Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
21:55 (GMT +7)

Làm phim lịch sử rất cần sự hấp dẫn

VNTN - Sau bộ phim 4 tập “Dưới cờ phục quốc”, “Tể tướng Lưu Nhân Chú” là bộ phim truyện lịch sử thứ hai do Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên sản xuất. Bộ phim vừa được phát sóng vào tháng 2/2016, VNTN đã có cuộc trao đổi với nhà văn Hồ Thủy Giang, tác giả kịch bản của bộ phim nói trên.


Kim Việt (thực hiện)

 

Thưa nhà văn, 5 tập của bộ phim “Tể tướng Lưu Nhân Chú” sau gần một năm thực hiện đã hoàn thành và lên sóng đài Truyền hình Thái Nguyên, là tác giả kịch bản, ông có theo dõi phản hồi của khán giả? Điều ông hài lòng, chưa hài lòng ở bộ phim này là gì?

Nhà văn (NV) Hồ Thủy Giang: Một số bạn bè xem phim và nói với tôi về đánh giá của họ. Nhiều người bảo: “Thái Nguyên ta có được một bộ phim truyện lịch sử như thế là tốt rồi”. Trong lời biểu dương đầy thông cảm ấy có ẩn một lời chê đấy. Nhưng như vậy là công bằng. Bởi vì làm phim truyện, lại về đề tài lịch sử rất khó khăn. Có chút buồn là trong kịch bản tôi viết khá kĩ 4 trận đánh, có những trận đánh mà thông qua đó tôi muốn làm nổi bật tư tưởng chiến tranh của Nguyễn Trãi và Lưu Nhân Chú (tôi luôn để hai nhân vật này sát cánh bên nhau) nhưng không hiểu vì kinh phí eo hẹp hay vì lí do nào khác mà đạo diễn đã gần như bỏ qua tất cả. Một điều nữa là khâu sửa chữa kịch bản. Ở Mỹ, luật điện ảnh ghi rõ đạo diễn muốn sửa, dù một từ ở phần thoại buộc phải có chữ kí của nhà biên kịch. Ở Việt Nam thì sửa kịch bản là chuyện rất…vô tư của các đạo diễn. Đạo diễn phim này là anh Đỗ Minh Tuấn, một đạo diễn kiêm nhà biên kịch nổi tiếng. Về tài năng không có điều gì phải bàn. Tuy nhiên, tôi nghĩ, các đạo diễn thường ít quán xuyến toàn bộ kịch bản như người biên kịch, nên hay sa vào ngẫu hứng. Vì thế, bộ phim này có một đôi chỗ sai lệch và bất hợp lí về lịch sử mà kịch bản không hề có. Có thể vì phim được quay ở tận Thanh Hóa nên không có được sự trao đổi thường xuyên giữa đạo diễn và người biên kịch.

Một cảnh trong phim “Tể tướng Lưu Nhân Chú”

Những sai lệch, bất hợp lý ấy, cụ thể là những gì thưa ông?

NV Hồ Thủy Giang: Ví dụ như cảnh Liễu Thăng đàm đạo với Vương Thông. Vào hoàn cảnh Vương Thông đang bị quân Lê Lợi vây chặt trong thành Đông Quan (Thăng Long), lúc ấy Liễu Thăng dẫn viện binh từ biên giới sang, đến ải Chi Lăng đã bị giết thì làm sao họ có thể gặp được nhau? Hay như ở Hội thề Lũng Nhai, tất cả các sách lịch sử chính thống ở Việt Nam chỉ nói Lưu Nhân Chú có mặt trong hội thề chứ tuyệt nhiên không có Lưu Trung và Phạm Cuống như trong một thông tin của bộ phim. Chi tiết này chỉ ghi trong gia phả họ Lưu nhưng chưa được minh chứng. Hoặc một đôi cảnh, nếu được đảo lại một chút thì cũng hợp lí hơn. Tôi được biết, Phòng Sản xuất Phim và Tổ chức sự kiện của Đài đang thực hiện công việc chỉnh sửa để lần phát lại sau được tốt hơn.

Sau kịch bản phim “Dưới cờ phục quốc” thì đây là kịch bản thứ hai về đề tài lịch sử mà ông theo đuổi. Việc khai thác tư liệu đã được ông thực hiện thế nào?

NV Hồ Thủy Giang: Cái khó là sử liệu về Lưu Nhân Chú quá ít, buộc người viết phải tưởng tượng, hư cấu khá công phu. Nhưng vì tôi là người Đại Từ (quê hương của Lưu Nhân Chú) nên từ tiểu sử, gia phả họ Lưu và vùng đất mà họ Lưu xưa sinh sống, lập nghiệp (xã Vân Yên, Đại Từ) tôi đều rành. Đó cũng là điều giúp ích rất nhiều cho trí tưởng tượng của người viết.

Nếu kịch bản này có sự thành công nào đó thì chính là việc tôi đã mang hơi thở cuộc sống và khí phách của con người miền núi, người dân tộc thiểu số ở vùng Việt Bắc nói chung và Thái Nguyên, Đại Từ nói riêng vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Thông qua sử liệu, gia phả họ Lưu, các truyền thuyết…, tôi đã nhận ra một điều, Lưu Nhân Chú không chỉ là một võ tướng mà còn là một văn nhân, mang tâm hồn nghệ sĩ. Và tôi đã xây dựng nhân vật Lưu Nhân Chú theo hướng ấy. Đặc biệt, trong kịch bản, tôi đã để tiếng sáo của Lưu Nhân Chú văng vẳng suốt dọc không gian, khung cảnh bộ phim (nhạc sĩ của phim là Trọng Đài đã làm việc này rất tốt, tôi rất ưng ý). Vì thế, nhân vật Lưu Nhân Chú hiện ra vừa mang mầu sắc lịch sử, vừa dân gian, vừa hiện đại. Tôi nghĩ, không thể và không cần đòi hỏi người bình thường phải nhận thức lịch sử như các nhà sử học. Họ chỉ cần cái “tinh thần” lịch sử. Có lẽ tôi là một người khai thác theo hướng “tinh thần” lịch sử như vậy.

Phim về đề tài lịch sử trước nay vốn khó làm, hầu hết là phim do Nhà nước đặt hàng với kinh phí “khủng” mà sức sống xem chừng còn èo uột; mặt khác sự bùng nổ phim truyền hình của nhiều hãng phim tư nhân, được đầu tư kỹ lưỡng về cả số lượng và chất lượng… Liệu phim của một Đài PT-TH tỉnh thực hiện, với nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp sẽ tìm “chỗ đứng” thế nào?

NV Hồ Thủy Giang: Bạn nói rất đúng. Theo tôi được biết thì kinh phí sản xuất 5 tập bộ phim “Tể tướng Lưu Nhân Chú” chưa đầy một tỷ rưỡi. Kịch bản của tôi là thể loại phim truyện truyền hình lai phim truyện điện ảnh, với số tiền như vậy là quá ít. Nhưng người Thái Nguyên có câu “có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa”. Đây là bộ phim mang tính phục vụ, tuyên truyền để mong bước đầu khán giả (đặc biệt là sinh viên, học sinh) hiểu thêm về sử địa phương. Bởi lẽ có nhiều người là dân Thái Nguyên, thậm chí là dân ở Đại Từ lâu đời nhưng nhắc đến Lưu Nhân Chú họ không biết là ai! Có lẽ nhà sản xuất, các tác giả cũng như chính quyền trong tỉnh đều xuất phát từ mục đích chính như vậy. Về phía người biên kịch, tôi cũng đã cố gắng hết mình. Nhân đây, xin thông tin là vừa qua tôi đã dựa vào kịch bản bộ phim này để tiếp tục viết thành cuốn tiểu thuyết cùng tên. Cũng chỉ là góp một phần nhỏ bé vào việc “dân ta phải biết sử ta”. Thay vì khi chưa có thể tìm được một “chỗ đứng” cho điện ảnh Thái Nguyên, thì đó âu cũng là một động thái để tìm “chỗ đứng” cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà, phải vậy không?

Một cảnh quay ở Thái Nguyên.

Vậy theo ông thì việc làm phim về lịch sử cần (nên) như thế nào để có thể “sống” và cạnh tranh? 

NV Hồ Thủy Giang: Chỉ là người viết kịch bản (một khâu trong sản xuất), tôi không nghĩ mình có thể đưa ra câu trả lời đầy đủ và chính xác. Tôi chỉ xin nêu vài ý kiến chủ quan cá nhân. Trước hết, là chuyện hấp dẫn. Phim lịch sử rất cần, càng cần sự hấp dẫn. Tại sao phim lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc lại có nhiều người xem đến vậy. Theo tôi, làm phim lịch sử cần mở rộng nhiều biên độ: kịch bản, đạo diễn, diễn xuất… Sẽ rất nhàm chán khi sáng tác về lịch sử mà cứ phải lệ thuộc quá nhiều vào sử liệu hoặc một ý nghĩa nào đó. Tôi chợt nhớ một câu nói rất lí thú của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, đại ý: Nếu vở kịch chỉ nặng về thuyết giảng mà không hấp dẫn thì chúng ta chỉ có thể thuyết giảng cho những hàng ghế trống mà thôi. Tôi nghĩ, không nên phản ánh các nhân vật lịch sử theo lối danh nhân. Anh hùng lịch sử thì trước hết và cao hơn hết cũng là con người chứ không phải là thần thánh. Tôi luôn tin rằng khán giả thích xem, thích hiểu, thích cảm về những con người trần gian, thậm chí là trần tục hơn là những vị thánh trong khuôn vàng thước ngọc nào đó. Trở về kịch bản “Tể tướng Lưu Nhân Chú”, các nhân vật Lưu Nhân Chú, Slao, Ngọc Tiêm… (trong kịch bản phim cũng như trong tiểu thuyết của tôi) đều là những con người với đầy đủ tính cách của người trần thế, kể cả những chuyện lãng mạn, hờn ghen, thương thầm nhớ vụng, trách xa trách gần cùng đức hi sinh cao cả trước tình yêu…

Tôi chỉ có thể nêu vài điểm trong chuyện viết lách như thế thôi. Còn những công việc hậu kịch bản thì tôi không dám bàn sâu. Đó là những công việc của đạo diễn, quay phim, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ…

Xin cảm ơn nhà văn đã dành thời gian trò chuyện, kính chúc ông sức khỏe, bút lực dồi dào!

 

- Phim Tể tướng Lưu Nhân Chú, do Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên sản xuất từ tháng 3/2015 đến tháng 1/2016.

- Thời lượng 5 tập, 45 phút/ tập.

- Kịch bản: Hồ Thủy Giang; đạo diễn Đỗ Minh Tuấn.

- Kinh phí đầu tư 1,5 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy