Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
09:39 (GMT +7)

Làm mới ca khúc như thế nào?

VNTN - Gần đây, trong đời sống âm nhạc khá ồn ào chuyện làm mới những ca khúc vượt thời gian, đi cùng năm tháng, sống với công chúng nhiều thế hệ. Khá nhiều ca khúc được “làm mới” thuộc dòng nhạc cách mạng (còn được gọi là nhạc đỏ). Trên thực tế, việc “làm mới” của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đã thành công, nhưng cũng nhiều trường hợp gặp phải sự phản ứng gay gắt của cộng đồng.


Những thành công nhất định

 Đặc tính của những ca khúc này, là nội dung hướng tới cái cao cả, với tình yêu và tinh thần bảo vệ Tổ quốc, cho nên âm nhạc rất hùng tráng. Đồng thời, xuất phát từ tình yêu chân thành và mạnh mẽ với cuộc sống, nhiều ca khúc ở dòng này lại giàu chất trữ tình, trong sáng, lạc quan. Nhìn chung, hùng tráng và trữ tình là hai đặc tính nổi bật của dòng nhạc cách mạng. Việc những ca khúc đã có tuổi đời của nhiều thế hệ cộng lại vẫn được công chúng yêu mến, được các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ dàn dựng, biểu diễn, là một tín hiệu đáng mừng. Việc làm mới tác phẩm xưa không phải bây giờ mới có, cũng không phải chỉ các nghệ sĩ trẻ đương đại mới phát hiện ra và thực hành. Nó đã có từ lâu và khá phổ biến. Đáng khâm phục là nghệ sĩ của một số nước đã dàn dựng, trình diễn thành công nhiều tác phẩm của Việt Nam, nghe rất mới, hiện đại mà vẫn thấy nguyên hình tác phẩm. Khi dàn dựng, biểu diễn bài “Diễm xưa”, các nghệ sĩ Nhật Bản phải vượt qua hai thử thách, đó là: sự khác biệt văn hóa; nhu cầu “làm mới” tác phẩm của thời đại trước cho phù hợp với không khí thời nay. Một bài hát của Việt Nam, có cách cảm, cách nghĩ, cách diễn Việt Nam, nay, làm sao công diễn mà thu hút được sự yêu mến của người Nhật? Trả lời câu hỏi, các nghệ sĩ Nhật Bản đã đưa về chỉ số chung - đó là chất nhân văn mà dân tộc nào cũng có, đồng thời dàn dựng ca khúc này theo phong cách âm nhạc dân gian Nhật Bản với ca từ được dịch sang tiếng Nhật. Bởi vậy, “Diễm Xưa” đã trở nên gần gũi với người Nhật. Các nghệ sĩ Nhật Bản đã sử dụng cả dàn nhạc lớn cùng ca sĩ thể hiện ca khúc, tạo cho tác phẩm sự hoành tráng, bao la. Đáng chú ý nhất, là từng nốt nhạc - cả giai điệu và tiết tấu, đều được tôn trọng, không thay đổi dù một chút nhỏ. Nhờ thế, “Diễm xưa” được khoác bộ trang phục lộng lẫy mà vẫn không bị che mờ “cốt cách”, giai điệu của ca khúc càng nổi bật lên. Khi nghe bản “Diễm xưa” có phần lời bằng tiếng Nhật do nữ ca sĩ thể loại enka (dân gian Nhật) nổi tiếng là Tendo Yoshimi, thể hiện, hoặc do Tendo Yoshimi cùng Shimazu Aya song ca, người nghe rung động mạnh mẽ bởi chất trữ tình và nhân văn sâu sắc, nét nhạc phóng khoáng, mở ra những hi vọng cho tình yêu của con người. “Diễm Xưa” do người Nhật trình diễn không hiện lên với nét nhạc trữ tình êm đềm, buồn man mác như ta thường nghe Khánh Ly hát, mà có sắc thái mới, đằm thắm, rộng mở, lạc quan. Ca khúc đã được người Nhật tôn vinh là một trong 10 bài hay nhất mọi thời đại.

Cũng như vậy, sự thành công đã đến với ca khúc “Chú ếch con” do Phan Nhân sáng tác năm 1967 - được dàn dựng, biểu diễn ở Ý với giọng đơn ca của cô bé người Việt Hương Trà cùng dàn hợp xướng thiếu nhi Quốc tế vào năm 2003, tại cuộc thi hát “Tiếng hát trẻ em quốc tế” nhằm gây quỹ từ thiện, do trường Piccolo Coro ở Bologna (Ý) tổ chức. Điều dễ nhận thấy là cô bé Hương Trà 8 tuổi đã trình bày tự tin ca khúc “Chú ếch con” (Ma va la) với phiên bản tiếng Ý và tiếng Việt trong sự hòa đồng của dàn hợp xướng thiếu nhi với nguyên bản của ca khúc, trong sáng, rộn ràng, không bị thay đổi dù chỉ là một nốt luyến láy. Trong khi đó, ca khúc được làm sôi động thêm, vang ngân hơn nhờ phần phụ họa. Những người dàn dựng bài hát đã thêm những đoạn hát ở phần giữa hai lần hát hoặc ở những chỗ đối thoại với giọng đơn ca, sau phần kết của bài hát, khiến cho dung lượng nghệ thuật được mở rộng, không gian của đối tượng phản ánh trở nên bao la. Có thể hình dung rằng, giọng ca của Hương Trà với ca khúc nguyên bản tập trung thể hiện nhân vật chính là chú ếch con, còn dàn hợp xướng phụ họa lại thể hiện một cánh đồng rộng bao la - khung cảnh sống của chú ếch, làm cho chú ếch càng nổi bật lên.

Ca sĩ Mỹ Linh chưa thành công khi làm mới Quốc ca         Nguồn: Internet

Cẩn trọng khi “làm mới”

Cuối tháng 5 năm 2016, tại sự kiện đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm Việt Nam, ca sĩ Mỹ Linh đã thể hiện bài hát “Quốc ca”. Dư luận xã hội ngay lập tức phản ứng khi thấy bài hát đã được chuyển nhịp từ 2/4 (phù hợp với hành khúc), sang nhịp # (phù hợp với nhảy valse) và hát theo tốc độ quá chậm. Phần lớn ý kiến đánh giá Mỹ Linh đã phá nát tinh thần của Quốc ca Việt Nam ngay trong một sự kiện trọng đại. Lỗi không chỉ nằm ở chỗ cô tùy tiện biến tấu Quốc ca theo phong cách thính phòng cổ điển, mà còn là vì cô hát bị đuối hơi, sai nhịp, nên bài hát lại càng trở nên thiếu sức sống. Những ca từ vốn làm con tim của hàng triệu người dân Việt phải thổn thức bởi sự oai hùng, đầy sinh lực tin yêu Tổ quốc mình đã không còn giữ được tinh thần vốn có. Sự thất bại của Mỹ Linh không phải là hiện tượng cá biệt. Trước Mỹ Linh, một số nghệ sĩ cũng đã “nếm mùi” trong những chương trình đáng trân trọng, như “Giai điệu tự hào”. Bên cạnh việc dàn dựng và biểu diễn thành công nhiều ca khúc cách mạng, “Giai điệu tự hào” cũng để lại những hạt sạn không đáng có. Trong số đó, nổi lên hai trường hợp là ca khúc “Đi học” (ca sĩ Hải Bột) và “Xa khơi” (ca sĩ Anh Thơ). Qua phần trình diễn “Xa khơi”, Anh Thơ chỉ đem lại số điểm rất thấp: 67,02% số phiếu bình chọn của khán giả tại trường quay. Có thể thấy, điểm yếu của ê kíp cùng Anh Thơ dàn dựng ca khúc này là đã thêm đoạn xướng âm (các ca sĩ hay gọi là phiêu) vào gần cuối bài, làm loãng chủ đề âm nhạc, phá vỡ cấu trúc của tác phẩm. Mặt khác, cách hát rền rĩ, ủ ê của Anh Thơ trái hẳn với tính chất mạnh mẽ, tha thiết của ca khúc, biến hình tượng người phụ nữ “kề vai” với nam giới trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước thành người phụ nữ cô đơn hóa đá trông chồng! Còn bài “Đi học” do ca sĩ Hải Bột trình diễn, đã tự tiện chuyển nhịp từ 2/4 sang # và hát sai một số nốt nhạc, gây phản cảm cho người nghe. Nhiều khán giả chê ca sĩ hát vừa sai lời vừa không thể hiện được hết những nốt luyến láy. Những khiếm khuyết đó của ca sĩ và nhạc sĩ phối khí đã làm hại tác phẩm!

Có thể thấy rằng, nguyên nhân khiến việc “làm mới” không thành công, là bởi nhạc sĩ và ca sĩ chưa hiểu thấu đáo tác phẩm cùng thời đại mà tác phẩm ra đời. Một số lại quá tự tin nên đã can thiệp sâu vào bản thân tác phẩm chứ không thể hiện sự đổi mới của mình qua cách phối khí, dàn dựng và biểu diễn. Hoặc là nghệ sĩ chỉ chăm chú tới kĩ thuật nghề nghiệp mà không chú ý tới sự rung động của bản thân mình. Ở một góc độ khác nữa, thì do nhạc sĩ và ca sĩ đã đụng chạm vào cấu trúc của tác phẩm, phá vỡ nó, khiến nó mang dị tật, mất hình hài đẹp đẽ vốn có.

Khi làm mới tác phẩm âm nhạc đã đi cùng năm tháng, có lẽ các nghệ sĩ cần xem xét nghiêm túc, luôn luôn có ranh giới cần thiết giữa dòng nhạc hiện đại và cổ điển. Chúng ta phải coi việc làm mới tác phẩm không chỉ đơn thuần là về kĩ thuật, mà là một hành vi văn hóa. Sự bồi đắp một vốn văn hóa nhất định để hiểu và xử lý hợp lý tác phẩm cũng vô cùng thiết thực. Thiển nghĩ, muốn thực hiện công việc này, trước hết nghệ sĩ phải rung động, có sự nghiên cứu về tác phẩm kỹ lưỡng. Sự sáng tạo dù ở phương diện nào cũng cần tôn trọng tính nguyên bản của tác phẩm, bởi đây không những là yêu cầu của nghệ thuật, mà còn là yêu cầu của luật pháp - bộ Luật về Quyền Sở hữu trí tuệ đã khẳng định điều này.

Nghệ sĩ có thể sáng tạo bằng cách thêm vào phần dạo đầu hay dạo giữa, phần hát phụ họa, vĩ thanh… những nét nhạc tươi mới, những âm thanh hiện đại, nhưng không đối nghịch với tinh thần của tác phẩm gốc. Cũng có thể tăng giảm tốc độ, lên tông hoặc xuống tông cho phù hợp với khung cảnh lúc biểu diễn. Thời nào cũng vậy, những sắc thái của con người đều tương đồng, có vui và buồn, có thương yêu và căm ghét, có mạnh mẽ và yếu đuối, có dũng cảm và hèn hạ, có hào hùng và bi thảm. Bởi vậy, con người của thời đại này có thể đồng cảm với những tác phẩm của thời đại khác, đặc biệt là đối với những tác phẩm đã đạt tới đỉnh cao. Có những tác phẩm không cần làm mới mà vẫn luôn luôn mới mẻ trong sự cảm nhận của công chúng mọi thời đại.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện chỉ rõ: “Remix (làm mới) có nguyên tắc của nó, người làm nhạc phải tuân thủ. Có những bài không thể remix được. Do bỏ qua hoặc vô tình bỏ qua vì vốn kiến thức về âm nhạc của người làm còn hạn chế sẽ tạo nên một mớ hỗn độn các sản phẩm nhạc remix, đến mức khán thính giả yêu nhạc không thể nghe được”

 

Phạm Việt Long

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy