LGBT – cánh đồng hoang thách thức
Những siêu phẩm phim về LGBT
LGBT là tên viết tắt của Cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và Hoán tính hay còn gọi là Người chuyển giới (Transgender).
Trong nghệ thuật điện ảnh, LGBT trên thế giới từ lâu đã là một đề tài bình thường, chứ không phải là một dạng “model” như ở nước ta trong một hai thập niên trở lại đây. Những bộ phim nghệ thuật về LGBT trên thế giới đã từng giành những giải thưởng cao như: Brokeback Mountain (2005) của đạo diễn Lý An luôn được đánh giá cao ở bất kỳ lễ trao giải đẳng cấp hay Liên hoan phim uy tín nào. Happy Together (1997) của đạo diễn Vương Gia Vệ đã giúp ông tỏa sáng ở Liên hoan phim Cannes năm 1997 với một một chiến thắng ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và một đề cử Cành cọ vàng danh giá, đồng thời cũng đưa tên tuổi của Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ lên một tầm cao mới. Milk (2005) xoay quanh Harvey Milk, một người đồng tính có quan điểm chính trị tích cực. Ông đã dấn thân vào con đường chông gai với hy vọng sẽ thay đổi cách nhìn của xã hội về những người đồng tính. Sau hai chiến dịch tranh cử không thành công, năm 1977, ông đã giành được một ghế tại Ủy ban Giám sát San Francisco. Chiến thắng này cũng đánh dấu việc lần đầu tiên một người đồng tính có mặt trong Quốc hội Mỹ. Blue Is The Warmest Color (2013) của Pháp là tác phẩm gần đây nhất làm về đề tài đồng tính gây được tiếng vang lớn và thành công ngoài mong đợi. Chiến thắng Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes cùng với đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất ở BAFTA và Quả cầu vàng là những minh chứng cho một tác phẩm xuất sắc.
Một cảnh trong phim Brokeback - Mountain
Ngoài ra có thể kể đến những bộ phim về đề tài LGBT nổi tiếng khác là Bá Vương biệt Cơ (1993) của đạo diễn Trần Khải Ca. Phim này, ngoài việc được chọn là “Phim Trung Quốc hay nhất mọi thời đại”, còn là một trong hai phim Trung Quốc được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 phim hay nhất mọi thời đại. Show Me Love (1998); Monster (2003) và nhiều bộ phim khác.
Hiện nay trên thế giới đã có nhiều quốc gia thông qua luật hôn nhân đồng giới. Năm 2015 đã trở thành năm quan trọng nhất đối với cộng đồng LGBT Mỹ, khi Tòa án tối cao quốc gia Mỹ đã thông qua điều luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại nước này với 4/5 phiếu thuận. Và năm này còn được giới chuyên môn đánh giá là một năm thành công của dòng phim LGBT, với các phim The New Girlfriend, Carol, The Danish Girl, Grandma, Tangerine…
Điểm đặc biệt của dòng phim này là các bộ phim không chỉ tập trung thể hiện tình yêu đồng giới, mà còn gửi gắm những thông điệp khác về cuộc sống của giới trẻ, khát khao muốn bay nhảy, thể hiện bản thân và nỗi bức bối tột độ khi phải sống một cuộc đời nhàm chán, tù túng, đặc biệt là tình yêu nghệ thuật sâu sắc đến ám ảnh (Bá Vương biệt Cơ) và nhiều khía cạnh nhân văn khác trong cuộc sống.
Nghệ thuật bay trên đôi cánh tự do
Có thể nói năm 2015 cũng là một năm ghi dấu những thay đổi lớn về mặt luật pháp đối với quyền của cộng đồng LGBT ở Việt Nam. Luật Hôn nhân và gia đình (2014) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, quy định cấm kết hôn “giữa những người cùng giới tính” đã được dỡ bỏ. Tháng 11/2015 Quốc hội đã biểu quyết thông qua bộ Luật dân sự sửa đổi, trong đó quyền chuyển đổi giới tính được chính thức hợp pháp hóa. Đó là kết quả của quá trình vận động thực hiện quyền của cộng đồng LGBT không ngừng nghỉ của người trong cuộc, các tổ chức dân sự, nhà hoạch định chính sách và những người làm truyền thông vận động xã hội.
Mới đây, một cuộc thi sáng tạo video clip về chủ đề LGBT mang tên: “Yêu thương không giới hạn” do CSAGA phối hợp với Đại sứ quán Mỹ, và Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới đã được phát động. Đạo diễn, diễn viên Trần Lực sẽ là giám khảo của cuộc thi này.
CSAGA là Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên. Đây là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập từ năm 2001, với hoạt động chính bằng các phương pháp sáng tạo, nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền cho nhóm phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi kỳ thị và bạo lực ở Việt Nam.
“Lạc giới” - bộ phim Việt đầu tiên về đề tài lưỡng giới bất ngờ ghi điểm với khán giả.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc CSAGA, trong bài phát biểu tại buổi lễ phát động cuộc thi đã nhấn mạnh: “Mọi cố gắng của các xã hội tiến bộ đều hướng tới một cuộc sống tươi đẹp hơn trong đó mọi thành viên đều được tôn trọng. Mọi khao khát đều được lắng nghe. Mọi quyền con người của tất cả các nhóm đều được thực hiện công bằng như nhau. Dựa trên hiểu biết, tình thương yêu và mong muốn những điều tốt đẹp. Đó là một xã hội mà mọi định kiến đều được cởi bỏ.” Chính vì thế, cuộc thi mong muốn tìm kiếm các sản phẩm video clip độc đáo, ấn tượng, phản ánh chân thực những khát khao về tình yêu, sự tôn trọng xu hướng tính dục, yêu thương trong gia đình và xã hội, điều mà cộng đồng LGBT phải đấu tranh mới có được. Như vậy, CSAGA đang rất nỗ lực để truyền thông điệp đến cộng đồng, bởi LGBT có thể là bất cứ ai trong số chúng ta.
Nhưng một vấn đề cần phải nhìn nhận nghiêm túc: Đó là cộng đồng LGBT có thực sự muốn được xã hội coi là đồng đẳng? Họ có cho mình là “đáng thương” trong mắt người khác. Và với họ, biết đâu những người khác mới là dị biệt? Nhà văn Lê Minh Khuê, một trong số nghệ sĩ tham gia “Nhóm các nghệ sĩ quan tâm đến LGBT” cũng thẳng thắn chia sẻ: “Liệu cộng đồng LGBT có đáng thương như người ta nghĩ, và việc chúng ta “đấu tranh” mới chính là một hành vi kỳ thị?”. Và đó mới là cái khó khi đưa đề tài này vào các môn nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Theo nhà biên kịch Trịnh Đan Phượng, thì truyền hình ngày nay đã có nhiều tiến bộ khi đề cập đến vấn đề được cho là “nhạy cảm” này. Tuy nhiên, đề tài LGBT vẫn bị hạn chế trong thể loại phim truyền hình, trong khi đó, đối với các nhà làm phim nghệ thuật, thì đây lại là nguồn cảm hứng lớn.
Đề tài rất quan trọng, thực hiện đề tài như thế nào còn quan trọng hơn rất nhiều. Bởi đó là cách để truyền thông điệp và cách tiếp nhận thông điệp. Cũng như dòng phim hài luôn ăn khách ở các rạp chiếu phim hiện nay, thì vấn đề khán giả là những ai, là làm sao để họ cười, và cười như thế nào luôn được các nhà làm phim xác định rất rõ ràng. Đề tài LGBT có thể được các nhà làm phim khai thác trực diện, đào sâu, hay chỉ đơn giản đề cập thoảng qua, coi như một phần tất yếu của cuộc sống, là tự nhiên, thì quan trọng vẫn là cách làm một bộ phim. Do đó, làm sao để các bộ phim điện ảnh có thể không chỉ chuyển tải thông điệp “Yêu thương không giới hạn”, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật có chỗ đứng độc lập.
Đó là phim nghệ thuật với sự đầu tư lớn về kinh phí sản xuất, kịch bản và cần có bàn tay tài hoa của các đạo diễn để có thể làm nên một kiệt tác điện ảnh. Nhưng cuộc thi “Yêu thương không giới hạn” do CSAGA phát động chỉ là một cuộc thi làm clip ngắn, dung lượng không quá 7 phút thì sao? Làm thế nào để có thể đáp ứng được các tiêu chí mà BTC đã kỳ vọng? Đạo diễn, diễn viên Trần Lực rất tin tưởng ở sự thành công của cuộc thi. Theo anh thì niềm tin ấy được đặt lên vai các nhà làm phim trẻ, hiện đại và đầy sáng tạo, phá cách: Hãy bắt đầu làm phim từ trái tim và cảm xúc chân thành, dù làm phim với đề tài nào đi chăng nữa. Bởi nghệ thuật là tự do và nghệ thuật chỉ có thể bay trên đôi cánh của tự do.
Song Ngư
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...