Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
14:34 (GMT +7)

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1.3.1906 – 1.3.2016): Nhớ mãi Thủ tướng Phạm Văn Đồng

VNTN - Còn nhớ, mười sáu năm trước, năm 2000, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời, Điếu văn do Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đọc tại lễ truy điệu đã làm rung động triệu triệu con tim đất Việt và bạn bè quốc tế: "người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người con rất mực trung thành suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; nhà văn hóa lớn của dân tộc" (1).

Đồng chí Phạm Văn Đồng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng; nhà ngoại giao tài năng, có uy tín trên thế giới; nhà văn hóa lớn của dân tộc; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng. Suốt cuộc đời hoạt động, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Phạm Văn Đồng cũng luôn tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, tương lai của đất nước, mang hết nhiệt tình, tài năng và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Với trọng trách của mình, ông hết sức quan tâm tới công tác củng cố bộ máy chính quyền Nhà nước. Ông thường nói: "Việc tăng cường Nhà nước dân chủ nhân dân là một nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa"(2).

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân và vì dân, Phạm Văn Đồng nhấn mạnh rằng: "nguyên tắc tổ chức của Nhà nước chúng ta là nguyên tắc tập trung dân chủ. Dân chủ và tập trung là hai mặt không thể thiếu và phải mật thiết liên quan với nhau, kết hợp chặt chẽ với nhau của tổ chức Nhà nước chúng ta".(3).

 

Nhận thức rõ Đảng ta là đảng cầm quyền, ông yêu cầu đảng viên là cán bộ chính quyền các cấp phải "quan niệm cho đúng quan hệ lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước". Ông đã khẳng định: "Chỉ có tăng cường quan hệ lãnh đạo của Đảng với Nhà nước thì chúng ta mới tăng cường tác dụng to lớn của Nhà nước trong thời kỳ quá độ, trong việc xây dựng xã hội mới, đời sống mới, do đó nêu cao địa vị và uy tín của Nhà nước” (4).

Trong quản lý kinh tế, Thủ tướng yêu cầu mỗi cán bộ phải làm việc có hiệu quả thiết thực, có năng suất, chất lượng cao; phải chú trọng thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí, tham ô. Ông chỉ ra rằng: "Muốn quản lý tốt, cần quy định rõ ràng chính sách, chế độ, thể lệ, định mức về các việc điều động, phân phối và sử dụng tiền bạc, máy móc, đất đai và vật tư cho mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương; phải coi đó là kỷ luật của Nhà nước, ai làm sai là có lỗi; người phụ trách phải thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời, đúng mức những vụ sai trái"(5).

Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất chú trọng công tác bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, thực hiện tốt mối quan hệ máu thịt dân với Đảng, Đảng với dân. Ông khẳng định, sự nghiệp cách mạng là xây dựng cái mới, cái văn minh, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu. Trong sự nghiệp ấy, cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu; Đảng phải bồi dưỡng, chăm sóc cán bộ "ví như người làm vườn, vừa vun xới cho cây, cho hoa; vừa phải nhổ cỏ, trừ sâu và nhổ cỏ phải nhổ tận gốc, diệt sâu phải diệt từ trứng, có như vậy hoa mới càng đẹp, quả mới càng ngon"(6).

Ông rất đau lòng khi tệ quan liêu, tham nhũng trở thành "quốc nạn", đe dọa sự tồn vong của sự nghiệp cách mạng. Từ đáy lòng mình, ông đã yêu cầu Đảng, Nhà nước "phải đặt lên hàng đầu công tác quét cái nhà của chúng ta, quét dọn mọi thứ rác rưởi và dơ bẩn, làm cho nó ngày càng sạch sẽ, có như vậy chúng ta mới có môi trường và cơ hội thuận lợi để làm tốt những công tác khác"(7).

Lời tâm huyết đầy trách nhiệm của ông có ý nghĩa thời sự to lớn trong giại đoạn hiện nay, đó là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh là vấn đề cốt lõi, nhiệm vụ then chốt trong thời gian tới. Trên cương vị mà Đảng và Nhà nước giao phó, tài năng và cống hiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng thể hiện xuất sắc ở công tác đối ngoại trong nhiều thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Với quan điểm đúng đắn, tình cảm chân thành, nghệ thuật thuyết phục, cảm hóa, Thủ tướng đã góp phần to lớn trong việc đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của các nước anh em, bè bạn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đồng thời là nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn. Noi theo người thầy Hồ Chí Minh, ông luôn sử dụng tri thức văn hóa dân tộc và nhân loại trong hoạt động cách mạng. Là Chủ tịch Ủy ban cải cách giáo dục Trung ương trong nhiều năm, ông quan tâm sâu sắc tới sự nghiệp "trồng người". Cho đến những năm tháng cuối đời, ông vẫn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, tương lai dân tộc. Ông kêu gọi lớp trẻ: "Các bạn hãy học tập để thành người và để làm người, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xứng đáng với cha anh, sánh vai cùng bạn bè trên thế giới".(8).

Là người đặc biệt chú trọng phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dành thời gian nghiên cứu, viết nhiều bài là những tác phẩm văn hóa mẫu mực về các danh nhân văn hóa dân tộc, các vua Hùng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu... công trình nghiên cứu của ông thường là các chuyên luận, phục vụ nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ, có tính định hướng và chỉ đạo. Văn phong của ông ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và để lại những ấn tượng sâu sắc. Ông đã nhiều lần bàn về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Những quan điểm của đồng chí về văn hóa ở tầm chiến lược vĩ mô, thể hiện quan điểm, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước ta.

Với giới trí thức, văn nghệ sĩ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người bạn, người anh lớn với tấm lòng bao dung, đôn hậu, cảm thông sâu sắc. Yêu cầu mà ông đặt ra cho anh chị em là khoa học và nghệ thuật phải theo phương châm "hiểu biết, khám phá, sáng tạo"; lập trường tư tưởng phải thấm nhuần tư tưởng lớn của Đảng, đường lối chính trị của Đảng, vì những tư tưởng lớn đó, đường lối đó là thể hiện ý chí lớn, nguyện vọng lớn của dân tộc.

Với 94 tuổi đời, 75 năm liên tục hoạt động cách mạng, Phạm Văn Đồng đã cống hiến trọn đời cho Đảng và dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, chúng ta nhớ mãi những đóng góp lớn lao của ông đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, nhớ mãi một trong những chiến sỹ đặc biệt ưu tú suốt đời hy sinh, phấn đấu vì dân, vì Đảng, vì lý tưởng cộng sản.

Tài liệu tham khảo:

-(1) Điếu văn của Đảng và Nhà nước Việt Nam tại Lễ truy điệu và an táng đồng chí Phạm Văn Đồng ngày 6-5-2000, Báo Nhân Dân, ngày 7-5-2000.

-( 2,3,4,5) Phạm Văn Đồng: Những bài nói và viết chọn lọc, Nxb Sự thật, Hà Nội 1987, t 1, tr 165, 161, 184, 177 - 178

-(6) Phạm Văn Đồng:Những bài nói và viết chọn lọc, Nxb Sự thật, Hà Nội 1987, t 1, tr 171.

-(7) Lời phát biểu của đồng chí Phạm Văn Đồng tại Lễ trao tặng đồng chí Huân chương Sao vàng, ngày 1-3-1990, Báo Nhân Dân, ngày 2-3-1990

-(8 )Báo Giáo dục và Thời đại, số 55, ngày 6-5-2000

- Phạm Văn Đồng tiểu sử, NXB, CTQG, HN-2007

Nguyễn Văn Thanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy