Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
00:54 (GMT +7)

Làm đường cho gió đi

“Làm đường cho gió đi. Phải làm thôi, không thì gió đi theo đường gió người ở sẽ không yên. Phải làm thôi, không chần chừ nữa. Chọn được ngày rồi. Phải xem, phải chọn chứ. Việc đụng tới đất, việc chạm tới trời không chọn sao được. Cũng phải xin trời, xin thần gió đoái thương chứ người sao dám phạm luật đất, trời. Sáng mai tôi sẽ đưa hai đứa con trai, ba thằng cháu nội, ba đứa con gái, bốn đứa con rể, thêm hai thằng chắt ngoại nữa ra đám nương ở khe Tung Qua Sủ làm đường cho gió đi đấy ông nhé. Ông về mà dẫn dắt con cháu làm cho theo được ý ông”. Ngược với tính chồng, bà Kía là người nóng tính và quyết đoán. Ngày ông A Tủa, chồng bà còn sống thì mọi việc lớn trong nhà, ông bà bàn bạc xong, bà bao giờ cũng là người nói cho các con biết. Lũ con cháu cứ thế thực hiện. Mà lạ, không chỉ con dâu, năm chàng rể anh nào cũng tăm tắp nghe bà. Không thế sao được. Năm đứa con gái về nhà chồng, thông gia nhà nào không có sức kéo, bà cho mượn trâu cái về nuôi. Trâu nái đẻ được hai con nghé thì họ mang trả bà trâu mẹ; nhà bị dịch, không có lợn nuôi bà cho luôn con lợn nái đẻ ngoan. Lợn đẻ lứa đầu bà chỉ xin lại một con làm lý; con nào được bố mẹ cho ra ở riêng mà khai ruộng bậc thang bà sai con trai, cháu trai dắt cả trâu đến giúp từ lúc san mặt ruộng, dựng bờ, cày bừa, cho đến khi ruộng đổ ải, cấy được mạ thì người và trâu mới dắt nhau về…

Vậy nên không chỉ dâu, rể, ông bà thông gia ai cũng quý cái tấm chân tình của bà. Dân bản người bảo bà dại, người bảo bà thích sống khác người. Bà chỉ cười. Bà nói với chồng và các con: “Nhà mình không vì giúp họ mà nghèo đi. Tôi làm thế là để con cháu mình đỡ vất hơn; để gia đình thông gia cũng vì nể mình mà thương con gái mình hơn. Như thế mình được nhiều cái hơn đấy chứ. Các con sau này có thông gia mà họ khó khăn hay con cháu mình gặp khó khăn cũng nên giúp họ”.

Việc làm đường cho gió đi là mong muốn của ông. Hai vợ chồng bàn nhau, chưa kịp thực hiện thì ông đột quỵ, qua đời. Trước lúc đi ông chỉ kịp dặn “… làm đường cho gió đi… thằng út…”.  

Việc ngày mai, tối qua họp gia đình bà đã nói rồi. Ai mang cuốc, xẻng, cào đất, xà beng, dao phát, dao chặt. Xả đất san đất xong ai đào hố, ai lên rừng đánh những cây đã tìm và chọn về trồng. Chuyện ăn uống cho mọi người, đã có lợn, gà, ngan ở trong chuồng; bí ngô, bí đao, khoai sọ, cải ngọt, cải cay, cải đắng, đỗ quả dài, đỗ quả ngắn, đỗ quả tròn, đỗ quả dẹt… ở ngoài vườn. Tất cả đủ cho hơn chục người ăn trong cả tuần dư dả. Việc nấu ăn bà nhờ vợ chồng mấy cô em gái và các cháu. Chuẩn bị đâu vào đấy rồi nhưng bà Kía vẫn bồn chồn, lo lắng.

Đêm. Trời trở rét. Mình mẩy nhức nhối, khó ngủ. Bà Kía dậy bật đèn pin, mặc thêm áo ấm, chống gậy, mở cửa bước ra. Bàn tay níu chắc đầu gậy chậm rãi đi đi lại lại từ đầu sân bên này đến đầu sân bên kia. Người bà ấm lên theo từng vòng sân. Đêm nay trăng no. Ánh trăng soi rõ từng đường vân trên những phiến đá trắng dựng làm rào phía trước sân. Mắt bà nhìn như đếm từng phiến đá mà trong đầu trống rỗng. Mọi ý nghĩ trong đầu bà chỉ bộn rộn khi bà nhìn lên trời. Bà biết, ở trên ấy, quanh những ngôi sao xanh, ngôi sao màu lửa kia là nơi ông bà nội ngoại của bà, cha mẹ bà và chồng bà đang ở. Bà không nhìn thấy họ nhưng bà biết họ đang ở đó, họ đang dõi theo bà và con cháu. Trên đời này, có những thứ chỉ biết thôi chứ không thấy. Càng có tuổi, bà Kía càng biết nhiều điều mình không nhìn thấy bằng mắt. Nhưng bà tin đó là sự thật. Cả những chuyện trong giấc mơ bà cũng tin là có thật. Có lẽ vì thế mà bà ít khi phải hối tiếc vì mình đã nói sai hoặc làm sai điều gì đó.

Đi đến mỏi gối, bà ngồi xuống khúc gỗ dài trong hiên nhà. Ở độ cao trên hai ngàn mét này nhìn qua bên kia thung lũng rộng ngút mắt là núi. Núi tiếp núi. Chúng tựa vào nhau, nâng nhau lên cao. Phía bên ấy là đường chân trời. Mặt trời thường trôi khuất sau núi ấy vào cuối ngày.

Bà bỗng nhớ chồng. Nhớ đến khó thở. Bà rất sợ một ngày bà đi theo ông mà không kịp lo cuộc sống cho thằng út A Cú như đã hứa với ông. Nhớ ông, bà ngồi ngẫm ngợi đời mình. Vợ chồng có với nhau bẩy đứa con. Thằng A Sử là con cả, khôn lanh nhất nhà. Làm gì cho ai nó cũng tính phần có lợi cho nó ở đó mới làm. Ai cũng bảo nó khôn hết phần các em. Nhưng mỗi người một tính. A Sử tuy vậy nhưng mổ một con gà cũng nghĩ đến cha mẹ. Cha mẹ ốm nó không quản mưa gió, đêm hôm lên rừng già tìm thuốc… Khi A Sử lấy vợ, ông bà đã chia đất, chia nương ruộng, chia trâu, ngựa cho ra ở riêng. Giờ con nó cũng lấy vợ, lấy chồng sinh cho bà ba đứa chắt rồi. Năm đứa con gái thì ba đứa lấy chồng xa ở tỉnh khác, hai đứa lấy chồng ở bản gần nhà. Ông bà nhẹ lòng vì đứa nào cũng đủ ăn, đủ ở.

Bẩy đứa con lần lượt ra đời. Vợ chồng ông ngày đêm, mưa nắng leo nương, lội ruộng không quản cực nhọc lo cho con đủ ăn, đủ mặc. Để con mình lớn lên biết làm ăn, không bị người ta coi thường, đứa nào biết cầm dao thì ông bà dẫn vào rừng dạy chặt củi, kiếm thức ăn. Đứa nào biết cầm cuốc thì đưa lên nương dạy cuốc đất, làm cỏ, tra hạt. Thằng Sử sáu tuổi sáng sáng đã biết dẫn năm con trâu, hai con ngựa ra bãi thả cho ăn, chiều chiều lại dong trâu, ngựa về chuồng. Ngày ấy, sinh đến đứa con thứ bẩy, vợ chồng bàn nhau đặt tên nó là Cú (bạc) những mong đời nó khấm khá hơn. Người miền núi chỉ cầu có bạc là sung túc rồi. Vàng thì phải có số mới được, nên không mấy ai dám mơ. Vậy mà A Cú lại là đứa thiệt thòi nhất nhà về trí khôn. Mười tám tuổi, trai bản đã lấy vợ có con cả rồi mà trí tuệ A Cú vẫn chỉ như đứa trẻ tám tuổi. Chỉ thích chơi với trẻ con. Làm gì cũng dạy trước quên sau. Thích theo lũ trẻ con chăn trâu đào dúi, bẫy chuột rừng, lắc ve. Những đứa trẻ khác đào được dúi, bẫy được chuột, lắc được ve nhiều thì mang về nhà, ít thì nhặt cành khô nhóm lửa thui, nướng ăn. Còn A Cú mang dúi, ve và chuột lên rừng trò chuyện gì đó với chúng rồi thả ra. Cũng may còn có người thương A Cú. Trong đám trẻ chăn trâu có cái Dủ mồ côi cha mẹ từ lúc mới biết đi. Dủ được chú thím mang về nuôi. Dủ kém Cú sáu tuổi. Dủ thường đứng ra bênh che, bảo vệ mỗi khi Cú bị lũ trẻ trêu chọc. Dủ thường chia phần cho Cú, khi thì mấy con ve nướng giòn ngậy, hay nắm hạt dẻ gói lá vùi than thơm ngọt; lúc thì những quả sim đồi chín mọng. Hai đứa vừa ăn sim vừa lè cái lưỡi tim tím màu nước sim trêu nhau cười thích thú. Cú hai mốt tuổi, bà Kía bàn với chồng nhờ thầy mai mối sang nhà xin gia đình cho Dủ về làm vợ Cú. Lúc đầu chú thím Dủ không muốn gả vì sợ lấy Cú cháu mình sẽ khổ. Nhưng nghĩ đi, nghĩ lại thấy Cú tuy là người bảo sao làm vậy nhưng cháu mình cũng chẳng khôn khéo, giỏi giang gì. Như thế mới ở với nhau được dài. Vợ chồng ông Tủa đã lo cho Cú có nhà, có ruộng nương, trâu ngựa rồi. Chỉ cần vợ chồng Cú biết bảo nhau chăm chỉ làm ăn thì không sợ đói, rét.

Vậy là Cú có vợ. Mỗi lần vợ Cú sinh nở là một lần ông bà Tủa lo. Nhưng ơn trời, ơn tổ tiên hai đứa con trai đầu của vợ chồng Cú hay ăn, chóng lớn và khôn ngoan, nhanh nhẹn như mọi đứa trẻ trong bản. Khi vợ Cú sinh đứa con thứ ba, cả nhà mừng vui vì đó là bé gái. Nó được đặt tên là Mỷ. Vậy là về đường con cái Cú có nếp, có tẻ rồi. Càng lớn, Mỷ càng xinh tươi, nhất là khi Mỷ cười. Nhưng niềm vui cứ lắng dần theo sự lớn lên mỗi năm của Mỷ. Ba tuổi Mỷ chưa biết nói. Mọi người nghĩ vì Mỷ biết đi sớm nên chậm nói. Đến khi Mỷ năm tuổi, dạy mãi mà Mỷ cũng chỉ cười và nói u… uơ như đứa trẻ một, hai tháng. Bà Kía cùng Dủ thay nhau địu Mỷ đi hơn nửa ngày đường ra trạm xá xã, bác sỹ của trạm khuyên gia đình mang Mỷ xuống bệnh viện tỉnh kiểm tra. Từ bệnh viện tỉnh, Mỷ được giới thiệu về bệnh viện trung ương ở Hà Nội.

Ông bà quyết định bán một con trâu và một con lợn hơn hai tạ đã nuôi được ba năm để lấy tiền đưa Mỷ về Hà Nội chữa bệnh. Bác sỹ bảo bệnh đã nặng vì để quá lâu rồi… Thương cháu, bà Kía khóc rất nhiều. Khúc gỗ này đã nhiều lần chứng kiến bà khóc khi chỉ có một mình ở nhà. Một cơn gió nhẹ từ thung lũng trườn lên khua rụng những lá vàng trên cây đào trước sân. Những lá đào bay bay tới đậu lên tóc, lên vai, lên ngực bà. Cây đào này ông trồng trong ngày lễ đặt tên cho đứa con thứ tư. Nó cũng hơn bốn mươi tuổi rồi. Bà nghĩ đến những tháng ngày còn có ông ngồi bên. Mỗi khi lạnh giá, bà nép vào ông, ấm áp biết bao. Vô thức, bà đưa bàn tay xoa xoa lên chỗ ông từng ngồi.

Hôm ấy, từ nhà hàng xóm về, ông cũng ngồi đây, bên tay trái bà, dỗ dành: “Khóc mà con Mỷ khỏi bệnh thì tôi sẽ ngồi đây khóc cùng với mình. Thôi, không khóc nữa. Nghe tôi tính chuyện đường dài cho chúng nó này”. Rồi ông đưa tay chỉ ra phía bên kia thung lũng. Những dãy núi dựa vào nhau cao dần, xa dần. Núi càng xa, càng cao càng mờ cho đến khi khuất lấp trong dải mây trắng muốt trải dài. Phía trên dải mây là nắng chiều như vòng lửa trên nương mùa dọn cỏ. Giọng ông thủ thỉ: “Mình xem, dải mây kia, phía trên chạy dài cùng nó ấy, là đường chân trời đấy. Trời có chân trời. Chân trời có đoạn ta nhìn thấy, có đoạn nhìn không ra. Đã có chân thì phải có đường để chân đi. Đó là chặng đường cuối ngày mặt trời đi. Trời có đường trời. Để mặt trời đi từ sáng sang tối. Đất có đường đất để đất đi từ đêm sang ngày. Thú có đường thú… Chim muông có đường chim muông... Mưa có đường mưa… Gió có đường gió… Và người có đường người. Để người biết làm ăn sinh sống. Để người biết lên trời rồi lại xuống đất…”. Bà Kía ngắt lời chồng: “Ôi… dôi… ông nói nhiều thế, ông nói xa xôi thế tôi nghe không kịp, tôi nghĩ không thông đâu. Ông bảo tính chuyện đường dài cho nhà thằng Cú, là chuyện gì?”.

Ngẫm nghĩ một lúc, ông Tủa ghé sát tai vợ nói nhỏ. “Tôi muốn san hơn mười nghìn mét nương bên khe Tông Qua Sủ để sau này hai thằng con trai thằng Cú lấy vợ cho chúng sang bên đó ở. Vườn đất bên này ở một nhà thì được, ở hai nhà thì chật chội quá. Cái nhà này để sau này vợ chồng thằng Cú ở với con Mỷ. Nếu có đứa nào thương mà lấy con Mỷ thì bảo nó về ở rể. Đến khi vợ chồng thằng Cú về trời thì cho chúng nó luôn. Mình thấy thế nào”. Bà Kía quầy quậy lắc đầu: “Không được. Bên ấy ở trước cửa gió. Chỉ được cái thềm dưới mình đã khai ruộng rồi. Còn cái thềm trên ông không nhớ có vụ nhà mình trồng ngô, ngô đổ, trồng lúa cạn thì lúa rạp đấy thôi. Dựng nhà sao được”. Ông Tủa đưa bàn tay vỗ vỗ vào vai vợ: “Được, tôi bảo được là được mà. Ta sang bên ấy đi. Tôi phải nói ở đấy mình mới hiểu”.

Đứng trên đầu bãi cạnh đường mòn, ông Tủa vừa chỉ, vừa nói với vợ: “Đây nhé, chiều ngang giáp đường này tôi bước được hơn hai trăm bước. Cứ chia đôi ra cho anh em nó. Mỗi bên xả đất chiều cao bằng nóc nhà, chiều dài, chiều rộng đủ làm nhà, làm bếp, làm chuồng gà, chuồng ngan. Dựng nhà xong thì san sân. Mép trước sân xếp kè đá. Thềm dưới cùng, chắc cũng rộng hơn ba ngàn mét, giáp khe thì trồng cỏ voi và làm chuồng trâu, chuồng ngựa để mùa đông chúng có cái ăn và che chắn chống rét cho chúng. Thềm tiếp theo là ruộng kia rồi. Phần đất tiếp ruộng, giáp với sân nhà thì xả, san đất làm ba bậc. Chân mỗi bậc trồng một hàng cây. Lên rừng tìm cây con đánh về trồng. Phải chọn những cây gỗ chắc hoặc dẻo có lá xanh quanh năm. Cây càng nhiều cành, lá càng to càng tốt. Bậc dưới cùng nên trồng cây vả. Cây vả lá to, cành dẻo lại có lá quanh năm. Bậc tiếp theo và bậc giáp sân nhà thì trồng cây dâu da, cây dẻ, cây dổi… Hai bậc này cần cây gỗ cứng vì khi gió qua tầng tán cây thứ nhất thì nó sẽ vọt lên rất mạnh. Trồng cây gỗ mềm nó sẽ bị gió bẻ gẫy. Hai hàng cây trên sau này con cháu nó hạ làm nhà cũng tốt. Các hàng cây trên, dưới phải trồng so le cho tán lá khép kín. Hàng bờ rào đá trước sân chỉ để chặn nốt những ngọn gió lọt qua khe lá thôi. Như vậy, gió sẽ theo vòm cây cao dần mà lướt qua bên trên mái nhà. Nhà sẽ không bị tốc mái. Thế chẳng phải làm đường cho gió đi là gì. Đúng hơn là ta làm đường dẫn gió đi theo ý của ta!”. Bà Kía vừa nghe, vừa hình dung theo lời chồng mà đi hết từ ngạc nhiên này đến lạ lùng khác. “Ai đã dạy cho ông cái cách làm đường cho gió đi này vậy?”. Ông ngần ngừ không muốn nói nhưng bà giục quá nên ông thủng thẳng: “Có một người dạy tôi trong mơ”. Bà nhìn vào mặt ông nghi ngờ: “Trong mơ? Người ấy là ai?”. “Là tôi”. Ông không suy nghĩ, trả lời luôn câu hỏi của bà. “Ông làm sao đấy? Sao ông lại dạy ông? Lại còn trong mơ nữa chứ. Chắc là ban ngày ông nghĩ nhiều quá thành ra mơ vậy thôi”. Ông thở dài một hơi tỏ vẻ bực: “Bà không tin thì hỏi làm gì? Rõ ràng trong mơ có người dẫn tôi ra đây dạy tôi như tôi vừa nói với bà mà. Ông ấy còn nói nhiều nữa nhưng tôi chỉ nhớ có vậy. Tôi cứ cúi đầu lắng nghe và nghĩ mình đang làm theo lời ông ấy nói. Khi ngẩng lên nhìn thì tôi giật mình nhận ra ông ấy chính là tôi. Nhưng còn trẻ, đầu đội mũ lông. Một tay tôi cầm roi ngựa. Một tay chỉ chỉ trỏ trỏ… Mà lạ thật. Cái tôi ấy nói với tôi bằng ý nghĩ chứ không phải bằng lời. Ý nghĩ ấy lại thành ra hình ảnh và ý nghĩ của tôi, trong đầu tôi…”. Kể đến đây, ông Tủa thở hổn hển. Bà Kía lo lắng nhìn chồng:“Lúc ấy ông có sợ không?”. Ông Tủa tròn mắt: “Không sợ. Thế mới lạ. Nhưng tỉnh dậy người vã mồ hôi phải ra đốt bếp sưởi lửa. Cái đêm tôi làm rơi củi lịch kịch bà mắng tôi đấy”. Bà quay bước giục ông: “Về thôi. Ông đừng kể những chuyện như thế này nữa. Tôi sợ lắm. Nhưng ông tính được xa thế cho con cháu, tôi với ông có lên trên trời theo tổ tiên cũng yên lòng rồi. Đến lúc hai đứa con thằng Cú lấy vợ thì khu này chẳng còn khu đất nào rộng mà đẹp như thế này nữa”. Bà Kía ân hận vì đã làm ông buồn vì bà không tin lời ông kể về giấc mơ. Có lẽ đó là cái điềm báo tổ tiên về đón ông.

Bà ước gì chồng mình đừng vội đi. Ông là người duy nhất giúp bà sáng tỏ mọi ẩn ức trong lòng; giúp bà xả bỏ những cơn nóng giận. Thậm chí, có chuyện bà chỉ nghĩ chưa cần nói ra thì ông đã biết. Chỉ có điều ông không nói vì, bà biết, ông chiều lòng bà. Những lúc như thế này, bà mới thấy đã sống với nhau đến cuối đường người, đã gắn bó với nhau gần trọn đường chồng - vợ, khi chỉ còn một người ở lại thì sống khó biết bao.

Bà Kía nhổm người một tay níu đầu gậy, một tay vịn vách nhà đứng dậy. Trước khi vào nhà, bà ngước nhìn trời thì thầm: “Ông ơi, mai tôi cùng con cháu làm đường cho gió đi đấy. Ông nhớ về xem con cháu mà bảo chúng làm theo ý ông nhé”

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước