Lá số cuộc đời
Truyện ngắn. MINH HẰNG
Nó chơi bên hàng xóm chạy về đã thấy chị Mai đứng đợi ở cổng. Chị rối rít:
- Hượm đã, chị bảo chuyện này hay lắm.
Nó nhìn chị phì cười. Môi chị dẩu ra ngậm bí mật. Mớ tóc rối vướng chùm lá guột ngay trước trán. Vết nhọ nồi vạch ngang má đỏ hồng. Vạt áo nâu cũn cỡn chấm cái rốn tròn tròn.
-Đố mày biết ai đang ở trong nhà?
-Em chịu.
Nó lắc nguầy nguậy, nhướng mắt ngó qua hàng rào. Nhà nó hôm nay cửa mở toang, mẹ nó chạy ra chạy vào tất bật. Bố mang cái điếu cày đen óng ra sân, lấy lông gà xọc xọc thông nõ, ghé mồm rít thử kêu o o.
-Thầy đồ đến đấy - chị hé từng tiếng như nhấm nháp miếng ngon.
-A. Thầy đồ. Hôm nay đến lượt nhà mình à?
-Ừ. Vào nhanh lên. Giúp chị dọn cơm. Nhiều món lắm.
Chị kéo nó men hàng rào rau ngót, lẻn tọt vào bếp. Chị kiễng chân lấy cái mâm gỗ trên nóc chạn xuống. Cái mâm từ đời cụ nội để lại, nhỉnh hơn vành nón một tí. Chỉ khi nhà có khách quý cái mâm mới được mang dùng. Thường ngày nhà nó ăn cơm bằng mâm chõng. Bố nó bảo cái mâm chõng bằng đúng tuổi nó. Ăn cơm xong, việc của nó là mang chõng ra giếng lấy xơ mướp kì cọ, dựng lên cho ráo nước, rồi treo ghếch hai chân chõng lên vách bếp.
Nó gượng nhẹ chọn ba cái bát đẹp nhất, ba đôi đũa đều nhau, đặt vào góc mâm. Chị Mai múc bát canh nổi những miếng cà chua đỏ tươi để cạnh đĩa thịt gà luộc vàng ánh, đĩa lạc rang, chai rượu nút lá chuối và ba chén hạt mít. Cái nồi gang nấu cho bốn người ăn kênh vung, lộ hạt cơm trắng bóng, thơm sực.
-Chị em mình ăn sau.
Thấy nó nuốt nước bọt đánh “ực”, chị Mai bảo thế rồi nâng mâm mang lên nhà.
Hai chị em vùi củ khoai vào đống tro guột đỏ lừ, thì thào đoán nhau trên nhà đang nói chuyện gì.
***
-Dạ thưa thầy, hôm nay gia đình con vinh dự được rước thầy về nhà dùng cơm. Chỉ là cơm rau dưa với chén rượu nhạt, mong thầy không chê ạ.
Bố nó thường ngày nói oang oang, động tí là mắng chửi chát chúa, hôm nay giọng rất nhỏ nhẻ. Mẹ nó mặc quần áo mới, tóc búi gọn ghẽ. Mẹ cung kính so đũa, rót rượu, nâng bằng hai tay.
-Con mời thầy ạ.
-Anh chị khách khí quá, tôi có phải người lạ đâu mà vẽ vời thịt gà thịt qué cho tốn kém ra.
-Dạ không tốn kém gì đâu ạ. Chúng con vinh dự lắm, vui lắm ạ. Dạ con kính thầy.
Đợi khách cạn chén rượu, mẹ vội gắp miếng đùi gà ngon nhất, chấm muối ớt đặt nhẹ vào bát, bố vén tay áo nghiêng chai châm rượu vào chén.
Thầy đồ trạc sáu mươi tuổi, đầu đội khăn xếp, mặc áo dài đen, ngực áo đôi chỗ vải bợt lộ chiếc áo trong màu nâu đất. Thầy đeo kính dày, môi nhạt, hốc má sâu, da trắng xanh. Thầy uống rượu, gắp thịt, chan canh và cơm ăn rất ngon lành. Bố mẹ nó chỉ cầm đũa làm vì, nhanh nhảu đỡ bát xới cơm, tiếp thức ăn, nét mặt hân hoan sung sướng.
Xóm nó toàn dân ngụ cư, có người phũ mồm gọi “bọn tứ chiếng”. Cái ngữ không quê không quán không gốc không rễ. Nó thỉnh thoảng nghe người nọ người kia xì xèo thế. Mẹ nó theo ông bà chạy đói năm Ất Dậu phiêu dạt đến đây. Mẹ kể: Lúc đầu, cả nhà díu vào nhau, ngày xin ăn, tối ngủ quán chợ. Rồi người đói đầy đường, miếng bố thí cũng bấu véo cho hàng chục cánh tay chìa ra. Đành mỗi người chia mỗi ngả. Mạng sống phó thác ông trời định đoạt. Bà nó ôm thân hình lủng củng xương non của mẹ, nấc nghẹn: “Con hãy đi đi, làm tôi đòi nhà người ta mà kiếm miếng ăn cho qua đận khốn nạn này. Con hãy lấy ngày hôm nay làm ngày giỗ cha giỗ mẹ”. Mẹ nó được người ta đưa về bế em, rồi quen bố nó chăn ngựa nhà bên. Thương nhau, về ở xóm bãi. Vợ cắt cỏ bán cho người ta nuôi bò, chồng đập đá đội than. Xóm có mười hai nóc nhà xiêu xiêu, heo hẻo díu vào nhau ở bãi sông Cầu. Trẻ con cỡ tuổi nó gần chục đứa. Trạc tuổi chị Mai có anh Thông lưng gù gù, chị Vạn mắt kèm lèm, chị Lam suốt ngày quệt tay chùi mũi, anh Mặn chân đầy sẹo roi bố đánh…
Chị Mai giống bố vóc dáng bé nhỏ, giống mẹ da trắng hồng. Mẹ cắt đôi quang với cái đòn gánh ngắn bớt, mua thêm cái liềm con con, cho chị theo đi cắt cỏ. Trời còn tối bưng lấy mắt, mẹ thì thào lay chị dậy. Mẹ con rì rầm nấu cơm, ăn vội một bát, nắm hai nắm xiu xiu, đùm tí muối vừng vào lá chuối, quẩy quang gánh lên đường. Mùa hoa cỏ đâm chồi, đi già nửa ngày là được hai gánh cỏ lặc lè. Mùa cây khô lá vàng thì đi hàng chục cây số mới tìm được cỏ. Khuya mịt mờ mới thấy chị đi trước mẹ đi sau, đòn gánh oặn cong kĩu kẹt. Lá cỏ sắc lẻm cứa tay chân chị tướm máu. Mẹ đếm mấy đồng tiền nát nhừ, khen chị dẻo chân, cắt nhanh. “Chịu khó đến tết mẹ mua cho hai chị em cái áo trắng với cái quần ca-tăng nhá”. Nó vui cười tít mắt. Xóm có mỗi chị nó cắt cỏ, còn anh Thông, chị Vạn, chị Lam, anh Mặn theo bố mẹ sáng lên mỏ đập đá, chiều xuống bến sông đội than.
Núi đá cách xóm bãi chừng một tiếng đồng hồ đi bộ. Bố cõng nó ngủ vẹo vọ trên lưng. Người búa, người xẻng, lếch thếch lên núi. Lần lượt từng người đưa mặt vào gần cái đèn pin cho cai Nho đứng trên mỏm đá, ghi tên từng người vào cuốn sổ. Từng cặp bố, con, vợ, chồng nhận việc gần nhau. Người cậy đá trên núi lăn xuống, người ở dưới lấy búa đập nhỏ ra, xúc lên xe ba-gác kéo đổ thành đống. Cai Nho cầm cái thước nhôm, đo đo đạc đạc.
Anh Mặn đập đá khỏe, phải cái tật dễ ngủ. Tay giơ búa lên, mắt nhắm tịt, anh nghẹo cổ ngủ lúc nào không biết. Bố anh bẩy hòn đá lăn xuống không nghe tiếng búa chí choét, biết ngay anh Mặn đã ngủ. Ông rút cái roi tre cài trên lưng. Vút. Anh Mặn giật nảy người vớ vội cái búa đập viên đá tóe lửa. Máu ở dóng chân anh rịn ra, đỏ lừ.
Tầm mười hai giờ trưa, mọi người í ới gọi nhau vào hẻm núi. Ở đây có cây đa non, tán xòe chừng hai cái chiếu. Bố cho nó ngồi đấy, nhặt lá đa tết trâu. Nó tết được cả đàn trâu, rải lổm ngổm quanh gốc đa. Bố lôi bọc cơm nắm, bẻ cho nó một mẩu, nó chấm muối vừng nhai ngon lành. Anh Thông, anh Mặn, chị Lam chóp chép nhai. Bố anh Mặn thỉnh thoảng liếc lằn máu ở chân con, xương hàm nhô nhọn hoắt. Mọi người ăn xong cũng là lúc cai Nho tính ra tiền công. Hắn gọi từng người lên lĩnh tiền. Vận mấy đồng xu vào cạp quần, bố cõng nó về.
Tầm ba giờ chiều, tàu chở than từ mỏ Quán Triều cập bến xóm bãi. Tu…hu…hu… tiếng còi giục những bước chân mau mải chạy về bến than. Bố nó vớ đôi thúng đen nhẻm đội lên đầu. Ông nhảy những bước dài xuống tấm ván bắc lên thành tàu. Dân xóm bãi nhanh nhẹn đứng thành hàng, mỗi người đội một thúng trên đầu. Phễu lần lượt rót than vào thúng. Cổ người tụt lại, ngắn dần, chỉ thấy đít thúng bè ra, hai tay xòe cánh vịt, bước chân chao đảo trên tấm ván võng sát mép nước. Chị Lam cao bằng cái đòn gánh mà có chiều đội được năm mươi chuyến. Anh Mặn anh Thông chị Vạn chạy đi chạy lại nó nhìn chóng hết cả mặt. Thúng than ấn bẹp xương sọ, đỉnh đầu chị Vạn tóc loe xoe như úp cái bu gà rách. Tầm bẩy giờ tối, hàng người đội than thất thểu về xóm như oan hồn ngoi lên từ địa ngục. Người lớn gọi trẻ con xuống sông tắm gội. Họ chia nhau mấy quả găng kỳ cọ mặt mũi, bọt găng nổi trắng mặt nước.
***
Dăm năm trước, xóm nó thêm một người đến ở. Túp lều quây nứa lợp rạ dựng cuối xóm là túp lều thứ mười ba. Người đàn ông cao gầy, đi guốc mộc đĩnh đạc, mắt nhìn xa xăm. Mọi người gọi “thầy đồ”, một điều thưa thầy, hai điều thưa thầy. Thầy từ đâu đến? Thầy là ai? Bố nó mấy lần thì thào với mẹ nó trong bữa cơm: Nghe đâu thầy là quan triều đình thất sủng. Nghe đâu thầy không chịu ăn miếng bẩn mà cởi áo ẩn dật. Thầy nổi tiếng văn hay chữ tốt, đỗ đạt cao lắm đấy…
Chúng nó tò mò nghé mắt xem thầy đọc sách, mài mực, viết chữ. Đến bữa, thầy bắc niêu đất tí xiu lên cái kiềng kê góc nhà, cơm chín ăn với muối trắng. Bố nó cung kính mang đến biếu thầy mấy con cá khô. Bố anh Thông đùm vào khăn mặt biếu thày dăm bơ gạo. Mẹ chị Lam nhất khoát không lấy tiền công thầy nhờ vá cái áo cánh nâu. Mười hai túp lều chung niềm yêu kính túp lều thứ mười ba. Một lần thầy vẫy anh Mặn vào, hỏi sao chân nhiều vết sẹo thế kia? Anh Mặn gãi đầu kể bị bố đánh vì đập đá hay ngủ gật. Thầy lẳng lặng cúi mặt đọc sách hồi lâu, rồi hỏi lũ trẻ “các con có thích biết chữ, thích đi học không?”. Cả lũ nhảy lên “có ạ, nhưng bố mẹ con bảo lên tỉnh xa lắm, mí lại học xong cũng lại đi đập đá đội than thôi”. “Các con chịu khó buổi tối sang đây thầy dạy chữ cho”.
Ban đầu lớp học có anh Thông, sau có chị Vạn, chị Mai, anh Mặn, chị Lam. Ngọn đèn dầu đặt trên mâm chõng, hai người một chõng với lọ mực, quyển vở quăn mép. Thầy đồ mặc áo dài đen xếp tròn đôi chân gầy guộc trên giường. Cái đèn măng-xông sáng nhất xóm bố anh Mặn mang đến đặt cạnh chỗ thầy, soi rõ cái thước to bản, bút lông, thỏi mực, mấy quyển sách dày cộp. Anh Thông mặc quần đùi, chị Vạn hít mũi xoàn xoạt. Nó rón rén nép vách nhà thầy nghe chị Mai đánh vần: tê hát u i cờ lét uyên thuyên huyền thuyền; cờ a ca sắc cá, vờ an van nặng vạn... Cuối buổi học, thầy gõ thước cho cả lớp đọc bài “Mười nhớ”: Một là không được chơi tu lơ khơ. Hai là không được mày tao chí tớ. Ba là không được chỉ trỏ thì thầm. Bốn là không được đánh nhau chửi nhau. Năm là không được đi đái dọc đường. Sáu là không được xin xỏ cái gì… Mười hai túp lều dỏng tai nghe: Bẩy là luôn giữ chân tay sạch sẽ. Tám là ăn uống phải hợp vệ sinh. Chín là phải sống tiến bộ văn minh… Thầy dừng gõ thước, giảng giải. Giọng ấm ấm vang vang. Bố nó cầm điếu quên tra thuốc vào nõ. Mẹ nó thôi lẩm rẩm tính đồng rau đồng mắm. Nó nhẹ chân chạy tót về trước, nú sau cánh cổng đợi chị nó để “ú òa”.
Chả ai bảo ai, các nhà trong xóm muốn mời thầy đến nhà mình ăn cơm. Nhưng thầy bảo, mỗi tháng thầy chỉ ăn một bữa ở một nhà thôi. Thế là từ nhà số một, giữa năm đến lượt nhà nó được thầy đến dùng cơm. Từ tháng bẩy năm trước bố chôn vò rượu ngon góc vườn, đợi ngày thầy sang mới bới. Mẹ nhờ bố khoét đoạn ống tre, tối nào cũng bỏ vào đấy một xu tiết kiệm từ sau tết. Con gà nhép nhốt góc vườn ăn hạt rơi hạt vãi từ tháng ba. Chị Mai bóc sắn, thái lát phơi khô, giã bột làm bánh ăn, bớt tiền mua gạo từ tháng hai. Mấy hôm trước, mẹ giục bố quét mạng nhện, nó và chị Mai lấy tro bếp đánh cọ bộ ấm chén. Mẹ rẫy đám cỏ mọc liếm góc sân, tỉ mẩn nhổ từng cọng rêu li ti, mở toang cửa cho gió lùa vào mọi ngóc ngách. Nắm hoa nhựa chỉ trưng ngày tết bố cũng rửa kỹ cắm vào cái lọ đất nung.
***
Thầy buông đũa. Mẹ nó ới xuống bếp. Chị Mai bưng lên chậu nước nóng bên trong có khăn mặt bông. Bố đón lấy, vắt khăn, mời thầy rửa mặt lau mồm. Đợi thầy xỉa răng uống nước xong xuôi, bố nó xoa hai bàn tay vào nhau xoàn xoạt, khẽ khàng:
-Thưa thầy, vợ chồng con một chữ bẻ đôi không biết, chúng con muốn được thầy chỉ dạy ạ.
-Có điều gì anh chị cứ nói tự nhiên.
-Chả là cháu Mai nhà con năm nay mười hai tuổi rồi, được thầy cho ít chữ đã biết đọc biết viết. Nhưng mà chúng con nghe nói con gái tuổi Dần lận đận cao số lắm. Chúng con tính cho cháu lên tỉnh đi ở cho người ta. Dăm năm nữa có ít lưng vốn thì về xem ai thương thì gả. Mà nếu đường chồng con trắc trở như hôm nọ có ông thầy bói bấm quẻ cho cháu thì cũng có tí tiền mà dựa vào. Nghĩ đi thì thế, nghĩ lại cũng tội. Bé bỏng thế, mồm ăn thì có mồm nói thì không, liệu sống nổi chốn thị thành không…
Mẹ nó nấc nấc, bố nó nghèn nghẹn. Chị Mai gục mặt vào hai đầu gối. Lúc chị ngẩng lên nó thấy mặt chị đanh lại.
-Thế nên chúng con muốn xin thầy một lời khuyên ạ.
Thầy đồ ngồi bất động. Hõm má hoắm thêm. Đôi mắt vời xa hướng về dòng sông vô vàn gợn nước đuổi nhau mệt nhoài. Thầy mở cái hộp gỗ sơn đen, lôi ra một tờ giấy màu nâu nhạt, cái bút lông, thỏi mực. Thầy lẳng lặng mài mực, trải giấy ra bàn.
-Thày bói nói số cháu khổ ư? Để tôi lấy cho cháu lá tử vi rồi có lời khuyên với anh chị.
-Quý hóa quá. Trăm sự nhờ thầy ạ.
Bố mẹ nó cung kính đứng hai bên. Thầy đồ vạch mực tàu lên giấy. Nét ngang, nét dọc, ô vuông, ô tròn. Thầy nhíu mày bấm ngón tay, lẩm rẩm:“Thiên can, tương hợp, địa chi. Khảm thủy đông tứ mệnh. Quan lộc, thiên di, địa ách. Điền trạch, phúc đức, tài bạch…”. Lông bút múa trên giấy bản. Những chữ vuông vức hiện hình đen nhánh. Đôi chỗ thầy thay bút, chấm vào nghiên son, phẩy một nét đỏ rực. Bố mẹ nó nín thở, đưa mắt nhìn nhau. Chị Mai đăm đăm nhìn bếp tàn tro, tay cầm mẩu khoai nướng quên bóc ăn.
Chừng nửa tiếng, thầy đồ cẩn thận xếp hai cái bút lông sang bên, cất tiếng giảng giải:
-Theo như lá số này, con nhà anh chị thiên lương thủ mệnh, là người thông minh, tốt tính, hay giúp người, làm nghề y rất hợp. Cháu có cung quan lộc, học hành đỗ đạt, làm nên sự nghiệp. Phu thê đẹp, chồng con đề huề. Điền trạch tụ. Đất đai nhà cửa không thiếu. Cung phụ mẫu, huynh đệ, phu thê đều đẹp. Con em nó cũng rất khá. Nhờ các cháu mà anh chị mở mày mở mặt đấy.
Thầy chỉ vào chấm son tròn xoe chĩnh chệ giữa tờ giấy, nhấn từng tiếng: Cháu nó sẽ làm sáng rỡ dòng họ.
Bố mẹ nhìn nhau, ngực phập phồng, mắt lóng lánh. Thầy đứng dậy, gọi chị Mai lên, bảo ôm tráp cho thầy. Bố nó, mẹ nó, chị Mai và nó tiễn thầy về túp lều số mười ba. Bố thẳng lưng bước, hai tay vung vẩy. Nắng trải rực sông Cầu.
Đầu năm sau, anh Mặn, anh Thông, chị Lam, chị Mận, chị Mai lên tỉnh học. Mẹ nó ngày cắt hai gánh cỏ. Bố nó đội than đến khuya. Mười hai túp lều lại dỏng tai nghe chúng nó đồng thanh: Một là không được chơi tu lơ khơ. Hai là không được mày tao chí tớ. Ba là không được chỉ trỏ thì thầm. Bốn là không được đánh nhau chửi nhau…
***
Nó vươn vai bước ra ban công. Đêm qua nó đến khách sạn Mãi Xanh đã quá khuya, chỉ kịp lấy phòng rồi lên giường ngủ ngay. Nó chắp nối ký ức mờ xa để vẽ lên trong đầu xóm bãi ngày xưa. Chịu thật. Cảnh vật đổi thay đến chóng mặt. Chỗ kia là xóm bãi, chếch chếch là bến than? Mà hình như xóm bãi ở chỗ con đường hai chiều trải áp - phan có dải phân cách bằng hoa cúc kia?
-Nhà báo đang nghĩ gì thế?
Nó giật mình quay lại:
-Bác Mặn. Đêm qua em đến muộn quá chưa chào bác được.
-Anh biết rồi. Hôm qua chị Mai gọi zalo cho anh. Sau tết chị Mai, chị Mận hẹn tụ họp ở đây bàn chuyến sang Pháp chơi với vợ chồng anh chị Thông - Lam. Tuổi thất thập cả rồi, đi chơi dối già ôn kỷ niệm xưa. Mà thôi, xuống nhà ăn sáng đi kẻo đói.
Hai bát phở gà, đĩa trứng luộc đặt trên bàn ăn trải khăn lụa trắng. Anh Mặn kéo ghế ngồi đối diện với nó. Một năm không gặp, tóc anh thêm nhiều sợi bạc, nhưng da lại đỏ đắn khỏe hơn. Anh vui vẻ:
-Gà nhà nuôi bên trang trại Đồng Hỷ, chăn toàn ngô đỏ, thịt chắc ngọt lắm, em ăn đi.
Nó húp thìa nước phở thơm mùi thảo quả, nắc nỏm: “Ngon thật là ngon. Anh chị bây giờ sướng hơn vua”. “Vua chắc gì sướng bằng anh?”. “Đúng thật, mỗi ngày thu vài triệu tiền từ khách sạn, trang trại, chưa kể tiền hưu đại tá”. “Ấy ấy, nhà báo đừng nghĩ mọi thứ đến dễ thế nhé. Đời không ai qua khỏi luật nhân - quả đâu”.
Uống cà phê xong, anh bảo tôi lên tầng mười ngắm sông. Quả là ông anh có con mắt tinh đời khi chọn địa điểm này làm chỗ thưởng trăng ngoạn cảnh. Khúc sông Cầu mơ màng nằm trọn tầm nhìn. Gió đưa hương hoa hồng dịu dàng từ bên kia sông. Tôi reo lên: “Xóm bãi của mình kìa”. Anh Mặn cười hiền: “Nó ở chính chỗ công viên”. Anh bỗng im lặng. Ký ức như sóng nước xô nếp nhăn trên trán. “Lần bị thương ở chiến trường K, ruột xổ hàng đống, đồng đội khiêng anh về trạm quân y chẳng ai nghĩ anh sống nổi. Anh mê man, thấy mình bập bềnh ngoi ngụp trong dòng nước mênh mông. Mà lạ lắm, rõ ràng là sông Cầu quê mình, mà nước xốp như bông, lại hai màu đen trắng lập lòa. Anh nằm trên nước, chìm dưới nước, cổ nghẹn cứng, mũi không thở được. Đúng lúc ấy, em có biết anh thấy ai không? Thầy đồ. Thầy đứng trên bờ, đúng đoạn sông có cây si kia, chỗ anh xuống tắm mỗi tối đội than về. Thầy một tay cầm cây đèn măng-xông sáng rực, một tay cầm bút lông, ngọn bút đẫm son. Thầy phẩy mạnh, giọt mực đỏ chói rơi trúng mặt anh. Choàng tỉnh, anh lần tay lên ngực, lá số tử vi vẫn nguyên trong túi áo. Em có tưởng tượng được không? Giọt mực trong mơ y hệt chấm son trong tờ tử vi của anh”.
Anh Mặn lập cập vào phòng, rút ba thẻ hương châm lửa. Anh vén tấm rèm bàn thờ. Tôi nhìn thấy ba khuôn hình sau bát hương. Bố, mẹ anh và một người mặt gầy, đeo kính, mặc áo dài đen. “Anh vẽ thầy theo trí nhớ đấy”. Đợi tôi cúi đầu chắp tay bái lậy xong, anh đến góc ban thờ, lấy ra một tờ giấy bản sẫm màu thời gian, nghiêm trang trải ra bàn cho tôi xem. Thiên can, Tương hợp, Địa chi, Quan lộc, Điền trạch, Phúc đức, Huynh đệ, Phu thê... Những con chữ vuông vức đen nhánh giống hệt tử vi của chị Mai nó. Ở giữa lá số, một chấm son đỏ chói như vầng mặt trời treo trên khoảng mây trong vắt.
Nó bàng hoàng ngước nhìn lên bức họa chân dung, sau khói hương, nó thấy rõ nét cười hóm hỉnh thoảng trên gương mặt gầy gò.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...