Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
19:25 (GMT +7)

Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 -2015): Bộ Tổng tham mưu – những ngày đầu ở chiến khu Việt Bắc

VNTN - Việt Bắc, “cái nôi” của Cách mạng tháng Tám, được chọn làm căn cứ địa của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, tiến có thể đánh, lui có thể giữ; địa thế hiểm trở; nhân dân giàu truyền thống yêu nước, một lòng theo Đảng, cách mạng và Bác Hồ kính yêu. Đồng thời đây là nơi có nền kinh tế tự cung tự cấp, có thể bảo đảm cho các lực lượng kháng chiến tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại Việt Bắc, giúp đỡ đồng bào xây dựng chính quyền, đoàn thể cách mạng, xây dựng cuộc sống mới về mọi mặt, qua đó củng cố nơi đây thành căn cứ vững mạnh, thành hậu phương vững chắc của kháng chiến.

Tháng 5 năm 1947, sau khi hoàn thành nhiệm vụ di chuyển cơ quan đầu não kháng chiến lên Việt Bắc, tổng quân số của Vệ quốc quân đã tăng từ 82.000 lên 120.000 người, biên chế thành 57 trung đoàn, gần 20 tiểu đoàn độc lập. Về vũ khí trang bị, ngoài một số ít vũ khí mới sản xuất như bazôka, súng cối,  lựu đạn chống tăng, bộ đội vẫn dùng những súng cũ, đạn rất ít. Toàn quân lúc đó chỉ có 3 vạn súng, hầu hết là súng trường với gần 20 kiểu loại. Về bảo đảm cung cấp, bộ đội không có đủ gạo để ăn, thiếu chăn màn; quần áo chủ yếu mang theo từ gia đình. Về trình độ công tác tham mưu tác chiến của cán bộ, tuy có tiến bộ, nhưng hiểu biết rất ít ỏi về nghệ thuật quân sự và chiến tranh; phần lớn do trên hướng dẫn, do thực tiễn nảy sinh với tư duy mang tính chất tình thế, chưa suy nghĩ được xa. Vì vậy, sau Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 2 (3 - 4/4/1947), Trung ương đã ra nghị quyết chuyên đề, trong đó nhấn mạnh: “Phải học tập ngay ở những hành động quân sự của kẻ thù, học địch để tìm ra cách đánh của ta”.

Quán triệt nghị quyết của Trung ương Đảng, tháng 5 năm 1947, tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức hội nghị bàn về xây dựng bộ đội chủ lực. Thành phần từ cán bộ đại đội trở lên của các trung đoàn chủ lực từ Quân khu 4 trở ra, do đồng chí Tổng Tham mưu trưởng chủ trì với mục đích: Bồi dưỡng một số lý luận cơ bản về xây dựng quản lý bộ đội, về khái niệm chiến thuật, chiến dịch, những yếu kém về kỹ thuật (bắn súng, ném lựu đạn, đâm lê, lợi dụng địa hình, địa vật). Đặc biệt, hội nghị cũng đưa ra thảo luận dân chủ về tư tưởng chỉ đạo tác chiến; về công tác chính trị, tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đoàn kết nội bộ, tăng cường kỷ luật, thực hiện phương châm “dân như nước, bộ độ như cá, nhân dân là nguồn vô tận của bộ đội” do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đưa ra.

Đây là lần đầu tiên, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức được một hội nghị có đủ các cán bộ đại đội trở lên của các đơn vị chủ lực nhằm quán triệt thông suốt đường lối “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” của Trung ương. Các ý kiến về tư tưởng chỉ đạo tác chiến và phương hướng xây dựng lực lượng của Hội nghị đã được tổng hợp thành tài liệu trao cho các đại biểu về dự hội nghị quân sự toàn quốc sau này.

Tháng 6/1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3 được tổ chức. Về âm mưu của địch trong hè thu năm 1947, Hội nghị nhận định, trong thu đông năm 1947, quân Pháp sẽ tập trung củng cố các đô thị quan trọng và các đường giao thông thủy bộ trọng yếu bằng cách mở rộng phạm vi chiếm đóng, đóng chốt các vị trí chiến lược có ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ các đô thị và các đường giao thông; phát động “các cuộc tiến công lớn để chiếm đóng những vị trí chiến lược còn lại ở trong tay ta, hoặc để quét sạch miền trung châu Bắc Bộ, hoặc để khống chế miền Thanh - Nghệ hay Nam - Ngãi, chúng cũng có thể mưu đồ cuộc đại tiến công vào Việt Bắc”, đồng thời địch sẽ tăng cường càn quét vùng do chúng kiểm soát để thực hiện âm mưu lập chính quyền bù nhìn và vơ vét của cải, bóc lột và lợi dụng nhân lực của ta để cung cấp cho chiến tranh xâm lược.

Do vậy, ta phải phá tan âm mưu của chúng bằng cách đánh vào các đô thị, đường giao thông, bảo vệ các căn cứ địa ở đồng bằng và miền núi, lập và củng cố căn cứ địa trong vùng địch tạm chiếm, phối hợp hoạt động quân sự, vũ trang tuyên truyền với các cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân trong vùng địch kiểm soát. Điều quan trọng là chúng ta phải “giữ quyền chủ động, hiểu rõ lực lượng của ta và lực lượng của địch; biết dùng lực lượng dự bị; biết tập trung binh lực khi cần, biết điều động rất nhanh chóng và kịp thời; phải giấu lực lượng của mình, làm sai lạc phán đoán của địch; phải đánh bất thần, xuất kỳ bất ý, lợi dụng những nhược điểm của địch; phải thực hiện sự phối hợp về chiến lược và chiến thuật; phải phối hợp bộ đội chủ lực với dân quân tự vệ; phải nặng về tiêu diệt chiến; phải có kế hoạch thiết thực rành mạch; phải tiến cho kịp địch và hơn địch”.

Hội nghị nhấn mạnh vấn đề củng cố, kiện toàn cơ quan chỉ huy, công tác tham mưu, chính trị, cán bộ, tổ chức bộ đội và dân quân, đạo đức của người quân nhân, trang bị và cấp dưỡng của bộ đội và vấn đề củng cố căn cứ địa. Về trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ, Hội nghị đánh giá: “Cán bộ đã đuối sức trước yêu cầu khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang và huấn luyện bộ đội để bước vào mùa khô, phải thống nhất tư tưởng chỉ đạo tác chiến”.

Sau đó ngày 5 tháng 8 năm 1947, Bộ Tổng Tham mưu đã tổ chức lớp bổ túc cán bộ trung cấp từ tiểu đoàn trở lên gồm 83 cán bộ từ Quân khu 4 trở ra, do đồng chí Hoàng Văn Thái làm Giám đốc, đồng chí Phan Tử Lăng, Cục trưởng Cục Quân chính là Phó Giám đốc kiêm Đại đội trưởng học viên, đồng chí Hoàng Điền làm Đại đội phó, đồng chí Trần Tử Bình làm Chính trị viên. Giảng viên là các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái. Mục đích của lớp học là nhằm bồi dưỡng về đường lối quân sự trong đó có 11 nguyên tắc tác chiến.

Lớp học rất vinh dự được đón Bác Hồ tới thăm. Nói chuyện với lớp học, Bác căn dặn: Cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên lúc bình cũng như lúc chiến, coi như chân tay, đội viên coi cán bộ như đầu óc. Đội viên chưa có cơm ăn, áo mặc, chỗ ngủ …thì cán bộ không được ăn no, mặc ấm, không được ngủ yên. Cán bộ phải chăm lo học tập chính trị, chiến lược, chiến thuật, học cách cầm quân… làm sao đánh thắng giặc mà đỡ tốn xương máu của chiến sĩ, của đồng bào, rút ngắn lại những ngày đau khổ.

Kết thúc lớp học, 83 cán bộ trở về các đơn vị công tác, cùng với các địa phương bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Lực lượng cán bộ cốt cán đã trưởng thành thêm một bước, nhất là trình độ công tác tham mưu tác chiến, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang của ta ngày càng lớn mạnh, cùng với toàn dân giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ được thành quả cách mạng.

Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy