Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
22:27 (GMT +7)

Lễ đưa hồn lên bàn thờ của người Dao

VNTN- Cuối năm, người ta thường hay nghĩ đến đường âm. Hầu hết các dân tộc đều làm việc liên quan đến đường âm vào những ngày cuối năm. Người Kinh thì làm lễ cải táng, người Mông làm ma khô, người Dao làm lễ đưa hồn người mất lên bàn thờ để đoàn tụ với tổ tiên.


Người Dao quan niệm, khi người mất đi, hồn bị nhốt ở địa ngục chưa được đoàn tụ với tổ tiên. Nếu muốn người ấy được đầu thai chuyển kiếp thì người nhà phải đưa hồn ra khỏi địa ngục, lên bàn thờ để đoàn tụ với tổ tiên. Trong thời gian còn bị nhốt ở địa ngục thì chưa thể phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt được. Muốn người mất phù hộ cho gia đình sức khỏe, làm ăn phát đạt thì cần phải làm lễ đưa hồn lên bàn thờ.

Trước khi làm lễ gia đình phải đi xem thầy để biết ngày giờ nào tốt thì chuẩn bị làm. Chọn được ngày giờ rồi thì sẽ chuẩn bị, cả về đường âm và đường dương. Về đường dương thì chuẩn bị lương thực thực phẩm để làm lễ, vì lễ diễn ra trong hai ngày một đêm nên cần rất nhiều lương thực. Về đường âm thì đi nhờ hai thầy đã làm chủ lễ trong lễ ma lúc người ấy mới mất đến làm lễ. Hai thầy sẽ phải chuẩn bị cắt giấy để làm nhà táng, làm đàn cúng. Làm đủ, ngày trước hôm làm lễ sẽ mang sang nhà để sắp đàn cúng. Ngoài ra, hai thầy chủ lễ sẽ nhờ các đệ tử đến để cùng phụ lễ trong các việc như phụ múa trong lễ cúng, thắp hương, châm đèn, làm rồng đi đón hồn, rồng chở hồn, làm người hầu cho hồn.

Bắt đầu lễ, các con trai phải có lễ dâng các thầy để nhờ thầy chủ trì lễ giúp đưa hồn bố hoặc mẹ lên bàn thờ. Các thầy nhận lễ và bắt đầu buổi lễ.

Lễ được thực hiện bằng nhiều tiết khác nhau. Tiết mở đầu là mời Ngọc Hoàng và các quan trên trời, dưới đất chứng kiến lễ đón hồn về. Có nói lý do là ông, bà ấy do ốm đau bệnh tật không cứu được nên đã qua đời, nay có làm một lễ nho nhỏ để mời ông, bà lên bàn thờ của gia đình. Khi các thầy cúng, vợ và các con quỳ dưới đàn cúng, con trai phía trước nhà táng, vợ và con gái, con dâu quỳ sau nhà táng. Vợ và các con gái, con dâu thường xúc động ở phần cúng này nên khóc rất lớn. Lời khóc kể sự buồn đau khi chồng, bố đã đi xa, ở bên ấy không biết đời sống thế nào. Lời khóc như lời hát, làm mọi người tham dự lễ đều xúc động với tình cảm của vợ con. Các thầy cúng và múa những bài cúng xung quanh con cháu và nhà táng để báo với các vị thần linh về việc hôm nay gia đình làm lễ đưa hồn lên bàn thờ.

Hết tiết báo với các vị thần linh là đến tiết đi đưa thông tin cho Ngọc Hoàng để báo việc của gia đình. Bốn đứa bé trai sẽ được chọn để múa báo việc trước đàn cúng. Chỉ có những bé trai mới được chọn chứ không phải bé gái. Hai bé sẽ cầm hai con hồng hạc được đan tượng trưng bằng lạt để đi đưa văn thư thông tin cho Ngọc Hoàng. Hết phần đi báo này sẽ chuyển sang cúng trước đàn nhỏ ở góc nhà để mời các cụ đã mất của gia đình về chúc mừng gia đình làm lễ đưa hồn lên đoàn tụ với các cụ. Bài cúng này phải đọc tên từng người đã mất trước đó, mời đến cả cô dì, chú bác đã mất. Các bé trai làm lễ này dưới sự dẫn dắt của một thầy múa và một thầy cúng. Khi cúng xong, các bé đưa con hồng hạc qua đầu để thầy cúng đón lấy và đem ra đàn cúng trước nhà đốt để nó mang văn thư đi mời Ngọc Hoàng và tổ tiên về chứng kiến lễ.

Trong khi các thầy múa và cúng thì các đệ tử đọc sách cúng ở hai bên phải và trái đàn cúng. Sách cúng viết bằng chữ Nôm Dao từ đời trước để lại, tiết nào sẽ có sách cúng của tiết đó. Tiếng đọc sách cúng hòa trong âm thanh linh thiêng của trống, chiêng, chũm chọe khiến lễ cúng linh thiêng trong mỗi người. Hết tiết này, chuyển sang tiết khác sẽ có đệ tử đi thắp hương khắp đàn cúng lớn, đàn cúng nhỏ, nhà táng, bếp lửa.

Sau khi gửi văn thư đi mời các cụ tổ tiên về, thầy cúng chính phải lập một đàn cúng nhỏ ở giữa nhà cùng với nồi nước phép để các cụ về tắm rửa sạch sẽ rồi mời vào chứng kiến lễ của gia đình. Sau khi hồn các cụ tắm rửa qua nồi nước phép đó thì sẽ đến chỗ đàn cúng để ngự ở đó để chứng kiến buổi lễ.

Một mâm lễ nhỏ được sắp ra trên một chiếc mẹt, trên đó đặt bát gạo, thắp hương cùng mấy chén rượu và một con gà nhỏ. Các thầy sẽ cúng trong tiếng trống trầm ấm để gửi hồn con gà đi mời Ngọc Hoàng, Hương Hỏa, Địa Vương về chứng kiến lễ. Trước khi vào tiết này, con trai người quá cố phải cung kính dâng gà lên thầy. Thầy sẽ hóa phép cho con gà rồi quay nó vòng quanh người con trai đó ba vòng, từ chân lên người, lên đầu. Ý của việc này là con gà sẽ mang hết ốm đau, bệnh tật của tất cả các thành viên trong gia đình đi để mọi người được khỏe mạnh. Con gà được đặt lên chiếc mẹt đó để các thầy cúng. Xong phần cúng, một thầy sẽ cầm con gà đó đến cúng ở nhà táng. Tay thầy cầm một thanh kiếm. Cúng xong, thầy sẽ chặt đầu con gà để nó chết và hồn nó sẽ mang bệnh tật của cả gia đình đến chỗ Ngọc Hoàng, Hương Hỏa, Địa Vương.

Bắt đầu từ lúc này, ở góc nhà nơi bàn thờ nhỏ vừa được lập, một thầy cúng sẽ thắp hương để xin được làm lễ cho tổ tiên bằng cách cắt giấy tượng trưng cho những người đã mất trong gia đình. Mỗi người mất sẽ được cắt một tờ giấy bản, vẽ lên đó 36 cái xương tượng trưng cho bộ xương của mỗi người. Những bộ xương tượng trưng này sẽ được đốt cùng với nhà táng, đàn giấy sau khi xong lễ.

Cho đến lúc này, hồn người mất vẫn còn bị nhốt ở địa ngục. Người ta phải làm hai con rồng bằng rơm để một con đi đón hồn về, một con để hồn cưỡi. Một con rồng màu xanh, một con rồng màu vàng, trên lưng mỗi con là một hình người tượng trưng là người đã mất. Hai con rồng được cầm bởi hai thầy cúng, sau tiết cúng là màn múa hai con đánh nhau. Con màu xanh sẽ thua và có nhiệm vụ đi tìm xem hồn người ấy ở dưới địa ngục chính xác chỗ nào thì phá ngục đưa hồn về. Người cầm con rồng xanh sẽ diễn cảnh bị thua và đi tìm hồn, phải đi ra khỏi nhà, đến một ngã ba gần nhất và đốt con rồng ở ngoài đó. Đến khi đốt xong mới được về. Tiếp sau đó là một đoàn sẽ đi đón hồn người về. Đoàn ra đúng đến chỗ đốt con rồng xanh và cúng ở đó để mời hồn về. Đoàn đi đón hồn gồm các thầy cúng, đệ tử của thầy, các thanh niên trong làng và quan trọng nhất là con cháu của người mất. Thầy sẽ cúng gọi hồn lên khỏi địa ngục để về nhà. Khi hồn đã lên được thì trú ở tấm vải trắng đã quấn quanh nơi đốt con rồng ấy, tượng trưng cho cửa địa ngục. Người con trai sẽ phải ôm cuộn vải trắng cùng với tờ giấy ghi tên họ người mất để về nhà. Đoàn về đến cầu thang nhà sàn, một người sẽ diễn cảnh hồn sau bao tháng xa nhà, nay về lại thấy bỡ ngỡ. Người ấy sẽ gọi to: "Có con cháu ở nhà không? Mở cửa cho ông vào". Một người trong nhà sẽ nói vọng ra: "Chúng con ở trong nhà, ông vào nhà đi". Lúc ấy đoàn người mới được lên thang vào nhà. Vào nhà người kia lại diễn cảnh bỡ ngỡ khi xa nhà lâu ngày. Một chiếc bàn, ghế được bày ra rồi sắp cơm cho hồn ăn. Cuộn vải người con trai vẫn ôm sẽ đặt lên chiếc bàn để thầy cúng mời hồn ăn cơm. Xong phần ăn cơm thì hồn sẽ cưỡi trên lưng con rồng vàng vẫn để trên chiếc cầu bằng vải bắc từ sàn gác xuống đàn cúng. Từ đó hồn đã được mời lên bàn thờ đoàn tụ với tổ tiên.

Khi hồn đã lên bàn thờ thì thầy cúng sẽ làm lễ cởi tang cho con cháu. Các con cháu sẽ quỳ lạy thầy cúng đã giúp đỡ làm lễ đưa hồn lên bàn thờ. Thầy sẽ cởi từng chiếc khăn tang của người nhà, bắt đầu từ cháu chắt họ xa trước, rồi đến con cháu họ gần, rồi đến con gái, con dâu, con trai và cuối cùng là vợ. Những chiếc khăn tang, áo tang được thầy cởi ra, tháo chỉ vứt vào chậu than đang đỏ để đốt, rồi thầy xé đôi khăn ra, một nửa dành cho thầy, một nửa giao lại cho người đội để sau làm gì thì làm.

Lễ đưa hồn lên bàn thờ từ giờ sẽ là phần vui, vì hồn đã được đoàn tụ với tổ tiên ở thế giới bên kia để phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Trong đêm hôm ấy, thầy cúng sẽ đọc những bài cúng mong hồn mạnh khỏe. Cho đến sáng hôm sau kết thúc buổi lễ sẽ đốt hết nhà táng, đàn cúng bằng giấy để gửi cho hồn dùng ở thế giới bên kia.

Đốt xong những thứ đó, quay về nhà, thầy sẽ làm lễ cúng đầu lợn đã được mổ trong lễ. Cúng ở nhà gia chủ, sau đó xoay đầu lợn quay ra cửa để hai người sẽ mang những đầu lợn đó sang nhà thầy, làm sạch sẽ để thầy về cúng báo cáo tổ tiên nhà thầy đã làm xong lễ hộ cho gia đình một cách tốt đẹp. Xong buổi lễ, gia đình sẽ mời cả bản dùng bữa cơm vui để mừng hồn đã được lên bàn thờ. Mọi việc kết thúc ở nhà gia chủ, thầy cúng sẽ về nhà cúng báo tổ tiên và mời các đệ tử ăn bữa cơm đầu lợn đã được cúng để cùng nhau nói chuyện về gia chủ vừa làm lễ. Các đệ tử sẽ cùng nhau rút kinh nghiệm từ buổi lễ để lần sau làm tốt hơn.

Chu Thị Minh Huệ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy