Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
17:36 (GMT +7)

Liệt sĩ Ngô Quang Tâm - người con anh dũng của Thái Nguyên

VNTN- Năm 1964, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và ngành Công an, Đại úy Ngô Quang Tâm, Phó Trưởng Công an Thành phố Thái Nguyên, kiêm Trưởng Đồn Công an Lưu Xá viết đơn tình nguyện và là lớp Công an đầu tiên của tỉnh đi chiến trường B. Ngày lên đường, đồng chí lấy bí danh Thượng Nam, nghĩa là người con của làng Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào Nam chiến đấu mà chẳng tiếc tuổi xuân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, cho ngày đất nước, non sông hòa bình, thống nhất…

Đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc

Sinh năm 1927, Ngô Quang Tâm, là con thứ ba trong một gia đình thuần nông có 7 anh chị em (4 trai, 3 gái). Thấm đẫm trong mình truyền thống, khí chất của quê hương cách mạng, tháng 4/1945, khi 18 tuổi, anh tham gia Thanh niên cứu quốc tại địa phương, là tình báo viên ở Đảng bộ Phú Bình, hoạt động suốt tuyến Hà Nội - thị xã Thái Nguyên. Thấy rõ tinh thần mưu trí, dũng cảm của tình báo viên Ngô Quang Tâm, không ngại khó khăn, gian khổ xông pha nơi hiểm nguy thu thập những thông tin có giá trị về âm mưu của thực dân Pháp và tay sai tấn công lên vùng căn cứ địa cách mạng ATK - Thủ đô kháng chiến, tháng 4/1948, đồng chí Bảo Sơn, Phó Trưởng Ty Công an - Ủy viên Công an Khu I đã tuyển dụng anh vào biên chế lực lượng Công an.

                                    1-1690274481.jpg
Chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức Lễ truy điệu liệt sĩ Ngô Quang Tâm tại nghĩa trang quê nhà, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên ngày 6.1.2023.

Vốn mang trong mình khí chất của quê hương cách mạng, được Đảng giáo dục, rèn luyện, đồng chí Ngô Quang Tâm đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành, được bổ nhiệm giữ các chức vụ cấp phó, cấp trưởng các đơn vị thuộc Ty Công an Thái Nguyên. Năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Đại úy Ngô Quang Tâm đã viết đơn xung phong lên đường chi viện cho An ninh miền Nam. Lúc ra đi, ông để lại quê nhà cha mẹ già, người vợ tảo tần và 4 người con thơ, con út mới được 1 tuổi. Đó là đợt đầu tiên của Đoàn cán bộ Ty Công an Thái Nguyên chi viện cho chiến trường miền Nam. Đại úy Ngô Quang Tâm được Ban An ninh Trung ương Cục điều động đến hoạt động bí mật tại Ty Công an Tuyên Đức (nay là Công an tỉnh Lâm Đồng).

Là một cán bộ chi viện có nhiều kinh nghiệm, Đại úy Ngô Quang Tâm, được bổ nhiệm Phó Ban An ninh Ty Công an Tuyên Đức. Phát huy kinh nghiệm, khí chất anh hùng của Thủ đô gió ngàn kháng chiến, Đại úy Ngô Quang Tâm đã lăn xả vào cuộc kháng chiến của quân dân trên chiến trường miền Nam, quán triệt, triển khai đường lối đấu tranh, truyền đạt kinh nghiệm công tác, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cán bộ, chiến sĩ về người thủ trưởng sâu sắc trong chuyên môn, nhưng rất gần gũi với chiến sĩ và bà con cơ sở.

Năm 2009, khi gặp lại người thân của liệt sĩ Ngô Quang Tâm ở Thái Nguyên, Thiếu tướng Dương Hiển Đế - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, nguyên cán bộ công an xã những năm 1965 - 1968 kể lại: “Năm 1968, tôi được được thủ trưởng Ngô Quang Tâm, Phó Ban An ninh Ty Công an Tuyên Đức về giảng dạy nghiệp vụ và tuyên truyền hoạt động của Ngành. Ấn tượng trong tôi về thủ trưởng là người nhanh nhẹn, hoạt bát, rất sắc về nghiệp vụ”.

                                    2-1690274480.jpg
Giấy chứng nhận số 002025 của Đại úy Ngô Quang Tâm do Ty Công an Thái Nguyên cấp năm 1961 (Gia đình cung cấp)

Ngày 30/4/1975, non sông ca khúc khải hoàn, nhưng Đại úy Ngô Quang Tâm lại cùng đồng đội bước vào cuộc chiến mới đầy cam go, ác liệt. Số ngụy quân, ngụy quyền phần bị bắt, phần di tản ra nước ngoài hoặc đào tẩu qua biên giới sang nước bạn, hoặc trốn chạy lẩn khuất trong rừng tránh sự truy lùng, đưa đi cải tạo của chính quyền cách mạng, khiến cho tình hình an ninh trật tự ở Tây Nguyên vẫn vô cùng phức tạp. Cao nguyên Langbiang - nóc nhà Tây Nguyên ở độ cao 2.000 m so với mặt nước biển, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12 km về phía Bắc, thuộc địa phận huyện Lạc Dương trở thành điểm co cụm lý tưởng cho đám tàn quân ngụy.

Tháng 7/1975, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an đến Đà Lạt kiểm tra công tác tiếp quản, chỉ đạo: FULRO “là vấn đề dân tộc phức tạp, cần phải đấu tranh vừa vũ trang, vừa chính trị và thực hiện đầy đủ chính sách dân tộc”. Dưới sự chỉ đạo của Bộ, Ty Công an Tuyên Đức thành lập các đội công tác, phối hợp cùng lực lượng Quân đội, một mặt vào vùng đồng bào vận động tàn quân ngụy ra trình diện, mặt khác truy quét số FULRO lẩn trốn đến cùng. Trong một lần dẫn đầu đoàn cán bộ Ty Công an Tuyên Đức truy lùng FULRO ở khu vực đồi Thiêng Liêng, huyện Lạc Dương, Đại úy Ngô Quang Tâm và đồng đội bị bọn tàn quân ngụy tập kích. Chúng điên cuồng vãi đạn vào đoàn công tác làm cả 9 người hy sinh. Ghi dấu sự cống hiến, hy sinh đầy bi tráng của 9 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Ty Công an Tuyên Đức đã đặt 9 liệt sĩ yên nghỉ tại đồi Thiêng Liêng và đến năm 1984, được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Lạt. Phần mộ liệt sĩ Ngô Quang Tâm ở vị trí số 15, lô 2, khu B2, Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố Đà Lạt.

Trở về với đất mẹ Phú Bình

Ở quê nhà Phú Bình, bà Dương Thị Dần - vợ liệt sĩ Ngô Quang Tâm nén nỗi đau mất chồng, gắng hết sức mình, như cố làm thay cả phần ông chăm sóc, nuôi dạy 04 người con trưởng thành. Các con, cháu, chắt đều noi gương ông, phấn đấu, trưởng thành, là những cán bộ, đảng viên, có nhiều đóng góp cho xã hội. Năm 2000, người gọi liệt sĩ Ngô Quang Tâm là chú ruột - Thượng tá Ngô Minh Thường, cán bộ Công an tỉnh Thái Nguyên đã liên hệ với Công an tỉnh Lâm Đồng, sau đó đã nhiều lần tổ chức viếng thăm mộ liệt sĩ Ngô Quang Tâm tại Đà Lạt.

                                    3-1690274481.jpg
Huy hiệu Đơn vị AHLLVTND của Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam tặng Liệt sĩ Công an chi viện Ngô Quang Tâm (Gia đình cung cấp)

Thượng tá Ngô Minh Thường cho biết: “Gặp lại người chú ruột của mình ở Nghĩa trang liệt sĩ, tôi đã vô cùng xúc động. Xúc động hơn là những tình cảm trân quý mà cán bộ, chiến sỹ Công an Lâm Đồng hôm nay dành cho chú của tôi. Lần nào tôi và gia đình vào thăm, cán bộ Công an tỉnh Lâm Đồng như đồng chí Phạm Thành Sung, Nguyễn Quang Thái, Phạm Thị Khoa, Đinh Văn Sản công tác tại Phòng Tổ chức cán bộ cũng đều đón tiếp rất nhiệt tình, chu đáo”. Thế mới biết tình cảm “Nam - Bắc một nhà”, “vì miền Nam ruột thịt” của các thế hệ cha anh, những cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân năm xưa đã đổ máu xương, dày công vun đắp tạo dựng, tôi luyện qua khói lửa bom đạn chiến tranh mãi như suối nguồn lịch sử truyền thống trong vắt chảy mãi, tô thắm thêm trang sử hào hùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam hôm nay. Tình cảm ấy càng ngời sáng, xúc động trong lòng cán bộ, chiến sĩ khi năm 2009, Thiếu tướng Dương Hiển Đế - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng có chuyến công tác đến Công an tỉnh Thái Nguyên, biết và đề nghị với lãnh đạo Công an tỉnh được gặp người cháu của liệt sĩ Ngô Quang Tâm đang công tác tại Công an tỉnh. Khi gặp đồng chí Ngô Minh Thường, Thiếu tướng Dương Hiển Đế xúc động: “Tôi biết Thái Nguyên là đất trà, nhưng khi ra Bắc, tôi vẫn mang ra gói trà Lâm Đồng này để đến thắp hương cho người thủ trưởng cũ đã anh dũng hy sinh. Trong gói Trà này, có hương vị xương máu của Liệt sĩ Ngô Quang Tâm. Những cống hiến, hy sinh xương máu của ông, đất và người Tuyên Đức xưa, Lâm Đồng hôm nay mãi còn ghi nhớ”.

Thế rồi, duyên phận đời người, năm 2011, bà Dương Thị Dần - vợ liệt sĩ Ngô Quang Tâm mặc dù đã 89 tuổi, vẫn cùng các con, cháu vào Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt viếng chồng. Trở về quê nhà, bà ốm và đến năm 2013 thì mất, hưởng thọ 91 tuổi. Trước khi sang thế giới bên kia gặp ông, bà dặn đi, dặn lại con cháu “bằng mọi giá phải đưa ông về quê”. Thực hiện di nguyện của bà, các con, cháu đã nhiều lần định chuyển, nhưng rồi mãi 10 năm sau khi bà mất, năm 2023 này, gia đình đã liên hệ với Công an và các cơ quan liên quan tỉnh Lâm Đồng làm các thủ tục để đưa liệt sĩ Ngô Quang Tâm về trong vòng tay đỡ nâng của người thân, bà con lối xóm và chính quyền, nhân dân địa phương.

Suốt cuộc đời hơn 30 năm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự qua hai cuộc kháng chiến, Đại úy Ngô Quang Tâm đã không ngại khó khăn, gian khổ, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do thống nhất toàn vẹn non sông, Tổ quốc, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Lúc sinh thời công tác, hay khi đã hy sinh, đồng chí để lại tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, phẩm chất của người đảng viên, cán bộ Công an nhân dân. Dù trong hoàn cảnh nào cũng phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao cho, để lại những tình cảm tốt đẹp trong đồng chí, đồng đội, chính quyền và nhân dân ở hai miền Nam - Bắc. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện công tác “đền ơn đáp nghĩa”, thể theo nguyện vọng của gia đình, hài cốt liệt sĩ Ngô Quang Tâm được di táng tại nghĩa trang quê nhà, xã Bảo Lý, Huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

                                    4-1690274482.jpg
Tác giả Ngô Minh Thường (người đeo tang trắng) và Đoàn Đức Phương (người đứng cạnh), cùng cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thái Nguyên viếng Liệt sĩ Ngô Quang Tâm (ngày 6.1.2023)

Lời điếu của chính quyền địa phương trong lễ truy điệu đón di cốt liệt sỹ Ngô Quang Tâm về với quê hương, có viết: “Suốt một đời gắn bó với sự nghiệp bảo đảm an ninh trật tự, với phẩm chất thông minh, hiếu học và sớm giác ngộ lý tưởng của Đảng, đồng chí Ngô Quang Tâm là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, người đảng viên trung kiên, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhưng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân hôm nay học tập, noi theo”.
 
Minh Thường - Phương Nam

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Xuân về một dải biên cương

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nghiêng mình bên xứ lạ

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

Nơi ngày xuân vương vấn niềm thương

Xem tin nổi bật 3 tháng trước