Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
11:32 (GMT +7)

Loạn… siêu

VNTN - Hiểu nôm na thì “siêu” có nghĩa là trên tài, đã đạt tới đỉnh điểm, đứng đầu hoặc khác hẳn những thứ cùng loại cùng dạng, có ưu thế vượt trội về mặt này mặt khác. Nó tương đương với “super” trong tiếng Pháp, tiếng Anh.

Tuy đơn giản thế thôi, nhưng do quen thông tin một chiều, kinh tế khó khăn, hàng hóa nghèo nàn, khan hiếm…, và cũng do sách báo luôn dùng từ chuẩn xác mà cho đến trước ngày xóa bỏ bao cấp, người dân nước ta - nhất là ở miền Bắc cũng chỉ bắt gặp “siêu” trong siêu trường, siêu trọng, siêu cường, máy bay siêu âm (nay là siêu thanh để phân biệt với sóng siêu âm), siêu dẫn… Còn những: siêu lợi nhuận, siêu thị, xuất siêu, nhập siêu,… vẫn còn là khái niệm xa lạ đối với nhiều người. Vào thời ấy, nếu yêu cầu đặt câu có chữ “siêu” thì các đáp án chắc cũng chỉ có siêu đun nước, siêu sắc thuốc và quanh quẩn trong các trường hợp vừa nêu.

Ấy thế mà những năm gần đây, “Siêu” liên tục phát triển, đến mức gần như “bùng nổ”. Công bằng mà nói thì cũng có những thứ đúng là “siêu” thật, ví như trong các trường hợp siêu phẩm, siêu xe, siêu sao… Hay như ấm đun nước siêu tốc và cả… siêu trộm, siêu lừa. Còn phần lớn “siêu” khác đều là “tự phong” để siêu… quảng cáo chứ chưa hề có sự kiểm chứng hoặc đối chứng như: siêu mỏng, siêu nét, siêu nhẹ, siêu bền, siêu phân giải, siêu tiết kiệm, siêu phẳng, siêu rẻ, siêu mẫu, siêu thông minh(?)…

Một trong những “thành viên” gia nhập “hội siêu” nhiều năm nay là các điểm bán nước mía “siêu sạch”. Thế nhưng, ngay từ khi vừa trình làng, một số điểm - hay nói đúng hơn là một số công đoạn trong quy trình làm nước mía đó đã được một số tờ báo mô tả cận cảnh cho thấy, dưới góc nhìn y tế phải gọi là… siêu bẩn! Thật ra thì khách hàng Việt với tư duy nông nghiệp, trọng tình nên khá dễ tính, họ ít quan tâm, hoặc chẳng cần để ý đến sự khác nhau giữa các điểm bán nước mía “siêu sạch” và “không siêu sạch” là ở khâu nào. Cứ thấy tiện lợi chỗ nào thì mua dùng chỗ đó. Cũng có thể là thiên hạ chỉ coi việc “siêu hóa” như một mốt thời thượng kiểu phong trào mà thôi.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp không phải để quảng cáo nhưng do bị “choáng ngợp” vì “chưa thấy bao giờ” nên đã hào phóng gắn thêm “siêu”. Hẳn mọi người còn nhớ, vài mươi năm trước, báo chỉ rầm rộ đưa tin về đường dây siêu cao áp 500 kilovolts để rồi sau đó phải tự “sửa sai” khi nhận ra rằng, đối với thế giới thì 500 kilovolts cũng chỉ là mức điện áp… bình thường trong hệ thống đường dây tải điện mà nhiều nước đã sử dụng từ rất lâu rồi. Bởi vậy mà giờ đây, khi nhắc đến nó, truyền thông chỉ gọi đúng là đường dây 500 kilovolts.

Gần như là quy luật, cái gì cũng thế, một khi đã bão hòa thì đâu còn quý hiếm nữa và “siêu” cũng không ngoại lệ. Phải chăng, do lường trước tình trạng này mà báo chí nước ngoài đã từng gọi một siêu cầu thủ là “người ngoài hành tinh”. Tương tự, thì ở Việt Nam cũng từng xuất hiện cụm từ “trên cả tuyệt vời” trong lĩnh vực quảng cáo, nhưng với trình độ không ngừng được nâng cao, khách hàng đâu dễ bị mê hoặc trước những khái niệm mơ hồ.

Ai cũng biết, dân ta thường coi việc quảng cáo sai sự thật (theo hướng biến không thành có, biến ít thành nhiều, biến dở thành hay) là chuyện… đương nhiên, bởi nếu không thế thì đâu phải là… quảng cáo. Cho nên, trong nhận thức chung của cộng đồng, những người luôn tìm mọi cách để khoe khoang bản thân đều không có thực tài và càng không thuộc diện tầm cỡ - cho dù có ai đó gọi họ là “siêu nhân”.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy