Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
02:14 (GMT +7)

Kim cương trắng

VNTN - Sáng, tôi vẫn vùi đầu trên giường thì điện thoại réo ầm ĩ. Tôi thót người hy vọng. Chả là sếp tôi đã dặn rằng:

- Công ty đang khan hàng, các đồng chí cứ về nghỉ, khi nào có việc là chúng tôi điện thoại đến nhà báo đi làm.

Tôi nằm nhà đã gần một tháng, chỉ quanh quẩn vào ra mấy góc tường, thỉnh thoảng nhấc tổ hợp điện thoại lên áp vào tai. Nó kêu o…o…, nghĩa là vẫn hoạt động tốt. Mỗi lần có tiếng chuông là một lần tôi trào lên hy vọng.

- A lô.

Tôi vừa cất lời thì đã muốn nhảy lên vì nhận ra đầu dây bên kia là trưởng phòng của tôi, dù kiểu nói có vẻ quan cách một chút nhưng vẫn thấy ấm áp lạ.

- Văn hả, cậu vào ngay cơ quan nhá!

- Có việc hả sếp? Nhiều không sếp?

- Có việc. Nhớ ăn mặc tử tế vào, quần áo bảo hộ lao động, đeo thẻ đàng hoàng đấy nhé. Cậu là chúa hay quên.

- Dạ vâng ạ.

Tôi cười hí hí - Tự thấy kiểu cười của mình hèn hèn thế nào ấy. Nhưng cái hèn từ đâu vừa đến? Tôi thấy là lạ. Gã đàn ông ngang tàng bỗng dưng đổ đốn ra thế.

 

Tôi làm thiết kế mẫu cho công ty in. Từ ngày ngành in cả nước chế bản điện tử, cơ quan tôi cũng trang bị dàn vi tính. Riêng phòng tôi được mấy cái cấu hình cao, để thiết kế mẫu.

Năm ngoái, giám đốc Đào Văn Bắc phát động phong trào viết kỷ niệm nghề in. Ông ấy bảo sẽ chọn bài viết hay in vào sách truyền thống, phát hành rộng rãi nhân kỷ niệm ba mươi năm công ty hình thành và phát triển. Gãi đúng chỗ tôi ngứa rồi. Hai mươi năm ở đây, tôi bị “đá lông lốc” từ đứng máy in, xén giấy, gập trang, vào gáy, sắp chữ. Chỗ nào tôi cũng để lại dăm ba kỷ niệm nhớ đời. Có lần làm ca đêm buồn ngủ quá tôi cho tay vào lô in, chỉ tích tắc là cả cánh tay thành giò sống, may cậu phụ việc lao đến cắt cầu dao kịp. Dạo ở nhà chữ, việc của tôi là sắp những thanh chì mỏng tang, mỗi thanh đội trên đầu một chữ cái tiếng Việt, xếp từng chữ, thành trang khuôn khổ, bê xuống nhà in. Trước cửa phòng chữ có cây phượng vĩ già khụ, rễ nổi lưng rắn trên mặt đất. Hôm ấy khuya lắm, tôi bê bát chữ xuống nhà in. Tôi đã cột bát chữ cẩn thận, nhưng mệt quá không ôm ghì nó vào ngực như mọi bận. Chân lệt xệt vấp vào rễ phượng vĩ, tôi loạng choạng làm bát chữ chao nghiêng.

Báo phát hành sáng sớm thì tầm chín giờ trưởng phòng gọi tôi lên:

- Hôm qua cậu là người làm bát chữ trang hai số báo ra hôm nay?

- Vâng ạ.

- Cậu giết chúng tôi rồi

- Ối, sao sếp nói thế ạ?

- Cậu đọc đi!

Trưởng phòng quẳng xoẹt tờ báo ra bàn. Mặt xệ xuống. Hai thớ mép râu tủa rung rung. Tôi lập bập mở trang hai, dòng chữ gạch chân đỏ lòe đập vào mắt:

“Vào những ngày trọng đại của đất nước, tôi nhắc nhở bà con khu phố đồng loạt treo cờ”. Ối giời ơi, chữ ờ của chữ “cờ” bị dấu mũ và dấu hỏi ở đâu nhảy xổ đến cưỡi lên, biến thành chữ “cổ”.

- Cậu treo cổ cái nhà in này lên trước rồi hẵng treo cổ bà con giúp tôi.

Số báo bị thu hồi. Tôi phải đền toàn bộ thiệt hại chi phí in ấn. Giám đốc ra quyết định cho tôi nghỉ không lương một tuần, làm tường trình lên giám đốc, thanh tra công ty. Công an văn hóa gọi tôi lên tra khảo hai lần. Lòng tôi sạch như nước suối, ở cái nhà in này ai lạ gì, chẳng qua tại cái rễ phượng vĩ thôi. Mỗi lần vợ tôi bĩu cặp môi sẫm mùi cá khô, rong róc kể số tiền vốn liếng làm ăn ả bỏ ra đền bù, quy ra sách bút học phí cho con, tôi lại thầm trách cây phượng vĩ trước cửa phòng chữ.

Nghĩ lại cái đận ấy sợ mà có lúc thèm thèm. Sách chất ngùn ngụt. Không khí làm việc sôi ùng ục. Đêm, mỗi người được phát cái bánh mì với vỉ sữa đặc bồi dưỡng. Dựa lưng vào máy chạy bần bật, chúng tôi vừa chấm bánh ăn vừa hét vào tai nhau, nói chuyện rát họng…

Ở nhà gần tháng, tôi lục trí nhớ để viết. Ngày bốn tiếng ngồi trước máy tính. Vật nhau với con chữ mệt phết. Cũng coi như tạm ổn một bài vừa cười ha ha, vừa khóc hu hu.

***

Bố mẹ tôi được ông bà nội cho hưởng cửa hàng vàng bạc to nhất thị xã. Bà tôi cao gần mét bẩy, từng thi hoa hậu thời Pháp. Đẻ năm người con, nhưng bà vẫn giữ được dáng hoa hậu. Ngồi trên cái ghế cao gần chạm trần nhà, bà quan sát người ăn kẻ làm. Bốn quầy kính sáng loáng đầy ắp vàng bạc. Tám thiếu nữ áo dài màu booc đô, chân đi giày trắng, đeo hoa tai lóng lánh đứng bán hàng. Tiền thu về mỗi tối không đủ sức đếm, bà nhồi vào lõi gối hoặc gạt xuống thùng sắt kê dưới giường ngủ trong buồng. Ông tôi cao hơn mét tám, mặc veston, ra ngoài mọi người nhầm với tây. Bố là con út “nút quả cà”, học trường Pháp, diện quần sooc trắng, áo caro đỏ, theo ông đi đánh tenis, đua ô tô, dự tiệc đứng.

Thỉnh thoảng, bố tôi tơ mơ hơi rượu, khề khà kể chuyện “thời bé”. Dạo ông học trường Pháp, cùng lớp với con một tay quan ba “thét ra lửa”. Bên người hắn lúc nào cũng kè kè khẩu súng ngắn với cái kiếm kéo lệt xệt. Lần ấy bố tôi và con tay quan ba kia đố nhau thi đái xa. Đứa nào thua thì phải cõng thằng kia một vòng quanh sân. Bố tôi thắng. Ông cưỡi lên lưng thằng tây con, hai chân quặp cổ nó, nhong… nhong… nhong, tay túm hai tai nó “vắt, diệt” như đánh trâu đi cày. Đang khoái chí hành “trâu” thì bố nó đến. Gã tây nhìn thấy cảnh ấy thì hét lên, mặt đỏ tía, rút súng lục, chĩa vào bố tôi, lên đạn đánh “roách”. Bố tôi sợ quá són đái ra quần, ôm cứng cổ thằng tây con, cả hai đổ ềnh ra đất. Giáo viên trong trường túa ra quây quanh hai đứa trẻ. Tay sĩ quan hét lạc giọng: “Lếu láo. Tao phải giết mày”. Bà tôi nhận giấy hiệu trưởng gọi lên để hai bên phụ huynh điều đình hình thức trừng phạt bố. Bà tôi vận áo dài nhung màu huyết dụ, quần satanh loạt xoạt, giày cao gót đỏ cùng màu môi trái tim, tóc chải lật khoe vầng trán trắng mịn. Cái trâm cài đầu đính viên kim cương trắng cỡ hạt ngô, vòng cổ ba mươi viên ngọc trai thứ thiệt, ngón tay nuột đeo nhẫn kim cương trắng to bằng hạt lạc. Khi bà bước từ chiếc xe kéo vàng óng xuống, toàn thân bà tỏa vầng sáng huyền diệu, mùi nước hoa thoảng níu gót chân uyển chuyển. Tên quan ba há hốc mồm nhìn bà như bị thôi miên. Hắn im thít nghe bà dùng tiếng Pháp rành rẽ phân tích chuyện xảy ra là chuyện trẻ con, người lớn không nên can thiệp… Kể xong chuyện này, bố tôi thần ra hồi lâu, như bị vầng hào quang giàu sang nêm nghẹt xung quanh.

Tiền của kén người để sinh nở. Về tay bố mẹ hai năm, bốn quầy vàng bạc teo tóp còn một quầy. Gắng gượng thêm hai năm nữa, bố gom hết số tiền còn lại mua dây chuyền về thành lập công ty in tư nhân. Căn nhà mặt phố bán đi, bố chuyển nhà vào xóm. Mẹ tôi úp mặt vào khay chì ngồn ngộn, bới từng mảnh chữ bượt da tay. Máy in chạy ập uỳnh ngày đêm. Người dưới quê rời ruộng đồng lên làm cho nhà tôi. Năm bố tám mươi tuổi, ông làm di chúc. Năm năm sau, chúng tôi đứng trước bàn thờ mở di chúc. Ông viết: “Tôi xin hiến toàn bộ dây chuyền máy in cho nhà nước. Tôi mong những người bà con họ hàng của tôi, bố mong các con, các cháu tiếp tục làm việc ở đây, trở thành công nhân in ưu tú”. Ảnh bố tôi treo trong phòng truyền thống, cạnh mấy cái cờ đuôi nheo bờn bợt. Mỗi lần có khách tham quan, giám đốc Bắc kể lể truyền thống công ty, cảm ơn bố tôi, chỉ vào tôi, mặt tôi như có nghìn mũi kim châm nhoi nhói. Tôi nhìn khuôn hình ngự trên bức tường loang lổ, hỏi thầm: Bố ơi, bố nghĩ gì khi quyết định như thế?

***

Nhanh chóng thay bộ bảo hộ lao động có dòng chữ: “Công ty X - Uy tín là vàng” in sau lưng áo, tôi liếc tấm lịch treo tường: Hôm nay ngày hai mươi rồi. Nếu có việc đều không biết cuối tháng có kiếm nổi triệu bạc? Tháng trước tôi đưa về cho vợ năm trăm nghìn. Gớm, mặt cô ả nặng như thớt đá. Ả thũng thẵng: “Nhà bốn miệng ăn, chi tiêu thắt ruột thắt gan cũng ngót chục triệu. Con cái học hành tốn kém. Anh đưa tôi mấy trăm bọ, số còn lại trông vào đâu?”. Tôi quát: “Cô đừng lắm nhời lên mặt. Cơ quan ít việc, tôi đi ăn cắp à?”. Ả vằn mắt, cái mặt xương vênh lên, quả cằm hoăn hoắt như muốn cắm vào tim tôi. Cái miệng rộng mím chặt rin rít: “Đồ bất tài, vô dụng”! Tôi lao đến, giơ tay định vả vào khuôn má xanh rớt, nhưng tay tôi như có người trói, buông xuôi, nhẽo nhèo. Chao ôi, ả nói có sai đâu. Thằng đàn ông hơn bốn mươi tuổi, cao một mét bẩy mươi nhăm, nặng hơn tám mươi ký, khềnh khàng nghênh ngang mà ăn nhờ con vợ còm cõi nặng hơn bốn chục ký, mặt nhăn như ruộng bậc thang kia. Nhiều lần tôi nghe bạn bè “kích” nó: “Này, chồng bà cao to, đẹp giai thế, phải cẩn thận”. Ả bĩu môi: “Cao to đẹp giai đến mấy mà túi rỗng thì chó nó theo. Tôi thả ra cũng đố dám đi đâu”. Ả vô học mà nói đúng. Trong túi tôi ít khi có quá năm mươi nghìn đồng, mời bạn bè cốc nước cũng lo quắt mũi, hỏi còn giao du với ai? Chung quy cũng là do công ty tôi vài năm gần đây làm ăn kém quá. Máy móc rệu rã cả, mua về thêm một số thì không chạy được. Khách hàng đến lại quày quả bỏ đi, chẳng biết vì sao.

Hồi vợ chồng tôi mới lấy nhau, bố tôi gọi con dâu đến:

- Chị Văn này. Gia đình ta có truyền thống làm nghề in. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Chị bỏ chạy chợ đi, về làm với mọi người.

- Con cảm ơn bố. Nhưng con xin phép bố được tiếp tục đi chợ ạ. Quầy cá khô mẹ con cho đang có nguồn khách, mí lị con quen chị em bạn hàng rồi. Con buôn bán nhếch nhác thật nhưng cũng đủ ăn. Mong bố mẹ không giận con ạ.

- Tôi đâu dám giận. Nhưng mà chợ búa hàng tôm hàng cá. Thằng Văn nhà tôi hiền lành từ bé. Cô rồi đừng cưỡi lên đầu lên cổ nó.

***

Tôi phóng xe đến cổng công ty vừa lúc anh em ùn ùn kéo đến, mặt ai cũng quen quen mà lại lạ lạ. Một chiếc xe tải, hai chiếc xe con xếp hàng trong tư thế sẵn sàng lên đường. Dưới phân xưởng, máy móc chạy ầm ầm. Không khí rộn rã lâu lắm mới thấy.

Tôi vào phòng làm việc thì hai đồng sự đã ngồi ngay ngắn ở chỗ họ. Họ gật đầu chào, giơ ngón tay cái lên như ám hiệu chuẩn bị chiến đấu. Sếp tôi xuất hiện ra lệnh:

- Bật ngay tất cả các máy vi tính lên.

Chúng tôi răm rắp làm theo. Cái máy tính để cả tháng, khởi động rõ lâu, màn hình nháy liên hồi như mắt người sắp mù. Chao ôi, chắc là khối lượng công việc lớn lắm đây nên huy động cả ba người tạo mẫu chúng tôi vào làm.

- Hiện tất cả mẫu mã đã làm lên màn hình - Sếp lại lệnh - Chúng tôi lập tức tuân theo.

Từ đầu năm đến giờ mỗi người may ra được làm dăm mặt hàng. Tôi vội vàng vào file lưu, lôi mẫu ra. Mặt trước, mặt sau, tổng thể, chi tiết. Tôi dàn tất lên màn hình như chơi bài tú lơ khơ. Nhìn ngộn mắt ra phết.

Sếp tôi tỏ rõ hài lòng, xoa tay đi ra. Một lát sau thì thấy ồn ào. Dẫn đầu là giám đốc Đào Văn Bắc, người nhỏ thó, bụng phượt nhấp nhô. Giám đốc hỉ hả, đôi tay loe ngoe, mẩu chân lũn chũn khuệnh ra oai vệ. Sau lưng giám đốc là trưởng phòng - sếp tôi - hai tay bắt chéo giữ bụng, cười hé… hé... hé... Rồi Chủ tịch công đoàn, Bí thư đoàn thanh niên, Trưởng ban nữ công. Cuối đoàn là một anh vác camera, một anh cầm mic và chân máy quay, một chị tay cầm máy ảnh tí xíu, tay kia khư khư cuốn sổ, túi khoác chéo qua vai. Đoàn người dàn hàng ngang quây kín ba chúng tôi.

Trưởng phòng bước dấn lên, nói như hướng dẫn viên bảo tàng:

- Xin giới thiệu với các nhà báo và các đồng chí, đây là phòng kỹ thuật, trái tim của đơn vị chúng tôi. Ba kỹ thuật viên tạo mẫu này là những người tài hoa nhất của ngành in cả nước đấy ạ. Các đầu sách chúng tôi được khen thưởng đều có bàn tay của những con người giỏi giang này.

Ông đi đến bên, đặt tay lên vai tôi, trầm hùng:

- Đây. Xin giới thiệu với mọi người, anh chàng cao to đẹp giai này tên là Văn. Gia đình anh truyền thống làm nghề in. Từ bố mẹ, cô dì chú bác, nay là anh gắn bó. Chắc hẳn con anh sau này cũng trở thành người của tổ ấm in ấn này. Anh Văn nhỉ???

Ông cười hé… hé… hé… tự thưởng cho câu nói văn hoa của mình.

Chém tay vào không khí, giám đốc Đào Văn Bắc cất giọng khàn khàn:

- Trên màn hình là các mẫu sách, truyện, tạp chí chúng tôi đã làm thời gian qua. Như các đồng chí thấy, độ chuyên nghiệp của nhà in chúng tôi không kém gì những cơ sở lớn. Khách hàng rất khen ngợi phong cách làm việc của đội ngũ và chất lượng sản phẩm chúng tôi làm ra.

- Thưa anh. Hiện thu nhập mỗi tháng của anh là bao nhiêu? Cô phóng viên đã treo máy ảnh lên cổ, tay lăm lăm bút giấy. Lập tức họng camera hướng về phía tôi, đèn bật sáng lòe.

- Dạ… dạ…

Bàn tay trưởng phòng bóp mạnh vai tôi.

- Cũng đủ ăn chị ạ.

- Anh có thể cho con số cụ thể được không? Sáu hay bẩy triệu đồng ạ?

Ngón tay bấm vào lưng tôi đau nhói.

- Dạ, cũng tầm tầm ấy ạ.

- Thu nhập khá quá nhỉ. Các anh gắn bó với công ty là phải rồi.

Chị phóng viên lùi ra, ngắm nghía xung quanh. Anh camera tiến lại, cận cảnh màn hình của tôi và hai người ngồi cạnh. Chúng tôi rê chuột, bấm tạch tạch bận bịu, xếp cái nọ thế chỗ cái kia. Nhoáng nhoàng nhoàng.

- Tạm biệt các anh. Chúc các anh một ngày làm việc hiệu quả.

Chúng tôi giờ mới dám quay mặt nhìn lại. Đoàn người rồng rắn đi sang phòng khác.

Chừng một tiếng sau, sếp tôi trở vào. Thấy chúng tôi vẫn ngồi phăng phắc, ông quàu quạu:

- Sao còn ngồi đây?

- Dạ, chúng em chờ sếp ạ.

- Chờ làm con khỉ gì?

- Chờ giao việc ạ.

- Có chó việc gì mà giao. Thôi, tắt máy, đi về.

- Về? Về thật ạ?

- Tôi thèm đùa à?

Tôi ngậm ngùi ra cổng. Qua cửa phòng giám đốc, tôi nghe tiếng trưởng phòng vọng ra:

- Hôm nay em không nhanh trí ra hiệu thằng Văn nó khai thật ra thì toi. Cái thằng chỉ được mỗi to xác.

- Cậu cấm hé cho mấy đứa nhà báo cơ sở in riêng của anh em mình đấy nhá - Tiếng giám đốc khàn khàn.

- Anh thật. Em có ngu đâu. Hé… hé… Hé…

Truyện ngắn. MINH HẰNG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước