Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
16:56 (GMT +7)

Làm gì với nạn côn đồ “nhí”

VNTN - Lâu nay trên các báo, nhất là trên các trang mạng xã hội thường xuất hiện những clip về bạo lực, mà người có mặt thường ở tuổi vị thành niên. Trong những vụ bạo lực đó, có nhiều cuộc một số người đánh một người. Nạn nhân, khi là nam, khi là nữ, bị đánh rất tàn bạo kiểu côn đồ. Có vật gì, họ đánh bằng vật ấy; không thì họ đấm, đá, kể cả đá vào mặt, vào bụng và những nơi nguy hiểm khác. Nạn nhân là nữ, nhiều khi còn bị lột quần áo, làm nhục giữa đường. Trông những “hung thủ” mặt non choẹt mà sát khí đằng đằng. Cứ như vậy, mấy ngày lại thấy một vụ bạo lực mới, khi thì ở nơi này, khi ở nơi khác. Rõ ràng đây không còn là chuyện cá biệt. Người dân rất lo ngại cho con em mình. Xa hơn, người ta lo ngại về những gì đang được báo trước về mặt xã hội.

Cho đến những ngày gần đây, khi clip một nhóm học sinh nam trường Trung học cơ sở Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, đánh một nữ sinh học lớp 8 ngay trong lớp học một cách tàn bạo bị đưa lên mạng xã hội, thì câu chuyện đã như giọt nước tràn ly. Báo chí vào cuộc, mới hay em này đã bị các bạn thường xuyên đánh từ khi học lớp 6 chứ không phải là chuyện lần đầu. Thế mà từ lớp tới trường không ai biết (?). Khi biết rồi, thì từ trường đến phòng Giáo dục huyện lại lảng tránh. Thật là không ai có thể tưởng tượng nổi, trong một trường học mà ta gọi là nhà trường xã hội chủ nghĩa, lại có chuyện đau lòng đến như vậy. Chúng ta cũng đã từng nói rất hay về nội dung giáo dục, là dạy chữ, dạy làm người. Chẳng lẽ trường THCS Kha Sơn dạy học sinh “làm người” theo kiểu này, hay họ chẳng dạy gì cả, để lối sống của xã hội tự do vào nhà trường? Còn nữa, nếu em học sinh bị đánh có hoàn cảnh khác, không thuộc đối tượng yếu thế, thì liệu câu chuyện có xảy ra như vậy?

Mừng thay, khi biết tin qua báo chí, ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã đến làm việc với chính quyền huyện Phú Bình và Trường THCS Kha Sơn, yêu cầu làm rõ sự việc và báo cáo về UBND tỉnh. Thái độ vô cảm, tránh né không còn đất để tồn tại. Tuy nhiên, dư luận cũng cho rằng, nếu lãnh đạo cấp huyện nhạy bén hơn, chủ động vào cuộc khi sự việc xảy ra trên địa bàn mình, thì vụ việc không chỉ được ngăn chặn kịp thời, mà hậu quả của nó cũng bớt nặng nề.

Rồi đây cái trang buồn có địa chỉ Kha Sơn sẽ khép lại, nhưng không ai dám chắc sẽ không còn những chuyện tương tự, xảy ra ở nơi khác. Vậy nên từ chuyện ở Kha Sơn, cần một cái nhìn tổng quát hơn. Vì con người có mối quan hệ với xã hội, nên muốn có con người văn minh, thì phải xây dựng xã hội văn minh. Mặt khác, muốn có xã hội văn minh, thì từng con người phải văn minh. Cái mối quan hệ qua lại ấy đã đặt ra bao nhiêu chuyện từ quốc sách đến thực thi trên từng vị trí. Dù sao cũng có thể kể ra một vài chức trách cụ thể. Đó là:

Trong lứa tuổi học đường, có lẽ không ai có lợi thế giáo dục họ bằng nhà trường. Vậy nên nhân dân không chỉ đòi hỏi mà còn kỳ vọng vào sự thay đổi, nâng cao chất lượng trong giáo dục. Có một thời khẩu hiệu của ngành Giáo dục là “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” đã từng đi vào cuộc sống, không hiểu ngày nay khẩu ấy còn được nói tới? Nhìn vào trường THCS Kha Sơn thì thấy rõ, nếu phát huy được tinh thần của khẩu hiệu này, thì đã không thể xảy ra chuyện đau lòng vừa qua.

Ngoài công tác chuyên môn, trong nhà trường còn có công tác Đoàn, Đội. Người ta có quyền đặt ra câu hỏi, hoạt động Đoàn, Đội ở đây đã hay chưa góp phần vào việc xây dựng nhân cách con người cho học sinh?

Qua sự việc ở trường THCS Kha Sơn, mong rằng các cấp quản lý giáo dục trong tỉnh cần rút ra những bài học cho mình, để câu chuyện buồn ở Kha Sơn không còn xảy ra ở bất cứ nơi nào trong tỉnh.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy