lấy người mà không tả người, lấy cảnh mà không chỉ tả cảnh. Miêu tả về thiên tai nhưng ngụ ý không chỉ nói về một cơn lũ đơn thuần, đó chính là những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm vào trong tác phẩm của mình. “Lũ về” mang trên mình hòa sắc tương phản và ánh sáng của tạo hình, tất cả đã vượt lên trên sự phản ánh thực tế.

“Lũ về” là tác phẩm mang đầy hơi thở cuộc sống bởi tính thời sự “nóng hổi”, thể hiện sự nắm bắt nhanh nhạy xã hội của tác giả. Bởi có giới hạn về mặt thời gian nên “Lũ về” được họa sĩ Nguyễn Quang Minh hoàn thành trong 20 ngày. Cũng vì lẽ ấy mà khi nhìn vào bức tranh, đối với người làm nghề sẽ có cảm giác thèm được cầm bút vẽ tiếp, đẩy tiếp và buông tiếp nhưng có nhiều khi cũng chính bởi cái sự chuẩn chu quá, hoàn hảo và cầu toàn quá thì đôi khi lại lấn át mất cảm xúc của người vẽ. Và đối với “Lũ về”, hãy cứ để thứ cảm xúc kia được trọn vẹn cống hiến, được mãnh liệt, được trăn trở, được suy nghĩ bộc bạch và thậm chí là dang dở...

Có thể nói, họa sĩ Nguyễn Quang Minh đã thành công trong việc truyền cảm xúc, nối dài thông điệp tới khán giả hay chí ít cũng là sự đồng cảm, khơi gợi về kỷ niệm ấn tượng nào đó của người xem khi đứng trước tác phẩm “Lũ về”.

Cơn bão số 3 Yagi đã lùi lại quá khứ nhưng dư âm của “Lũ về” vẫn còn đâu đó trong lòng người xem. Rồi đây, có thể bức tranh kia sẽ ngả màu cùng thời gian nhưng hình ảnh cây cầu Bến Tượng, dòng sông Cầu và hình tượng nghệ thuật - chú bé trên mái nhà đầy kiên cường sẽ mãi nhắc nhớ chúng ta về câu chuyện ứng phó thiên tai, phòng chống bão lũ bởi “mẹ thiên nhiên” có thể nổi giận bất cứ lúc nào.

Thật đáng ghi nhận và tự hào, bức tranh “Lũ về” được sáng tác bằng khối óc và trái tim của một công dân Thái Nguyên: họa sĩ Nguyễn Quang Minh!

“Lũ về” trong lũ về
“Lũ về” trong lũ về

Họa sĩ Nguyễn Quang Minh (28/10/1981) Giảng viên bộ môn Thiết kế Đồ họa, Khoa Nghệ thuật và Truyền thông, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên. Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên. Giải thưởng: Giải Khuyến khích Văn học nghệ thuật giai đoạn 2017 – 2021. Giải Ba Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Thái Nguyên 2024.

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục